Kỷ niệm 60 năm lực lượng CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (1948/2008):

Như mỗi ngày phải rửa mặt...

Thứ Sáu, 11/04/2008, 09:10
Phê bình và tự phê bình đúng cách như Bác Hồ quan niệm, luôn có thể góp phần xây dựng đội ngũ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng giao cho. Vì thế, "mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt…".

"Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm.

Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét mà sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét" - những dòng này đã được Bác Hồ viết trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (với bút danh X.Y.Z) do Nhà Xuất bản Sự thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948. Tới nay đã có cả chục lần tác phẩm này được tái bản, tới cùng bạn đọc gần xa bởi những ý kiến, ý tưởng trong đó vẫn luôn mang tính thời sự cấp bách.

Phê bình và tự phê bình đúng cách như Bác Hồ quan niệm, luôn có thể góp phần xây dựng đội ngũ có phẩm chất và năng lực đáp ứng được nhiệm vụ cách mạng giao cho. Vì thế, "mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt…".

Khổng Tử từng có câu: "Chính trị là làm mọi việc cho ngay thẳng, lấy ngay thẳng mà khiến người thì ai dám không ngay thẳng? Mình ngay thẳng thì không sai khiến người ta cũng làm, mình không ngay thẳng thì có sai khiến cũng không ai theo".

Là một người thấm nhuần sâu sắc những tư tưởng anh minh của phương Đông, Bác Hồ luôn lấy chủ trương trong mọi việc đều "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" và đề cao vai trò của công tác tự phê bình và phê bình. Đặc biệt sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trên cương vị người cầm lái tối cao của con thuyền cách mạng Việt Nam, Bác Hồ lại càng đề cao vai trò của công tác tự phê bình và phê bình.

Trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập sau ngót trăm năm nằm trong ách đô hộ của thực dân phong kiến, tồn tại quá nhiều bất cập ở tư duy và cách hoạt động xã hội, Bác Hồ với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn nhắc nhở các "công bộc" của chế độ mới về nhiệm vụ phải soi mình cho kỹ để tránh hoặc để sửa những điểm yếu, những khuyết điểm trong hoạt động vì nước vì dân của mình.

Trong giai đoạn đó, các cán bộ hay mắc phải những căn bệnh quan liêu tai hại như khuynh hướng chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không nghiêm, thậm chí có thể có những hiện tượng hủ hoá… Bác nhắc nhở:

"Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động.
Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay.
Chúng ta không sợ khuyết điểm.
Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi.
Chúng ta phải lấy lòng "chí công vô tư…”.

Ngay trong tháng 1/1946, Bác đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho công bố một văn bản "Tự phê bình", trong đó, bên cạnh việc thống kê những thành tựu ban đầu đã đạt được trên con đường an dân kiến quốc, đã thẳng thắn nêu ra những điểm yếu mà theo Bác, Chính phủ vẫn đang mắc phải. Và Bác khẳng định: "Tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là do lỗi tại tôi".

Và Bác cũng công khai nêu ra một phương châm hành xử chính trị mà sau này, suốt cả đời mình, Bác luôn làm theo: "Người đời không phải thánh nhân, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không kiên quyết sửa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ".

Mục đích chính trong công tác tự phê bình và phê bình của chúng ta là giúp nhau nhìn rõ hơn thực tế và cùng nhau sửa chữa khuyết điểm. Thật thà với nhau trong những công việc này là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Và các cán bộ đảng viên trong công tác này phải hết sức chú ý lắng nghe những ý kiến của quần chúng: "Muốn sửa chữa cho tốt phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi".

Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã nói rất kỹ về ý nghĩa, tác dụng và cách thức đúng đắn khi tiến hành công tác phê bình và tự phê bình trong nội bộ:

 "Ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau.

Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau.

Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự  sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng".

Vì sao tinh thần phê bình ở một số nơi còn chưa tốt? Theo cách lý giải của Bác Hồ:

"…Trước hết là vì, cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.

Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.

Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.

Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì cũng không dám nói ra.

Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù" là khác.

Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", 'trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm", sinh ra thói "thậm thà thậm thụt" và nhiều thói xấu khác.

Kinh nghiệm là: cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh "thì thầm thì thào" cũng hết.

Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt.

Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa".

Tháng 11/1950, trong phiên họp của Hội đồng Chính phủ trên chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ lại thêm một lần nhấn mạnh vai trò không thể gì thay thế được của công tác tự phê bình và phê bình: "Chúng ta hay cả nể. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Thế nhưng, quan niệm thanh cao tự thủ không đủ. Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân, trong anh em phải có phê bình và tự phê bình, phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo phê bình và tự phê bình. Tất cả chúng ta phải tiến hành phê bình và tự phê bình một cách liên tục và thực thà. Có thế ta mới tiến bộ. Nhưng nhận lỗi chưa đủ, phải kiên quyết sửa lỗi".

Trong bản Di chúc để lại trước khi đi vào cõi vĩnh hằng tháng 9/1969, Bác Hồ cũng đã nhắc nhở: "Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".

Chúng ta ai cũng biết rằng, tự phê bình và phê bình là quy luật căn bản để một tổ chức chính trị xã hội tồn tại và phát triển, là vũ khí sắc bén và hữu hiệu trong công tác xây dựng Đảng. Những lời dạy của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình cho tới hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với mọi cán bộ, đảng viên

Hoàng Long
.
.