Nhà thơ Nga E. Evtushenko: Tình ngắn ngủi với nữ điệp viên KGB

Thứ Hai, 07/04/2008, 15:45
Có những nhà thơ lớn suốt đời lặng lẽ sống và sáng tạo và chỉ khi họ đã vĩnh viễn rời khỏi trần thế, những người đồng thời với họ mới hay biết và để ý tới giá trị đích thực của thi nhân. Nhưng cũng có những nhà thơ lớn ngay từ những tác phẩm đầu tay đã được xã hội để ý tới kỹ lưỡng và nhất cử nhất động của họ đều gây nên những hiệu ứng khác nhau nhưng đều rất sâu đậm trong tâm lý đám đông. Nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko chính là một thi sĩ như thế.

Sự quan tâm đôi khi quá đà của xã hội đối với Evtushenko đã không chỉ một lần dẫn tới những câu chuyện bi hài. Mới đây trên tờ "La Stampa" (Italia), Evtushenko đã kể lại câu chuyện cơ quan an ninh Xôviết trước kia từng phải theo dõi ông thế nào để bảo vệ mạng sống cho ông.

Số là, mỗi khi Evtushenko có bài thơ nào đó không được xã hội đón nhận đúng như ý ông là lập tức xuất hiện tin đồn về việc dường như ông chuẩn bị tự sát. Thế là KGB lập tức phải nhận nhiệm vụ theo sát các bước chân Evtushenko để phòng ngừa những hành động quẫn trí của thi sĩ tài danh.

Năm 1963, trên báo chí Liên Xô đã xuất hiện khá nhiều bài báo đánh giá một cách tiêu cực các sáng tác của Evtushenko (đây là lúc nhà lãnh đạo Liên Xô, ông Nikita Khrusov, đã gây nên nhiều vụ đụng độ với trí thức Xôviết, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trẻ và đang thời thượng như Evgueni Evtushenko, Andrey Voznhesensky…).

Chính trong thời gian đó, nhà thơ đã "tình cờ" gặp gỡ với một người mẫu Litva tên là Aushra. Trai tài, gái sắc, tất nhiên là giữa họ đã nảy sinh tình yêu sét đánh cực kỳ thơ mộng và nồng nàn. Evtushenko đã hứng khởi viết được khá nhiều câu thơ hay nhờ mỹ nhân xuất thân từ vùng ven biển Baltik.

Tuy nhiên, ông đã cảm thấy ê chề thất vọng khi phát hiện ra rằng, Aushra hóa ra lại là một nữ cán bộ an ninh, được giao nhiệm vụ gắn bó với ông như hình với bóng trong một thời gian để kịp thời ngăn ngừa những hành động dại dột khi bức xúc tâm lý của nhà thơ. Evtushenko kể:

"Một sáng đẹp trời bỗng vang lên tiếng chuông cập rập ngoài cửa. Một anh công an vóc dáng cao gầy xuất hiện với cặp mắt mở to và hoảng hốt:

- Lạy giời, may quá, anh vẫn sống! - anh nói và thở phào nhẹ nhõm rồi kéo tôi ra ngoài ban công. - Dân chúng đang lo lắng vì ai đó đã tung ra tin đồn là anh đã tự sát. Anh hãy ra đây để mọi người trông thấy anh!

Cũng trong ngày hôm đó, con trai của thi sĩ lừng danh quá cố Aleksandr Blok đã đến thăm động viên Evtushenko và để, như Evtushenko về sau kể lại, "bày tỏ sự công phẫn trước tất cả những trò bẩn thỉu mà các báo đã bắt tay nhau giội vào tôi lúc đó".

Rồi người con trai của Blok đã giới thiệu để Evtushenko làm quen với mấy cô người mẫu Litva "sắc nước hương trời" mà theo lời ông ấy, cũng rất muốn "bày tỏ tình đoàn kết với thi nhân".

Evtushenko nhớ lại:

"Đó là những thiếu nữ chân rất dài, với đôi mắt tròn to, với mái tóc dài tha thướt; thực sự là nhìn cô nào tôi cũng thấy thích nhưng đặc biệt tôi bị ấn tượng cô người mẫu chủ đạo trong số họ, không quá cao, mắt xanh trong như ngọc bích và mái tóc màu lanh được chải và tết lại như vị nữ hoàng trong các giấc mơ thơ bé của tôi, ngôi sao màn bạc Mỹ Deanna Durbin; còn dáng đi vô tiền khoáng hậu của nàng trông giống như một vũ điệu mà khi thể hiện nó, đôi bắp chân vừa mạnh mẽ vừa thanh thoát của nàng, với những sợi lông chân óng ánh rất khó nhận ra, lay chuyển một cách cực kỳ kích động và đôi mắt cá mỏng mảnh của nàng cứ náo nức uyển chuyển theo từng bước đi".

Người đẹp đã làm Evtushenko "chết đứng như Từ Hải" chính là Aushra. "Khi giữa chúng tôi nảy sinh tình cảm, "Điều gì đó vĩ đại", - nhà thơ nhớ lại, - đã tan hòa với tiếng lá reo ở phía trên, đôi thân thể đã quyện dính vào nhau của chúng tôi, với dào dạt những bông cúc và những bông hoa quả chuông đang dính vào dưới mình chúng tôi.

Và tôi nhìn thấy đôi mắt Aushra trở nên mênh mông hơn và sâu thẳm hơn vì dòng lệ bất ngờ ứa ra từ đó mà tôi khi ấy không rõ nguyên nhân vì sao. Tôi chìm nghỉm trong đôi mắt đó, tôi bơi giữa hơi mát thanh tân của đôi mắt đó, run rẩy rùng mình và quên đi tất cả những lời xúc phạm tàn tệ từng tung ném vào tôi ở đâu đó xa xôi, dưới mặt đất tội lỗi…".

Ngay trong buổi sáng hôm sau, người bạn gái vừa quen của nhà thơ đã bay về Vilnius (thủ đô của CH Litva), còn Evtushenko rời về xứ Siberi thân thiết để trở lại với ga tàu hỏa Zima, nơi ông từng lớn lên và tới thăm Nhà máy Thủy điện Bratsk (Evtushenko từng viết một trường ca rất có giá trị về nhà máy thủy điện này).

Khi máy bay tạm dừng ở thành phố Sverdlovsk, không chịu nổi những cơn sóng lòng trào dậy vì ký ức còn tươi roi rói về đêm ân ái vừa qua, Evtushenko đã tới chỗ điện thoại công cộng gọi về địa chỉ của Aushra ở Vilnius và xin được bay tới cùng cô.

Giọng nghẹn ngào, Aushra từ chối: "Không! Anh không thể tới cùng em được! Anh đừng bao giờ tới cùng em!". Tuy nhiên, tình yêu như con thú hoang, càng bị đói thì càng trở nên mãnh liệt và Evtushenko đã lập tức đổi vé, bay ngược trở lại Vilnius. Lửa tình lại bùng cháy mạnh mẽ tới mức Evtushenko quên hết mọi sự khác và ở lại Litva cùng Aushra.

"Tôi đã cảm thấy cực kỳ dễ chịu khi ở bên cạnh Aushra. Nàng là người phụ nữ đầu tiên trong đời tôi đã mang bữa sáng vào giường ngủ cho tôi, và nói không giấu gì quý vị, tôi cực kỳ cảm thấy thích thú việc này. Cũng có thể nàng mới chính là người phụ nữ Âu châu duy nhất của đời tôi, theo đúng nghĩa đầy đủ nhất của từ này".--PageBreak--

Rồi có một lần, khi Aushra đang ở trong gian bếp đun cà phê, Evtushenko bỗng nhiên thèm thuốc lá và ông lục túi xách của nàng để tìm bao thuốc. Bỗng nhiên, nhà thơ nhìn thấy một bức điện tín lạ lùng có ghi gửi cho Aushra. Trên đó toàn là những con số.

"Xem xét kỹ, tôi mò được ra bản giải mã viết bằng bút chì và bằng tiếng Nga với nét chữ rất đẹp như của một giáo viên mật mã: "Hãy tiếp tục theo dõi đối tượng đã được giao cho chị. Hãy giúp anh ấy thoát khỏi sự ám ảnh của ý muốn tự vẫn. Vụ tự sát của anh ấy có thể bị những kẻ thù tư tưởng của chúng ta lợi dụng. Hãy làm mọi việc có thể để thổi vào anh ấy niềm lạc quan". Cuối cùng là chữ ký ngắn gọn: Trung tâm".

Những gì vừa nhìn thấy đã khiến Evtushenko bối rối.

Ông còn cảm thấy bối rối hơn nữa khi thấy phản ứng của Aushra. "Nàng không quỳ thụp xuống dưới chân xin tôi tha thứ. Nàng dường như đã bị hóa đá, biến thành một trong những bức tượng Đức Mẹ vẫn được bày trên các ngã ba ngã tư các con đường ở Litva. Rồi nàng từ từ đặt cái khay xuống mặt bàn con ở cạnh giường ngủ và mạnh mẽ giật ra từ túi xách một tờ giấy khác viết đầy những chữ cái và các con số".

Trên tờ giấy đó ghi: "Đối tượng đã được giao cho tôi trong các cuộc gặp gỡ với giới trí thức Litva thường xuyên nói lời chúc rượu tốt đẹp cho tình hữu nghị Nga - Litva và, cụ thể, chúc sức khoẻ đồng chí Nikita Khrusov. Đồng thời đối tượng này phê phán rất cứng rắn mưu toan của báo chí phương Tây định lợi dụng những tin đồn về việc anh định tự sát. Anh sẽ bay từ Vilnius về Siberi để ca tụng lao động của những người thợ xây dựng nhà máy Thủy điện Bratsk. Tôi đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là làm cho anh vui vẻ hơn".

Rồi Aushra đã kể lại chuyện nàng đã được tuyển mộ vào mạng lưới KGB như thế nào. Nhiệm vụ của nàng thường chỉ là tháp tùng các vị khách nước ngoài mà cơ quan an ninh cần để ý rồi về truyền đạt lại cho tổ chức nội dung những cuộc nói chuyện của họ. "Nhưng em không làm hại ai cả" - Aushra nói với nhà thơ.

Rồi một hôm, tại cuộc Triển lãm Nông nghiệp, nơi Aushra cùng các bạn đồng nghiệp có một cuộc trình diễn, có một người đàn ông bỗng xuất hiện sau cánh gà.

"Anh ấy biết bí danh và mã số của em, - Aushra kể với Evtushenko - Anh ấy rất lịch thiệp và hỏi xem em đã bao giờ đọc thơ của anh chưa.  Em trả lời là em có đọc, thậm chí là còn thuộc lòng nhiều bài thơ của anh. Khi ấy, người đàn ông đó đã giải thích cho em rằng, trong giai đoạn này, anh đang là đối tượng của sự phê phán rộng rãi và anh đang ở bên bờ vực của sự tự sát.

Anh ấy yêu cầu em giúp đỡ anh. Em đã từng nhìn thấy anh trên truyền hình, em đã không chỉ thích thơ anh mà thích cả anh nữa. Vậy nên em đã đồng ý ngay. Giờ biết rõ mọi chuyện rồi, anh muốn phán định về em thế nào thì tùy".

Evtushenko hiểu rằng người đàn bà mà ông yêu quý thực lòng đã "chỉ điểm" ông cho cơ quan an ninh nhưng với những bản báo cáo của nàng, nàng đã chỉ muốn mang lại điều tốt đẹp cho ông. Mặc dầu vậy, với bản tính cực đoan trong tình cảm của một thi nhân trẻ trung và quyết liệt, ông hiểu rằng, ông sẽ không bao giờ có thể yêu nàng như đã từng yêu.

 "Thực rùng rợn khi nghĩ rằng, đôi bàn tay mềm mại đang vuốt ve ta nồng nàn trong đêm, sáng ra lại có lúc sau đó viết những bản mật mã về ta cho một trung tâm nào đó!".

Aushra hiểu điều đó và trước khi vĩnh viễn chia tay với Evtushenko, nàng chỉ nói: "Tới giờ anh đã hiểu vì sao em không muốn anh tới Vilnius cùng em không?".

Đôi khi, để cảm thấy hạnh phúc thì không nên biết sự thật đến cùng. Nhưng số phận của các thi nhân đích thực là phải tìm cho ra kỳ được sự thật, dù có đau lòng đến mấy.

Giờ đây, ở tuổi "cổ lai hy", Evtushenko có thể đã không cực đoan như 45 năm trước. Nên khi kể lại câu chuyện này, ông đã cảm thấy buồn và tiếc

Trọng Thành
.
.