Kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2014)

Nhớ ngày trở lại

Thứ Tư, 01/10/2014, 08:00

Suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, cán bộ, chiến sĩ ta ai mà không mong mỏi ngày chiến thắng được trở lại thủ đô yêu dấu? Nhớ Hà Nội chỉ còn biết hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi hoặc đọc bài thơ của Chính Hữu khi Trung đoàn Thủ đô đầu năm 1947 rút ra ngoài: “Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng”… Nay vào tiếp quản thủ đô với không khí tưng bừng trong bài hát của Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về… Năm cửa ô đón mừng…” thật hào sảng, đúng với tình cảnh, tâm tư chúng ta đến thế!

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Ngày 27/7/1954 là ngày đầu tiên của hai bên Việt - Pháp đều ngừng hẳn tiếng súng trên các mặt trận, là ngày hòa bình đầu tiên sau 9 năm trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Suốt 9 năm quân dân ta thường sinh hoạt, chiến đấu về ban đêm, nay mới được tự do đi lại giữa ban ngày mà không sợ máy bay địch oanh tạc. “Ta đi giữa ban ngày/ Trên đường cái, ung dung ta bước…”, hai câu thơ của Tố Hữu đã nói đúng tâm lý, tâm trạng khoan khoái của quân dân ta lúc đó.

Lực lượng Công an nhân dân từ những ngày ấy đã được phân công tham gia vào các mặt công tác như trao trả tù binh Pháp; tiếp tục hoàn thành cuộc chiến đấu với tàn quân của binh đoàn biệt kích hỗn hợp nhảy dù mà Bộ chỉ huy quân đội Pháp bố trí ở vùng Tây Bắc nhằm đâm những nhát dao găm vào sau lưng chúng ta hỗ trợ cho căn cứ Điện Biên Phủ; một bộ phận khác vẫn còn đi phục vụ các đợt đấu tranh đòi giảm tô, thực hiện cải cách ruộng đất…

Một số cán bộ Bộ Công an chúng tôi đang đi công tác thì được lệnh gọi về cơ quan, đánh thông tư tưởng và giao nhiệm vụ tham gia việc tiếp quản thủ đô Hà Nội - chúng tôi anh nào cũng lo công việc mới mẻ, khó khăn nhưng đồng thời lại rất phấn khởi vì đáp ứng mong ước từ lâu: Kháng chiến thành công được trở lại thủ đô thân yêu. Thế là mỗi người chúng tôi cầm giấy giới thiệu cùng hồ sơ lý lịch đảng viên của mình, nhận tiền công tác phí, đeo ba lô đi Thái Nguyên gấp.

Tại huyện Đại Từ, trong một khu rừng thưa đã dựng lên một hội trường lớn và vài chục nhà tranh tre bao quanh san sát. Ở đây đã thấy tập trung mấy trăm cán bộ các ngành, các địa phương mà Hà Nội là chủ lực để học tập về đường lối, chính sách tiếp quản.

Sau lớp học, chúng tôi được phân chia thành từng đoàn, lên xe vận tải Mô-lô-tô-va từ Đại Từ đi Bình Ca, qua thị xã Phú Thọ, Trung Hà rồi tới Vân Đình (Hà Đông). Thị trấn Vân Đình đã nổi tiếng từ hồi còn đang kháng chiến thì nay lại càng đông vui sầm uất, nhiều quán hàng ăn uống, nhiều cửa hiệu buôn bán các loại hàng hóa nội ngoại từ văn phòng phẩm đến quần áo, vải vóc, giày dép… mà ở chiến khu Việt Bắc rất khan hiếm. Tuy vậy chúng tôi cũng chẳng còn thời giờ nào nghĩ đến đi “bạt” phố cả. Rất nhiều viên chức của các cơ quan, các ngành thuộc chính quyền Bảo Đại hay của Pháp đã trốn ra đây trình diện với cách mạng (kháng chiến), riêng số anh em cảnh binh Hà Nội đủ các loại đã ra đây tới gần 500 người. Tôi được phân công phụ trách làm giáo viên một lớp tổ chức cho anh em học tập về chính sách lưu dụng của ta.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10/1954, một số cán bộ chúng tôi được tổ chức gọi lên, bảo đi may đo một bộ quần áo đại cán bằng vải kaki gabađin Trung Quốc màu vàng nhạt, lĩnh một mũ casque bọc vải cùng màu với quần áo đã gắn sẵn công an hiệu (hình tròn, nền đỏ sao vàng có nhành lúa hai bên, dưới có bánh xe răng cưa và hai chữ CA ở giữa), một áo sơ mi trắng dài tay, một đôi giày vải cao cổ, một đôi tất và một khẩu súng lục K54 mới toanh (có đủ thắt lưng da, bao súng và dây dù buộc ở chuôi súng, một băng đạn dự trữ). Tôi được phân công phụ trách đoàn. Tổ chức thuê xe khách tư nhân cho chúng tôi đi từ Vân Đình qua thị xã Sơn Tây về Trung Giã. Tại đây chúng tôi được lãnh đạo cho biết có nhiều đồng chí được sắp xếp vào các “đội hành chính vào trước” để nhận bàn giao các cơ quan hành chính. Phần chúng tôi là cán bộ Công an được sắp xếp vào “đội trật tự vào trước” để nhận bàn giao ba cơ quan đơn vị: 1- Ty Cảnh binh thành phố; 2- Cảnh binh quận Nhất lúc ấy còn là quận Hàng Trống - nay là Công an quận Hoàn Kiếm); 3- Quận cảnh sát giao thông đường bộ.

Tối 4/10/1954, Ban Liên hiệp đình chiến phổ biến cho chúng tôi là 5h30 sáng 5/10/1954, bên phái đoàn Pháp sẽ đưa chúng tôi vào Hà Nội và cấp cho chúng tôi mỗi người một giấy ủy nhiệm công tác (một bên chữ Việt do đại diện phái đoàn ta ký tên đóng dấu và bên kia chữ Pháp do đại diện phái đoàn Pháp ký tên đóng dấu: Đại tá Galibe). Sáng sớm 5/10/1954, chúng tôi tập hợp hàng ngũ và đưa anh em từ trong làng Trung Giã ra đường quốc lộ 2, qua cầu Phù Lỗ (đầu cầu phía Hà Nội có lô cốt của quân Pháp). Vì đã được thông báo trước nên đoàn chúng tôi ung dung, tề chỉnh đi qua hai hàng tiêu binh của quân đội Pháp và bước lên 10 chiếc xe vận tải Mô-lô-tô-va của quân ta sắp sẵn từ trước rồi. Phía Pháp bố trí 4 xe thiết giáp  2 chiếc đi đầu và 2 chiếc đi sau đoàn. Đoàn xe 14 chiếc chuyển bánh, cự ly xe nọ cách xe kia 10m, tốc độ 30km/giờ.

Xe qua cầu Đuống rồi thị trấn Gia Lâm, lên dốc cầu Long Biên. Xuống dốc cầu đã thấy nhân dân đông đảo đứng trên vỉa hè từ đấy qua ngõ Hàng Khoai xuống cột đồng hồ, bà con vẫy tay vẫy nón với chúng tôi và chúng tôi cũng chỉ tươi cười vẫy tay chào lại được thôi.

Sáng ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 tiến vào giải phóng thủ đô trong rừng cờ hoa rực rỡ.

Đoàn xe qua nhà Khai Trí Tiến Đức ở phố Lê Thái Tổ rồi đỗ lại cạnh cổng trụ sở quận Nhất (nay là Công an quận Hoàn Kiếm). Chúng tôi xuống xe, sắp hàng ngũ tiến vào trong sân đã thấy nhiều binh sĩ Pháp, các phóng viên nước ngoài đeo máy ảnh chờ ở đó rồi. Đại tá Cô-da-phông chỉ huy khu vực Hà Nội và ông Ác-nô mời ba người chỉ huy chúng tôi vào văn phòng trao đổi. Các anh em nghỉ ở sân thì các phóng viên xúm vào hỏi chuyện, chụp ảnh lia lịa…

Đại tá Cô-da-phông nói đã ủy nhiệm mọi công việc cho ông Ác-nô làm việc với chúng tôi. Bước đầu ông Ác-nô cũng chỉ trao đổi kế hoạch bố trí nơi ăn ở làm việc của anh em tại đây (toàn bộ các buồng trên gác quận Nhất), còn tầng trệt thì binh sĩ Pháp ở, vừa đảm bảo công việc ở ngoài phố và bảo vệ trụ sở hàng ngày.

14h chiều 5/10/1954, ông Ác-nô đến cùng phiên dịch (ông Thọ) thống nhất lịch làm việc với chúng tôi cho tới ngày 9/10/1954. Việc giao nhận của đôi bên ông Ác-nô đưa chúng tôi đi khắp nơi bàn giao: Ty Cảnh binh thành phố, quận Nhất, Quận Cảnh sát giao thông bộ, ở đâu cũng chỉ là những phòng trống rỗng chỉ còn vài cái tủ, bàn ghế cũ… Tất cả hồ sơ giấy tờ thậm chí từ quạt trần, đèn néon… đều bị tháo dỡ đi hết. Vào bàn đàm phán, ông Ác-nô thanh minh: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì không được bàn giao nguyên vẹn cho các ông, chính quyền Bảo Đại đã cho tháo dỡ chuyển vào Nam tất cả. Các viên chức cũng loạt đi Nam, loạt chạy về quê tứ tán hết nhưng khi các ông về tiếp quản rồi thì họ sẽ tìm ra làm việc với các ông thôi”.

Quang cảnh sinh động của thành phố trước ngày quân ta vào tiếp quản, nhất là quanh bờ hồ Thiền Quang, đã biến thành chợ trời đủ các thứ hàng mà những người thu xếp di cư vào Nam đã bán: giường tủ, bàn ghế, tủ hàng, đồ thờ, tranh ảnh, quạt máy… đặc biệt thấy có bày bán cả cờ đỏ sao vàng, ảnh Hồ Chủ tịch nhưng phía quân đội Pháp cũng làm ngơ. Xe của tôi đi tới chỗ nào là đồng bào tập trung lại xem anh bộ đội Cụ Hồ (hồi ấy bà con chưa phân biệt được phù hiệu CA và trang phục của chúng tôi nên cứ gọi chung là bộ đội của Cụ Hồ cả). Bà con hoan hô và tiến lại gần bắt tay, Đại úy Salmon lo lắng, vội giục lái xe chạy lướt qua, có vài lần dừng lại địa điểm lâu chừng 5 phút thì đồng bào tập trung lại rất đông.

Thời điểm này, tình hình trật tự xã hội ở thành phố khá lộn xộn: Hàng ngày hàng trăm chuyến xe khách chở người chạy xuống Hải Phòng để di cư vào Nam, tai nạn giao thông, cướp giật móc túi và thậm chí trộm cướp đêm diễn ra liên tục. Đêm đêm chúng tôi nằm ngủ ở tầng gác quận Nhất mà luôn luôn nghe thấy tiếng trống, mõ, thanh la, tiếng gõ thùng của nhân dân báo động đánh đuổi bọn trộm cướp. Binh lính Pháp ở tầng dưới gọi nhau í ới, huy động xe chạy đi giữ trật tự, toán đi toán về rậm rịch huyên náo suốt đêm. Chiều 9/10/1954, ký biên bản bàn giao và tiếp nhận của đôi bên, chúng tôi lại đòi và cuối cùng ông Ác-nô đành phải đồng ý trả lại cho chúng tôi chiếc xe Citroen màu đen ông đang sử dụng.

Sáng 10/10/1954, quân đội Pháp đi quan sát việc rút quân đội của họ từ ngoại thành, nội thành theo tiến độ đã định để quân ta vào tiếp quản. Có quy định cụ thể từng giờ để quân Pháp rút từng khu vực, từng đường phố bao giờ cũng có một đường phố đệm để ngăn cách sự có mặt của quân đội Pháp và quân đội Việt Nam sợ gây ra va chạm. Thời gian ở khu vực đệm chỉ nửa giờ là cùng nhưng không khí ở đây rất im ắng, nhà nhà đều đóng kín cửa ngõ (đề phòng quân gian hôi của tống tiền khi không có chính quyền) nhưng khi quân Pháp rút xa, khu đệm đã chuyển lên phía trước thì ở đây nhà nào nhà nấy đều mở toang cửa ngõ. Cờ đỏ sao vàng được treo lên, mọi người ào ra đường hân hoan chào đón bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản.

Công tác Công an gìn giữ an ninh và trật tự an toàn xã hội nói chung ngay từ đầu đã tỏ rõ tính ưu việt của chế độ ta, của người chiến thắng: So với mấy ngày trước đây thôi đã thấy tình hình tốt đẹp khác hẳn, không thấy ai đến trình báo bị trộm cắp, tai nạn giao thông. Toàn dân thủ đô Hà Nội, trẻ già trai gái ai nấy đều hân hoan niềm vui được giải phóng. Tối tối các rạp chiếu bóng Majestic, Bắc Đô, Đông Đô, Mê Linh vẫn chiếu phim: Tác-dăng, Cuốn theo chiều gió… các rạp hát Kim Chung (sau đổi là Chuông Vàng thủ đô), Kim Phụng vẫn diễn các vở cũ: Dưới mái tây hiên, Mạc Tuyết Lan… và đông khách như thường.

Từ 23h30 đến 5h sáng thiết quân luật mọi người không được đi lại trên đường phố, chỉ còn bộ đội, Công an đi tuần tra thôi. Nhân dân ca ngợi cuộc sống hòa bình, ăn ngon ngủ yên… gần thập kỷ nay mới lại được hưởng cuộc sống tự do hạnh phúc của chế độ Cộng hòa dân chủ Việt Nam

Nguyễn Quang Phòng
.
.