Nhân quyền trên quy mô toàn cầu:

Nhiệm vụ vẫn còn dang dở

Thứ Năm, 14/11/2013, 10:49

Chắc cũng chẳng có quá nhiều vấn đề gắn bó chặt chẽ với con người trong dọc dài lịch sử nhiều biến thiên dâu bể như nhân quyền. Có thể nói, ngay từ khi chưa ý thức được rõ ràng vai trò của mình trên trái đất, con người đã bằng bản năng giành lấy ngay quyền được sống, một yếu tố cấu thành cực kỳ quan trọng của khái niệm nhân quyền.

Cùng với sự phát triển của nhận thức và văn minh, con người dù ở đông hay tây, dù ở nam hay bắc cũng đều  dần dà giác ngộ được, một mặt là cá tính của mình, mặt kia là cái giống nhau giữa mình và đồng loại “thế gian ai cũng như ai”. Nhận thức này chính là cơ sở để những đầu óc sáng láng nhất của nhân loại (thuộc đủ các dân tộc, các màu da, các tôn giáo...), mỗi người theo một cách riêng của mình, đúc kết thành cái gọi là khái niệm nhân quyền. Để rồi lần đầu tiên một định nghĩa nhân quyền súc tích đã vang lên trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ (mà Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta từng trích dẫn khi mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nhân loại đã không dễ dàng đi lên trên con đường bảo đảm nhân quyền. Trong quá trình tiến hóa của mình, con người đã phải rướn lên từng bước một, lắm khi rất ngắn ngủi trong những khoảng thời gian đằng đẵng như đêm trường, về phía tự do, bình đẳng, bác ái. Phải công nhận rằng, dù đều mang danh homo sapiens (người có tư duy), nhưng nhân loại vẫn bị cách biệt bởi vô số những khác lạ về văn hoá, tư tưởng, truyền thống, tôn giáo... Thêm vào đó là sự phát triển không đồng đều về trình độ sản xuất (do những nguyên nhân có thể là tự nhiên). Tất cả những điều này đã tạo nên sự khác lạ trong cách giải quyết các bài toán hóc búa do khái niệm nhân quyền đặt ra.

Trụ sở Liên Hợp Quốc.

Ở mỗi nấc thang phát triển, con người có cách hiểu riêng về nhân quyền. Các công dân thành La Mã xưa yêu tự do của mình đến thế, tới mức vì tự do có thể hy sinh cả tình yêu, nhưng lại không mảy may bận tâm tới tình cảnh của những người nô lệ xem ra chẳng hề thua kém họ về trí lự nhưng chẳng may bị bắt làm tù binh trong các trận kịch chiến vốn diễn ra rất nhiều thời đó. Theo một số tư liệu, nguồn gốc của từ chế độ phong kiến thay thế cho chế độ nô lệ  cũng có cách nhìn riêng về nhân quyền, trong đó coi đạo vua tôi là cao hơn tất cả. Chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn phát triển cao của nó chủ trương nhắm mắt giải phóng mọi tiềm năng và bản năng của con người, tuyệt đối hóa khái niệm nhân quyền và vì thế dẫn đến tình huống trớ trêu trong thực tế: Không bao giờ có thể có nhân quyền tuyệt đối của cá thể trong một cộng đồng quá nhiều thành viên đa sắc. Những mâu thuẫn lớn hiện nay  trong xã hội tư bản có lẽ cũng bắt nguồn từ việc giải không chuẩn các bài toán do vấn đề nhân quyền đặt ra. Tiếp thu các tinh hoa của nhân loại, những người cộng sản có cái nhìn biện chứng lịch sử đối với vấn đề nhân quyền. Và dẫu rằng trong xã hội xã hội chủ nghĩa (hay trên con đường quá độ tiến tới chủ nghĩa xã hội), còn lâu mới ổn thỏa mọi điều, kể cả trong lĩnh vực nhân quyền, nhưng xem ra, những người cộng sản chân chính vẫn luôn còn cơ hội để tạo nên tấm gương mới về lĩnh vực này.

Trong thời hiện đại, khái niệm nhân quyền đã trở nên rộng rãi và đầy đủ hơn trước. Mặc dầu cho đến nay, không hẳn tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều nhất nhất quan niệm như nhau về nhân quyền, nhưng tựu trung, ai cũng hiểu rằng, nhân quyền giờ đây phải bao gồm cả các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các quyền dân sự và chính trị, quyền được hưởng một môi trường lành mạnh, quyền được hưởng một sự phát triển nhân bản và lâu bền, và cả quyền của các thế hệ tương lai. Trên qui mô toàn thế giới, để từng quốc gia có thể đảm bảo một cách thực sự quyền con người cho các công dân của mình, một mặt, mỗi quốc gia phải được có quyền tự quyết để căn cứ vào đó, tự do qui định qui chế chính trị của mình, tự do theo đuổi công việc phát triển kinh tế và văn hóa; mặt khác, cần có một bầu không khí chính trị lành mạnh để từng quốc gia có thể chiếm được vị trí xứng đáng với nó. Thiếu các điều kiện này, các quyền con người không thể nào được thực hiện đều khắp, không tách rời nhau, thực sự nhất quán, như tuyên bố thành Vienna và chương trình hành động thông qua tại Hội nghị Thế giới về nhân quyền năm 1993 từng nhấn mạnh.

Trong thực tế chính trường thế giới, đây lại chính là cái đang thiếu. Đã vang lên quá nhiều lời lẽ như chuông, như khánh về nhân quyền, nhưng hãy còn quá ít cơ sở vật chất để biến chúng thành sự thật. Phương châm xử thế của nhiều quốc gia lớn về tiềm lực kinh tế và quân sự tựu trung vẫn qui về nguyên tắc “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Các nước nghèo luôn ở thế bất lợi trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay và vì thế, điều tối quan trọng là quyền tự quyết của các dân tộc không nhiều khi được thực hiện một cách thực chất và nghiêm chỉnh. Khái niệm nhân quyền lắm lúc bị sử dụng như một con bài chính trị, gắn nó với viện trợ phát triển và khai thông bang giao. Mặc dù chính bản tuyên bố thành Vienna và chương trình hành động nhấn mạnh rằng: “Cộng đồng quốc tế cần phải xem xét nhân quyền một cách toàn cục, bình đẳng và công bằng, với mức độ quan trọng như nhau trong khi quan tâm tới những đặc điểm dân tộc và khu vực, những khác nhau về lịch sử và văn hóa, tôn giáo các quốc gia”, nhưng yêu cầu đó nhiều khi không được thực hiện. Nhân quyền vẫn tiếp tục bị coi như con bài đắc lực để một số nước lớn sử dụng trong cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ các chính thể không hợp khẩu vị và quyền lợi của họ (có thể thấy rất nhiều thí dụ như thế trong cuộc chiến mang danh chống khủng bố do phương Tây phát động hiện nay). Điều này giải thích, tại sao một số nhà lãnh đạo quốc gia của các nước lớn có thái độ hai mặt trong cách đánh giá  về nhân quyền trên thế giới; họ sẵn sàng “bé xé ra to” đối với quốc gia này, nhưng lại “mũ ni che tai” trước chuyện vạn lần hơn ở quốc gia khác. Mà thái độ của các nước lớn bao giờ cũng chi phối được ở mức độ rất cao thái độ của các tổ chức quốc tế, kể cả Liên hợp quốc, vì nguyên tắc cơ bản ở đây vẫn theo câu danh ngôn “ai trả tiền, người ấy được quyền đặt nhạc”.

Tình hình đó hiển nhiên không thể ảnh hưởng tốt đến cuộc phấn đấu chung của nhân loại trong lĩnh vực nhân quyền. Suy cho cùng, nó cũng chỉ phản ánh thực trạng kinh niên trong một thế giới mà xu hướng phát triển tư bản chủ nghĩa đang ở thế thượng phong: quyền lợi của thiểu số thuộc tầng lớp trên bao giờ cũng cố lấn át quyền lợi của đa số thấp cổ bé họng. Ý thức “tôi có quyền, anh có quyền, nhưng họ cũng có quyền” vẫn chưa trở thành phổ biến ngay cả ở những nước có thừa đủ vật chất để chia đều cho tất cả cùng hoan lạc. Nhân quyền, vì thế, ở trên quy mô toàn cầu vẫn đang là một nhiệm vụ chưa hoàn thành

Chính Nhân
.
.