Những cánh thư vượt thời gian

Thứ Sáu, 18/09/2015, 08:51
Đã ở tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày bà vẫn cặm cụi viết hồi ký như để lưu giữ những kỉ niệm không thể phai mờ về người chồng quá cố, về chặng đời gian truân nhưng đầy tin yêu và hy vọng của hai ông bà. Đặc biệt hiện tại bà vẫn lưu giữ hàng nghìn bức thư tay mà ông bà đã viết cho nhau trong suốt những năm tháng xa cách.

Thật ý nghĩa khi một phần những lá thư đó cùng nhiều kỷ vật thời chiến đã được bà tặng lại cho Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Bà là Đỗ Phương Trâm - phu nhân của Đại tá Đỗ Bá Bút - nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tình yêu lí tưởng

Một chiều thu, tôi đến thăm bà như đã hẹn. Trong ngôi nhà rợp bóng cây thuộc khu tập thể Binh chủng Pháo binh (K83) trên phố Hoa Bằng, bà kể cho tôi nghe về cuộc đời của bà và Đại tá Đỗ Bá Bút, về tình yêu sâu đậm, say mê và đầy lý tưởng của hai ông bà. Giọng kể tuôn trào sôi nổi, liền mạch, như thể những kỷ niệm vừa mới diễn ra hôm qua...

Bà Đỗ Phương Trâm sinh năm 1940 trong gia đình nhà giáo yêu nước ở làng Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Chồng bà - Đại tá Đỗ Bá Bút sinh năm 1928, quê ở làng Đan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Mối lương duyên của ông bà có dấu mốc từ mùa hè năm 1957, khi đó bà mới 17 tuổi, là học sinh tại Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc về nước nghỉ hè. Ông Bút lúc đó là chiến sĩ thi đua Điện Biên Phủ, đang là giáo viên chiến thuật - Trường Sĩ quan pháo binh mới thành lập đóng tại Quần Ngựa, Hà Nội (sau này chuyển về Sơn Tây, Hà Nội).

Chỉ qua vài lần gặp gỡ, hai người đã để lại cho nhau những ấn tượng tốt đẹp về tình bạn, tình đồng chí. Khi bà Trâm về nước và học Trường Trưng Vương, Hà Nội thì tình yêu giữa hai ông bà đã dần dần nảy nở. Hạnh phúc tròn đầy vào năm 1961, cô sinh viên Học viện Nông - Lâm (tiền thân của Đại học Nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay) Đỗ Phương Trâm và chàng sĩ quan pháo binh Đỗ Bá Bút nên duyên vợ chồng. Cũng từ đây, người vợ trẻ Đỗ Phương Trâm phải trải qua bao khó khăn, gian khổ và những ngày tháng xa cách.

Ngay sau khi cưới cho đến giữa năm 1963, ông Đỗ Bá Bút nhận nhiệm vụ sang Lào làm chuyên gia quân sự tại mặt trận Cánh đồng Chum. Năm 1964, sau khi về nước, ông Bút là một trong những cán bộ pháo binh đầu tiên vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến năm 1969, ông được điều ra Bắc và công tác tại Bộ Tư lệnh Pháo binh. Trong gần mười năm xa cách, những lần gặp gỡ ngắn ngủi của hai ông bà chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Trâm vẫn tiếp tục học tại Học viện Nông - Lâm, sau đó được quyết định về Ty Nông nghiệp Hải Hưng công tác. Xa chồng, bà Trâm luôn làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người con với hai bên gia đình nội ngoại, phấn đấu trong công tác và không ngừng tiến bộ. 

Vợ chồng Đại tá Đỗ Bá Bút. Ảnh chụp năm 1964 trước khi ông Bút tham gia “tàu không số”.

Năm 1970, bà được cử đi nghiên cứu sinh tại Cộng hòa dân chủ Đức. Nhưng khi biết mình có thai, bà Trâm đã quyết định ở lại để sinh con. Bà cười hiền hậu: “Ông trời đã không phụ lòng đôi vợ chồng biền biệt xa nhau, 9 năm sau ngày cưới, cô con gái đầu lòng ra đời năm 1970 đã khiến tổ ấm của chúng tôi thực sự được hình thành”.

Những năm trước và sau giải phóng miền Nam, vợ chồng bà Trâm vẫn đôi người đôi ngả. Bà Trâm vừa phải lo việc cơ quan, chăm sóc 3 con nhỏ (hai cô con gái thứ 2 và thứ 3 lần lượt ra đời vào năm 1972, 1977) trong những năm tháng khó khăn. Tuy vậy, bà vẫn đảm nhiệm tốt công việc ở cơ quan, được đồng nghiệp, cấp trên tín nhiệm. Trải qua nhiều chức vụ, năm 1987, bà giữ chức Phó Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp chè Việt Nam. Bà đã được tỉnh Hải Hưng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại thương và Nhà nước trao tặng giấy khen, bằng khen nhiều năm liền.

Bức thư trên tàu không số

Cho đến nay, bà Trâm vẫn giữ gần như nguyên vẹn hàng nghìn bức thư của gia đình. Đó là những dòng thư đầy tình yêu và nỗi nhớ của ông bà gửi cho nhau trong suốt những năm tháng xa cách; thư gửi cho các con khi hai người phải đi công tác xa mấy tháng trời và có cả những dòng chữ non nớt của các con gửi cho bố mẹ. Càng đọc thư lại càng hiểu được tình cảm chân thành, sự quan tâm, động viên ông bà dành cho nhau và cho các con. 

Những trang thư luôn là sợi dây kết nối, giúp ông bà có động lực sống và hành động theo phương châm tự đặt ra: Bình dị trong sinh hoạt - Phong phú về tâm hồn - Sâu rộng về kiến thức - Sắt đá về nghị lực - Giữ vững lý tưởng cao đẹp. Những lá thư luôn đan cài giữa cái tôi và cái ta, giữa tình cảm cá nhân và nỗi niềm chung của toàn dân tộc. Trong số đó, với bà Trâm, bức thư từng lênh đênh trên “tàu không số” luôn là một kỉ niệm đặc biệt.

Năm 1964, ông Bút hoàn thành nhiệm vụ tại Lào và về nước tham gia “Lớp học đặc biệt” do Bộ Tư lệnh Pháo binh tổ chức để chuẩn bị vào miền Nam chiến đấu. Ngày 23/10/1964, ông Bút cùng các đồng chí khác vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe Bác dặn dò. 

Ông đã lưu lại lời Bác trong tập hồi kí của mình: “Bác và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho các chú “đi đường đặc biệt” chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Các chú sống để bụng, chết mang theo, không phải báo cáo với Bác. Khi nào cách mạng miền Nam thắng lợi, ra báo cáo với Bác một lượt là được”. Phải mấy tháng sau, ông Bút cùng đồng đội mới hiểu hết ý nghĩa của bốn chữ “đi đường đặc biệt” mà Bác đã nói. 

Tháng 2/1965, khi cuộc chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt, ông Đỗ Bá Bút lúc này đang là trợ lý tác chiến Bộ Tư lệnh pháo binh nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam bằng đường biển. Để không bị địch phát hiện và không lộ tung tích, ông Bút cùng đồng đội được bố trí lên một chiếc tàu đánh cá “không số” chở đầy vũ khí, đạn dược từ Hải Phòng vượt biển vào Cà Mau. Họ đã trải qua một tuần lênh đênh trên biển với tâm thế có thể sẽ phải hy sinh bất cứ lúc nào để bảo đảm người và vũ khí không rơi vào tay địch.

Sau khi vào đến Cà Mau an toàn, ngày 18/2/1965, ông Bút viết lá thư đầu tiên cho người vợ trẻ gửi qua thủy thủ Nhan Hữu Nghiên trên “tàu không số” trở ra Bắc làm nhiệm vụ. Mãi đến cuối năm 1965, khi đã qua giai đoạn phải tuyệt đối giữ bí mật về việc đưa cán bộ từ Bắc vào Nam, bà Trâm mới nhận được thư. Do không thể trực tiếp đưa thư nên thủy thủ Nhan Hữu Nghiên đã gửi thư của ông Bút kèm thư của mình cho bà Trâm qua đường thư bảo đảm.

Bà Đỗ Phương Trâm trên hành trình xuyên Việt năm 2013.

Trong lá thư kèm địa chỉ hòm thư 7143HV, thủy thủ Nhan Hữu Nghiên đã dặn bà Trâm phải tuyệt đối giữ bí mật về việc viết thư cho chồng, về người chuyển thư và cách thức chuyển thư. Suốt những năm tháng sau này, bà Trâm luôn mong muốn được gặp người đưa thư đặc biệt mà bà chưa một lần biết mặt.

Một sự kiện quan trọng đã diễn ra, ngày 20/9/2011, bà Trâm tặng Bảo tàng Quân sự Việt Nam hơn 20 hiện vật của Đại tá Đỗ Bá Bút ở chiến trường B2 cùng một số bức thư thời chiến, trong đó có bức thư của thủy thủ Nhan Hữu Nghiên. Bà Trâm hi vọng rằng, khi báo chí đưa tin về sự kiện này, người đưa thư Nhan Hữu Nghiên hoặc những đồng đội của anh trên “tàu không số” năm xưa sẽ biết được và hồi âm lại cho bà. 

Hai tháng sau, từ xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, ông Nhan Hữu Nghiên sau khi biết được thông tin của bà Trâm đã gọi điện, viết thư cho bà, hẹn bà một cuộc gặp mặt tại gia đình ông. Bà Trâm ngay lập tức vào Quảng Trị. 

Một cuộc gặp gỡ cảm động đã diễn ra, có biết bao nhiêu điều để nói sau 46 năm giữa hai con người chưa từng gặp mặt, bởi họ có chung câu chuyện về người chiến sĩ Đỗ Bá Bút kiên cường và giàu tình cảm trong những ngày vào Nam. Từ đó đến nay, bà Trâm vẫn giữ liên lạc với ông Nghiên và đã 3 lần vào Quảng Trị thăm gia đình ông để tiếp tục tìm hiểu về cuộc sống của Đại tá Đỗ Bá Bút trong thời gian tham gia “tàu không số”.

Viết tiếp trang sử gia đình

Năm 1989, Đại tá Đỗ Bá Bút đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 61 bởi mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo do hậu quả chiến tranh. Bà Trâm tâm sự: “Mất anh, tôi như mất tất cả”. Thời gian đầu, lúc nào bà cũng chìm đắm trong những kỉ niệm về người chồng thân yêu. Sự kính trọng và tình yêu dành cho chồng đã giúp bà có thêm nghị lực để tiếp tục công tác và nuôi các con trưởng thành.

Bà Trâm đã lần theo công việc của chồng còn dang dở để viết tiếp những trang hồi kí của gia đình. Chỉ với tấm bản đồ Việt Nam và những địa danh lưu lại trong thư của ông Bút, năm 2013, bà đã đi dọc chiều dài đất nước, đến những nơi mà chồng bà đã đi qua, đã sống và chiến đấu để hiểu hơn về cuộc sống của ông. 

Tập bút kí Trên từng cây số xuyên Việt ra đời là kết quả của chuyến đi mang nặng nỗi niềm của bà: “Cuộc hành trình xuyên Việt dài 23 ngày càng làm tôi thêm yêu Tổ quốc tôi, đồng bào tôi và BST của tôi” (BST - Bút Sơn Tây, cách gọi thân thiết của bà dành cho chồng).

Trong phòng truyền thống của gia đình, bà Trâm đã lưu giữ và sắp xếp lớp lang tất cả ảnh chụp, hồ sơ giấy tờ, bút tích, bằng khen, huân huy chương của ông Bút. Bà cho tôi xem tấm Huân chương Vạn Tượng hạng Nhất “ba đầu voi” do nhà vua Lào trao tặng ông Đỗ Bá Bút trong thời gian ông chiến đấu và làm chuyên gia quân sự tại Lào. Giọng kể dâng đầy niềm tự hào, tình yêu thương và lòng kính trọng của bà dành cho Đại tá Đỗ Bá Bút.

Cho đến nay bà Trâm đã hoàn thành hơn mười tập hồi ký, kí sự gia đình dày dặn và đầy ắp sự kiện với mong muốn lưu lại cho con cháu những trang vàng của lịch sử đất nước, của truyền thống gia đình. Đặc biệt hơn, bà muốn lưu lại dấu ấn của Đại tá Đỗ Bá Bút - người chồng, người thầy, người đồng chí của bà, đúng như đôi câu đối của Luật sư Phan Anh dành cho ông Bút ngày ông mất: “Rong Bắc ruổi Nam cờ đỏ tung hoành trăm trận đánh/ Thương con quý vợ tình nhà ấp ủ một lòng son”.

Huyền Châm
.
.