Những cánh rừng ký ức

Chủ Nhật, 21/08/2016, 16:50
Sau tuyên bố đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những câu chuyện phá rừng vẫn là tâm điểm nóng ở Tây Nguyên.

Dư luận vẫn băn khoăn vì sao trong những năm qua tại mảnh đất này mỗi năm bị mất đi hàng chục ngàn ha rừng một cách dễ dàng đến thế. Phá rừng tàn bạo như thế nhưng lực lượng chức năng ở đâu? Và ai là người chịu trách nhiệm trước hàng nghìn ha rừng ấy?

1. Tháng 4-2014, tôi được Báo Giao thông cử làm phóng viên thường trú ở Tây Nguyên. Khi đến mảnh đất này, tôi nghĩ sẽ được lần men theo những cung đường vắt qua sườn núi ở đường biên giới, tưởng tượng mình như cơn gió đi hoang qua thăm thẳm giữa đại ngàn để nghe nắng và hương rừng ùa theo sau tay lái…

Sẽ nghe gió reo bên tai, rờn rợn khi đổ một con dốc dài hàng cây số với những khúc ngoặt, bỏ lại sau lưng những cánh rừng. Sẽ thấy mây trắng lửng lơ giữa sườn núi như một nấc thang mở lối lên cổng trời. Sẽ là bạt ngàn lau trắng hay xanh ngắt những vạt lúa ven đồi mùa xuân.

Thỉnh thoảng, ngay bên đường là một con thác tung bọt trắng đổ ầm ào mát lạnh. Khi hừng đông đỏ rực phía tây, khi tiếng tác của nai rừng vọng vào vách núi, sẽ thử một lần ghé vào nhà rông, lắng nghe điệu đàn Trưng ngân lên theo nhịp chiêng của già làng, sẽ nếm nắm cơm mùa lúa mới thơm lừng trên tay, vít ống rượu cần cay nồng bên bếp lửa. Và gió đại ngàn sẽ dừng sau cánh cửa, những nhọc nhằn để lại chân cầu thang nhà sàn, tôi sẽ thả hồn mình tận hưởng sự bao dung ấm áp của đại ngàn.

Những tưởng sẽ gặp những người đồng bào Bana, Ê Đê, Gia Rai… với những điệu nhảy linh thiêng rộn rã trong ánh đuốc. Những người đàn ông đóng khố thổ cẩm ngực trần với thân hình vạm vỡ, những người đàn bà váy cuốn ngang thân hoà nhịp điệu múa trong rộn ràng tiếng cồng chiêng của ngày hội làng…

Và trong tâm trí tôi còn có những đứa trẻ đi chân đất, mái tóc hoe hoe và khuôn mặt bầu bầu lem luốc. Những khu nhà mồ với những bức tượng trầm tư phủ rêu phong dưới cánh rừng già. Tây Nguyên hoang hoải trong tâm trí của tôi.

Phá rừng chuyển đổi cây cao su ở Nam Sa Thầy - Kon Tum năm 2014. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên.

2. Nhắc đến Tây Nguyên chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến rừng. Tôi thực sự sốc khi đặt chân đến mảnh đất này. Ở đây chẳng bạt ngàn rừng núi như tôi tưởng. Rừng bị tan hoang bởi bàn tay con người nhanh quá. Thiên nhiên bị cướp đi những thứ nó tồn tại hàng ngàn năm qua.

Tình trạng phá rừng diễn ra suốt mấy chục năm nay, đến nỗi bị coi như quốc nạn. Và tôi tiếc! Tôi đay nghiến tâm can mình rằng chỉ những kẻ vô lương tâm với đất nước, với nhân dân mới không xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá hết năm này qua năm khác. 

Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lá phổi xanh của đất nước teo tóp dần, tiền bán tài nguyên rừng bị chui vào túi những tập đoàn, cá nhân này nọ. Những đôi mắt nào bị mù, những đôi tai nào bị điếc và lặng im nào khiến cho hàng ngàn ha rừng ở Tây Nguyên bị mất dần.

Tháng 4-2015, tôi và đồng nghiệp đèo nhau bằng xe máy đi từ Peiku (Gia Lai) men theo quốc lộ 14C rồi qua đoạn qua xã Ia Dom huyện Nam Sa Thầy (nay là huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum). Bên cạnh con đường chúng tôi đi chẳng còn rừng xanh núi thẳm.

Bên con đường đang mở, lúp xúp những bạt ngàn đồi núi trọc. Chúng tôi dừng lại khi bắt gặp một bãi gỗ có thể gọi là “khủng” nhất tôi từng biết. Nơi đây có hàng trăm cây gỗ với đường kính tầm hai người lớn ôm không xuể, chiều dài lên tới hơn chục mét bị cưa xẻ. Những con số, những dấu búa in đậm lên trăm đường vân vòng đời. Những khối gỗ hộp vuông vắn gọn gàng chờ ngày được kéo ra khỏi bãi đất trống trơ.

Tôi hỏi những người dân bản địa, họ nói trước đây vùng này rừng rậm rạp lắm. Có những cây lớn tới vài người ôm không xuể, thú rừng thì vô vàn. Rồi bỗng nhiên dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su đến. 

Những tiếng máy cưa, tiếng cây rừng đổ rạp xuống rền rã núi rừng ngày này qua tháng khác. Chim muông xao xác, thú rừng không bén mảng. Và đại công trường xuất hiện trong tiếng máy ủi, máy múc… để rồi những ngày sau đó mầm cao su lúp xúp mọc lên thẳng hàng ngang, hàng dọc… thay cho những tán rừng.

3. Tháng 5-2015, phải rất vất vả sau một chặng đường dài, tôi mới đặt chân được đến cửa rừng trên núi Chư Jú (xã Ia Rbol, TX. Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Hai bên đường đi, hàng loạt cây cối bị chặt phá ngổn ngang. Thi thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những cây gỗ lớn bị cưa nhưng rỗng ruột mà lâm tặc vứt lại.

Gặp một gia đình người dân tộc Gia Lai thuộc xã Ia Rbol đang nghỉ ngơi ven đường, chúng tôi bắt chuyện: “Rừng bị chặt nhiều thế? Sao không ai sợ bị bắt à?”. Thì được trả lời: “Họ chở cả công nông đi miết mà có ai bắt đâu. Nhiều lần người dân ở đây còn bị nhóm lâm tặc dọa đốt nhà, dọa chém. Vậy nên không ai dám gây hấn với lâm tặc cả”, một người đàn ông đứng tuổi cho biết.

Chúng tôi tiếp tục băng rừng, thỉnh thoảng lại gặp một cây vừa mới bị cưa, cành lá ngổn ngang. Tiếng máy cưa rung chuyển những tán rừng. Có những cây lâm tặc mới cưa, xẻ xong chưa kịp gom lại vẫn để ở ven đường chờ xe ngang qua bốc đi. Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp ba chiếc công nông đã được độ lại, bánh quấn xích (chuyên để chở gỗ đường rừng) đang lặc lè chở gỗ, chốc chốc lại dừng để gom gỗ ở ven đường.

Khi chúng tôi vờ dừng lại để xin nước uống, những thanh niên bặm trợn hộ tống những chiếc xe công nông như dò xét, tay luôn thủ rựa. Tôi vừa uống nước, vừa cười: “Thế không sợ kiểm lâm, công an à?”.

Người lái xe chở gỗ nhìn chúng tôi, nhoẻn miệng cười: “Sợ gì! Có ai bắt đâu mà sợ?”. “Gỗ ni mang về làm chi anh?”, tôi hất mặt vờ hỏi. Một thanh niên ngồi trên xe công nông nói vọng xuống: “Cây thẳng thì làm nhà, cây hơi cong thì làm trụ tiêu”. “Rứa xe ni mấy khối gỗ đây?, tôi hỏi tiếp. “À, tầm khoảng 3-4 m³ thôi”, lái xe trả lời.

Trên đường chúng tôi ngang qua, cây gỗ dầu thân chỉ đường kính tầm bắp chân người lớn đều bị hạ sát gốc, mủ chảy ra, ứ lại, dẻo quánh. Và thế, một cây gỗ dầu bị hạ xuống lại một trụ tiêu mọc lên ở đâu đó ở mảnh đất cao nguyên đất đỏ bazan này…

Tháng 6-2015, sau khi nghe thông tin mà người dân cung cấp về tình trạng phá rừng ở rừng Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tôi khăn gói dọc theo Tỉnh lộ 675 và 674, đóng giả làm một người dân lặn lội vào khu vực này để tận mắt ghi lại những điều mình thấy.

Thời điểm tôi đến hai bên đường thì vẫn còn rừng, nhưng chỉ cần băng qua lớp rừng ấy vài chục mét bạt ngàn trống trải. Ấy vậy mà dọc đường chúng tôi đi có vài chục người dân dùng xe máy độ chế chở theo cưa, rìu vào rừng để lượm lặt những bìa gỗ, đào những gốc gỗ bị phá để về bán lại. Và những chiếc xe gỗ cứ thế chạy trên đường tỉnh lộ rồi ra TP Kon Tum một cách… quá dễ dàng.

Cũng vào thời gian ấy, chúng tôi thực hiện hành trình từ TP. Kon Tum theo quốc lộ 24 đi đến xã Hiếu (Kon Plông, Kon Tum) để chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá. Xung quanh đường người dân phá rừng làm rẫy trên diện tích lớn. Những đồi cây mỳ cứ mơn mởn trên những gốc gỗ vừa cháy xém trong mùa khô.

Cũng tại huyện Kon Plong, men theo Tỉnh lộ 676, chúng tôi đi sâu hơn vào xã Măng Cành để khảo sát. Bên cạnh rất nhiều những con đường nhỏ lâm tặc mở đi vào sâu trong rừng để khai thác và vận chuyển gỗ thì tình trạng phá rừng làm rẫy cũng diễn biến khá phức tạp. Nhiều diện tích rừng bị người dân xâm lấn từ nhiều năm nay, có diện tích vừa được mở rộng thêm…

4. Tháng 4 năm nay, chúng tôi tìm về Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (KBang, Gia Lai) -  nơi có tỉ lệ che phủ cao nhất hiện nay. Nhìn những dòng thác cuộn trôi, những tán rừng cao ngút tầm mắt tôi nghĩ rằng đây mới chính là rừng. Bởi rừng nguyên sinh nên hệ động thực vật phong phú. Bên cạnh đó là nhiều ghềnh thác nước chảy quanh năm.

Ấy vậy mà, những con thác đã biến nơi này thành một miếng mồi ngon cho thuỷ điện. Các doanh nghiệp cứ nhăm nhe khảo sát để biến dòng thác suối Say tại Khu bảo tồn này để lập dự án thuỷ điện.

Tháng 4 vừa qua, khi mà nghị trường Quốc hội nóng lên với phát biểu của ông Huỳnh Ngọc Thành (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) cho rằng Thuỷ điện An Khê – Ka Nak là công trình sai lầm thế kỷ cũng là lúc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn 30/4 - Gia Lai gửi cho tỉnh Gia Lai kiến nghị xin dự án thuỷ điện trong Khu bảo tồn Kon Chư Răng.

Dự án này sau đó bị báo chí phản ánh nên đã rút đơn kiến nghị. Thế nhưng câu chuyện xin ngăn đập trong khu bảo tồn thiên nhiên chưa dừng lại, Kon Chư Răng lại một lần nữa bị nhăm nhe bởi dự án thuỷ điện của Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh khi công ty này gửi đơn xin dự án. 

Cách huyện KBang (Gia Lai) chưa đến trăm cây số, thuỷ điện Thượng Kon Tum hiện đang triển khai xây dựng. Cuối tháng 7, sau hội thảo khoa học về nguồn nước ở Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai, chúng tôi tìm đến công trường thuỷ điện Thượng Kon Tum đang được xây dựng ở đầu nguồn sông Đắk Snghé.

Công trường này là một trong những dự án thủy điện lớn của tỉnh Kon Tum. Dự kiến khi đi vào vận hành sẽ làm cạn khô sông suối ở hạ lưu vì nó chuyển nước sang sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).

Tổng diện tích đất để xây dựng thủy điện này khoảng 782ha, trong đó có 414ha đất rừng tự nhiên và 135ha đất sản xuất nông nghiệp thu hồi của 154 hộ dân trong vùng. Việc thi công xây dựng thuỷ điện mặc dù được các nhà khoa học phản đối, thế nhưng vẫn được xây dựng. Và thế, khi thuỷ điện tích nước sẽ lấy đi hơn 380ha rừng phòng hộ đầu nguồn…

Trở lại với câu chuyện phá rừng ở Tây Nguyên, thủy điện là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất rừng đầu nguồn ở khu vực. Và trong nhiều năm qua ở Tây Nguyên này chẳng mấy đơn vị chấp hành đầy đủ quy định trả lại rừng theo cam kết.

Tây Nguyên không còn như hình dung của tôi nữa. Rừng biến thành miếng mồi ngon cho những kẻ muốn đánh úp để mưu sát thiên nhiên. Tôi tự hỏi, những người đặt bút ký cho hàng nghìn ha rừng ngã xuống có đau lòng không? 

Hãy thử tìm đến nhà những quan chức, những đại gia gỗ ở Tây Nguyên mà xem, quả thực chả có ngôi nhà sàn nào đơn cả. Chí ít cũng biệt phủ với những bộ phản láng bóng dày cộp. Và những tượng Phật trưng trong nhà có làm tâm họ bình an?

Tạ Vĩnh Yên
.
.