Nhật ký chiến trận của người cựu binh trên thành cổ Quảng Trị

Thứ Hai, 01/06/2015, 08:11
Cuốn “Nhật ký chiến trận” quý giá anh Đinh Gia Công sẽ được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành trong thời gian tới đây. Chỉ tiếc rằng, anh đã mãi mãi đi xa vì bạo bệnh, khi chưa kịp cầm cuốn sách trên tay.

Chúng tôi đã nhiều lần đến thăm anh Đinh Gia Công (sinh 1948) ngụ thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một cựu chiến binh từng tham gia giữ chốt trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hội viên Phân ban Nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Anh chính là tác giả cuốn “Nhật ký chiến trận” quý giá sẽ được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành trong thời gian tới đây. Chỉ tiếc rằng, anh đã mãi mãi đi xa vì bạo bệnh, khi chưa kịp cầm cuốn sách trên tay.

Người về từ đạn bom

Nhớ những lần đến thăm gia đình anh Đinh Gia Công trong căn nhà cấp bốn xập xệ, cửa ngõ đều “vá víu” bằng những miếng gỗ, thanh gỗ nhám xịt nhiều loại, nếu gió bấc kèm mưa rét thì khách và chủ không có chỗ trú chân, chúng tôi lại bùi ngùi. Người vợ của anh quanh năm lam lũ với ruộng đồng nên dường như chị già hơn so với tuổi 60. Sức khỏe của chị cũng giảm sút nhiều do bệnh khớp hành hạ, đi lại khó khăn.

26 năm chung sống, vợ chồng anh chị có năm người con, ba trai, hai gái. Chắt chiu đồng lương hưu và trợ cấp thương binh của chồng cộng với số tiền thu được từ củ khoai, cân thóc, con gà, con lợn nuôi trong nhà, vợ chồng anh gắng nuôi năm con khôn lớn. Hiện nay, con anh có người đã có nghề nghiệp ổn định, nhưng có người chưa nên vợ chồng nên anh chị vẫn canh cánh trong lòng.

Đồng đội cũ và bạn bè anh Đinh Gia Công rất khâm phục, mến mộ anh, không những vì tính tình vui vẻ, hòa nhã, hết lòng vì bạn mà vì anh có một bề dày thành tích chiến đấu trước, trong và sau những ngày tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972).

Cuốn nhật ký chiến trận được ghi từ những ngày trong quân ngũ đã ghi lại những ngày tháng lịch sử oai hùng ấy của anh, một thanh niên, học sinh miền Bắc xã hội chủ nghĩa say mê lý tưởng cách mạng và sẵn sàng xả thân nơi hòn tên mũi đạn để bảo vệ Tổ quốc. Đó là cuốn sổ tay cỡ 12x16cm bằng giấy đào lâm màu sẫm, được bọc bằng vải đỏ. Cuốn nhật ký không còn nguyên vẹn bởi trên mình nó mang thương tích của một mảnh bom xén ngọt một góc ngày 5/8/1972 tại chiến hào Thành cổ Quảng Trị. Cuốn nhật ký là “người bạn đời yêu quý sau mẹ” như lời anh đã viết trong đó. Nó đã theo anh bên mình mấy chục năm nay.

Anh Đinh Gia Công (thứ hai từ trái sang) cùng những đồng đội năm xưa gặp nhau trong dịp Kỷ niệm 40 năm chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị (2012).

Được Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình hỗ trợ, tác giả cuốn nhật ký đã đánh máy, nhà xuất bản Thuận Hóa đã biên tập lại và cấp giấy phép để có thể ấn hành vào thời gian tới. Ông Phan Đình Tiến, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình đã đánh giá cao cuốn nhật kí: “Nó sẽ là ấn phẩm góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm cho mọi người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh”.

Những ngày làm công binh

Anh là con trai thứ hai của một gia đình đông con. Năm 1970, khi còn một tháng nữa là kết thúc năm học lớp 10 (hệ 10 năm) Trường cấp 3 Bố Trạch, Quảng Bình, chàng thanh niên Đinh Gia Công cùng 11 nam sinh đã được gọi đi khám tuyển cấp tốc và lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Sau 3 tháng huấn luyện cơ bản, anh được sung vào Đại đội Công binh 363 huyện Bố Trạch thuộc tỉnh đội Quảng Bình. Công việc của Đại đội anh là chuyên đúc trụ, đúc dầm bằng ximăng cốt sắt để vận chuyển đến các đơn vị khác xây công sự, hầm hào, kho tàng. Những ngày nắng đổ lửa hay rét mướt dầm dề, chiến sĩ vẫn lội xuống sông vớt sạn, rồi chèo thuyền về bến, chặt sắt, néo sắt, trộn ximăng và đổ bêtông. Công việc tưởng như đơn giản nhưng vô cùng phức tạp và vất vả.

Trong môi trường sống, học tập, lao động và rèn luyện đó, để không ngừng tiến bộ và trưởng thành, từ ngày 23/8/1971, anh Đinh Gia Công đã tự đóng sổ tay để viết nhật ký đời lính của mình. Trong lời mở đầu tập nhật ký, anh đã viết: “Paven Coocsaghin trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày và trong đấu tranh cách mạng. Mình phải sống như thế nào cho xứng đáng trong thời đại hiện nay, thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ, thời đại chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đang đi tới… Bản thân tôi sống và lớn lên trong giai đoạn này phải làm thế nào cho thật có ích, để đóng góp một phần nhỏ vào cuộc chống Mỹ cứu nước mau thắng lợi…”.

Những trang nhật ký đã ghi lại hình ảnh anh và các chiến sĩ vào rừng lấy lá mây về củng cố doanh trại. Vất vả, nặng nhọc trong công việc, anh cho đó là hạnh phúc. Nhật ký ngày 19/12/1971 anh đã ghi rõ quan niệm về hạnh phúc ấy của mình: “…Có người chỉ biết nhu cầu hạnh phúc riêng cá nhân. Nếu chỉ biết quanh quẩn trong cái hố cá nhân thì không bao giờ có hạnh phúc cả. Con người phải luôn luôn lao vào chỗ khó khăn nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đưa lại lợi ích chung cho toàn Đảng, toàn dân. Đó mới chính là hạnh phúc chính đáng”.

Một lần vận chuyển cột bêtông lên ôtô cho một đơn vị đến nhận hàng, do vác quá nặng nên sống lưng anh trật khớp. Lại do anh uống nước khe, suối, khi đi rừng lấy củi, chặt cây làm hầm mà anh sinh ra đau bụng. Hai loại bệnh đó âm ỉ trong người, khiến nước da anh tái xanh, nhìn vào ai cũng ái ngại. Nhưng Đinh Gia Công vẫn im lặng, nhất quyết không hề van vỉ, kêu ca. Nhật ký ngày 31/12/1971 anh đã viết: “…Bề ngoài vẫn bình thường với công việc, nhưng bên trong, bệnh tật hoành hành dữ dội, nhưng tôi quyết tâm chiến đấu với bệnh tật để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của Đảng giao cho”.

Binh nhất Đinh Gia Công say mê tác phẩm Ruồi trâu của nữ nhà văn Anh Lilian Vôinitxơ, một cuốn sách “gối đầu giường” của thanh niên thời kỳ đó. Nhật ký 15/1/1972 có đoạn: “Công việc thường lệ, bệnh tình trong người tôi vẫn âm ỉ, nhưng những ý nghĩ về Ruồi trâu không làm sao mà phai nhạt trong đầu óc. Ruồi trâu đã tỏ ra hết sức dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù nguy hiểm nhất, tôi lặng người trong giây phút vì cái chết của Ruồi trâu…”.

Đại đội trưởng biết chuyện Đinh Gia Công bị bệnh nhưng vẫn cố gắng trong công việc đã bắt buộc anh phải đi nằm viện. Thời kỳ này, bệnh viện không đủ phương tiện khám chữa. Gần 20 ngày điều trị, nhưng bệnh tình của Đinh Gia Công không hề thuyên giảm. Anh quyết định xin ra viện, trở về tham gia lao động đúc bêtông với anh em trong đơn vị. Trở về với tiểu đội như cá về với nước, anh sung sướng hân hoan khôn tả. Nhưng công việc nặng nề khiến cột sống lại nhức nhối. Tuy vậy, anh vẫn nghiến răng chịu đựng.

Tình cờ, một lần xin đơn vị về nhà nghỉ chủ nhật, anh được gia đình đưa đến một thầy lang chuyên nắn lưng, sửa khớp. Và hiệu nghiệm ngay, bệnh thuyên giảm. Niềm vui sướng được anh ghi lại trong nhật kí ngày 14/6/1972: “Ta đang buồn da diết với bao nỗi dằn vặt lương tâm bởi ốm đau, thì hôm nay bệnh có đỡ. Ta nở nụ cười viễn hướng tương lai. Chân trời rạng sáng, mơ ước tuổi trẻ đang chờ ta…”.

Chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị

Chiến trường hai miền Nam - Bắc lúc này đang sôi động bởi những chiến thắng lớn. Quảng Trị giải phóng, nhưng địch quyết tâm chiếm lại, tạo nên không khí quyết liệt đôi bên. Một đơn vị đặc biệt của Tỉnh đội Quảng Bình được thành lập nhằm cung ứng cho chiến trường B5. Binh nhất Đinh Gia Công là một trong những chiến sĩ được vinh dự triệu tập đứng trong đoàn quân của Tiểu đoàn này. Mùa huấn luyện mới bắt đầu. Bắn đạn thật AK và B41, anh đạt loại giỏi và được tuyên dương toàn Tiểu đoàn.

Ngày 27/6/1972, chiến dịch bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị bắt đầu. Đinh Gia Công được sung vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48. Cả đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc vào mặt trận. Anh lính Đinh Gia Công rạo rực, hân hoan trước nhiệm vụ mới của mình.

Ngày 21/7/1972: “Tối hôm nay sinh hoạt đơn vị. Thủ trưởng Tiểu đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ và quán triệt tình hình. Tôi hiểu rằng, đó là lời kêu gọi của non sông đất nước. Ước mơ lâu nay của bản thân là được ra tiền tuyến, nay đã thành sự thật. Lời thề cứu nước giục lòng tôi. Cấp tốc chuẩn bị ba lô đến khuya. Đêm nay tôi không sao ngủ được”.

Ngày 22/7/1972: “…10 giờ, lệnh xuất phát hành quân bắt đầu. Lời dặn cuối cùng của Thủ trưởng chính trị Tiểu đoàn là lời hịch cứu nước của non sông, làm rạo rực, phơi phới lòng tôi, ước gì bước vào cuộc chiến đấu ngay sau đó”.

Ngày 1/8/1972, đơn vị Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320B của anh chính thức tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ngày 05/8/1972, sau 4 ngày đánh nhau với địch, anh cùng chiến sĩ Nguyễn Hồng Quảng quê ở Phúc Trạch, Bố Trạch được phân công ở lại trong hầm chữ A cùng hai tổ chiến đấu khác tại ngã tư Đệ Ngũ để giữ đất, không cho địch lấn chiếm. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt khi hai bên chỉ cách nhau vài ba chục mét, có cơ hội là dội lửa đạn tiêu diệt nhau. Sau hai lần bị ngất do đạn pháo địch nổ gần, tại trạm phẫu, anh đã tìm lại được cuốn nhật ký của mình và ghi lại diễn biến cuộc chiến đấu đó.

11/8/1972: “Hơn 10 ngày lao vào chiến đấu với quân thù, tôi không có điều kiện để ghi vào cuốn sổ được. Quyển sổ (Nhật ký - TG) giờ đây đã bị bom thù xéo nát, nhưng những dòng nhật ký vẫn tươi mát và hùng tráng vẫn giữ lại bên mình”.

Ngày 15/8/1972, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B của Đinh Gia Công được lui về tuyến sau để củng cố, chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu tiếp diễn. Sau mười ngày chiến đấu, lúc này đơn vị chỉ còn lại 14 người đầy thương tích, trong đó có anh.

Đơn vị được bổ sung lính mới của Hà Nội, Hải Phòng mới vào, Đinh Gia Công được thăng chức B phó. 5 ngày sau thay cho B trưởng đi nhận nhiệm vụ. Trong lần dẫn Đại đội của mình sau khi vượt sông Thạch Hãn, băng qua trảng cát thì B52 đến dội bom. Anh bị sức ép của bom làm ngất đi. Một tuần sau tỉnh dậy thì anh thấy mình nằm lại bệnh viện dã chiến mặt trận B5 ở miền Tây Quảng Trị.

Nhật ký của Đinh Gia Công sau đó còn ghi lại những ngày nằm viện và ra miền Bắc điều dưỡng khi ở Quảng Bình, khi ở Nghệ An rồi Thanh Hóa cho đến ngày ra quân (1986). Lúc nào trong anh cũng nung nấu ý chí muốn trở lại đơn vị và anh đã một lần trốn trại điều dưỡng trở về đơn vị cũ của mình.

Tiễn biệt tác giả “Nhật ký chiến trận”

Anh Đinh Gia Công bị đau tim gần hai năm nay. Gia đình đưa anh chạy chữa hết bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, đến Bệnh viện Trung ương Huế, rồi đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Nhưng cuối cùng, anh bị nhồi máu cơ tim cấp rồi đột ngột qua đời ngày 12/12/2014 khi ca mổ tim chuẩn bị diễn ra.

Trong tang lễ người cựu chiến binh chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972) Đinh Gia Công, một số anh em văn nghệ sĩ Quảng Bình có mặt đã “hóa vàng” bản đánh máy và nhân bản tập “Nhật ký chiến trận” của người quá cố. Trong giây phút xúc động, mỗi người cầm một cốc rượu tưới lên tàn lửa như đang chia sẻ với người dưới mộ những vui buồn như những ngày còn sống.

Hải Thanh
.
.