Nhà văn Mạc Can: Hề già nhà văn trẻ

Thứ Năm, 19/06/2008, 08:00

Mạc Can có một vốn liếng lớn cho nghề viết, đó là ông sống một cuộc đời đặc biệt. Tuổi trẻ, ước mơ và cả những năm tháng lầm lũi sống trên thuyền. Và sau này, cả một đời, ông là một người - tạp - kỹ đúng nghĩa, luôn mang đến những niềm vui be bé cho khán giả của mình. Và hành trình 64 năm trên mặt đất, ông luôn cảm thấy mình thiếu hụt. Thiếu hụt cả sự bình yên trong tâm trí. Nhiều người nói đùa với ông, nhưng thật đúng, Mạc Can là người đàn ông nhạy cảm nhất Sài Gòn.

1.Buổi sáng, có thể gặp Mạc Can ở trụ sở Hội Liên hiệp VHNT TP Hồ Chí Minh 81 Trần Quốc Thảo, khi nói cười trò chuyện với ai đó, lúc bàn chuyện công việc, nhận show diễn, ký hợp đồng, hay nhiều khi là trầm tư bên ly trà đá quen thuộc. Ông, khi ấy không có vẻ gì là một diễn viên hài, chỉ đơn thuần là một ông già ngồi ngẫm nghĩ, sắp xếp lại những trầm tích của đời mình. Thi thoảng ông cũng ngồi tại đó, viết cái gì đó.

Ông có một cái laptop cũ, luôn mang theo bên người, khi đi quay phim chưa đến vai của mình ông mở ra gõ và lưu lại những ý tưởng. Hay đi diễn tạp kỹ trên sân khấu, chờ tới lượt mình, ông cũng hì hụi ở một góc cánh gà, gõ phím ghi lại những ý nghĩ hối hả trong đầu.

Đi diễn về, có những đêm ông thức trắng, viết trong một khoái cảm của một người bị những nhân vật của mình làm cho thao thức cần được giải tỏa. Khi ấy, anh hề già đã trốn mất. Chỉ còn lại nhà văn trẻ, nhẫn nại và kiên cường. Viết như một cách để sống, để giãi bày lòng yêu với văn chương ở tuổi 64.

Mạc Can hôm nay đã có 4 tập sách đầy đặn, cả tiểu thuyết, truyện ngắn lẫn tạp văn. Ông nói, khi viết ông ít quan tâm tới thể loại, ông chỉ muốn được viết ra những ý nghĩ vụt hiện trong đầu. Còn sau đó, nó là gì thì sẽ tính sau.

Cái cuốn đầu "Tấm ván phóng dao" có thể coi là cuốn hay nhất mà ông có được. Có thể do nó chứa chất cả một ấu thơ cơ cực và đẫm nước mắt, có hơi hướng cuộc đời ông. Còn lại, những tác phẩm sau là nỗ lực "viết những cái ngoài mình" của Mạc Can. Mới đây nhất là "Những bầy mèo vô sinh", có thể coi là một thế giới của tưởng tượng và hình thức thể hiện đặc biệt.

Có cảm giác như Mạc Can muốn vượt qua chính bản thân ông khi ông đi tìm sự quẫy đạp của một người mới trong những tác phẩm mới. Một thế giới của loài bồ câu và loài mèo, bóng dáng con người nhoè đi, nhưng những triết lý sống được đưa tới thì lại đích thị thuộc về bản chất của con người.

Khi đọc cuốn sách này, có cảm giác như Mạc Can đã đi tìm sự kết hợp của thế giới nghệ thuật biểu diễn mà ông tự học, tự theo từ nhỏ tới giờ với thế giới chữ nghĩa. Một thế giới tưởng tượng, nhiều màu sắc, nhiều chi tiết được miêu tả như những thước phim chậm mà đắt. Một thế giới mà ở đó, ông đi đến được tận cùng những điều mà trong đời thực, ông chưa một lần nói ra.

Sống vốn là điều không đơn giản. Sống với tâm thế của một người quá nhạy cảm, luôn tự ti và nghĩ mình thua thiệt, cảm giác của một kẻ thấp cổ bé họng, cảm giác của một kẻ làm tạp kỹ ít học đè nặng trong tâm trí như Mạc Can còn khó gấp vạn lần. Văn chương chính là sự "trồi lên" của ông. Và văn chương cứu vớt ông.

Mạc Can đang viết một tiểu thuyết tình yêu mang tên "Tờ vé số cuối cùng". Ông nói, viết vì thích, vì mơ ước được như vậy. "Tại sao các nhân vật của ông đều có cuộc sống dị thường?". "Bởi vì tôi muốn đưa đến cho bạn đọc những điều đặc biệt" - Mạc Can nói.

2.Không ai biết mỗi ngày Mạc Can sẽ làm gì. Ông thường tới Trần Quốc Thảo buổi sáng, rồi ở đâu đó mời đi diễn là ông đi luôn, đi chưa biết khi nào sẽ về. Chính xác hơn, khi nào thích thì ông mới về.

Nhà ông ở tít tận huyện Bình Chánh, ông chạy xe Honda rất chậm, thường nếu từ nhà ông tới trung tâm thành phố phải mất gần hai giờ đồng hồ. Mỗi khi lo lắng, bà vợ ông sẽ gọi điện hỏi: "Ông đang ở đâu?". Ông trả lời: "Tôi đang ở trong thành phố". "Chừng nào ông về?". "Chút nữa về. Nhưng cũng có thể mai về. Hoặc một tuần nữa".

Ông trào lộng, cái chuyện đời ông nó cũng đầy chất hài.

Cách đây 4 năm, khi bước vào tuổi 60, ông nói với vợ, thôi, tôi lo cho gia đình, con cái xong rồi, giờ bà cho tôi ra ở riêng để tôi sống cái cuộc sống của tôi. Tôi muốn đi đâu thì đi, rồi làm gì thì làm, ở một mình nó có cái tiện lợi là không làm phiền ai, cũng chẳng ai làm phiền mình.

Thực chẳng ai biết gia đình ông như thế nào, ông có bao nhiêu đứa con. Ông nói, tôi muốn đó là cái chỗ bí mật của Mạc Can, chỉ biết rằng đó là nơi bình yên nhất mỗi khi mình trở về. Các con tôi lớn cả rồi, nó không theo nghệ thuật, cũng chẳng biết tôi làm gì. Để vậy đi, cái phần đó là của riêng mình, còn phần nghệ thuật mới là cái đáng để nói với người ta. Nói xong, ông cười, cái miệng nguệch ra, cái cười của ông cũng không lành lặn, nó méo xẹo.

Công việc thường đến với Mạc Can bất chợt. Ông là một "freelancer" (người làm nghề tự do) đúng nghĩa và chuyên nghiệp nhất trong giới nghệ sỹ thành phố. Ông thường được mời tới thử vai hoặc được nhắm chính xác cho các vai diễn nào đó. Các đạo diễn thuộc nằm lòng sở trường của ông.

Mạc Can thường không xuất hiện trong những vai lớn, chỉ là những sự xuất hiện tình cờ rồi vụt mất. Rồi có người gọi đi chụp hình quảng cáo, hay quay phim giới thiệu thuốc trị bệnh. Có người gọi là ông chạy Honda tới điểm quay, không câu nệ lớn hay nhỏ. Có người mời là vui. Và vui hơn là người ta chọn ông vào những vai mà chắc chắn người khác không thể đảm nhận được. Nó là cái "tem bảo đảm" về chất lượng nghề nghiệp và điều đó đã giúp ông tồn tại với nghề.

Ngày cuối tuần thì ông đi diễn show tạp kỹ. Vẫn là Mạc Can, gom tiếng cười be bé ở các tụ điểm. Vẫn là xiếc, những màn ảo thuật bể mánh, anh hề Mạc Can chưa bao giờ già cũ, bởi mỗi lần xuất hiện ông đều cố gắng tạo ra sự sinh động.

Ở mọi lĩnh vực biểu diễn, ông thường là người "xen kẽ", chưa bao giờ là nhân vật chính. Những tiết mục tạp kỹ thường chỉ là mục thư giãn cho các chương trình dài. Còn các vai diễn của ông luôn là những nhân vật nhỏ.

Tôi hỏi ông, có khi nào ông hối tiếc vì đã đeo đuổi nghề biểu diễn cả một đời, trong khi cái nghề nó chỉ trả lại cho mình những mẩu vụn thành công nhỏ nhoi như thế? Ông trầm ngâm, ngay từ nhỏ ông đã mặc cảm rất lớn về bản thân. Ông không có ngoại hình đẹp, lại lùn, cái mặt lúc nào cũng như muốn khóc. Cuộc đời ông lúc nào cũng bấn loạn trong gian khó, kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày. Thành thử ông không nghĩ nhiều đến chuyện thành công.

Nghệ thuật, trước hết nó là niềm đam mê. Nhưng những năm tháng sau này, nó là cái nghề kiếm sống. Làm nghệ thuật mà phải kèm thêm nhiệm vụ kiếm sống, ở một nơi như Việt Nam là rất cơ cực. Nhưng ông chẳng biết làm gì ngoài nghệ thuật. Nó là máu thịt với ông.

"Vì xuất hiện rất ít, nên mình buộc phải tạo dựng những cách diễn đặc biệt để dù chỉ được nhìn thấy trong một phân đoạn diễn, khán giả vẫn ấn tượng. Tôi đã cố học điều đó trong nhiều năm. Nên khi được giao những vai dài hơi hơn, tôi hoàn toàn không gặp khó khăn nào".

Thật vậy, ông đã xuất hiện như một vai quan trọng trong một số phim truyền hình như "Xóm suối sâu", "Cải ơi" và mới đây là bộ phim ma do Hãng phim Chánh Phương đang sản xuất. Ông đóng vai một y tá sợ ma và nhiều tình huống cười ra nước mắt từ nhân vật này. Đạo diễn Nguyễn Chánh Tín nói, đây không phải là một vai chính nhưng nó rất quan trọng, là nhân vật kết nối, giống như một người dẫn chuyện từ đầu tới cuối phim. Và anh chỉ tin tưởng giao vai đó cho Mạc Can. Mạc Can coi sự tín nhiệm của những người làm nghề như một sự thành công.

3. Vào những khi rảnh việc, Mạc Can thường tìm đến các xóm lao động nghèo của thành phố. Ông tìm hiểu và thuê một căn gác trọ ở đó, để sống chừng một tuần, xem cách mà người ta đã sống, đã ăn uống sinh hoạt. Những chân dung gái điếm, ma tuý xì ke hay cả những tay anh chị giang hồ... được vẽ ở những nơi đó rất sinh động. Ông mê những nơi này vì nó không được bọc trong những hào nhoáng của ánh đèn và những lời quảng cáo. Đó chính là vốn sống ông dành dụm trước hết cho nghề diễn, sau đó mới là nghề viết. Tôi cho rằng, đó là một thái độ dấn thân thực sự cho cái nghề luôn đòi hỏi phải nhìn, quan sát và suy ngẫm.

Nếu nhìn lại cả cuộc đời, ở Mạc Can cho thấy một thái độ bền bỉ, tự tìm cách tiếp cận nghề nghiệp và vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống. Ông tự học lấy cái nghề nuôi thân, suốt tuổi thơ đắm chìm trong nỗi giày vò về tấm ván phóng dao trên chiếc ghe của gánh xiếc rong dọc miền sông nước. Nỗi ám ảnh sợ hãi đến mức sau này ông viết thành cả một cuốn sách, với nhiều thân phận, nhiều nỗi niềm.

Ông nói, ai cũng vậy, đã là người gắn mình vào tấm ván cho người khác phóng dao mua vui cho khán giả, đều bị những chấn thương về tâm hồn. Ai cũng sẽ bị tai nạn nào đó. Và có những người sẽ vĩnh viễn không tìm được sự yên ổn trong tâm trí...

Có lẽ Mạc Can cũng vậy. Nhưng ông đã tự học được những con chữ đầu đời, để từ đó đọc được nhiều hơn, để nhìn được rộng hơn. Ông là một nghệ sỹ không bằng cấp. Và cũng là nhà văn không được bồi đắp những kiến thức giáo khoa. Nghệ thuật và văn chương của ông, không gì khác ngoài kinh nghiệm trong một đời tạp kỹ và những ngẫm suy từ một kiếp người luôn chấp chới giữa những khốn khó và nỗi buồn.

Ông nói, không dễ gì được công nhận ngay buổi đầu. Khi ông từ diễn xiếc, ảo thuật qua diễn sân khấu, ông đã chịu những cái nhìn khắt khe và chê cười. Rồi khi ông vững trên sân khấu, chuyển qua diễn điện ảnh cũng lại bị những cái nhìn nghi ngại. Và khi sách của ông được in ra, người ta cũng rộ lên một câu hỏi: "Anh hề mà cũng viết lách được, lạ vậy sao?". Nhưng ông đã làm. Tự mò mẫm. Tự đi mà thành đường.

Mơ ước lớn nhất của Mạc Can lúc này là khỏi phải chạy show kiếm tiền, ngồi ở nhà để viết cái gì thì viết. Viết văn không ra tiền bạc nhiều, nó chỉ là cái say mê và khi đã dính vào tuồng chữ nghĩa, sẽ chẳng ai có thể dứt bỏ. Nhưng Mạc Can không coi việc viết trong những lúc chạy show là điều quá tệ.

Ông nói, lúc nào và ở đâu cũng được, ông quen với những thứ tàm tạm và biết bằng lòng. Ông chỉ không bằng lòng với những gì mình đã viết ra. Đó cũng chính là cái để người ta chờ đợi ông cho ra tác phẩm mới. Tôi nói tôi sẽ chờ đợi "Tờ vé số cuối cùng", để xem người đàn ông mặt rất nhàu và giấu kín mọi chuyện tình của mình sẽ viết về tình yêu ra sao.

Ông cười, mắt nheo nheo, cái điện thoại treo tòn ten ở ngực rung lên bần bật. Ông nhắn tin tanh tách. Rồi ông nói phải qua Hãng TFS, chuẩn bị nhận một vai ở bên đó. Ông cười, tôi đi kiếm cơm đây. Tôi cũng cười. Tôi biết ông không chỉ kiếm cơm, mà ông còn rất biết cách kiếm tìm cho mình những chi tiết hay từ chính cái nghề của mình. Để ông tiếp tục đường dài với văn chương...

.
.