Nhân sự Trung ương

Thứ Hai, 12/10/2015, 09:38
Một trong các nội dung rất được quan tâm tại Hội nghị Trung ương 12 (khóa XI) là việc xem xét, thảo luận và hoàn thiện các phương án nhân sự. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình Trung ương báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt.


Báo cáo tại Hội nghị cho biết, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ở vòng 1, vòng 2 đã được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự. Trên cơ sở phương hướng và quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, thảo luận kỹ dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, các phương án lựa chọn, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện.

Tại Hội nghị, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình Trung ương báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Trên cơ sở tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Đại hội VI đến Đại hội XI, cả về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, độ tuổi, quy trình giới thiệu, lựa chọn, kết quả bầu cử các khóa, việc phân công các chức danh chủ chốt, báo cáo của Bộ Chính trị đã rút ra một số kinh nghiệm, phương pháp, cách làm và kiến nghị với Trung ương những vấn đề cần áp dụng cho khóa này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp “đặc biệt” đối với ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại phương hướng công tác nhân sự, báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 (khóa XI).

Nhân sự Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương là vấn đề hệ trọng. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới, tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, trong thời gian qua, vấn đề quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cũng như  lựa chọn nhân sự các cấp được thể hiện rõ trong nhiều nghị quyết của Đảng. Một trong ba nội dung trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là xây dựng đội ngũ lãnh đạo cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác quy hoạch, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động”. 

Nghị quyết chỉ rõ việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược dồi dào để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, làm tiền đề quan trọng cho công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc, nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.  

Nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước nhất thiết phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phải là “những người ưu tú nhất trong những người ưu tú”. Không chỉ là những tiêu chuẩn cơ bản về phẩm chất, năng lực công tác, những nội dung cụ thể về tiêu chuẩn Bộ Chính trị, Ban Bí thư được Trung ương chỉ rõ trong Kết luận Hội nghị Trung ương 11 hồi giữa năm 2015.

Có 4 yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII . Một, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII phải thật sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, ý chí chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm minh, có tính đảng cao, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Ðảng, gắn bó mật thiết với nhân dân; có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Hai, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng. Ba, bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục. Bốn, việc giới thiệu nhân sự nói chung phải trên cơ sở quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định; phát huy dân chủ, trách nhiệm trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới...

Với mục tiêu như vậy, việc lựa chọn tiêu chuẩn cho Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được xác định với 3 nhóm, trong đó lần đầu tiên Trung ương cụ thể hóa bởi các yếu tố như: không tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng. Ngoài bản thân trong sạch thì Trung ương cũng đặt ra tiêu chuẩn: không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để mưu lợi. Đây là những tiêu chí rất cơ bản lâu nay được đặt trong phạm trù phẩm chất đạo đức, lối sống, nay được bóc tách cụ thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định tiêu chí nói trên là “ba rem” cơ bản, tuy nhiên để vận dụng sâu sát trên thực tế, tránh “chọn nhầm” cần phát huy quyền giám sát của người dân. Đó là người dân được biết về các ứng viên để giám sát, là kênh “tai mắt” giúp Đảng lựa chọn một cách căn cơ, khách quan, chính xác nhất. Những tiêu chuẩn như bản thân không tham nhũng, quan liêu, không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để mưu lợi cũng là nội dung rất quan trọng song không phải dễ dàng được phát hiện, làm rõ, do đó cần sự giám sát từ tai mắt nhân dân. 

Trong khi đó, việc đặt ra tiêu chuẩn như “không vụ lợi, không tham vọng quyền lực” cũng rất cần thiết bởi cán bộ nói chung đã phải là công bộc của dân, cán bộ cấp Trung ương càng phải đòi hỏi điều này ở mức cao  nhất. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “tham vọng quyền lực” để chỉ ra người “phạm quy” lại là vấn đề khó, nhạy cảm và đòi hỏi sự đánh giá rất cẩn trọng.

Chưa bao giờ, tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương được xác định một cách cụ thể, căn cơ như tại Đại hội lần này. Điều đó thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng và nhân dân đang kỳ vọng sự quyết tâm đó sẽ được hiện thực hóa để Đảng ngày càng vững mạnh, trước hết là: “không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Ðảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Ðảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị; không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

An Nhi
.
.