Nội các mới ở Nga: Mới không nới cũ

Thứ Sáu, 01/06/2012, 15:05
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ hai đầu tuần 21/5 đã thông qua danh sách nội các mới  do cựu Tổng thống và nay là tân Thủ tướng Dmitry Medvedev đệ trình. Trong đội hình này, đúng như ông Medvedev đã tuyên bố với báo chí, có tới ba phần tư số người là những  gương mặt mới. Tuy nhiên, một số vị trí quan trọng vẫn được giữ nguyên cho các chính trị gia giàu kinh nghiệm và đắc dụng.

Đội hình đa dạng

Nội các do ông Medvedev đứng đầu là chính phủ thứ 12 kể từ khi LB Nga được lập lại sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Thủ tướng mới có 7 người làm cấp phó và 21 vị Bộ trưởng dưới quyền (trước đây, khi ông Putin làm Thủ tướng, nội các Nga chỉ đã có 7 Phó Thủ tướng). Hai gương mặt mới được đề bạt làm Phó Thủ tướng có cựu trợ lý Tổng thống Arkadi Dvorkovich và nữ cựu Phó Thị trưởng Moskva về phát triển xã hội Olga Golodets. 5 Phó Thủ tướng còn lại đều là những người tái nhiệm: Vladislav Surkov, Igor Shuvalov (ông này hiện nay là Phó Thủ tướng thứ nhất duy nhất, trong khi ở nội các tiền nhiệm có tới 2 Phó Thủ tướng Thứ nhất), Dmitri Kozak, Aleksandr Khloponin, Dmitri Rogozin. Phó Thủ tướng Surkov, như dư luận đã dự đoán, còn kiêm luôn cả chức Chánh Văn phòng Thủ tướng. Đây là một chính trị gia được đánh giá là rất lão luyện và có triển vọng lớn trong tương lai…

Trong số các vị Bộ trưởng mới của nội các Nga, rất đáng chú ý là Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev. Ông này sinh năm 1961, trước đó từng là chỉ huy trưởng lực lượng nội vụ Moskva trong giai đoạn từ tháng 3 năm 2011, mang quân hàm trung tướng. Bộ trưởng Kolokoltsev sinh ra trong một gia đình công nhân tại tỉnh Penza và đã gia nhập quân đội năm 1979. Ông từng phục vụ trong lực lượng biên phòng ở khu vực biên giới giáp với Afghanistan rồi gia nhập lực lượng nội vụ từ năm 1982. Từ năm 1984, Kolokoltsev bắt đầu hoạt động trong các đơn vị cảnh sát tuần tra ở Moskva và dần dà trưởng thành. Năm 1985, ông được đưa đi học tại Trường Sĩ quan chính trị cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô và tốt nghiệp trường này năm 1989.

Trở về Moskva, Kolokoltsev bắt đầu làm việc trong các đơn vị điều tra hình sự và tới đầu năm 1993 đã là chỉ huy phòng cảnh sát 108 Moskva… Tới đầu năm 2007, Kolokoltsev đã được đưa xuống tỉnh Orlov làm lãnh đạo cơ quan nội vụ ở đây. Chính trong giai đoạn công tác đó tại địa phương, ông đã phát hiện ra những vụ vi phạm pháp luật của một số quan chức cao cấp ở đó.

Nhờ những thành tích như thế nên Kolokoltsev tới tháng 4/2009 lại được đưa về Moskva làm Phó Cục trưởng thứ nhất Cục Hình sự Bộ Nội vụ Nga. Tới ngày 7/9/2009, ông được Tổng thống Nga cử làm Giám đốc Cơ quan Nội vụ Moskva sau khi người tiền nhiệm bị cách chức vì để xảy ra một số vụ bê bối của thuộc cấp, khiến dư luận xã hội bất bình. Từ vị trí đó, ông càng lọt vào “mắt xanh”  của Điện Kremli sâu hơn và trở thành Bộ trưởng Nội vụ mới của nước Nga.

Dmitry Medvedev, Anatoli Serduykov, Vladimir Kolokoltsev, Sergey Lavrov.

Trung tướng Kolokoltsev nhận học vị TS Luật năm 2005 với luận án theo đề tài “Bảo vệ quyền lợi nhà nước Nga trong bối cảnh của luận điểm về an ninh quốc gia”…

Theo bản kê khai thu nhập, năm 2009, ông Kolokoltsev đã làm ra được khoảng 1,4 triệu rub. Gia đình ông sở hữu hai miếng đất, hai ngôi nhà, hai căn hộ, một garage, một xe hơi Toyota và một xe máy. Ông có  hai người con. Con trai cả  sinh năm 1984, từng là cảnh sát nhưng nay chuyển sang làm doanh nhân. Con gái út của ông sinh năm 1988, từng tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva và hiện đang làm nhà báo…

Bộ trưởng Nội vụ Kolokotsev rất thích hội họa và từng vẽ nhiều tranh cho tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Về sau,  ông thôi vẽ vì thiếu thời gian…

Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Kolokoltsev trong bài trả lời phỏng vấn báo Izvestia ngày 24/5 đã nhấn mạnh: “Nếu chúng ta đòi hỏi các công dân phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật thì chính bản thân chúng ta cũng phải cực kỳ nghiêm chỉnh”. Ông tuyên bố rằng ông sẽ  chỉ làm việc với những ai lương thiện và sẽ làm sạch hệ thống khỏi những người không thể thực thi trách nhiệm một cách chuyên nghiệp. Bộ trưởng Kolokoltsev cũng tuyên bố rằng ông không chuộng những “vị tướng văn phòng”.

Tổng thống Putin đã tham dự lễ ra mắt của Bộ trưởng Kolokoltsev tại Bộ Nội vụ. Ông Putin đã phát biểu: “Đây là một lãnh đạo có tính chuyên nghiệp cao, lương thiện, tận tụy với công việc…”.

Cũng phải nói thêm rằng, người tiền nhiệm của ông Kolokoltsev, cựu Bộ trưởng Nội vụ Nga Rashid Nurgaliev, không phải thất nghiệp sau khi rời khỏi chức vụ này vì đã được Tổng thống Putin chuyển sang làm Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nòng cốt là sức mạnh

Trong nội các mới của Thủ tướng Medvedev, điều bất ngờ lớn nhất là việc ông Anatoly Serduykov vẫn tiếp tục ở lại làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga xuất hiện không ít tin tức về việc ông Serduykov đã tự xin thôi chức để làm việc trong lĩnh vực tài chính. Sinh năm 1962, ông Serduykov đã tốt nghiệp Trường Đại học  Thương  mại Moskva năm 1984 và trước đây hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại. Thậm chí ông còn bằng TS Thương mại từ năm 2006. Năm 2004, ông được đưa lên làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế LB Nga. Và bất ngờ tháng 1/2007, ông đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Trên cương vị đó, ông đã bắt đầu tiến hành một cuộc cải cách quân đội khá rộng lớn: cắt giảm quân số các lực lượng vũ trang, giảm số lượng sĩ quan trong lục quân và hải quân, thay đổi cơ cấu điều hành các lực lượng vũ trang từ bốn cấp (quân khu, quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn) xuống còn ba cấp (quân khu, bộ chỉ huy chiến thuật và lữ đoàn). Trong quá trình cải cách, trong đội hình các lực lượng vũ trang chỉ có một số đơn vị mới phải duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu…

Trong thời gian qua, giữa Bộ trưởng Serduykov với một số tướng lĩnh trong quân đội Nga đã nảy sinh những đụng độ nhất định khi ông tiến hành những cải cách nhằm làm giảm bớt các lãng phí trong tài chính quân sự… Tổng thống Putin lý giải việc giữ ông Serduykov lại làm Bộ trưởng Quốc phòng là vì cần một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm về kinh tế và tài chính trong điều kiện tiến hành trang bị lại cho các lực lượng vũ trang Nga với những chi phí khổng lồ…

Bộ trưởng Serduykov là con rể của ông Victor Zubkov, nguyên Phó Thủ tướng thứ nhất trong nội các cũ của ông Putin…

Một gương mặt cũ khác trong nội các mới là Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov. Đây là một nhà ngoại giao lão luyện, sinh năm 1950, từng nhiều năm làm đại diện của Moskva ở trụ sở LHQ tại New York. Bộ trưởng Lavrov từng tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva và về sau đã viết lời cho bài hát truyền thống của học đường danh giá này…

Trong nội các của ông Medvedev còn có ba vị Bộ trưởng cũ nữa là ông Anton Siluanov (Bộ Tài chính), ông Aleksandr Konovalov (Bộ Tư pháp) và ông Vitali Mutko (Bộ Thể thao).

7 nhiệm vụ chính

Thủ tướng Medvedev đã đặt ra trước nội các mới 7 nhiệm vụ then chốt hàng đầu cần thực hiện trong nửa năm tiếp theo, để theo đó, như lời ông nói, “sẽ đánh giá đường lối thực tế chứ không phải trên giấy của chính phủ”. Nhiệm vụ đầu tiên là phải thông qua được một hệ thống chính yếu các chương trình phát triển đất nước mà trong đó có 5 chương trình phải được khởi động từ ngày 1/1/2013.

Thủ tướng Medvedev đã nêu rõ rằng, một trong những chương trình trọng điểm này là chương trình dân số. Nước Nga trong những năm gần đây bị suy giảm tỉ lệ sinh con nên chính quyền rất lo lắng về vấn đề này… Nhiệm vụ thứ hai mà Thủ tướng Medvedev đã đặt ra là: xây dựng dự án ngân sách cho ba năm từ 2013 tới 2015 để trình Quốc hội. Trong dự án này phải nêu rõ ranh giới chi phí tối đa của ngân sách.

Nhiệm vụ thứ tư được đặt ra là nâng mức lương cho những người hưởng lương từ ngân sách theo đúng những quyết định đã được thông qua. Những quyết định đã được thông qua trong các lĩnh vực khác, thí dụ như bản đồ hệ thống giao thông, cũng cần được thực hiện và nằm trong nội dung của nhiệm vụ thứ tư.

Thủ tướng Medvedev cũng kêu gọi tích cực hơn nữa trong việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, kể cả tiến hành việc tổ chức thi tuyển vào các chức vụ trong các cơ quan hành pháp.

Nhiệm vụ thứ sáu mà Thủ tướng Medvedev đặt ra cho nội các của mình là thực hiện cổ phần hóa một phần các công ty nhà nước theo lịch trình đã được duyệt.

Ngoài ra, Thủ tướng Medvedev còn kêu gọi đảm bảo các thảo luận thường xuyên các dự án quyết định của chính phủ trong khuôn khổ các hội đồng xã hội mà tất cả các cơ quan hành pháp các cấp đều cần phải thành lập

Nguyễn Trung Tín
.
.