Nhật Lệ chuyến đò xưa

Thứ Năm, 02/02/2017, 17:00
Biết quá ít về quê hương mình, nơi có tượng đài Mẹ Suốt, sông Nhật Lệ..., với tôi là một thiệt thò và cũng là một khiếm khuyết lớn.

Trước nay đã lâu, tôi nhận được câu hỏi từ một bạn đọc rằng, là người cùng quê lại cùng thời vậy đã từng lần nào tôi được gặp Em bé Bảo Ninh bên bờ Nhật Lệ, và rằng em bé đó có thật hay đấy là một nhân vật huyền thoại ra đời từ ca khúc của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (phổ bài thơ Em tôi của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh). Khi đó tôi đành khất, chưa trả lời được.

Cũng vậy, lần nọ, một sử gia người Nhật Bản hỏi tôi có biết được thông tin gì về số phận của một nhóm chiến binh quân đội Thiên hoàng năm 1945 đã gia nhập du kích Việt Minh tại "làng Bảo Ninh, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình" và đã chiến đấu tại đó trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp; không những không biết, đấy còn là lần đầu tôi được nghe nói chuyện đó, một sự kiện lạ và hay như thế trong quá khứ của quê nhà.

Biết quá ít về quê hương mình, với tôi là một thiệt thòi, cũng là một khiếm khuyết lớn, gây hạn chế rất nhiều và lâu dài tới đời sống cùng nghề nghiệp.

Sinh quán của tôi khác nguyên quán, vì năm 1947 giặc Pháp đánh chiếm Bình Trị Thiên, mẹ tôi phải tản cư ra vùng tự do Khu 4. Chào đời ở Nghệ An, tới đình chiến 1954 thì theo cha mẹ ra Hà Nội, rồi lớn lên, học hành 3 cấp phổ thông cho đến đi bộ đội, cứ vậy nghiễm nhiên tôi là dân của xứ "chẳng thơm cũng thể hoa nhài". Ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác giọng Trung, mà tôi hoàn toàn giọng Bắc. Mãi 18 tuổi, dọc đường "đi B" mới lần đầu được nhìn thấy gốc gác.

Ngày đó, đầu năm 1970, giáp tết Canh Tuất, trung đoàn dừng chân tại Cự Nẫm, Bố Trạch. Lệ thường, lương thực và quân trang cho chặng đầu này của đường giao liên vào Nam, Binh trạm 14 lo liệu hết cho lính, nhưng lần đó chúng tôi phải tự. Mỗi đại đội cắt cử chục người theo ô tô về Đồng Hới trực tiếp lĩnh gạo tại cảng Nhật Lệ.

Đường rất xấu và quanh co, xe chạy từ gà gáy, xế chiều mới xuống tới Hiền Ninh, nơi hai dòng Long Đại và Kiến Giang hợp lưu thành sông Nhật Lệ. Xe men tả ngạn chạy chếch lên phía bắc qua Hạ Kiên, Quán Hàu, Văn La, Chợ Gỗ... rồi qua ngầm sông Lệ Kỳ, vào Quảng Bình Quan, cánh cổng của Đồng Hới...

Những địa danh ấy - công binh ghi trên các mũi tên chỉ đường - tôi từng được nghe người lớn trong gia đình nhắc tới nhiều. Nhất là chú tôi, GS. Hoàng Thiếu Sơn, ông rất chú tâm truyền giảng cho lứa cháu xa quê những kiến thức về lịch sử và địa dư của quê nhà.

Bằng vào tấm địa đồ từ thời Thành Thái, ông chỉ cho chúng tôi thấy đâu Quảng Bình Quan, đâu thành cổ, đâu dấu tích của hệ thống Lũy Thầy: Trấn Ninh, Trường Dục, Trường Sa; đâu vườn cau Chùa Ông, nơi có nền xưa ngôi nhà của thi hào Nguyễn Du hồi bốn năm ông đương chức Cai bạ Quảng Bình (1809-1812); đâu xứ đạo Tam Tòa, sinh quán của nhà thơ Hàn Mặc Tử; và đâu bến đò ngang từ Đồng Hới qua Trung Bính, thôn chính giữa của Bảo Ninh, nguồn cội họ Hoàng.

Thuở xưa, mùa xuân Mậu Ngọ 1558, các bậc tổ phụ họ Hoàng, họ Đào, họ Lê, họ Nguyễn, trong đạo hải quân của Chúa Tiên, đã vượt biển vào cửa Nhật Lệ, dựng đồn lập ấp dọc bán đảo Hà Cừ (tên gốc của Bảo Ninh từ thời hoàng đế Lê Thánh Tông nam chinh), làm phên dậu cho Đàng Trong, "vạn đại dung thân".

Chú tôi kể vậy, cụ thể, kỹ lưỡng, dẫn chứng sử sách, mong lứa con cháu chỉ biết có Hà thành cảm nhận được truyền thống lâu đời cùng sự trù phú và vẻ đẹp của cố hương.

Thế nhưng, khi đó, lần đầu được thấy, thì trước mắt tôi, đâu vẻ đẹp ấy, thậm chí đâu thị xã Đồng Hới mà chú tôi ca ngợi, gọi là "Thành phố Hoa Hồng"? Tại vị trí công binh cắm tấm biển ghi Quảng Bình Quan, tôi chỉ thấy sâu hoắm mấy hố bom tấn rộng ghê người.

Bấy giờ, cuộc Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968) đã chấm dứt được hơn một năm, nhưng sự tàn khốc suốt một ngàn bốn trăm lẻ bốn đêm và ngày đếm đủ từng khắc của nó vẫn nguyên đấy. Nhìn trên bản đồ thì từ Quảng Bình Quan trông lên đông bắc tới cửa biển là ngang dọc các phường, các phố của Đồng Hới, song trên thực địa tôi thấy thì không gì hết, trống không, không nhà cửa, không cây cối, chỉ một miền mênh mông trùng điệp hố bom và hố pháo.

Thực ra, cây vẫn còn, nhưng duy chỉ một cây đa cổ thụ trơ trọi giữa bốn bề bao la gạch nát ngói vụn. Nhà cũng còn, và cũng độc nhất, ấy là cái xác đã cháy đen mà chưa chịu sụp xuống của tháp chuông ngôi nhà thờ Tam Tòa; và nữa, là cái tháp nước bốn chân rất cao có từ tỉnh lỵ thời Tây. Tuy nhiên, hình bóng nổi bật của ba cái vật thể còn trụ lại được một cách không tưởng ấy lại càng nhấn mạnh thêm cái hoang tàn tuyệt đối của cảnh tượng đất trời sông nước quê hương tôi ngày đó.

Trông qua bờ bên kia, hữu ngạn của Nhật Lệ, bán đảo Bảo Ninh tám cây số trải dài che chắn cho mạn đông Đồng Hới, tôi chẳng thấy đâu bức tranh "trên bến dưới thuyền" và "bóng dừa rợp xanh cồn cát trắng" mà chú tôi miêu tả. Chỉ thấy có cát, trần trụi, nhấp nhô cồn nối cồn, với rải rác những vạt rộng cát trộn tro than tàn tích các làng chài mà thời gian và gió biển đã chẳng thể nào xóa trắng. Còn thuyền và bến?

Hôm đó, trong bóng chiều, trên mênh mang triền sông dài cả chục cây và rộng tới cả ngàn sải, tôi chỉ thấy một con thuyền, mỏng như chiếc lá tre, đang lẳng lặng đưa bộ đội từ Đồng Hới sang Bảo Ninh. Ấy là đò Mẹ Suốt. Bà mẹ Anh hùng quê tôi hy sinh cuối năm 1968, song con đò vẫn đó, do các cô gái chi đội TNXP cảm tử thành Đồng Hới "con gái của Mẹ Suốt" chèo lái, bền bỉ nối đôi bờ.

Năm 1970 chiến sự đã ngưng nhưng Đồng Hới vẫn vùng dân cư phải triệt để sơ tán, chốt lại trong thành hầu như chỉ các chiến sĩ TNXP, mà cũng không đông, chừng hơn trăm người của chi đội cảm tử, hầu hết là nữ, bám trụ cảng Nhật Lệ.

Gọi là đội cảm tử bởi trong suốt cuộc chiến, cảng Nhật Lệ - điểm trung chuyển nối vận tải đường biển với đường 559 trên Trường Sơn  - được bộ đội mệnh danh như thế: cảng Cảm tử, và bởi vì đã là đội viên của đội có nghĩa từng ngày từng giờ sẵn sàng hy sinh, như những quyết tử quân Hà Nội năm xưa, như những anh hùng công binh xả thân lướt ca nô phá thủy lôi từ trường trên cửa biển.

Các cô gái Quảng Bình quê tôi và thời tôi như vậy đó, ngày ấy, bất chấp hiểm nguy và vượt trên gian khổ, lao động quên mình, tất cả cho tiền tuyến.

Tượng đài Mẹ Suốt. Ảnh: L.G.

Ngày hôm đó, khi đơn vị chỉ còn hai xe tải nữa chưa nhận hàng thì gạo trong kho cảng đã cạn. Tôi cùng mấy anh em được phân công ở lại đợi đoàn thuyền chở lương thực ngày hôm sau sẽ cập bến. Các cô gái bến cảng dành cho chúng tôi một lán nhà âm để mắc võng, và chiêu đãi chúng tôi bữa tối hết nhẽ thịnh soạn, cơm trắng gạo quê không độn, cá thu kho, canh rau cải. Và rồi, kệ rằng đêm không trăng lại gió bấc ù ù rất lạnh, cả hội nam nữ đều mười tám đôi mươi rủ nhau ra hết bờ sông, bên nhau trò chuyện đàn hát.

Bởi vì lần đầu về quê, lòng xao xuyến, tôi ngồi hơi tách khỏi mọi người. Lát sau, một cô gái cũng tách ra tới ngồi bên tôi. Vóc nhỏ, mảnh mai, tóc tết đuôi sam, thoảng thơm hương hoa, tôi không biết là hoa gì, nhưng được biết cô tên Nhài, tổ trưởng tổ đò "con gái Mẹ Suốt", quê Ba Đồn sông Gianh. Nghe tôi giọng Bắc mà xưng mình quê Bảo Ninh, o Nhài khẽ cười bảo bộ đội Khu 3 mấy anh khéo nói trạng.

Tuy vậy Nhài vẫn hứa ngày mai chuyển gạo từ thuyền lên xe xong, nếu được chỉ huy của cả o, cả tôi đồng ý, sẽ chèo đò đưa đồng hương qua sông thăm làng và viếng mộ tổ họ Hoàng ở xóm Dừa mà o biết là còn nguyên chưa bị bom đạn đụng tới.

Vậy nhưng, rốt cuộc tôi đã bị lỡ mất chuyến đò như mơ ấy.

Vì rằng ngày hôm sau thuyền vào trễ, nên tận cuối chiều chúng tôi mới chất được đủ gạo lên ô tô. Vừa khi, bọn Mỹ ập đến. Bấy giờ, dù đã công khai tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc để có thể được ngồi hòa đàm ở Paris, bè lũ Nixon vẫn lén lút tập kích Đồng Hới.

Thường là cắn trộm, chớp nhoáng, cũng như mọi khi, lần ấy, 18-1-1970, là cả đàn hàng chục chiếc cường kích hải quân ồ ạt tràn vào. Lần ấy, bản thân tôi, mặc dù khi còn là học trò ngoài Hà Nội cũng đã biết thế nào là bom Mỹ, vẫn choáng trước cường độ ác liệt của cuộc tấn công.

Chưa kịp trở tay, chưa kịp chớp mắt, chưa kịp nằm rạp ra, đã bốn bề nhoàng nhoàng chớp bom, vài giây sau mới nghe tiếng hú của máy bay; chúng lần lượt nối nhau bổ nhào xuống cực thấp, và khi lướt lên, chúng là sát sạt mặt sông, xé nước ra như ca nô vậy. Bom phá, bom phạt quang, bom bi, rốc-két, trùm lấp bến cảng. Vừa đó, trời trong, nắng vàng, se lạnh, mà phút chốc Đồng Hới đã tối sầm lại và nóng bỏng trong khói lửa của trận chiến. 

Đôi bờ Nhật Lệ, sau chốc lát bị bất ngờ, đã lập tức nổ súng đánh trả. Vừa đó tưởng như là hoang địa không bóng người, đã dữ dội bừng dậy một lưới đạn đất đối không dày đặc.

Pháo cao xạ không nhiều, đa phần là súng máy, súng trường của dân quân tự vệ và TNXP. Quyết liệt, ngoan cường, can đảm vô cùng là hai khẩu đội 14 ly 5 của chi đội Cảm tử nằm lọt giữa tâm điểm những đợt bom. Chia lửa với các cô, với Nhài, chúng tôi cũng vào trận. Đấy là lần đầu, lại đúng sinh nhật 18 tuổi và ngay trên quê hương mình, tôi nã AK không phải vào bia tân binh tập bắn mà nhắm thẳng đích thực quân thù.

Sau chừng nửa giờ đồng hồ thì bọn Mỹ dạt ra. Trời khi đấy sắp tối. Biết là các cô gái bến cảng bị tổn thất nặng mà chúng tôi không thể trợ giúp vì cấp trên ra lệnh phải đưa hai xe gạo rời đi lập tức. 

Cùng lúc ấy, từ ngoài biển, bọn Mỹ câu pháo. Hàng loạt, mỗi loạt 4 trái 127 ly, cấp tập dập xuống bến cảng, xuống mặt sông và xuống Bảo Ninh. Làng cát chỉ còn có cát thôi, mà bùng cháy. Ô tô chạy đã rất xa khu vực Đồng Hới, ngoái nhìn về cửa biển, tôi vẫn thấy góc trời quê hương nhằng nhằng chớp đạn đại bác và đỏ bầm lên màu lửa...

Nhiều năm sau chiến tranh, trở về, thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ thành Đồng Hới, vừa lần tìm qua từng bia mộ, tôi vừa cầu mong không thấy ai là nữ, quê Ba Đồn. Nhưng, đây là nghĩa trang Nam Lý, mà trên khắp Quảng Bình còn biết bao nghĩa trang khác nữa và biết bao nhiêu là nấm mồ liệt sĩ vô danh.

Qua đi thời bom đạn, rồi qua đi mười năm cơ cực của hậu kỳ thời bao cấp, rồi Đổi mới, đôi bờ Nhật Lệ dần tươi xanh trở lại. Bởi vì hồi sinh từ số không, từ tột cùng hoang tàn đổ nát, nên sự vươn lên của Đồng Hới và của Bảo Ninh, nhất là từ bước qua thế kỷ 21, có thể nói là thấy rõ từng ngày, quả thực là một sự phát triển đáng tự hào.

Thế nhưng, dù vậy, trong tôi, tình cảm với quê hương vẫn như muốn vượt qua phố phường giờ đây đã hiện đại hóa, để hướng về với buổi chiều năm xưa 18 tuổi, với cuộc chiến đấu đầu tiên trong đời, và với chuyến đò bị lỡ hẹn

Ngày nay nối đôi bờ đã có cầu Nhật Lệ, cây cầu vững chãi làm biểu tượng và cũng là làm đòn bẩy cho sự đổi mới mạnh mẽ của Bảo Ninh, nhưng mỗi lần về thăm quê, tôi vẫn trước nhất tìm tới tượng đài Mẹ Suốt thắp hương, rồi xuống đò, bến đò Cự Hà chợ cá. 

Đây không còn là con đò ngày ấy, song vẫn lưu được dáng dấp của ngày ấy, loại đò thuôn dài với hai người đưa đò, một chèo một lái, nom thì mỏng như chiếc lá tre mà chở được mỗi lượt tới ba chục khách.

Chỉ khác rằng giờ đây, khách đò Mẹ Suốt, thay vì bộ đội với súng đạn, là các bà, các chị, các o đi chợ về chợ qua lại đôi bờ trong cuộc sinh nhai chất phác ngày ngày của người dân miền biển quê tôi, khoai gạo tôm cá muối mắm.

Bảo Ninh
.
.