Những cuộc vượt ngục có một không hai trên thế giới của những người cộng sản ở nhà tù Phú Quốc

Thứ Sáu, 27/03/2009, 09:07
"Nhà lao Cây Dừa" tập trung những câu chuyện có thật về những người con dũng cảm tuyệt vời của dân tộc, ngay cả khi bị kẻ thù hành hạ tàn bạo dã man nhất vẫn không mờ tinh thần yêu nước, tình yêu dân tộc và khát khao tự do cháy bỏng. Trong sách có thuật lại rất chi tiết những cuộc vượt ngục có một không hai trên thế giới, kỳ thú đến kỳ diệu của những người cộng sản ở nhà lao Cây Dừa để thoát khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù, trở về với đội ngũ...

LTS: Tập ký sự lịch sử "Nhà lao Cây Dừa" của nhà văn Chu Lai viết về kỳ tích đấu tranh anh hùng và bi tráng của những người chiến sĩ cách mạng tại một nhà tù tàn bạo vào bậc nhất thế giới dưới chế độ Mỹ - ngụy thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời đó, nhà lao Cây Dừa trên đảo Phú Quốc là nơi đã tập trung những trò hành hạ con người một cách dã man đê tiện nhất với 40 nghìn tù binh Cộng sản. Nhưng cũng tại đó đã sáng bật lên khí phách anh hùng và lòng trung thành vô biên của những người chiến sĩ cách mạng, không bao giờ biết cúi đầu trước bạo lực phi nghĩa của kẻ thù.

"Nhà lao Cây Dừa" tập trung những câu chuyện có thật về những người con dũng cảm tuyệt vời của dân tộc, ngay cả khi bị kẻ thù hành hạ tàn bạo dã man nhất vẫn không mờ tinh thần yêu nước, tình yêu dân tộc và khát khao tự do cháy bỏng. Trong sách có thuật lại rất chi tiết những cuộc vượt ngục có một không hai trên thế giới, kỳ thú đến kỳ diệu của những người cộng sản ở nhà lao Cây Dừa để thoát khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù, trở về với đội ngũ. Bắt đầu từ số này, Chuyên đề ANTG CT và ANTG  GT sẽ lần lượt trích giới thiệu về các cuộc vượt ngục đó. Trong kỳ này sẽ là câu chuyện của ông Hai Hội, tức Cáp Đình Hội, một chiến sĩ cách mạng từng là cựu  tù nhân  trong nhà lao Cây Dừa.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Cuộc vượt ngục qua 17 lớp hàng rào thép gai đầy mìn

Vận động không được ai, cuối cùng Tổ vượt ngục chúng tôi chỉ còn có ba. Cả ba đều là dân đặc công trinh sát, cũng như trong tù thời gian này phần đông là lính trinh sát đặc công. Ba mống hội ý đi hội ý lại, mà đâu có dễ ngồi lại với nhau bàn bạc, ngày hay đêm (ban đêm trong phòng cũng để đèn sáng trưng) chúng đều kiểm soát gắt gao, chỉ cần có dấu hiệu lạ, ngồi tụm năm tụm ba là xộc vào liền, mới quyết định được ngày ra là ngày 5, tức là ngày sinh của tôi (mùng 5 tháng 5).

Trước hết chúng tôi bỏ 10 đêm thay nhau không ngủ, nằm áp sát tai xuống đất lắng nghe bước chân đi lại, tiếng xe lăn bánh ở ngoài xa để nắm thật chắc quy luật hoạt động của chúng. Ban ngày thì giả đò mang tú lơ khơ ra sát chân rào chơi, vừa chơi vừa dõi mắt quan sát ra khắp xung quanh. Cuối cùng có thể kết luận được cái khoảng chập choạng tối là giờ chúng lơ là canh gác nhất. (Nhất chạng vạng - nhì rạng đông). Hồi ở ngoài thường đánh đồn vào hai khoảng thời gian này thì ở đây cũng vậy.

Còn hai ngày nữa, ba chúng tôi đồng loạt khai bệnh đau bỏ cơm. Lúc này tình hình dân sinh dân chủ do ta đấu tranh không khoan nhượng nên đã được cải thiện chút ít. Không ăn cơm chúng cấp sữa, loại sữa đã để quá hạn trong kho quân tiếp vụ hàng mấy năm, mở ra toàn một chất lỏng đỏ quạch. Mỗi ngày ba người được nửa lon, hai ngày một lon. Ba người một lon cũng tạm đủ để làm lương khô lúc đi đường. Đường đi bao xa, lâu hay mau, phải vượt qua những trở ngại khủng khiếp nào, chúng tôi chưa biết nhưng chắc chắn rằng ở ngoài có lực lượng cách mạng. Bên trại giam Ba Toản còn có đầu đạn rớt vô để nhận biết, trại giam bên này lại dựa vô mấy tay quân cảnh đào ngũ cũng bị chúng bắt đi bửa củi chung. Họ cho biết ở ngoài có cách mạng. "Vậy, cứ nhằm hướng pháo nổ mà đi!". Tôi nhủ thầm.

Trước khi đi một ngày, tôi chính thức báo cáo với đồng chí Hồng, Bí thư Đảng ủy là công việc chuẩn bị đã xong xuôi. Đồng chí Bí thư dặn:

- Ra được người nào có lợi cho cách mạng người đó, các anh cứ yên tâm ra đi, việc ở lại nếu có gì đã có chúng tôi. Còn một hộp thuốc hồi dương tôi giấu được, mấy anh đem đi đường mà dùng, cần lắm đó.

Bịn rịn tôi mời anh cùng ra. Anh lắc đầu, cười buồn:

- Muốn lắm! Chỉ cần ra khỏi hàng rào gai, ngắm trời ngắm đất cho đã một lần dù chết cũng cam. Nhưng tôi yếu quá rồi không khéo lại làm phiền, làm lỡ việc mấy anh. Vả lại trong này còn có nhiều việc, tôi chưa thể vắng mặt được.

Tôi khóc và nắm chặt bàn tay trơ xương của anh. Những năm tháng lao tù, những cán bộ đảng như anh thầm lặng nhận tất cả nặng nhọc về mình, nhường thuận lợi, nhường cả khát vọng tự do cho đồng đội. Rất tiếc tôi lại không nhớ được tên họ thật của đồng chí này.

Ngoài lon sữa, chúng tôi còn được anh em lén đưa cho một lon nữa và hơn một ký cơm cháy không biết anh em phơi khô để dành từ bao giờ.

Buổi tối đi thì buổi trưa có người báo cho chúng tôi biết trong phòng có kẻ đang theo dõi, hãy cẩn thận. Tôi biết thằng đó. Mấy bữa nay thấy chúng tôi thường đi ra đi vô quan sát hiện trường, nó đã để ý nhưng không bằng chứng gì nên không ra mặt. Anh Bảy Minh là người tuy ở tù nhưng còn có sức vóc do sáng nào cũng tập thể dục đến vã mồ hôi nhận trách nhiệm dằn mặt nó. Đến giờ ăn cơm, thừa khi nhộn nhạo, anh xáp tới siết chặt cổ tay hắn, nói:

- Thằng khốn nạn! Mày đang theo dõi cái gì? Mày có muốn đi theo số kiếp trâu chó của thằng bạn mày mấy tháng trước không thì nói! Tao tạm tha, từ nay tao còn thấy cặp mắt của mày láo liên nữa là cho rớt ra ngoài đó nghe không?

Thằng này tái mặt. Nó còn lạ gì tính khí Bảy Minh, người đã từng dùng tay móc đui mắt kẻ chiêu hồi dạo nọ. Nó lỉnh đi nằm bẹp một xó và từ giờ đó không dám ngóc mặt lên nhìn ai nữa. Chắc đồng chí hỏi tại sao không trừ luôn nó đi để tránh hậu họa cho người sau? Khó đó. Một là nó chưa hội đủ bằng chứng, hai là gây án mạng lúc này rất bất lợi, địch sẽ phong tỏa không lọt ra được.

Chúng tôi không đi đúng ngày 5 mà chuyển sang ngày 6 để đón mưa. Đêm ấy mưa thật. Mưa rả rích không nặng hạt nhưng cũng đủ để nhòa đất trời rất lợi cho việc bò rào.--PageBreak--

Hành trang đi đường của chúng tôi ngoài cơm khô, lon sữa ra, còn có thêm một chiếc võng tự khâu bao bố đựng cá xin được ở nhà bếp đề phòng khi phải cáng nhau và con dao găm khá bén làm bằng cán ca USA để chống trả với cá sấu nếu đúng xung quanh đây đầy cá sấu như bọn lính hù dọa. Phòng giam ban đêm đóng cửa, cửa cũng bằng thiếc, đóng sơ sài không có chốt khóa, có thể khéo léo nâng cậy lắc mình qua được, nhưng chúng tôi không chọn lối ra ấy để tránh con mắt đã quen hau háu nhìn vào cánh cửa của bọn gác. Chúng tôi ra bằng kẽ hở của chân tường. Kẽ hở này hẹp, chỉ rộng hơn một gang tay, người bình thường khó qua được nhưng thân xác tù tong teo chẳng khác chi con nhái, hẹp vậy chứ hẹp nữa vẫn có thể dán mình trườn qua không tiếng động, miễn là cái sọ dừa đừng kênh kênh quá!

Cẩn thận lôi cái ca đựng đầy sình đã chuẩn bị sẵn ra khỏi hốc phản, chúng tôi thay nhau trát kín vô người làm một động tác hóa trang đặc công thông thường rồi bắt đầu khởi sự.

Khoảnh sân này rộng chừng hai chục thước, trắng lốp không một ngọn cỏ nếu trời trăng thì chịu nhưng may mắn là trời đang mưa, ánh sáng lòa nhòa, bọn gác cũng đang bận chụp áo chụp mũ tránh nước mưa tạt tứ bề nên bằng những động tác đã được tập luyện kỹ dưới gầm phản mấy ngày vừa rồi, chúng tôi vượt qua không mấy khó khăn.

Bây giờ mới là công việc chính, vượt qua 17 lớp hàng rào thép gai đầy mìn trái, chó, ngỗng bao bọc phân khu và khu. Hết hàng rào của khu, còn phải lọt qua bảy lớp rào bọc quanh toàn bộ nhà tù nữa. Liệu có xong được trong đêm không hay là sáng ra còn nằm ló đuôi giữa đống bùng nhùng kẽm gai để lính nó nhặt về đóng đinh vô sọ?

Đã đánh đặc công trên chục trận nhưng chưa có cứ điểm nào lại có hệ thống rào như thế, nếu là mục tiêu tác chiến, chúng tôi phải bỏ ra bốn đến năm đêm mới chui qua hết. Chỉ có cái khác là trước đây bò vô, bây giờ bò ra. Bò ra có cái dễ và có cái khó của nó, tức là người lính vượt ngục phải thực hiện một mục tiêu ngược.

Mìn trái đối với chúng tôi không ngại. Rà phá quen tay lắm rồi, dây nhợ kiểu nào cũng phát hiện ra. Nhưng còn chó, ngỗng thì thật là nan giải. Theo lẽ, muốn khắc phục ba cái con vật mắc dịch này phải vô hiệu hóa được chúng bằng cách "miễn dịch". Tức là ngày ngày phải xé quần xé áo của mình ra từng miếng nhỏ quẳng cho chúng nhai hít hoặc ráng tạo điều kiện gần gũi, kè kè da thịt vô mõm chúng để dần dần tạo cái thế quen hơi bén mùi cho khi ra. (Sau này tụi chỉ huy hình như biết thóp, chúng cũng đột ngột đổi chó như đổi quân cảnh để chống lại khả năng "miễn dịch" của ta). Đằng này bọn tôi vội quá, không kịp huấn luyện chúng vì để chậm hơn, theo một nguồn tin của anh em quân cảnh giác ngộ cho hay, chúng sẽ lôi phân nửa số tù sang khu biệt giam khác. Trường hợp Ba Toản còn căng hơn: Nếu chỉ ra chậm một ngày thôi là cả cái tổ "cứng đầu" ấy sẽ bị gọi đi thủ tiêu.

Cái có thể yên tâm là cả tháng nay áo xống của ba thằng đã làm bộ vô tình quẳng đại lên hàng rào phơi trước mũi chúng cả ngày lẫn đêm rồi.

Đúng như dự đoán, sau khi gỡ được mấy trái mìn, kể cả thứ mìn râu nằm sâu trong đất chỉ ngóc lên cái râu bằng que tăm lên trên mà khẽ ấn xuống chút xíu, nó sẽ nhảy dựng lên nổ ngang mặt, có thể cho đi đoong cả một con bò khổng lồ; chúng tôi bò tới lằn ranh súc vật. Tôi bò đầu. Tư Phước bò sau, Bảy Minh bò sau nữa. Khi nào mệt, căng thẳng quá sẽ dùng chân bấm báo hiệu hãy chuyển chỗ thay cho nhau. Có lẽ do mưa rét nên đêm ấy chó, ngỗng cũng co cụm lại, lia rách mắt cũng chỉ thấy những vật thể đen sì không ngọ nguậy. Ổn rồi! Tôi nhoai người lên trước... Bỗng tôi lạnh toát khắp người. Có một cái gì đó nhờn nhờn ram ráp đụng chạm vô be sườn tôi, chả lẽ chúng lại mới sinh cái trò thả rắn? Tôi nằm cứng người và nhịn thở. Cái nhờn nhờn chuyển lên lưng... lên vai... rồi lên cổ. Nhột không chịu rồi. Cùng lúc, một mùi hơi ẩm xì xộc vào mũi... Ôi chao! Một cái đầu chó bự bằng cái đầu sư tử đang há hoắc cái miệng nóng giẫy vô mặt tôi. Mày cắn, tao sẽ cắn lại rồi muốn sao thì sao!

Tôi nghĩ thế và ráng im thở thêm chút nữa. Thời gian trôi qua lâu bằng cả cuộc đời. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là thời gian ngưng đọng đặc quẹo như mấy cha nhà văn hay nói. Thật hên! Có lẽ con béc giê giống Anh đã nhận ra một hơi hướng quen thuộc nghĩ rằng tôi là một xác thịt đã thối rữa nên sau khi liếm quấy lên mặt tôi một cái, nó khìn khịt bỏ đi. Dáng đi của nó đủng đỉnh giá lạnh như thần chết...--PageBreak--

Cứ thế, gần sáng, chúng tôi đã đến lớp rào cuối cùng, sau khi đã gỡ thêm được non chục trái nữa. Trên đường ra chỉ có một sự cố nhỏ. Tự nhiên cả nhà tù mất điện vào lúc hai giờ. Có lẽ điện chập mạch do mưa hoặc nhà đèn hư áptômát? Vậy là chúng bắn. Khắp nơi đều bắn. Đạn chì xé nát màn đêm. Vừa bắn chúng vừa la hú: "Ê! Thằng nào kia?... Đứng dậy đi tao nhìn thấy rồi. Ê! Thằng nào kia nữa? Thảy tạc đạn cho hết mấy thằng tù đang bò lóp ngóp kia, anh em!". Chà! Cái trò con nít đụng ngoài rồi, kệ cha nó, việc mình bò cứ bò. Đèn tắt, chúng huy động các loại xe ra mặt lộ giữa rồ máy rọi đèn pha sáng quắc vô các lớp rào, cả khu tù. Chúng thi nhau ném trái sáng và trực thăng cấp cánh thả hỏa chân rơi nhòe nhoẹt trên đầu nữa. Vui như ngày hội hoa đăng. Cứ lẩn mẩn nghĩ giờ này ngoài ba đứa tôi ra, liệu còn có tốp vượt ngục nào khác cũng đang nép mình nằm dưới ánh sáng đủ màu này không?

Tình trạng hỗn loạn đó kéo dài được nửa giờ đồng hồ thì đèn đóm lại bật sáng. Chúng tôi tiếp tục bò, đoạn nào lom khom, hoặc ngồi xổm, đi được thì đi. Để ra được đến ngoài, chúng tôi phải vận động không ngừng, mất tầm tám tiếng. Tám tiếng ấy chúng tôi đã trườn qua đội hình hai khu và bốn phân khu tức là trườn khéo qua khoảng tám mươi cái nhà giam anh em mình. 

Ngày hôm đó chúng tôi ém tại một lùm cây rậm rạp có sình lầy ở dưới. Cách nhà tù chừng hai cây số. Hai cây số là đủ để chúng không dám mò ra đi lùng sục vì sợ trái gài của du kích, và chúng tôi cũng không thể đi xa hơn vì trời sáng mất rồi.

Một ngày ngồi thu lu, thần kinh căng thẳng, gạo sữa mỗi người chỉ dám nhấm nháp một chút nhưng thấy thấm thía vô cùng cái nghĩa của tự do.

Sẫm tối, chúng tôi nhằm hướng Bắc đi tới. Tại sao lại hướng Bắc? Cả hòn đảo này, chỉ có hướng Bắc là lắm núi nhiều rừng, mà ở đâu có nhiều núi rừng là ở đó có căn cứ cách mạng. Tôi suy đoán áng chừng vậy và kiên quyết cắt đi.

Đi được một lúc thì đụng một cửa biển. Nếu không nhầm thì đây là cửa Cầu Sấu như tụi lính kháo. Men theo bờ lại sợ vướng đồn, cả bọn quyết định đi tắt qua cửa biển bằng cách bẻ củi khô ghép thành bè. Chà! Bè mới trôi được một đoạn thì đã nghe thấy tiếng sấu đập đuôi ùm ùm khắp xung quanh. Kệ nó, miễn là không rớt khỏi bè và bè không bị chúng phá tan. Mà dù có tan cũng không sao. Mỗi người đã có một con dao găm inox sẵn sàng ăn thua đủ với chúng, sá gì. Chết ư! Cũng được thôi, kinh khủng thật nhưng còn ngàn vạn lần hơn cái chết tức tưởi trong tù. Sự vững tin pha một chút bất cần này đã khiến chúng tôi tạo được sự tỉnh táo cần thiết để tiếp tục vục tay xuống khoát nước thay mái chèo. Tiếng sấu quẫy thưa vắng dần. Kỳ thực đó là tiếng sóng vỗ vào hốc đá chứ không phải là tiếng sấu đập đuôi, bởi lâu nay nghe bọn lính hù dọa mà chúng tôi tưởng tượng ra sự rùng rợn như vậy.

Đi được chừng hai cây số thì ai nấy đã thấm mệt, nhất là khát, chịu không nổi. Tư Phước bụm tay uống mấy vốc nước mặn. Lạ chưa? Không rõ bụng dạ trong tù ăn uống tồi tệ thế nào mà mới chạm nước biển một chút là ổng ỉa chảy liền. Chảy dữ dội, chỉ thoáng chốc toàn thân đã rũ ra như tàu lá héo, tôi vội khui hộp thuốc hồi dương của đồng chí cán bộ đảng đưa cho nhét vô miệng Tư Phước! Mấy phút sau cơn đi chảy cầm được.

Thêm một tiếng nữa thì đụng bờ. Trèo qua ghềnh đá vô sâu trong rừng thấy có lán trại, cọc cành đã mục, mừng lắm. Vậy dứt khoát có người của ta. Bọn lính không có lối ở lán trại kiểu này. Phấn khởi xóa dấu chân hăm hở đi tiếp. Vẫn men theo bờ đi về hướng Bắc. Đi lò dò từng đoạn để lắng nghe động tĩnh. Cái sợ nhất lúc này là đâm đầu vô lính. Sáng ra vội tạt vô rừng. Gặp mạch nước trong, cả ba chúi đầu chúi cổ làm một bụng no tròn. Thỏa thê rồi, trèo lên chạc cây ngắm biển, ngắm mặt trời lên mà ngây ngất cả người. Mang tiếng là tù đảo nhưng ra đảo đã lâu rồi, có bao giờ được nhìn cảnh biển, cảnh trời hùng vĩ dường này!

Rừng rậm kín bưng. Yên bụng lăn ra ngủ. Một thức hai ngủ. Chưa bao giờ có một giấc ngủ giữa rừng ngon lành đến thế. Trưa tỉnh dậy, bụng đói cồn cào. Lại lấy cơm khô nhấm nháp vài miếng rồi uống đầy nước cho cơm trương lên. Một cân cơm ấy mỗi người chỉ cần táp mấy miếng là sạch trơn nhưng đâu dám. Phía trước còn bao nhiêu ngày lặn lội nữa, ai mà hay. Thấy cây trám, mừng quá, nhảy lên trèo hái đầy một chiếc quần lót để làm lương khô dự trữ. Riêng hộp sữa dở, chỉ dám cho Tư Phước mút hai mút rồi đóng lại. Nhìn cái miệng cậu ấy chóp chép còn thèm mà thương quá!

Gần tối, phát hiện thấy một chiếc thuyền cây từ ngoài khơi đang đi vô. Tưởng là thuyền đánh cá của dân, tính khoát tay gọi vô xin đồ ăn và hỏi thăm, quá giang nhưng thoáng thấy màu áo lính lại thụt vô. Đây là con tàu tuần tiễu biết đâu đang đi đón lõng mấy thằng tù vượt? Đi tiếp. Trong ráng chiều chợt phát hiện ra ba chú sứa đang bị sóng triều dềnh lên dềnh xuống ven bờ cát. Đến gần nhìn kỹ. Một màu đỏ một màu tím và một màu trắng to bằng bàn tay. Mới cầm vô cái thân mềm mềm âm ấm của nó, nước miếng đã muốn nhễu ra. Thèm quá! Vội bứt lá rừng, loại lá sắc cạnh cắt nhỏ từng chú ra thành những miếng hình quân cờ béo ngậy, sau đó ba anh em lấy nhúm muối đã xin được trong bếp tù ra bóp bóp, nắn nắn và ăn, ăn lấy ăn để... Chưa hết một miếng, cả ba đã nhổ ra phì phì. Nhổ hết rồi mà lưỡi vẫn ngứa cong lên. Bảy Minh hụp miệng xuống biển súc sùng sục, vẫn ngứa. Tư Phước thò tay vô miệng muốn móc họng ra... Đến là khổ!

Sau khi biết loại sứa xinh xẻo bằng bàn tay là sứa lửa, ăn vô có khi chết. Vậy mà không hiểu sao chúng tôi chỉ bị ngứa lưỡi thôi. Trời còn chạng vạng, tranh thủ đi tới nữa. Gặp con suối nhỏ. Mò bì bõm ngồi lâu không bắt được con cá nào. Tôi chộp được mấy con tôm bằng ngón tay út chia đều ra. Con tôm còn đang nhảy nhảy, bẻ qua râu càng rồi nhét tọp vô miệng, đệm thêm hạt muối, nhai bã ra mới nuốt. Chao! Ngọt như sâm, thịt tôm chảy tới đâu, thân thể giãn ra tới đó.

Lại thay nhau đi trước đi sau. Đến lượt Bảy Minh dẫn đầu. Tội nghiệp, một mắt sáng, một mắt vảy cá không nhìn thấy gì nhưng cái dáng vẫn đi phăng phăng. Trời sụp tối, chợt nghe tiếng con nít khóc ở đâu đây. Cả ba lặng người, không đi nổi nữa chân tay muốn nhũn ra. Bao nhiêu năm chinh chiến, lại mấy năm tù đày toàn máu me, chết chóc. Tiếng con nít khóc đêm nay kéo ngược đầu óc chúng tôi về những mơ ước bình dị nhỏ nhoi đến trào nước mắt. Trái tim người lính chiến trận tù đày tưởng chừng đã chai lì mốc mác vậy mà ở một góc sâu xa nào đó vẫn còn nhiều yếu mềm đến thế.--PageBreak--

Tư Phước được đào tạo chính quy, vốn là tay có đầu óc tham mưu khá nhạy nên phán đoán đây không phải là ấp chiến lược mà là tiếng con nít khóc trong đồn. Hỏi tại sao? Anh trả lời: "Chả có ấp chiến lược nào chúng lại khờ khạo lôi ra tận mép biển để Việt cộng dễ đột nhập như thế này".

Nghe phải, chúng tôi xắn vô rừng chừng một cây số rồi lại nhằm hướng Bắc mà đi. Bỗng rầm một cái thấy Bảy Minh ngã sấp ngã ngửa trong đám dây nhợ lằng nhằng. Chạy lại gỡ ra được, bấm nhau lui lại một đoạn mới thấy hú hồn hú vía. Mắt vảy cá không nhìn rõ, anh chàng đã dẫn tổ nhào vô trúng hàng rào đồn địch (sau này biết là đồn Hàm Ninh). Lại lùi thêm mấy trăm mét nữa. Xung quanh rừng là kín bưng, hết thấy đường bèn bảo nhau mắc võng ngủ đại rồi tính. Mệt rã rời, đói nữa nhưng không ai ngủ được. Nằm nghe muỗi vo ve và tiếng radio văng vẳng mà biết rằng trời chưa đến nỗi thật khuya và kẻ thù đang ở sát gần nhưng mệt quá, thây kệ. Gần sáng thiếp đi được một lúc, lúc choàng mắt tỉnh dậy thấy lô cốt địch xù xì đập ngay vào mắt. Không còn kịp định hướng nữa, ai nấy quáng quàng cuốn một cục võng rồi tông qua con suối sau lưng rộng chừng mười lăm mét (sau này mới rõ đó là suối Hàm Ninh). Hết suối, chạm một cục rừng nữa. Ló ra bìa rừng nhác thấy một trảng cỏ tranh xanh tốt và ở giữa có một con lộ đất đỏ khá rộng chạy qua. Lúc ấy ai đâu biết đó chính là con lộ chạy ngang đảo nối Hàm Ninh với Dương Đông dài mười bốn cây số.

Đang phân vân chợt phát hiện ra một đám tám cô gái mặc quần áo đủ màu đạp xe phấp phới đi về phía đông đường, chắc là đi chợ thị trấn, vì dáng đạp xe hối hả lắm, lại thêm túi xách, quang sọt buộc lỉnh kỉnh đầy ghi đông. Đang trong tình huống lưỡng nan nguy hiểm mà cả ba người cứ đứng ngẩn ra. Lâu lắm rồi mới lại được nhìn thấy bóng dáng đàn bà con gái rõ như thế này. Và tưởng không bao giờ còn được nhìn thấy nữa! Năm đó tất cả còn trẻ, tôi chưa đến bốn mươi tuổi, còn hai người kia mới độ tuổi trong ngoài ba mươi. Những cái bóng dáng thanh bình ấy thật trái ngược với những tháng ngày u ám vô vọng của chúng tôi vừa trải qua. Bảy Minh là một con người vui tính và hay mơ mộng nói thì thầm:

- Trời ơi! Chỉ cần một lần được nhìn thấy những hình ảnh kia là có chết cũng nhắm được mắt.

Nhưng cả con mắt vảy cá đó và những con mắt của chúng tôi đều phải mở hết cỡ để chạy ù qua lộ. Mới qua khỏi được chục mét, hai cái bóng trắng đàn ông ở đâu đột ngột ngóc lên trước mặt khiến cả ba vội nằm bẹp xuống. Thấy hay không thấy? Chúng tôi đưa mắt hỏi nhau nhưng không ai trả lời được cả. Cuối cùng vẫn Tư Phước nhận định: "Nếu họ vẫn đi bình thường thì tức là chưa thấy gì hết!". Tôi trèo lên cây dõi nhìn theo, hai cái bóng trăng trắng vẫn chuyển động bình thường về phía rừng chứ không phải về phía bốt. Chắc họ đi bẻ củi về chụm, vậy thôi.

Khoảng giờ ngọ, đảo mắt khắp nơi thấy vắng tanh, đồng không mông quạnh, chúng tôi mò ra tận mặt lộ. Một tấm bảng gỗ cắm bên lề đường có ghi: "Hỡi anh em binh sĩ! Đi càn quét chớ phá hoa màu của nhân dân". Chữ của ta, của anh em cách mạng rồi. Mừng quá phán đoán thêm: Mặt bảng có chữ dứt khoát là hướng địch, lưng bảng phải là phía ta. Chúng tôi nhằm hướng lưng bảng gỗ cắt đường đi tiếp. Được một đoạn, thụt giò xuống công sự mới đào, đất còn đỏ tươi, càng chắc trong bụng. Chỉ có công sự của ta mới đào kiểu có nắp thế này. Công sự của địch thường đào lỗ tròn, nông hơn chỉ dùng để tránh đạn chứ khỏi cần phải sụt lút đầu người để tránh được cả bom lẫn pháo như ta. Nhưng cũng chính trong cái công sự xâm xấp nước ấy, anh chàng Tư Phước lại giẫm phải một con rùa đang nằm thoi thóp. Vốn dân tộc Tày nhưng Tư Phước lại duy tâm, tỏ ra lo lắng: "Gặp rắn thì đi, gặp quy (rùa) thì dừng! Sao bây giờ!". Bảy Minh quạu: "Rắn, quy gì cũng đi ráo, miễn là đừng gặp địch".

Đi tiếp một đoạn nữa thấy hai bóng người một già một trẻ đi qua. Ông già cầm hai trái tạc đạn M26, người trẻ đeo cây súng K44. Chút xíu nữa tôi đứng thẳng người dậy vì cây K44 đó. Loại súng cổ lỗ sĩ này địch làm gì có, chỉ tồn tại trong hàng ngũ của ta. Nhưng câu nói: "Con vừa được phong thiếu úy, chú Năm" của người trẻ tuổi khiến tôi sựng lại. Trong cách mạng chỉ gọi trung đội bậc phó, trung đội bậc trưởng chớ ai kêu úy úy, tá tá? Không ổn rồi! Coi chừng bọn biệt kích giả dạng. Giả dạng nên mới mang súng đàng mình. Chúng tôi khe khẽ lộn trở lại trảng ranh nằm chờ. Chừng mặt trời sắp lặn, tám cô gái đi chợ về, tiếng nói cười râm ran cả khoảng không gian tĩnh mịch. Tư Phước bàn phải bắt được một cô để khai thác. Vốn là sĩ quan quân báo kiêm đặc công, Tư Phước rất thành thạo trong việc bắt "một cái lưỡi" như thế này nhưng hiềm một nỗi cả tám cô đều đi dính nhau, không thể tóm riêng một cô được. Cả ba tên tù vượt ngục nhìn họ qua dần mà tiếc rẻ! Đúng lúc đó Bảy Minh phát hiện ra bóng hai cô nữa đang lặc lè đạp đằng sau cả đám một quãng xa. Đây thuộc tốp khác và chắc là một tốp can đảm vì trời nhiều mây ai dám đạp xe lẻ loi trên con lộ giáp ranh ta địch thế này.

Chúng tôi ra tay… Chớp mắt, hai cô đã ngồi gọn trong lùm cây rậm, bạc mắt nhìn chúng tôi, toàn thân run như thằn lằn đứt đuôi, một trong hai cô nước mắt nước mũi giàn giụa. Chắc hai cô nghĩ rằng mình đang rơi vô tay ma quỷ chớ không phải người. Tôi không xưng mình là tù vượt ngục, lấy giọng thật ôn tồn hỏi:

- Xin hai cô đừng sợ. Chúng tôi là những người dân đi làm ăn từ phương xa tới, đến đây bị lạc đường, lại hết lương ăn, muốn hỏi đâu là vùng tự do, đâu là vùng bất hợp pháp để còn biết lối mà đi tiếp, không lại rầy rà chuyện tên bay đạn lạc của hai bên.

Cô lớn tuổi hơn nhìn chúng tôi nghi ngờ.  Nhưng cô vẫn run rẩy chỉ tay về phía trước:

- Vùng giải phóng của mấy ông Việt cộng ở đây kêu là vùng bất hợp pháp. Vùng mấy ông quốc gia kêu là vùng tự do. Vùng này nè!

- Chúng tôi cám ơn, xin lỗi một chập, lấy xe ra trả rồi bấm nhau đi ngược lại phía "vùng tự do" như cô gái nói. Nếu hai cô này đi luôn thì có nghĩa là thông tin đó đúng. Còn ngược lại, hai cô rắn độc này có thể bươn bả kêu lính ra bắt lắm chớ. Chờ hoài, chờ mãi… Quả nhiên một lát sau hai cô đi trở lại với hai người đàn ông, nhưng hai người này không phải là lính mà lại chính là ông già và anh con trai đeo K44 hồi trưa. Chúng tôi nín thở. Một cô giơ tay chỉ. Ông già đi về phía chỗ chúng tôi đang núp, tay lăm lăm lựu đạn. Chúng tôi vẫn im lặng. Tới gần, ông già đưa tay lên miệng khẽ gọi:

- Cách mạng đây!... Cách mạng đây! Anh em tù binh vượt ngục hãy ra đi, hãy ra đi!

Tiếng gọi da diết dữ lắm. Tôi nói nhỏ: "Cứ ra, nhưng cảnh giác áp sát từng người, nếu cần ta thẳng tay!". Và thứ tự từng người rời khỏi bụi rậm.

Ông già nắm chặt tay chúng tôi và mời thuốc Báttô. Tôi không cầm, mặc dù thèm lắm! Ông già cười thật hiền:

- Mấy chú nghi Báttô của lính hả? Không có sao, thuốc gì thì thuốc, miễn là có cái hút là được. Nói giỡn chơi, thuốc đây của chú em này phục kích lính đêm qua lấy được.

Ông giơ tay vỗ vai người trai trẻ. Anh này cười rất tươi. Hai cô gái cũng cười. Tới lúc ấy chúng tôi mới vội ngồi thụp xuống, vì chợt nhớ ra trên thân thể cóc cáy của mình hầu như không còn miếng vải nào cho ra vải để che thân. Hai cô gái kín đáo quay đi, nước mắt rơm rớm. Chà! Điếu thuốc Báttô nặng vậy mà tôi chỉ lõm má rít bốn hơn là hết. Thở khói ra thấy đất trời đảo điên, tan loãng. Lúc đó tôi muốn nhại lại câu của Bảy Minh: "Lúc này chết được rồi!".

Đêm hôm đó sau ba ngày lặn lội, chúng tôi thả mình trên nệm lá ngủ một giấc ngon lành. Ba ngày… nếu biết đường, chúng tôi chỉ phải đi ba tiếng. Cũng còn là may, sau này đám Ba Toản, đám Hai Hồng phải lang thang hết mười ngày, mười lăm ngày mới đụng căn cứ.

Sáng hôm sau ông Nam Tiên (chính là ông già cầm tạc đạn) cán bộ xã Hàm Ninh cùng anh con trai đưa chúng tôi về căn cứ. Tò mò hỏi cớ sao anh lại kêu được phong thiếu úy? Anh cười, vẫn nét cười thiệt là tươi: "Kêu cho vui. Vì trung đội trưởng phiên ra cũng bằng thiếu úy - Vậy thôi".

Chưa về đến căn cứ, chúng tôi gặp đồng chí chính trị viên huyện đội dẫn một tiểu đội đi nghiên cứu chiến trường. Đó là anh Năm Sĩ. Gặp chúng tôi anh mừng lắm. Chúng tôi cũng rất mừng và hiểu rằng mình sẽ lại được bước vào cuộc chiến đấu mới của cách mạng

.
.