Những người Đức muốn làm thánh chiến

Thứ Sáu, 06/11/2009, 15:24

Theo số liệu do cơ quan an ninh CHLB Đức công bố ngày 19/9/2009, từ tháng Giêng năm nay đã có ít nhất 30 công dân Đức tham gia các đợt đào tạo tại các trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan. 10 người trong số đó đã tìm được đường trở về tổ quốc để mưu toan tiến hành các đợt tấn công nhằm vào châu Âu.

Chính quyền CHLB Đức đã nâng mức báo động khủng bố lên cao hơn sau việc Al Qeada trước cuộc bầu cử vừa qua tung lên mạng Internet băng video đe dọa sẽ tiến hành các vụ khủng bố nếu lực lượng thắng cử không rút các đơn vị quân đội Đức ra khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiểm họa lớn nhất đối với Berlin trong thời điểm hiện tại lại là hai nhóm cực đoan Uzbekistan "Phong trào Hồi giáo Uzbekistan" (IDU) và "Liên minh Thánh chiến", tổ chức mới tách ra khỏi IDU vào đầu những năm 2000, vì chính những nhóm này đã tiến hành tuyển mộ người Đức làm tay sai cho chúng.

Những phiên tòa và những vụ bắt bớ mới đây cho thấy, tại Đức hiện nay có những phần tử chuyên dụ dỗ các công dân của nước này tới các trại huấn luyện khủng bố ở khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.

Những kẻ tuyển mộ

Trước cuộc bầu cử vừa qua ở Đức trên mạng Internet đã xuất hiện 5 đoạn băng video của Al Qeada và những nhóm cực đoan Hồi giáo khác gửi tới những tín đồ đạo Hồi ở Đức. Trong số này, theo báo Der Spiegel, có lời kêu gọi của tổ chức IDU, được tung ra vào hồi đầu tháng 10/2009. Một trong những gương mặt xuất hiện trong đoạn băng video đó là Mounir Chouka, bí danh là Abu Adam, quốc tịch Đức, sinh ra ở Bonn. Đưa ra những lời mời tới trại huấn luyện ở Nam Waziristan, Abu Adam đã ca tụng địa danh này như một tâm điểm nghỉ dưỡng trong các videoclip quảng cáo thời thượng: tại đó có các bệnh viện, các trường học, lại ở cách xa những vùng chiến sự…

Trong đoạn băng video có hình ảnh những ngôi nhà trong núi, những người phụ nữ mặc y phục dân tộc màu xanh với đàn con nhỏ vây quanh và cô bé gái cầm súng trên tay… Đó là một nơi trên vùng giáp ranh giữa Afghanistan với Pakistan, nằm dưới quyền kiểm soát của những bộ tộc Pashtun. Mặc dù IDU, bao gồm chủ yếu những người Uzbek, không có được uy danh như Al Qeada nhưng trong thời điểm hiện tại, như các chuyên gia nhận định, lại là cơ chế tuyển mộ tinh binh hùng hậu ở trong khu vực này. Và việc sử dụng phụ nữ và trẻ em làm "mồi câu" đang là thủ pháp mới trong chiến dịch tuyên truyền của chúng. Và, như thực tế cho thấy, không phải là không có hiệu quả.

Một vài tuần trước, Bộ Ngoại giao Đức đã tiến hành thương thảo với Islamabad về số phận của 6 công dân Đức bị sa vào nhà tù Pakistan. Trong số này có một người tên là Andreas M. xuất thân từ Bonn và đã gia nhập đạo Hồi cùng vợ của anh ta là người Eritrea cùng cô con gái 4 tuổi của họ…

Tất cả sáu người này đã làm quen với nhau trong một căn phòng nhỏ ở Bonn rồi rời khỏi Đức vào tháng 3/4  năm 2009 và đi tới vùng của các bộ lạc để tham gia vào cuộc thánh chiến chống lại quân đội Mỹ và quân đội Afghanistan. Hành trình của họ vắt qua Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố Zahedan của Iran. Tại thành phố biên giới này, họ đã lấy taxi để đi tới Pakistan nhưng ở đó họ đã bị cảnh sát Pakistan "tóm sống" và tống vào tù. Trong nhóm những người bị bắt giữ này có một người anh em họ của Abu Adam, kẻ đã xuất hiện trong videoclip tuyển mộ của IDU, mang quốc tịch Đức, người xuất thân từ Libya mang tên Ahmed K.

Phần tử khủng bố Cuneyt Cifci.

Còn một tổ chức nữa đang tiến hành chiến dịch tuyển mộ ráo riết cho "Thánh chiến" ở châu Âu - đó là Liên minh Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad Union). Đây là nhóm cực đoan tách ra khỏi IDU năm  2002 (thủ lĩnh của nhóm này, Nadzhimiddin Kamolitdinovich Dzhapolov mới đây đã bị giết ở Pakistan, cũng như thủ lĩnh IDU  Tahir Yuldashev). Theo nguồn thông tin của các cơ quan an ninh CHLB Đức, tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với Bonn vì chúng vẫn đang tiếp tục công tác tuyển mộ tay sai ở Đức. Các chi tiết về hoạt động này đã được xác minh trong quá trình xét xử vụ án đối với nhóm Sauerland Cell.

Nhóm Sauerland Cell

Nhóm các phần tử Hồi giáo cực đoan Sauerland Cell đã được huấn luyện ở các trung tâm đào tạo của lực lượng khủng bố của Liên minh Thánh chiến Hồi giáo. Chúng đã bị bắt giữ vào tháng 9/2007.

Theo bài tường thuật vụ án diễn ra ở Dusseldorf trên tờ Deutsche Welle, bốn thành viên của nhóm Sauerland đã bị buộc tội tham gia vào việc chuẩn bị các vụ khủng bố. Những gã đàn ông trong nhóm này dự định sẽ tiến hành các vụ khủng bố ở CHLB Đức bằng cách gài mìn làm nổ các xe hơi. Mục tiêu của bọn khủng bố là sân bay Frankfurt trên sông Main, căn cứ quân sự Mỹ Rammstein cũng như các quán bar và vũ trường mà người Mỹ ở Đức hay tới…

Thủ lĩnh của nhóm khủng bố trên, một người Đức tên là Fritz Gelowiz đã thú nhận trước tòa là hắn hoạt động theo lệnh từ Liên minh Thánh chiến Hồi giáo. Trong nhóm này còn có một người Đức theo đạo Hồi nữa tên là Daniel Shnauder, kẻ khi bị bắt giữ đã xả súng vào cảnh sát, và hai công dân Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ: Adem Yilmaz, 30 tuổi, tới Đức năm  1986 và Attila Selec. Ba kẻ đầu tiên bị cảnh sát CHLB Đức tóm gọn khi đang chế những quả bom tự tạo. Còn tên thứ tư bị dẫn độ vì liên đới từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Fritz Gelowiz trước toà đã thú nhận rằng, y cùng Daniel Shnauder và Adem Yilmaz gia nhập trại huấn luyện ở Waziristan sau khi được học tiếng Arab  ở Syria. Tại Damascus, nhóm này đã tìm cách liên hệ với những thế lực có thể đưa chúng tới Iraq nhưng đã không đạt được mục đích. Rồi chúng tìm cách tới Chesnia để tham gia chiến đấu với tinh thần "tử vì đạo".

Theo lời kể của Fritz Gelowiz, y đã cùng Adem Yilmaz bay tới Stambul và ở đó,  y mới biết rằng y sẽ cùng đồng bọn phải tới Waziristan để tham dự khoá huấn luyện đặc biệt của lực lượng khủng bố. Điểm dừng chân cuối cùng của nhóm này là một trại huấn luyện gần thành phố Mir Ali (Bắc Waziristan) trong vùng biên giới Pakistan giáp Afghanistan. Chính tại trại huấn luyện đó, chúng đã quyết định sẽ tiến hành các hoạt động khủng bố ở châu Âu.

Theo lời của Fritz Gelowiz, quy định ở trại huấn luyện đó không cho phép các thành viên tham dự huấn luyện được hỏi nhau, ai là ai và từ đâu tới. Nhóm khủng bố người Đức này đã ở trong trại huấn luyện ba tháng. Trong thời gian đó, chúng đã được dạy cách bắn súng AK, chế tạo và sử dụng các loại chất nổ. Những việc này sẽ phải được sử dụng trong các phi vụ khủng bố ở châu Âu nói chung và ở CHLB Đức nói riêng.

Theo lời của Fritz Gelowiz, "khi đó trong mạng lưới Al Qeada chưa có một người châu Âu nào có thể gây ra những vụ nổ ở châu Âu. Chúng tôi tự nguyện nhận làm việc này vì không còn ai khác nữa" (cần phải nhấn mạnh rằng, Liên minh Thánh chiến Hồi giáo và IDU là những chi nhánh của Al Qeada).

Trở về CHLB Đức, nhóm khủng bố này đã bắt tay ngay vào việc. Chúng đã thu gom đủ các chất để làm 550kg chất nổ. Chúng cũng đã mua được các linh kiện điện tử, các hộp thép không gỉ và đồng hồ đếm giờ… Để có thể an toàn hành sự, chúng đã thuê một căn nhà nghỉ hè ở một trong những làng thuộc vùng Sauerland, nằm ở miền Tây nước Đức. Tuy nhiên, do chúng đã bị theo dõi từ trước nên chưa kịp xoay xở gì chúng đã bị lực lượng an ninh CHLB Đức bắt gọn.

Trả lời câu hỏi ai đã huấn luyện và giao nhiệm vụ cho chúng, những kẻ bị bắt đã nêu tên Liên minh Thánh chiến Hồi giáo hay "Nhóm Uzbekistan" hay "nhóm Ahmed". Một trong những mục tiêu mà nhóm khủng bố này định tấn công là cả Đại sứ quán Uzbekistan ở Berlin. Có lẽ, cả "Nhóm Uzbekistan" lẫn IDU đều nhớ, mục tiêu ban đầu của chúng khi mới được lập ra là phải lật đổ chế độ của Tổng thống Uzbekistan, Islam Karimov…

Vì tội đã dung túng nhóm Sauerland Cell đã có hai phần tử nữa bị kết án: công dân Đức 28 tuổi gốc Afghanistan Omid S và một người đồng niên với y, xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hueseyin Oe. Trước toà, hai tên này đã thú nhận rằng, chúng đã mua ở Đức những dụng cụ nhìn trong đêm và các thấu kính quang học  để chuyển tới các trại huấn luyện ở Waziristan.

Như các phương tiện thông tin đại chúng của Đức viết, các thành viên của nhóm Sauerland Cell không phải là những phần tử duy nhất trong số các công dân Đức bị tuyển mộ tham gia "Thánh chiến quốc tế". Đã từng có tên Cuneyt Cifci, xuất thân từ thành phố Aschbach ở xứ Bavaria đã đánh bom tự sát ở thành phố Khost tại Afghanistan năm 2008. Một công dân Đức khác, sống ở Hess, đã bị chết trong cuộc đấu súng khi tham gia lực lượng Liên minh Thánh chiến Hồi giáo… 

Đầu tháng 10/2009, chính quyền CHLB Đức đã phát hiện ở Hamburg có một nhóm 10 phần tử từng được huấn luyện ở Pakistan.  Trong nhóm này có các công dân Đức xuất thân từ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những người Đức đã cải sang đạo Hồi.

Ngày 7/10/2009, cảnh sát và các nhân viên an ninh Đức đã tiến hành các vụ khám xét 26 địa chỉ ở Kroycberg và Noykelln có người xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ cư trú. Theo một số nguồn tin, trong số hành trang của những người Hồi giáo ở đó có một số lượng lớn đồ hoá trang.  Ba nam giới ở độ tuổi  28, 30 và 36, xuất thân từ Bắc Phi, đã bị tạm giữ để tra hỏi rồi mới được thả ra.

Mặc dù không ai bị giam giữ, nhưng chính quyền CHLB Đức đã khởi tố vụ án mưu sát. Theo tờ Der Spiegel, đó là vụ mưu sát một chính trị gia cấp cao người Nga và thông tin về những kẻ bị tình nghi đã được cảnh sát CHLB Đức nhận được thông qua các kênh an ninh.

Theo cơ quan bảo vệ Hiến pháp CHLB Đức, hiện nay tại Berlin có tới 3.000 phần tử Hồi giáo cực đoan, trong số đó có tới 400 tên sẵn sàng hành sự theo những kịch bản đẫm máu nhất.

Lương Công
.
.