Cha con nhà văn Nguyễn Vinh Tú, Nguyễn Vinh Huỳnh

Như là định mệnh

Thứ Bảy, 26/09/2015, 10:30
Người ta vẫn thường nói, văn chương là nghiệp chướng, thì với hai cha con nhà văn Nguyễn Vinh Tú, Nguyễn Vinh Huỳnh, văn chương có thể coi là một định mệnh khiến họ phải đeo đuổi trong suốt cả một chặng đường dài của cuộc sống. Hai cha con, hai tính cách, hai thời đại, hai lối sống... nhưng họ lại gặp nhau ở một điểm đến của tâm hồn, đó là những trang văn...

Căn nhà của gia đình nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh được anh trưng dụng để làm công ty riêng của mình, bên cạnh những công việc tất bật của thời buổi thị trường kinh doanh nhiều biến động, bên cạnh khách hàng lần lượt ra vào, tiếng chuông điện thoại, giấy tờ, máy móc, ngổn ngang hiện diện đủ đầy là một người đàn ông của công việc năng động, tháo vát, nói tiếng Anh như gió, đi nước ngoài như cơm bữa... là một gia tài sách quý được anh sưu tập bấy lâu nay.

Bên cạnh cái gia tài sách ấy là một góc nhỏ có vài chục đầu sách in chung, in riêng của hai cha con anh. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi rằng, Nguyễn Vinh Huỳnh lấy đâu ra thời gian cho riêng mình để có thể ngồi tĩnh lặng mà gõ bàn phím và sống cùng những nhân vật tiểu thuyết của mình. 

Không chỉ thế, anh đáng quý ở chỗ, dù bận rộn đến mấy, thì trong một cuộc hội thảo văn chương, ra mắt sách hoặc có một cuộc tụ hội bạn văn ở đâu đó được bè bạn gọi đến, bao giờ anh cũng có mặt, để tặng một bó hoa, uống cùng một chén rượu và bàn chuyện văn chương, như thể tách ra khỏi đời sống và đời viết ấy, anh sẽ trống vắng và mất đi một khoảng trong tâm hồn, dù trên thực thế anh có cuộc sống riêng đủ đầy và viên mãn.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh và cha anh Nhà văn Nguyễn Vinh Tú đã cùng cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết và làm chung một cuộc tọa đàm tại Hội trường Hội Nhà văn Hà Nội. Cha anh, Nhà văn Nguyễn Vinh Tú sinh năm 1929, tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông thuộc thế hệ vàng của văn học cách mạng với các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Xuân Sách. 

Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp và là cây bút của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đoạt một số giải thưởng văn chương thời ấy nhưng do điều kiện chiến tranh bị thương tật, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên con đường văn chương của nhà văn Nguyễn Vinh Tú không mấy thuận lợi. Thế nhưng, trong ông tình yêu văn học luôn cháy bỏng ông miệt mài sáng tác dù tuổi rất cao. 

Cách đây 3 năm, ông đã cho ra đời 2 tác phẩm Khuất một vầng trăng, Vết chân chim được giới văn học đánh giá cao. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ rằng, đã từ lâu ông chán đọc tiểu thuyết vì nó bị bịa một cách sống sượng, đọc được 5, 6 trang là bỏ. Nhưng khi đọc tiểu thuyết Ách giữa đàng, cuốn sách của một người bạn đồng niên cùng thời với ông, một người đi cùng ông một trại viết trước những năm chống Pháp, ông cũng thấy mát lòng vì Nhà văn Nguyễn Vinh Tú đã khai thác cuộc sống trên cơ sở sự thật để làm chất liệu cho tác phẩm của mình đời hơn. 

“Hệ nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú được xây dựng với hình ảnh thiện ra thiện, ác ra ác, trong khi sự thật ngoài đời thì thiện ác lẫn lộn. Viết tiểu thuyết là tái hiện hiện thực nhưng không được thiếu sự bay bổng, khái quát, đấy chính là sự hư cấu. Với tác phẩm mới Ách giữa đàng Nguyễn Vinh Tú đã đưa lối viết hiện đại vào tác phẩm, xông thẳng vào đời sống hiện đại, chứ không phải hồi ức lại quá khứ để viết và tham gia cải tạo đời sống, đó là phòng chống tham nhũng. 

Viết về tham nhũng rất khó lại khéo léo dùng sự dí dỏm trong từng hình ảnh, ký ức, cuốn sách giúp biết cái xấu và bài trừ khỏi cuộc sống thi pháp giễu nhại, hài hước, châm biếm, dòng mới, hiện đại, hậu hiện đại. Chúng tôi giờ đã là những nhà văn già cả rồi và ở tuổi ngót nghét 90, anh Vinh Tú vẫn viết tiểu thuyết và in đều là điều đáng mừng. 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì chia sẻ: “Tôi thật khâm phục một người không thể nghe rõ những gì đang diễn ra xung quanh mình, không thể nghe rõ những đối thoại hàng ngày, những âm thanh của cuộc sống mà lại viết miệt mài, mà lại đời đến thế. Không dùng nhiều thủ pháp nhưng những câu chuyện trong tác phẩm khiến người đọc cảm thấy không có tính chất hư cấu. Tính bi hài của cuộc sống được nhà văn truyền tải một cách cuốn hút”.

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, người được thừa hưởng những cảm hứng văn chương của cha mình, ngay từ nhỏ anh đã thích viết văn và đọc nhiều. Dù mê văn chương nhưng anh lại học Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân. Cầm hai tấm bằng kinh tế, anh thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa VI) và học tiếp bốn năm với mong muốn được học hỏi nhiều các từ các học giả, các nhà văn, nhà thơ lớn. 

Nhà văn Đào Bá Đoàn, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn, người đã biên tập một số cuốn sách của Vinh Huỳnh đã chia sẻ: “Văn của Vinh Huỳnh thuộc loại hiếm ở Việt Nam, bởi truyền thống từ xa xưa đến nay chủ yếu là thể hiện cái bi, còn Vinh Huỳnh ngay từ đầu đã chọn cái hài hước làm bút pháp, và cho đến giờ vẫn luôn như vậy. Cái hài là cách viết rất khó, ngay cả nhà văn đã thành danh mà khi tự nhiên cố gắng chuyển giọng từ cách viết kì ảo sang hài hước, giễu nhại cũng không thành công, đọc thấy rất gượng gạo. 

Còn ở Vinh Huỳnh là “trời cho” một thi pháp độc đáo và hiếm như vậy. Trong tập truyện ngắn gần đây nhất của Vinh Huỳnh mang tên là NG cũng đậm chất hài hước, giễu nhại. Anh giễu tất cả, từ tình yêu, hạnh phúc đến đạo lý mô phạm; ngay cả việc làm ăn, tình bạn bè cũng được thể hiện hài hước. Do thời gian công việc quá bận rộn mà anh viết không được liên tục, đều đặn; nếu bỏ công nhiều hơn nữa chắc chắn anh đã rất thành công với văn chương. 

Một điều tôi rất kính nể ở anh, đó là dù bận rộn đến mấy thì  anh luôn là người yêu cái mới, có tác phẩm nào mới mẻ của văn chương thế giới là anh mua bằng được. Anh cũng luôn tiếp cận, chơi thân thiết cùng những học giả có những công trình, phát kiến mới mẻ, có giá trị; đó cũng là cách học hỏi, trau dồi tri thức để bồi đắp cho các tác phẩm văn chương của mình”.

Bìa hai cuốn sách mới.

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh từng tâm sự rằng, là một người làm công việc kinh doanh, một nghề gần như đối lập với văn chương, nhưng chính trong quá trình viết văn, anh lại sử dụng được nhiều thông điệp của cuộc đời thông qua những trải nghiệm, những chuyến đi làm kinh tế ấy. Văn chương đã giúp nuôi sống tâm hồn anh và giúp anh thoát khỏi những căng thẳng trong cuộc sống.

Anh đã viết các tập sách Người xa lạ, Đồng Đẳng và nay là NG trong những chuyến đi dài công tác, trong những đêm không ngủ và thậm chí, cả sau khi ký những hợp đồng làm ăn. Người ta cứ nói không có thời gian viết văn chỉ là một trong những cái cớ, với Vinh Huỳnh, thời gian là báu vật và trong chính sự bận rộn, câu chữ đã đến với anh. Vinh Huỳnh thường sử dụng biện pháp hư cấu tự sự để viết các tác phẩm của mình. 

Cuốn NG là một lời nhắn nhủ với tác giả về ảnh hưởng hai chiều của công nghệ hiện đại với cuộc sống của chúng ta. Chính cuộc sống văn minh, hiện đại với những công nghệ hiện đại đang nghiền nát chúng ta, nghiền nát tâm hồn và nó đang làm mất dần sự quan tâm lẫn nhau trong đời sống.  Không phải chúng ta đang lái công nghệ đi, mà chính chúng ta bị lệ thuộc vào công nghệ. Bằng phong cách tự trào, hài hước và giễu nhại để chuyển tải nội dung, Vinh Huỳnh đã có những câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Với Vinh Huỳnh, tôi quý anh ở cách anh đưa bút pháp tạo ra tiếng cười và tạo ra những sự thật trớ trêu trong cuộc sống. Thông qua truyện ngắn của Vinh Huỳnh, qua cách phản ánh với nhiều nét mới, chúng ta nhận ra được những khiếm khuyết của mình trong xã hội hiện đại. Anh không có cái ác ý trong những câu chuyện cười cợt mà đầy lòng trắc ẩn trong những mảnh ghép hỗn độn của đời sống”. 

Còn nhà phê bình Vũ Nho, một người yêu quý tác phẩm của Vinh Huỳnh đã nhận xét: Trong nghệ thuật truyện ngắn thì việc dựng truyện của người viết thể hiện bút lực và tay nghề. Vinh Huỳnh không chỉ giỏi chọn chi tiết, biết cách kể, giỏi miêu tả, mà điều quan trọng là thành thạo dựng truyện. Chỉ một vài câu ngắn gọn, người đọc đã bập ngay vào tình huống truyện. Rồi cứ thế, như có một sức cuốn hút ngầm, theo tác giả đi hết mạch truyện. Đó chính là lối viết “động” của giới trẻ bây giờ. Không ít những truyện bất ngờ nhưng lại hợp lí.

Trong một lời tự sự của mình từ những ngày mới đến với văn chương, Nguyễn Vinh Huỳnh viết: Cùng năm tháng, dưới mái nhà của cha và lời ru của mẹ, con hồn nhiên khôn lớn. Lần xa nhà đầu tiên, con đến với rừng và được nếm mùi khổ ải, được biết thế nào là mưa nguồn, suối lũ, là khoai hà sắn sượng, con bị say cả chục lần nên chẳng thể nào quên được. 

Cho đến một ngày cha lên đón con về Hà Nội, cha mang theo chiếc túi lưới toòng teng. Con lục ra thấy còn nửa chiếc bánh mì ba tê, ăn ngấu nghiến. Chao ôi, đó chính là món ngon nhất mà con được thưởng thức dù con có nếm đủ sơn hào hải vị. Cha thường hay mường tượng sự việc vượt ra ngoài thực tế và phóng đại phịa một cách quá đáng. Mẹ bảo, ông này liên thiên. Nhưng con thì lại rất khoái tai, và con biết mình đã được nuôi dưỡng tình yêu văn chương từ những điều tếu táo ấy. Bởi cuộc sống, đôi khi cần một sự “lạc quan tếu” để vượt qua những gian nan trong đời sống”.

Được biết, sắp tới đây, Nguyễn Vinh Huỳnh sẽ cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết mới gắn liền với công việc của anh: Con buôn. Anh cũng sẽ in chung cùng cha mình một tuyển tập với rất nhiều bài báo, bài viết của các nhà văn nhà thơ, bạn bè để làm kỷ niệm. Với anh, viết văn đã là một nhu cầu tự thân như cơm ăn, nước uống. Bởi nếu không biết dừng lại tìm cho mình một niềm đam mê, cuộc sống hiện đại sẽ cuốn chúng ta đi trong sự vô vọng của thời gian, kiếp người. 

Và nói như Triết gia, nhà văn châm biếm người Scotland, Thomas Carlyle: “Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành là được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Và với dòng tộc, gia đình, hai cha con Nguyễn Vinh Tú - Nguyễn Vinh Huỳnh đã làm được điều đó.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.