Ở nơi cơn lũ vừa qua

Thứ Ba, 09/11/2010, 16:05
Nước rút, lũ đi, sông Gianh đoạn chảy qua huyện Tuyên Hóa đã lại trở về dáng vóc thường ngày, lặng lờ trôi, êm đềm đẩy đưa những con thuyền mong manh nhỏ xíu. Dòng sông bình thản, loang loáng nắng, như chưa hề có chuyện, mới hôm qua, hôm kia, cuồng loạn thét gào, trong cơn hờn ghen giận dữ của Thủy Tinh bị kẻ khác tranh mất nàng công chúa, dâng nước nhấn chìm bao làng mạc, ruộng nương hai bên bờ.

Dân Quảng Bình bảo, sông ngòi nơi đây cũng mang khí chất của người miền Trung, lành hiền đấy, nhẫn nhịn chịu thương chịu khó đấy, nhưng khi thịnh nộ, hậu họa không biết sẽ xô dạt đến giới hạn nào.

1. Nằm hai bên bờ sông Gianh, dựa lưng vào dải Hoành Sơn hùng tráng, chứng chỉ của một thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ngăn đôi đất nước, xã Thạch Hóa nhỏ như lòng bàn tay con gái. Hai trận lũ dồn dập dội đến vào tháng 10, ào ào xô dạt, làm ngả nghiêng xiêu vẹo những ngôi nhà vốn đã chả lấy gì làm kiên cố của xóm nghèo.

Tuyên Hóa là vùng rốn lũ của Quảng Bình, Thạch Hóa cũng được coi như mắt lũ, hầu như từ thuở khai sáng, chả năm nào thoát khỏi nạn đại hồng thủy. Người Thạch Hóa, giữa những ngày bị bủa vây bởi "giặc" nước, còn truyền tụng nhau ký ức về trận lũ lịch sử năm Giáp Thân 1944.

Chỉ trong một đêm 12 tháng 6, nước cuồn cuộn dội về, cuốn phăng cả làng nghèo tọa lạc bên Cồn Lẻ. Trong tích tắc, 26 nóc nhà, 26 gia đình cùng mấy mươi con người vô tội bỗng dưng biến mất tăm tích, không lưu lại được bất kỳ một dấu vết nào. Hơn 6 thập niên qua đi, những chứng nhấn thuở ấy đều phiêu dạt góc biển chân trời nào, nhưng dư âm về trận lũ để đời vẫn khiến người Thạch Hóa rùng mình mỗi khi nhắc nhớ.

Cồn Lẻ giờ là bãi bồi đặc quánh phù sa, chốn màu mỡ để dân trồng ngô trồng màu phòng bị cho ngày giáp hạt. Người Thạch Hóa canh tác trên bãi đất tử thần, khôn nguôi ám ảnh bởi chuyện xưa tích cũ.

Lực lượng Công an giúp dân sơ tán khỏi vùng lũ bị cô lập ở Nam Đàn- Nghệ An. Ảnh: PV

Dân ở lưu vực sông Gianh quá quen sống chung với lũ. Nhà nào khá giả xây tầng cao, trên đó bao giờ cũng có gian được tích trữ sẵn gạo, nước, mắm, muối, mì chính, cả nồi niêu xoong chảo, củi lửa được chất chồng chu đáo.

Người thành phố bỏ lại sau lưng thời bao cấp khốn khó, phần nhiều đã tẩy chay với mì chính, nhưng canh quê ngày lũ bao giờ cũng phải có món gia vị đánh lừa cảm giác, để dễ bề lùa bát cơm cho thêm phần ngon miệng. Hộ dân nào gia cảnh khó khăn, không đủ điều kiện cất thêm tầng cũng bắt buộc phải làm cái "tra", hay ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh gọi là "chạn", như một dạng gác xép áp mái, làm chốn trú thân khi nước về.

Nước sông Gianh luôn nổi hứng tràn bờ, đêm nằm nghe mưa lâu mưa dai đì đọt trên những tàu cau, người dân đã chực chờ tinh thần để đưa nhau lên "tra" náu mình. "Cái khó ló cái khôn", nhà nghèo không sắm bếp gas bếp dầu, người dân Thạch Hóa và nhiều vùng rốn lũ miền Trung thửa sẵn chậu men cũ, đắp đất cho thành dầy thêm, tự tạo nên một cái bếp dã chiến, đưa lên tra xì xụp nấu nướng trong những ngày đợi nước rút.

Bơ phờ vì mất ngủ dài ngày, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Hóa Cao Xuân Bình vẫn cười mà ghi nhận rằng, không có cái bếp con nhà nghèo ấy, hẳn nhiều người miền Trung sẽ lâm cảnh gặm mì tôm uống nước lạnh dài ngày trên gác nhà dập dềnh nước.

Chấp nhận lũ như lẽ thường tình của cuộc đời, người dân ven bờ sông Gianh, sông Lam, sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Mọ…, đều thuộc nằm lòng điều cốt yếu: Không thể chống được lũ, khi nước đã dội về. Miền Trung quanh năm mưa bão, đến tên những con sông cũng cam phận, đầy chịu thương chịu khó.

Sức người luôn là bấy yếu trước sự tàn phá ngạo ngược của lớp lớp sóng nước bị ức chế lâu ngày. Tưởng quen là thế, hai đợt lũ dồn tháng 10 vẫn là quá ngưỡng chịu đựng của con người. Mọi tài sản chắt chiu dành dụm lâu ngày đã chìm trôi trong bọt nước, con nhà nghèo lại hoàn tay trắng.

Gác "tra" cũng thành thấp so với độ càn lướt dâng trào của nước. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy nước dềnh mỗi lúc một cao, người dân buộc phải dỡ ngói, chui lên mái nhà chực chờ lực lượng Công an, Quân đội đến cứu hộ. Đói, rét lúc này đã không còn là đáng kể so với sự hoảng loạn khi mạng sống chính mình đang bị thủy thần túc trực trêu ngươi, dậm dọa.

Lóp chóp trên những mái ngói sậm màu năm tháng giữa mênh mông biển nước, người dân nghèo chỉ khẩn cầu cho móng nhà đừng vội sụm xuống, khiến cả người cả mọi thứ vật chất xung quanh đều tan biến vào lũ, trôi dạt về phía biển. Số phận con người trong lũ dữ trở nên mỏng mảnh chấp chới hơn bao giờ hết. Áo quần sũng ướt vì túc trực ứng cứu dân, ngâm nước suốt ngày, Thượng tá Lê Quang Quyết, Trưởng Công an huyện Nam Đàn buồn bã: Chưa đầy nửa buổi, nước ở Nam Đàn, Nghệ An đã dâng cao 1,5m, cả vùng xóm thôn rộng lớn chỉ còn nhấp nhô những mái ngói đỏ au trên biển nước đục ngầu.

Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Đại đã vĩnh viễn khép lại ở đợt lũ này, để lại bao giày vò tiếc nuối trong lòng người lớn. Mẹ bỏ đi, bố tật nguyền không nói được, 14 tuổi, học lớp 8, Đại ngày ngày giúp bố, giúp bà ngoại quăng lưới bắt cá. Đang đêm nước lên, không thấy Đại, bố tưởng em sang giúp bà ngoại nên yên tâm chạy lũ. Bà ngoại cũng đinh ninh Đại đang ở nhà cùng bố mình.

Đến khi linh tính bất thường, biết có chuyện chẳng lành, cả bố và bà ngoại Đại nháo nhào đi tìm, mới biết em đã bị dòng nước nhấn. Nhân lúc nước về, cậu gắng nhao ra, định nhân cơ hội kiếm thêm vài mẻ cá, những mong cải thiện bữa cơm gia đình.

Cầm trên tay món quà cứu trợ của Báo Công an nhân dân, chuyên đề An ninh thế giới, được Đại tá - Phó Tổng biên tập Lưu Vinh trao tận tay, khuôn mặt khắc khổ của bố Đại, người đàn ông tật nguyền bất hạnh đẫm nước mắt, những giọt nước mắt xót xa cho một kiếp người. Cả năm tảo tần, làm lụng, cả đời bòn mót tích cóp, đến một ngày thiên nhiên lên tiếng, dỗi giận, tất cả lại trở về con số O tròn trĩnh. Miền Trung năm nào cũng lũ, cái nghèo cái khổ còn đeo đẳng dải đất thắt eo nối hai đầu đất nước không biết đến bao giờ.

2. Hai ngày sau khi nước rút, cuộc sống ở những vùng rốn lũ miền Trung đã dần dà trở về nhịp điệu thường nhật. Đám trẻ con dọc bờ sông Gianh lũ lượt sắp hàng, theo đò ngang sang bên kia sông tới lớp. Buổi sáng sau tai ương, trời cao và xanh dìu dịu, lũ học trò Trường Trung học cơ sở Thạch Hóa xắn quần xắn áo dọn dẹp bùn đất. Học trò lớp 6 vẫn bé như cái kẹo, khuôn mặt lấm lem và nụ cười quá đỗi vô tư, liên tục khúc khích mà nhấn mạnh không sợ lũ, không sợ đò ngang sông Gianh, chỉ sợ sách vở trôi ướt hết rồi, không biết lấy gì tiếp tục đèn sách.

Học trò lớp 6 miền núi Quảng Bình áo vấy mực, gấu quần xoăn như lò xo, tóc lơ thơ râu ngô buộc túm bằng sợi dây chun tạm bợ, tuổi này các bạn gái thành phố đã biết điệu, biết kén cá chọn canh, giày dép áo quần mỗi sớm mai đi học. Chủ tịch xã Thạch Hóa không lo dân thiếu đói, thiếu gạo, thiếu cái mặc cái ăn sau lũ, chỉ bận lòng nhất là chưa biết tính toán sao cho tụi nhỏ có lại sách vở như chúng bạn cùng trang lứa.

Tuyên Hóa là đất học hay miền Trung cơ cực quá mà con người phải rèn ý chí, cắm mặt vào học với khát vọng chắp thêm đôi cánh để bay xa, để kiếm tìm cơ hội đậu lại một phương trời khác. Trường mầm non bị nước cuốn phăng toàn bộ tài sản, dụng cụ dạy và học của cả cô cả trò, giờ trường chỉ còn những xác phòng học ngổn ngang, vẹo vọ. Những đứa trẻ lên 5 lên 3 chưa thể trở lại lớp, vì sự an toàn đang được kiểm định chỉn chu trong những phòng học trống trơn bị ngâm nước lâu ngày.

Sông Gianh nằm trọn trong lòng tỉnh Quảng Bình có hàng trăm bến đò ngang nối hai bờ Nam, Bắc. 10 phút chèo tay trong ngày mưa thuận gió hòa là từ bờ bên này sang tới bờ bên kia của con sông đong đầy ký ức lịch sử. Trong quá khứ, người Nam người Bắc đã phải mất cả trăm năm mới nối được những cách ngăn dựng lên từ thời Trịnh Nguyễn.

Riêng xã Thạch Hóa có khoảng 7, 8 bến đò ngang, phương tiện lưu thông duy nhất của hàng trăm hộ dân trong cả vùng núi rừng kỳ vĩ. Chính quyền xã đã phát áo phao cho học trò và người lớn ngừa khi bất trắc, nhưng con đò hơn cả thô sơ luôn là quá chông chênh giữa dòng nước lúc nào cũng có thể nổi cơn giận giữ.

Chuyến đò định mệnh sáng ngày 30 Tết Kỷ Sửu, cũng ngang sông Gianh thuộc xã Quảng Hải, Quảng Trạch tròng trành rồi lật úp, khiến chừng 40 người chết đuối đã thành dĩ vãng, người sông Gianh nhớ thì nhớ đấy nhưng vẫn phải tặc lưỡi mà làm ngơ. Không đi đò ngang thì biết lấy gì qua lại, chẳng nhẽ tự cô lập mình với toàn bộ thế giới xung quanh.

Bố mẹ đôi khi cũng ớn lạnh sống lưng khi ngày nước lên, con vẫn quyết chí đòi đi học, đòi được tới trường, được vui vầy cùng chúng bạn. Những đứa trẻ sau lũ, lích chích chân sáo, không túi cặp, không sách giáo khoa, chỉ một hai quyển vở dùng tạm cho cả mấy môn học, xuống đò tới lớp, kiếm lấy con chữ, trong cái chờn rợn của người lớn đang dõi theo.

Lũ qua đi, xác xơ ở lại, nỗi nhọc nhằn hằn thêm trên gương mặt người lớn, chỉ riêng lũ trẻ con là vẫn hồn nhiên, vẫn cười đùa gạt đi lớp bùn đất dày hàng tấc, làm phong quang trường học. Sau lũ, học trò miền Trung chân không tay không tới trường, chỉ niềm ham học là vẫn vẹn nguyên bất chấp sự nghiệt ngã thiên tai luôn bủa vây mảnh đất quê nhà

Chung Công
.
.