Cựu SV Bách Khoa và câu chuyện nhen lửa tình yêu ở lòng hồ thủy điện Sông Đà

Nhân sinh vô thường… Trăng lòng hồ sáng quá!

Thứ Năm, 13/12/2012, 15:15

Từng là sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội (khóa 10), rồi là kĩ sư xây dựng say nghề và tâm huyết, sau vài biến cố chẳng thể tránh nổi của cuộc đời, ông yên vị với cuộc sống nghèo khó mà đượm yêu thương ở lòng hồ Thủy điện sông Đà.

Cuộc sống phiêu du, bồng bềnh với triết lý trong văn Nga: “Tình yêu đến với tuổi trẻ như ngọn lửa hồng trong gió rét. Nếu không biết nhen nhóm, lửa hồng sẽ lụi tàn” hay của anh chàng Giăng Van Giăng trong văn của Pháp: “Trên đời chỉ có một điều ấy thôi, đó là yêu quý nhau”.

Ông làm cho người đối diện cảm nhận thấy hạnh phúc là có thật dù nghèo khổ, lận đận. Ông làm cho tôi nảy một ao ước sống ung dung tự tại mà không cần khao khát tiền tài, địa vị. Ông là Nguyễn Văn Thái quê gốc ở Hà Nội, kết duyên với bà Bùi Thị Út ở Mộc Châu, Sơn La.

Qua những con dốc chông chênh đồi núi, chúng tôi đến được xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Hỏi về vợ chồng ông Thái - bà Út, anh Xa Văn Chính (Chủ tịch xã Hiền Lương) thốt lên trầm trồ: Ông Thái từng là một kĩ sư xây dựng giỏi, đến tận bây giờ nghe ông nói về những kiến thức xây dựng mình vẫn phải phục lăn, thế mà ông ấy chèo ra lòng hồ để sống và dường như chẳng muốn lên bờ.

Người lãng đãng kì lạ…

Men theo đường lòng hồ Thủy điện Sông Đà, chúng tôi tìm đến nhà ông Thái. Xuống nhà ông phải qua một con dốc cao mà đường không có sẵn. Đến trước nhà bè, chúng tôi đã nghe thấy tiếng người ở trong nhà vọng ra. Ông đang nói chuyện với cậu con trai lớn, những lý luận của bố khiến cậu cứ há hốc mồm. Những câu chữ của những bậc thầy văn chương như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Tế Xương… bao năm sương gió không hề phai nhạt trong đầu ông.

Câu chữ văn chương ông thuộc rất nhiều và tuôn ra dào dạt, toàn những lý lẽ mà người đọc ít không thể chiêm nghiệm được. Con người này là một ẩn số. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ về người đàn ông kì lạ này: Đa sầu, đa tài, đa cảm… số ông hẳn nghiệt ngã lắm đây! Thế nhưng trong suốt cả ngày đi bên cạnh ông và trò chuyện, tôi không tìm thấy sự nghiệt ngã, thấy vẻ đẹp lấp lánh trong suy nghĩ đơn giản của một con người trong guồng quay lận đận của số phận.

“Tôi từng là cựu sinh viên Bách Khoa, học khóa 10”, ông Thái nói. Hồi tưởng về những năm tháng cũ, ông tự phác lại chân dung mình: “Một cậu sinh viên mặt mũi sáng sủa, tóc để rất lãng tử, hay mặc áo trắng thường cầm đàn hát và đọc thơ rất hay. Thời của tôi, có rất ít người học đại học, nói đến sinh viên Bách Khoa là nói đến một thế hệ sinh viên danh giá hạng nhất. Hồi ấy nhất nhất chỉ là Bách Khoa thôi. Ở Bách Khoa, tôi học giỏi, làm thơ giỏi , đánh đàn giỏi…Sau 5 năm học, tôi ra trường. Tôi mang kiến thức về kết cấu, xây dựng đến không biết bao công trình trứ danh. Những cây cầu như cầu Thăng Long, cầu Đường 6, cầu nối các tỉnh lộ lớn… có dấu chân và bàn tay của tôi cả”, ông Thái nói đầy tự hào.

Nhà thuyền đơn giản của ông bà.

“Đừng nhắc đến Hà Nội, Hà Nội là kí ức sâu thẳm buồn lặng trong lòng tôi. Tôi nhớ mùi hoa sữa mà bao năm rồi chẳng thể quên. Đừng gợi kỉ niệm ngày xưa, trong lòng tôi sống lại…! Tôi nhớ khách sạn Trăm Hoa trên đường Bà Triệu, cái ngày tôi lấy vợ đầu. Ra khách sạn nhưng chẳng được làm cỗ cưới, đám cưới chỉ có mấy chục con người ở cùng cơ quan với cân chè, lạng thuốc. Chúng tôi hát với nhau như kiểu hát Trường Sơn, hát lính, hát tốp ca. Thời ấy phải hát nhỏ thôi không bị phát hiện, bị thả bom. Đó là quá khứ đẹp nhưng đã qua rồi…”, miệng ông kể, tay véo thuốc lào rịn vào điếu và hút điệu nghệ. Cái khuôn mặt thì cứ như là đang cười cợt nhưng riêng những nếp nhăn trên trán nhắc người đối thoại rằng, đó là một quá khứ mặn mòi như muối, mà muối thì sát vào tâm can rất đau!

Ở Hà Nội ông Thái có người vợ đầu đã mất từ lâu vì bạo bệnh. Ông xin nghỉ hưu sớm bằng một chế độ đặc biệt để lấy tiền cho con ăn học và tiền đi buôn chuyến. Thế nhưng số phận, Sông Đà cho ông một chỗ nương thân bây giờ nhưng ngày xưa bão gió Sông Đà đã làm đắm, phá nát của ông không biết bao nhiêu chuyến tre nứa về xuôi. Không chọn cách lợi riêng cho mình - như bán nhà trả nợ hay bán nhà phát triển kinh tế mà ông nhường nhà cho 2 con của người vợ cả, phiêu bạt sống vui vẻ ở lòng hồ Thủy điện Sông Đà. Ông sống vui, sống hài lòng với điều vô thường ấy!

Lúc đám cưới là lúc yêu cô dâu nhất…

“Lên đây” là lên một lòng hồ lộng gió, với một kết cấu nhà làm bằng tre nứa. Tất cả những kiến thức “để giữ vững một kết cấu bê tông” được ông Thái nghiên cứu, sáng tạo “để có một kết cấu vững bằng gỗ và tre”. Và theo thời gian, ông Thái xây lên căn nhà nhỏ bé, gọn ghẽ và phiêu bồng trong lòng hồ bằng cả tình yêu đến muộn với bà Bùi Thị Út.

Bà Út là gái người Thái, lại là con út. Trên Mộc Châu quê bà có tục, lấy chồng là chồng phải ở rể. Cũng bởi đòi hỏi khe khắt ấy mà nhiều người đến với bà rồi lại đi… duyên phận bỏ ngỏ đến khi gặp ông Thái.. Ông Thái đến bản, ban đầu là người buôn bán. Ông để ý đến một người phụ nữ lầm lũi hay đi nương một mình. Ông biết, chẳng cái buồn nào bằng cái buồn của người phụ nữ đứng tuổi mà phải đi nương một mình. Ông Thái mạnh dạn đi theo: “Ông ấy cứ đằng đẵng đi theo. Cây sắn to ông ấy nhổ, cây sắn nhỏ tôi nhổ… Ông còn nói, nếu có lấy anh thì việc lo kinh tế và gánh vác gia đình là việc mà anh sẽ chịu trách nhiệm chính. Đàn ông phải khổ hơn trong gia đình, hi sinh làm việc nhiều hơn”. Bà Út ngại ngùng kể lại những ký ức đẹp của một thời hai người yêu thương nhau trên nương rẫy.

Hai vợ chồng ông Thái, bà Út hạnh phúc bồng bềnh ở lòng hồ thủy điện Sông Đà.

Thế rồi gia đình bà cũng chấp nhận ông ở rể. Đám cưới được tổ chức vào năm 1992, có nhiều rượu, nhiều thịt và có cả những người đại diện chính quyền đến thăm hỏi chúc phúc. Nó khác nhiều với đám cưới ở khách sạn Trăm Hoa trên đường Bà Triệu ngày xưa. Ông Thái chỉ ngẫm, nhưng ông không so sánh. Ông bảo so sánh luôn mang lại sự khập khiễng. Lúc nào mà làm đám cưới thì có nghĩa là lúc ông yêu cô dâu nhất.

Dường như suốt buổi nói chuyện, ông Thái nói nhiều về thứ tình yêu lạ và bồng bềnh, thậm chí nó bay bổng đến mức không có thật. Chúng tôi cười, hoài nghi, lạ lẫm… nhưng bà Út lại quá quen với chuyện này: “Con người này có sao nói vậy đấy! Lúc nào bác ấy cũng nói rất nhiều và rất yêu thương như thế”. Cuộc đi dạo trong cuộc đời của ông Thái cho ông gặp được bà Út. Sự tin cẩn tuyệt đối của bà vào người chồng, làm hôn nhân theo thời gian của họ trở nên đẹp đẽ và thi vị hơn.

“Tình yêu đã ngả về chiều giống như đống lửa đang lụi dần nên phải thổi gió lên”. Ông Thái yêu vợ mình theo cách rất đặc biệt. Sau hai lần sinh đẻ, bà Út trở nên béo lẳn. Nhìn vợ vậy - ông làm thơ, ông nói vui, ông ôm bà trân trọng mà rằng: “Tôi mơ mình được ôm quả bí ngô của mình ngủ đến ngày tôi chết… Tôi sẽ lấy củi nhen lên từng ngày để tình yêu của mình càng đẹp đẽ hạnh phúc”.

Ông Thái hơn bà Út 13 tuổi. Ông là người lo xa cho các con của mình. Ông để các con mang họ của mẹ là họ Bùi, họ của người Thái. Khi đó ông đã tính: Các con mang họ mẹ thì được bảo hiểm y tế miễn phí vì mẹ là người dân tộc. Tôi nhiều tuổi hơn, khi tôi chết, giấy tờ cũng dễ dàng hơn. Có nhà ở Mộc Châu nhưng ông bà không ở. Phiêu bạt và làm nghề bắt cá, năm 2005 sau nhiều năm phiêu bạt, ông bà về ở hẳn lòng hồ Sông Đà trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình để các con đi học tiện lợi và bởi địa phận đó nước hồ rất trong, bắt con cá cũng dễ dàng. Lòng hồ Sông Đà trở thành nơi nuôi sống cả gia đình ông. Những mùa trước, những đàn cá măng, cá chuềnh choàng giúp gia đình ông sống dư dả. Nay cá Sông Đà ít dần, ông lại tự bảo vợ điều chỉnh nhu cầu sống… để lúc nào gia đình cũng “chỉ có” hạnh phúc hơn.

Con chim không cô đơn vì con chim có tổ

Tôi đã thấy căn nhà của vợ chồng ông Thái lênh đênh trên lòng hồ. Lòng hồ giá rét, chỉ có một nhà bè cũ, dầm nắng chịu mưa. Nghèo đến thế, sao mà hạnh phúc được là nghi hoặc của rất nhiều người?!

Thế nhưng ông Thái lại phủ nhận cái băn khoăn của tôi. Các cô có thấy tôi khóc bao giờ? Tôi vui vẻ quá nên thấy cảnh của tôi, người ta bảo tôi lừa? Tôi đang hạnh phúc thật cô ạ. Phải nói là như thế, đời đánh cá được trời cho… chiều chiều rong thuyền đi đánh cá, tối đi xa về muộn thì ngủ luôn trên thuyền. Những đêm trăng đẹp, trăng soi xuống lòng hồ, ánh trăng soi bóng mình lấp lánh! Trăng sáng lắm! Lao động kiếm sống mà lúc nào cũng như đang đi chơi vậy. Thêm nữa, tôi làm sao mà cô đơn và buồn tủi được? Con chim có tổ thì phải giữ cái tổ của nó cho ấm. Tôi là người suy nghĩ đơn giản. Trong mọi nghiên cứu của khoa học, người ta nói thần kinh ghi được cả những kí ức buồn và kí ức vui… Và vì hiểu được vậy nên thần kinh của tôi chỉ để nhớ những kí ức vui vầy.

Chiều muộn, người đàn ông sương gió lãng tử, tóc dài màu mây chuẩn bị đi làm. Người vợ tròn trịa của ông nấu bữa cơm chiều cho ông ăn. Bên mâm cơm, tiếng cười khanh khách của cả ông và bà làm không gian chiều trên sông Đà bớt ảm đạm. Có một hạnh phúc phiêu du, bồng bềnh và khác những lý lẽ thông thường… rất thật ở lòng hồ thủy điện Sông Đà

T. Phan
.
.