Những ký ức đau thương của số phận

Thứ Tư, 16/03/2005, 09:22
Giờ phút chờ đợi thi hành án của các tử tù là những giờ phút sám hối về những tội lỗi khủng khiếp mà họ đã gây ra. Những lời sám hối ấy tuy rất muộn màng, nhưng nó cũng giúp cho tâm hồn những kẻ tử tù bớt hoang thú hơn với những tội lỗi ghê rợn của họ. Trong những hồi ức ấy, chúng ta có thể đọc thấy những bài học khốc liệt khi con người không kiềm giữ được thú tính của mình.

Tác giả Như Bình, trong những chuyến công tác của mình đã qua rất nhiều trại giam từ Điện Biên đến Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An. Nhưng những con đường dài khó khăn ấy chưa thấm vào đâu với sự khó khăn khi tiếp cận những người tử tù. Đa số phạm nhân là những người lầm lỳ, hằn học và dữ tợn. Thời gian chờ đợi thi hành án càng khiến họ tuyệt vọng và cau có hơn. Để tiếp cận và khơi gợi câu chuyện về cuộc đời họ, do chính họ kể ra là một điều vô cùng khó khăn. Có những phạm nhân giương mắt nhìn chằm chằm như thể chuẩn bị hành hung người nói chuyện, khiến Như Bình nhiều lúc cũng phải rùng mình. Nhưng trong sâu thẳm mỗi con người hung hãn ấy, vẫn có một điều gì yếu đuối, một cái gì luyến tiếc, một cái gì muốn thanh minh, muốn gửi gắm với gia đình, với cuộc đời.

Bằng những câu hỏi thăm đơn sơ, và cách khơi gợi phần thiện tâm trong từng kẻ tội đồ, tác giả đã tiếp cận được với cuộc đời phạm nhân. Những ký ức kinh hoàng, những mối tình khốc liệt, những ước mơ đẹp đẽ, và cả những hồi ức u tối nhất được tái hiện bằng những giọng kể tiếc nuối, buồn bã và đôi khi vẫn còn chút căm hận. Từ đấy những câu chuyện về những tử tù được tái hiện qua dòng ký ức của chính những phạm nhân đó.

Khi bóng tối của tội ác phủ bóng, con người mất nhân tính, mất cái tôi của mình. Câu chuyện về số phận, về cuộc đời của những tử tù, những phạm nhân mang trọng án với những tình tiết ly kỳ và tuyệt vọng, hung bạo và cay đắng, sợ hãi và luyến tiếc... mang lại cho người đọc những bài học kinh hoàng về sự tàn khốc của cái ác. Những tội lỗi ấy không chỉ làm tan hoang cuộc đời họ mà còn gây ra bao nhiêu bi kịch đau đớn trong chốn nhân gian. Chính những tử tù cũng nhận ra điều ấy và vào cuối buổi nói chuyện thường xin nhắn gửi một lời ân hận tạ lỗi với cuộc đời. Những lời cay đắng ấy tuy muộn màng với chính họ, nhưng lại là những lời cảnh tỉnh vô cùng mạnh mẽ cho những kẻ nào đã và đang lún sâu trong bóng tối của tội lỗi.

Ngoài những câu chuyện về tử tù, bộ sách còn dành một phần nhỏ viết về những người đàn bà tội lỗi với những góc khuất sâu thẳm cuộc đời, và cả những đứa trẻ phạm tội. Trong phóng sự Những bé gái ngây thơ bước vào vòng lao lý, sau khi phản ánh lý do khiến những bé gái phạm tội, tác giả kết luận: “Không thể nói rằng cô bé đang tuổi ô mai mơ này lại không được sinh ra từ tình yêu của các bậc sinh thành. Thế nhưng, nếu các em có một tổ ấm gia đình thực sự, được lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của cha mẹ, chắc chắn cuộc đời của các em không sớm phải thấm đẫm nước mắt bất hạnh”.

Những phóng sự này khi xuất hiện trên Báo An ninh thế giới đã nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Ca sĩ Thanh Lam đã không kìm được lòng khi thấy sức mạnh âm nhạc vẫn không níu kéo được những người đã lún sâu vào tội ác. Làm cách nào để bừng tỉnh những tâm hồn đầy bóng tối ấy? Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vượng cũng nức nở vì những số phận bi thương của những người đàn bà tử tù. Những kẻ tử tù ấy đã "hun khói số phận" mình trong những tội lỗi ghê rợn và những cuộc tình cuồng điên.

Luật pháp đã dành cho những kẻ tội lỗi những bản án đích đáng. Nhưng những nỗi bi thương trong mỗi số phận đó không chỉ gợi lên những bài học đắt giá về cuộc đời, mà còn nhắc nhở liên hồi con người không nên vì thú tính của mình mà đánh mất tất cả niềm hạnh phúc của trần gian.

Bộ sách Chuyện tử tù - những nỗi đau số phận gồm hai tập với 23 câu chuyện bi thương, 23 mối tình điên rồ, 23 đóa phù dung và con đường chết. Bóng tối của tội ác có rất nhiều cách để len vào cánh cửa tâm hồn con người. Hãy thức tỉnh, hãy sống bằng một tâm hồn chứa chan niềm vui và sự hi sinh vì người khác, thì con người có thể tránh xa được cái ác. Đấy là một trong những bài học nhỏ mà người đọc có thể nhận thấy trong bộ sách này. Bằng lối văn tự sự, dựng lại dòng ký ức của các nhân vật, tác giả đã tạo ra một giọng văn sống động và đầy ắp thông tin. Đấy chính là một phong cách mới của thể loại phóng sự hiện đại

Trần Kim Anh
.
.