Những mắt lá yêu thương

Thứ Hai, 24/10/2016, 16:02
Trong từng mắt lá nhìn xuống thành phố thân yêu, tôi biết có đôi mắt sâu thẳm của những người mẹ, người chị trong đội quân tóc dài năm xưa đã vượt qua hàng rào đàn áp của địch, tiến về dinh lũy của đối phương.


Thấm thoắt mà đã 30 năm trôi qua, kể từ lần đầu tôi đến Trà Vinh, năm 1986. Năm ấy, tôi mê say ngước nhìn những tán sao cổ thụ bất chấp chuyện đói no thời bình, thả vào bầu trời xanh khúc hoan ca bất tận. Những cổ thụ gốc rễ sần sùi, ao Bà Om, những ngôi chùa Khơ-me khiến Trà Vinh có một vẻ đẹp huyền bí và cổ kính.

Theo tháng năm, Trà Vinh trở nên gần gũi, gắn bó với tôi không chỉ vì những tán sao cổ thụ làm đắm say lòng người, không chỉ vì nơi đó có những người bạn trong sáng, thân thương mà còn có những con người đã dấn thân, anh hùng, yêu thương, uẩn khúc…

Trà Vinh thêm gắn bó, thêm huyền bí, hấp dẫn không chỉ bởi chuyện của những nàng tiên chỉ trong một đêm đã đào nên cái ao huyền thoại, thần kỳ. Trà Vinh thêm giàu có, quyến rũ bởi những con người mà tôi được gặp. Đó là những bảo vật nhân văn sống của một thế kỷ chiến đấu, vinh quang, hy sinh và nước mắt.

Giữa Trà Vinh, ở đền thờ Long Đức, năm 1990 tôi gặp bà má Bùi Thị Chì, người mẹ kiên cường bám trụ, đào hầm nuôi giấu cán bộ. Khi ấy, chiến tranh đã lùi xa 15 năm nhưng những căn hầm quanh nhà mẹ vẫn nguyên vẹn. Mẹ đứng trên miệng hầm, kể chuyện địch đàn áp ngày xưa.

Mẹ không kể công mà nhắc lại nỗi lo sợ, hồi hộp khi sự an toàn của cách mạng chỉ trong gang tấc. Nhiều người con của mẹ đã hy sinh, mẹ dành cho cách mạng cả máu thịt cuộc đời mình. Mẹ đã mất cách đây vài năm, chưa kịp đọc những dòng tôi viết về mẹ. Tôi đã quá chậm để nói lời tri ân mẹ…

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam gặp gỡ thân mật với anh hùng Trần Thị Út (trái).

Không ở đâu có sự gắn bó mật thiết giữa đồng bào Việt Nam và Khơme như ở Trà Vinh. Ngồi giữa Sài Gòn viết những dòng xúc cảm này, tôi ngỡ như tiếng bước chân của đội quân tóc dài năm xưa còn rầm rập trên đường phố Trà Vinh, tiến vào dinh lũy kẻ thù.

Ngày 8-3-1961, chị Hà Thị Nhạn (Minh Kiều) chỉ đạo cuộc đấu tranh hơn 40 ngàn đồng bào Việt - Khơme chống địch ném bom, bắn pháo, gom dân vào ấp chiến lược. Đội quân tóc dài năm ấy góp phần quan trọng, làm rã ngũ từng trung đội ngụy quyền. Những ngôi chùa cũng không thể yên bình. Bom đạn chính quyền Diệm dội xuống chùa Mé Láng khiến 100 sư sãi chết và bị thương. Chùa sập, tượng Phật bị gãy.

Ngày 15-3-1964, hàng ngàn bà con xã Đại An, Trà Vinh khiêng người chết, bị thương ra xã, lên quận phản đối địch ném bom, đòi bồi thường nhân mạng. Hưởng ứng cuộc đấu tranh, đồng bào thị xã Trà Vinh nhập vào đoàn biểu tình, lên đến hơn 30 ngàn người. 

Mặc cho địch đàn áp, đội quân tóc dài cứ tiến lên, vừa đi vừa kêu gọi binh lính đồng tình với nhân dân. Hơn 300 lính ngụy rã ngũ, về với đồng bào. Trước sức mạnh chính nghĩa của đoàn đấu tranh, chính quyền Diệm buộc phải chi ra 1 triệu đồng bồi thường cho nạn nhân, phải chở gạch ngói xây dựng lại chùa Mé Láng…

Đội quân tóc dài đã trở thành một phần của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, như ghi nhận của nhà văn Ma-đơ-len Rip-phô, khi bà vượt qua rất nhiều rào cản, tìm đến cánh rừng miền Đông Nam Bộ, để tận mắt chứng kiến và khẳng định: “…Quả là ở miền Nam Việt Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ không súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng một vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó chính là “đội quân tóc dài”, tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ”.

Một trong hàng triệu nữ chiến sĩ của đội quân tóc dài được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang là mẹ Thạch Thị Thanh. Bà mẹ Khơme ở Cầu Kè ấy đã tham gia hơn 400 cuộc đấu tranh. Sau Hiệp định Genève, mẹ đã cùng chồng con đào hầm bí mật, nuôi cán bộ, du kích. Đó cũng là người chiến sĩ tiên phong trong đội quân tóc dài, dùng những bước chân của mình đo nơi địch đóng quân đặt súng tại chùa Ô Mịch, bắt thanh niên Khơme đi lính.

Nhờ những bước chân chính xác của mẹ mà du kích đánh thắng ổ đóng quân của địch tại chùa. Trả thù thất bại, địch ném bom đánh sập chùa Ô Mịch. Mẹ Thanh lượm từng mảnh tượng Phật bị gãy, cùng người dân Cầu Kè đi đấu tranh. Không chịu nổi cảnh địch đóng quân làm ô uế ngôi chùa, mẹ cùng đồng bào quyết liệt khiêng bức tượng Phật còn lại ra khỏi chùa, trước sự bất lực của địch.

4 lần bị địch bắt giam, 3 lần bị giặc bắn và bị thương, một lần bị giặc trấn nước suốt ngày…, mẹ vẫn kiên cường đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Mẹ chắt chiu từng hạt lúa củ khoai cho bộ đội đánh giặc, đưa tiễn cả hai người con thân yêu ra trận. Người mẹ Khơme ấy đã băng qua đạn bom ác liệt, chở du kích qua sông đánh địch.

Trên đường trở về, địch điên cuồng ném bom vào chiếc xuồng “tiếp tế cộng sản”, mẹ anh dũng hy sinh vào ngày 12-7-1972. Ngày nay, ở TP Hồ Chí Minh có con đường mang tên mẹ…

Mảnh đất Trà Vinh đã thấm máu của những người con gái đẹp tuổi đời còn rất trẻ như Tô Thị Huỳnh. Cô trong đội du kích Lương Hòa, gồm 5 thiếu nữ Việt, 4 thiếu nữ Khơme. Khởi đầu bằng “cây mút nhét” tự tạo, không có hộp đạn, Huỳnh đã tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 170 trận, diệt 400 tên địch.

Trong Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam, cô du kích trẻ Tô Thị Huỳnh 19 tuổi đã làm cả hội trường bừng lên niềm thán phục. Cô gái trẻ ấy thản nhiên đánh giặc rồi thản nhiên về ăn cháo gà, bởi cô được nhân dân yêu thương, che chở. Dự Đại hội năm ấy Huỳnh đã đánh được 105 trận. Và cô đã anh dũng hy sinh trong trận đánh thứ 170, được truy tặng anh hùng ở tuổi còn rất trẻ.

Tên đất Trà Vinh còn ghi dấu trong lòng các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam qua tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi. Cũng trong Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam, chị Nguyễn Thị Út (Út Tịch) - người mẹ 6 con cầm súng với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh” đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm.

Người phụ nữ anh hùng ấy là một nông dân chân chất, mộc mạc. Đi đánh chiếm đồn địch, thu gom được chiến lợi phẩm, chị nộp hết cho cấp trên, chỉ nhận phần cây phảng về phát ruộng nuôi con. Chị Út Tịch nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả những miền đất xa xôi trên thế giới. Họa sĩ Chihiro Iwasaki đã vẽ tranh minh họa cho Người mẹ cầm súng.

Tranh vẽ mẹ con chị Út Tịch của nữ họa sĩ Nhật Bản Chihiro Iwasaki.

Khi nữ họa sĩ Chihiro Iwasaki mất, bảo tàng mang tên bà sau mấy mươi năm vẫn tìm cách kết nối về Trà Vinh, thăm hỏi, chia sẻ các con chị Út Tịch. Năm 2008, gia đình họa sĩ Chihiro Iwasaki, quỹ tưởng nhớ Chihiro Iwasaki, Bảo tàng Mỹ thuật Chihiro Iwasaki đã giúp đỡ Nhà xuất bản Phụ nữ in quyển sách Mẹ vắng nhà, với tranh minh họa từ nỗi đồng cảm với mẹ con chị Út Tịch của bà Chihiro Iwasaki…

Dọc ngang sông nước miền Tây là một người phụ nữ đôn hậu mang tên Đặng Thị Đê (Sáu Đê). Sau Hiệp định Genève, tình hình cách mạng miền Nam vô cùng căng thẳng. 

Sáu Đê nhận nhiệm vụ Khu ủy khu Tây Nam Bộ về phụ trách Ban giao thông của Khu ủy. Đôi vai người phụ nữ Nam Bộ bé nhỏ ấy trĩu nặng khi gánh lấy trách nhiệm lãnh đạo Ban giao thông công khai, bảo đảm đường dây liên lạc từ Trung Ương cục đến 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Bà về Trà Vinh móc nối với số chị em thoát ly mà bà đã tổ chức từ trước. Từ đó, với đôi tay gầy, con thuyền mảnh đối mặt với sóng gió, Sáu Đê rong ruổi hết đoạn sông này đến dòng sông khác, hết con kênh này xuyên cánh rừng kia; bền bỉ, kiên trì nối liền mạch máu cách mạng, trong mọi tình huống, quyết không để đường dây bị cắt đứt.

Lộ trình từ cửa biển Vị Thanh đến Long Xuyên, mỗi tháng bà phải lui tới ít nhất ba lần. Ba lần liên lạc là 6 chuyến đi về, qua bao đồn bốt, trạm gác của địch, là đối mặt với biết bao gian khổ, khó khăn, nguy hiểm, sự sống và cái chết có khi chỉ trong gang tấc. Nhưng bà đã lập nên những kỳ tích thật đáng khâm phục.

Cho đến Tết năm 1959, cơ quan giao thông của Sáu Đê đã có đến 12 chiếc ghe với 24 người phụ trách. Sau đó, bà được chỉ thị của Khu ủy: đưa toàn bộ cơ sở của bà ra công khai, tạo điều kiện hoạt động hợp pháp. Khi chính quyền Diệm ban hành luật 10/59, đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật; nhiệm vụ đó đối với bà thật nặng nề.

Một lần nữa, Sáu Đê đã đưa được đường dây giao liên ra công khai một cách an toàn. Bằng cách giấu tài liệu trong ruột xe đạp, dùng dây thun quấn chặt một đầu, cột chặt đầu còn lại rồi đem đóng chặt phía dưới lườn ghe, đường dây giao liên công khai của Sáu Đê nhiều lần qua mắt địch. Không chỉ mang tài liệu, bà còn phụ trách vận chuyển vũ khí cho Khu ủy bằng xuồng ghe, qua nhiều đồn bốt giặc...

Làm sao tôi quên được bà mẹ Dương Thị Nhứt - cơ sở cách mạng từ năm 1930, có 30 con cháu là đảng viên. Nhiều đứa con, đứa cháu của mẹ đã vĩnh viễn không trở về. Không hẹn mà những sáng tác đầu tiên của tôi bắt nguồn từ Trà Vinh. Vườn đào năm ấy nay đâu còn có cô Chăn-thy lỡ làng duyên phận được viết từ cuộc đời một người mẹ Khơme ở Trà Vinh. Cuộc đời thật của mẹ còn sống động hơn nhiều.

Năm ấy ở Trà Vinh có những người nông dân vì không đóng nổi thuế thân phải bỏ vào rừng làm nghề ăn cướp. Năm ấy có chàng trai “cướp của người giàu chia cho người nghèo” thầm yêu trộm nhớ nàng Chăn-thy đã tìm cách bắt nàng vô rừng. Mẹ vùng vẫy, la hét, phẫn nộ… rồi cảm mến chàng trai cùng đường.

Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với họ. Chàng trai tên Sim ấy không còn có đường về. Chăn-Thy mất con. Nàng trở về phum sóc nhưng lạc loài, điên loạn. Trái tim tôi đã từng rung lên nỗi thương cảm, khâm phục những người con gái xứ Trường Long Hòa bám trụ trong động cát, kiên cường đối mặt với “thần sấm”, “con ma”.

Thật tự hào khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam những ngày ở Trà Vinh đã làm nên kỳ tích đấu tranh công khai trong lòng địch, với vai trò hiệu trưởng Trường tư thục Long Đức.

Cùng một lúc nhận được tin 3 người con trai  hy sinh và con trai út  bị thương, được ví như “bốn phát đạn” vào tim, mẹ không gục ngã vì “đâu chỉ một mình mình có con hy sinh”. Sự chia sẻ ấy giúp mẹ đứng lên, đảm nhận trọng trách đất nước trên đôi vai gầy, bằng một nghị lực phi thường...

Ôi, có biết bao những số phận, những mảnh đời, những mất mát, hy sinh. Tất cả những linh hồn tôi được biết, được gặp dường như đang trở về, đậu trên từng mắt lá. Những tàng sao cổ thụ cứ rì rào bài tráng ca của thiên nhiên bất tận. Trà Vinh vươn mình chào thế kỷ mới. Đất nước có thêm một thành phố mới.

Gắn bó với đất và người, trong ánh sáng tưng bừng của hoa đăng, tươi đỏ màu cờ, tôi ngước nhìn những tán sao cổ thụ in trên vòm trời cao xanh lồng lộng. Trên từng mắt lá bé nhỏ ấy phải chăng có linh hồn những chiến sĩ đã ngã xuống giữ đền thờ Long Đức, có cô gái “hiền khô” mà đánh giặc quyết liệt, có sự hy sinh thầm lặng của những bà mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng,.. cả những điều chưa trọn vẹn về những đứa con mất cha mẹ quá sớm, cả những đứa trẻ chưa kịp thành người đã bị đạn bom vùi dập…

Trong từng mắt lá nhìn xuống thành phố thân yêu, tôi biết có đôi mắt sâu thẳm của những người mẹ, người chị trong đội quân tóc dài năm xưa đã vượt qua hàng rào đàn áp của địch, tiến về dinh lũy của đối phương. Từng mắt lá như ghé môi nói lời thì thầm, rằng thành phố đã được làm nên bằng máu đổ năm xưa, bằng trăn trở thời bình, bằng ý chí làm giàu chính đáng, bằng sự thầm lặng, hy sinh, bao dung, nhân hậu và đầy khát khao tiến về phía trước…

Trầm Hương
.
.