Nước Nga mới thế giới mới

Thứ Sáu, 21/03/2008, 08:00
Ông Dmitri Medvedev, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga ngày 2/3 và tới ngày 7/5 sẽ chính thức nhậm chức, tin tưởng rằng, trên cương vị mới, ông sẽ mang lại lợi ích thỏa đáng cho Tổ quốc mình cùng với ông Vladimir Putin, lúc đó cũng ở cương vị mới là Thủ tướng LB Nga.

Tuy nhiên, đúng như một câu ngạn ngữ Nga đã nói, chổi mới luôn quét theo kiểu mới. Một gương mặt mới trong Điện Kremli tất yếu sẽ dẫn tới những sự đổi mới ở nước Nga mặc dầu  đó sẽ là một tiến trình đổi mới trên cơ sở kế thừa những thành tựu cũ. Và thực tế đã cho thấy, một nước Nga đổi mới tất yếu sẽ buộc thế giới cũng phải có những thay đổi thích ứng.

Được tin cậy mới thành công

Thành công của ông Medvedev trong cuộc bầu cử ngày 2/3 đã được đoán định trước. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự kiện này là mối quan hệ đặc biệt giữa ông và ông Vladimir Putin. Hai người đã biết nhau quá lâu và cùng trải qua đủ các tình huống để có thể tuyệt đối tin tưởng ở nhau. Ông Medvedev viết về sự làm quen của ông với ông Putin như sau:

"Tôi lúc đó vừa làm cố vấn của Chủ tịch Xôviết Leningrad vừa giảng dạy trong trường đại học. Đó là năm 1990… Một hôm bất ngờ vang lên hồi chuông điện thoại gọi về nhà. Người gọi đến là đàn ông, tự xưng danh là Vladimir Putin và bảo, ông ấy cần gặp tôi để bàn tới việc có thể cùng làm việc với nhau… Chúng tôi gặp nhau và nói với nhau về chuyện Chủ tịch Xôviết Leningrad Anatoly Sobtchak có một loạt những ý tưởng về việc, cần thành lập bộ máy của mình thế nào cho đúng.

Sau đó vài ngày Vladimir Putin bắt đầu làm việc. Và chúng tôi đã làm việc như thế khoảng một năm. Ông Putin là người  rất giàu kinh nghiệm, rất nghiêm túc. Tôi khi đó mới 24 tuổi và tôi còn chưa được chuẩn bị như ông". Theo lời ông Medvedev, hai người đã bắt đầu cộng tác với nhau trong một giai đoạn "cực kỳ phức tạp… Lúc đó Liên bang Xôviết vẫn tồn tại, có nhiều vấn đề gay cấn trong việc cung cấp cho thành phố thực phẩm, nhiên liệu, có cả các vấn đề trong lĩnh vực chính trị - đang diễn ra sự đổ vỡ trong hệ thống chính trị cũ… Đó đã là một công việc thú vị và không hề giản đơn".

Những ngày tháng cùng làm việc ở Leningrad đã giúp cho ông Putin tìm thấy một đồng minh, đồng chí chắc chắn, đáng tin cậy. Và chính vì thế nên khi chuyển về làm việc ở Moskva trên những cương vị ngày một quan trọng, ông Putin đã nhớ ngay tới ông Medvedev. Vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Putin đã mời ông Medvedev làm Phó Chánh Văn phòng Chính phủ. Rồi khi ông Putin phải ra tranh cử, ông Medvedev lại được mời lãnh đạo bộ máy vận động bầu cử của ông Putin.

Mùa hè 2000, khi ông Putin ngồi vững trên thế Tổng thống rồi, ông Medvedev được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Gazprom, thay cho ông Victor Chernomyrdin, cựu Thủ tướng, sáng lập viên thực tế của tổ hợp dầu mỏ hùng hậu này. Chính ông Medvedev đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra cơ chế tự do hóa thị trường cổ phiếu của  tổ hợp này và bước phát triển nhảy vọt trong quá trình tư bản hóa của Gazprom.

Sau ba năm làm Phó Chánh Văn phòng Tổng thống, tới cuối năm 2003, ông Medvedev đã trở thành người đứng đầu cơ quan đầy quyền lực này, một dạng "chính phủ song song" trong hệ thống chính quyền ở Nga. Tháng 11/2005, ông Medvedev bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn trên chính trường công khai, khi ông chuyển từ Điện Kremli sang "Nhà Trắng" Moskva làm Phó Thủ tướng thứ nhất, chịu trách nhiệm về việc triển khai các dự án quốc gia, những chương trình tập trung dự trữ ngân sách trong bốn lĩnh vực (nông nghiệp, giáo dục, y tế và xây dựng nhà ở).

Trên cương vị này, ông Medvedev không chỉ có nhiều dịp tiến hành hội họp mà còn tới thăm các nông trại, hiểu biết sâu hơn đời sống người dân, tự mình rán trứng ốp lếp trên cái bếp ga mới được cung cấp khí đốt ở vùng hẻo lánh,  trang bị cho các trường phổ thông máy tính và bàn giao các xe cấp cứu cho bệnh viện… Tóm lại, ông đã có điều kiện được thể hiện mình như một người con của nhân dân, gần gũi với đời thường và hết lòng yêu thương những ai khốn khó…

Ông Putin đã có con mắt xanh khi chọn ông Medvedev làm ứng cử viên Tổng thống đại diện cho mình. Và lời đề nghị đầu tiên của ông Medvedev khi trả lời về những việc mà ông định làm nếu đắc cử là, đề nghị ông Putin, khi hết nhiệm kỳ thứ hai làm Tổng thống rồi, sẽ trở thành Thủ tướng. Ông Putin đã không từ chối đề nghị này. --PageBreak--

Sau khi hay tin mình đắc cử, ông Medvedev đã tuyên bố ngay rằng, từ nay tới ngày chính thức nhậm chức, ông sẽ tập trung sức lực vào việc thành lập bộ máy của Tổng thống, "cũng hoạt động hiệu quả như bộ máy trước". Ông Medvedev không chỉ một lần khẳng định là, con đường sắp tới của nước Nga vẫn sẽ là con đường mà nước Nga đã đi trong 8 năm qua dưới sự chèo lái của ông Putin. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ những bài phát biểu vận động bầu cử của ông Medvedev, có thể thấy rõ những xu hướng mới mẻ trong cách hành xử của Moskva một khi ông Medvedev lên làm chủ Điện Kremli.

Đối thoại cởi mở trong nước

Ông Medvedev là người coi trọng quá trình đối thoại công dân cởi mở trong những nỗ lực cải thiện mô hình xã hội hướng tới dân chủ. Theo ông, trong những năm 90 của thế kỷ trước, nước Nga đã phải trải qua những thử thách nặng nề, nhưng dù đã vấp phải vô số sai lầm, dẫn tới việc bần cùng hóa khá sâu rộng không ít tầng lớp dân cư và đánh mất nhiều chuẩn mực đạo đức, nhưng cái được nhất là vẫn gìn giữ được nước Nga như một tổng thể thống nhất.

Ông Medvedev cho rằng, thành tựu này là của chung chính quyền cũng như của hình thái xã hội công dân. Những định chế dân chủ ở nước Nga đã chứng minh được sức sống và độ hữu dụng lớn của nó. Ông Medvedev cho rằng, những giá trị toàn cầu căn bản mà trong đó có sự phồn vinh và trách nhiệm xã hội trước con người, quyền tự do và nhân phẩm công dân, trong nhiều năm liền được cố gắng kết hợp hài hòa với các đặc thù dân tộc Nga la tư.

Và theo ông, "ngày hôm nay chúng ta đang tiến lại gần hơn bao giờ hết tới phương án giải quyết nhiệm vụ này. Nhìn từ một góc độ, chúng ta đã quay trở về với truyền thống cũ, những giá trị tinh thần vốn có. Nhìn từ góc độ khác, chúng ta có kinh nghiệm riêng của cuộc sống trong điều kiện dân chủ, dẫu cũng ẩn chứa mâu thuẫn".

Ông Medvedev cho rằng, phương án hợp lý là khi cả ở chính quyền lẫn xã hội đều tồn tại một cách hài hòa những trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau: "Chúng ta cần hướng tới một mô hình xã hội như thế, một xã hội dựa trên thỏa thuận xã hội giữa chính quyền và xã hội, trên cơ sở thỏa thuận tạo ra những trách nhiệm tương hỗ và làm nảy sinh một trách nhiệm đầy đủ của chính quyền trước nhân dân".

Và trong bối cảnh đó, theo ông Medvedev, các tổ chức phi chính phủ không được kích động những hoạt động chống lại chính quyền mà phải phối hợp với chính quyền để bảo vệ quyền tự do của các công dân.

Ông nói: "Có hai quan điểm, hai con đường có thể đi dành cho các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Một con đường sỏi đá, khi các tổ chức đó ở thế đối lập, luôn muốn đọ sức với nhà nước. Và con đường thứ hai là, một công việc thực tế, mệt nhọc cùng người dân để bảo vệ các quyền công dân của họ. Chính con đường này tôi thấy có triển vọng nhất nhưng cũng phức tạp nhất".

Theo ông Medvedev, xã hội công dân là một yếu tố quan trọng trong đời sống chính trị. "Hơn thế nữa, một xã hội công dân mang tính xây dựng, mà giờ đang diễn ra quá trình bồi đắp nó, đã có ở Nga trong tương lai phải trở thành kết quả của sự phát triển ổn định và văn minh của chúng ta. Đó là một trong những  kết luận quan trọng nhất của thời gian gần đây".

Hợp tác rộng rãi với bên ngoài

Theo ông Medvedev, nước Nga sẽ phát triển như một quốc gia mở cửa đối thoại và hợp tác rộng rãi với cộng đồng quốc tế. Ông nhấn mạnh: "Việc chúng ta không cắt đứt quan hệ với những quốc gia có vấn đề, khiến thế giới phải nảy sinh những cảm xúc không dễ chịu - cũng là một trách nhiệm của chúng ta. Điều kém hiệu quả nhất là cắt đứt các mối quan hệ đó và chuyển sang… ném bom".

Cũng theo lời ông Medvedev, nếu ông là Tổng thống, quan điểm của nước Nga về các vấn đề quốc tế sẽ hoàn toàn thích ứng với các chuẩn mực thế giới.Trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử và bầu cử Tổng thống ở Nga, đã xảy ra nhiều xung đột quan trọng giữa Moskva và phương Tây.

Tuy nhiên, cả ông Medvedev lẫn ông Putin đều không một lần lên tiếng phát biểu quan điểm của mình về những chuyện đó. Các nhà quan sát cho rằng, điều này có nghĩa là đường lối đối ngoại của Moskva trong thời gian tới về cơ bản vẫn theo đuổi những mục tiêu cũ: khẳng định ngày một vững chãi hơn vị thế nổi bật của nước Nga và những khoảng cách đã có giữa Moskva với các quốc gia vẫn được duy trì như khi ông Putin còn làm Tổng thống.

Việc ông Medvedev sẽ là vị Tổng thống sắp tới của nước Nga nhìn chung đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy đã là vị Nguyên thủ quốc gia đầu tiên chúc mừng ông Medvedev. Ông Sarkozy cũng mời ông Medvedev sang thăm chính thức nước Pháp trong một tương lai gần nhất. Đại diện của Mỹ, Đức, Anh… đều ngỏ ý sẵn sàng làm việc với ông Medvedev trên cương vị mới "vì lợi ích song phương"

Tuấn Phương
.
.