Nguồn tin ngoài danh mục

Thứ Tư, 19/09/2012, 15:38
Gắn bó với nhau ở Cụm tình báo chiến lược H67 tại chiến trường Bến Tre chỉ ngắn ngủi chừng dăm năm thì chia tay, tôi về Đoàn J22 nhận nhiệm vụ mới. Cậu ta cùng đơn vị bám địa bàn cho tới ngày giải phóng. Thực ra 5 năm thời chinh chiến cũng là dài, bởi đã có bao cuộc gặp gỡ, chỉ sống với nhau vài ba tháng, thậm chí vài ba ngày rồi chia xa vĩnh viễn, gạt nước mắt chôn nhau trong đêm tối mịt mùng giữa chiến trường máu lửa.

Nhân vật tôi nhắc tới với 5 năm gắn bó ấy là Trần Minh Tâm, người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc: Về tinh thần hăng say công tác; về công lao góp phần tạo nên những chiến công của đơn vị và đảm bảo an toàn lực lượng. Tiếc rằng, thời đó hình như ít ai nhắc tới.

Chắp nối tình xưa

Ngót nghét 10 năm ở chiến trường Nam Bộ, do yêu cầu công tác, tôi trở thành một sĩ quan lưu động, thuyên chuyển nhiều địa bàn: từ Đông Bắc tới Tây Bắc Sài Gòn, rồi miền Trung Nam Bộ và năm cuối cùng, về tổng hành dinh Đoàn Tình báo J22, căn cứ đóng ở Lộc Ninh; thuyên chuyển nhiều đơn vị: từ Cụm B48, B49, V8, H67, rồi A44. Vì vậy được gặp gỡ nhiều đồng chí, anh em. Ở đâu cũng đều hẹn với nhau: “Khi nào đất nước thanh bình, nếu còn sống nhất định sẽ tìm nhau”. Vậy mà chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm mà lời hẹn xưa tưởng như đã rơi vào quên lãng. Nhiều lúc đã tự trách mình, rồi lại tự an ủi: “Đồng đội tứ tán nhiều nơi, trong khi cuộc sống sau chiến tranh, bao nhiêu thứ lo toan ập tới: Việc gia đình; lo chỗ đứng, chỗ ngồi, kiếm kế sinh nhai; lo lấp chỗ hổng về kiến thức sau bao năm đạn bom đào xới… Nhiều khi tặc lưỡi, thôi đành… chờ thời cơ vậy”.

Và, cái thời cơ ấy đã đến, đó là dịp kỷ niệm lần thứ ba mươi bảy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi quyết tâm về thăm lại chiến trường xưa, tìm đồng đội cũ. Vẫn biết còn nhiều khó khăn bởi đồng đội tôi bây giờ ở tản mát nhiều nơi, nhiều người đã về quê cũ sinh sống, có biết địa chỉ đâu mà tìm. Cái khó ló cái khôn. Tôi điểm danh những người đã có lần gặp lại sau chiến tranh, thông qua họ để cùng tìm kiếm, cùng nhau “chắp nối tình xưa”.

Ở A44, tôi nhắm tới anh Võ Hoàng Vân. Thời đó anh là Trưởng ban; B48 và B49 có Trần Thanh Hồng và Ba Vân; H67 số lượng đông hơn, nghe nói Ban Liên lạc Cựu quân nhân của Cụm do ông Nguyễn Thanh Nam (Tám Thanh) làm Trưởng ban. Hơi băn khoăn vì nghe tin ông không được khỏe, bởi đã tám mươi lăm tuổi rồi còn gì.

Nhân vật thứ hai tôi nhắm tới là Trần Minh Tâm, thành viên Ban Liên lạc, trợ thủ đắc lực của ông Tám Thanh. Trước khi rời Hà Nội, tôi điện cho Tâm, cậu ta reo lên trong máy: “Thật tuyệt “zời!”. Anh em rất trông anh vô. Em sẽ bàn với chú Tám, chỉ cần anh quyết cho cái thời gian cụ thể là trong này thông báo cho anh chị em các nơi kéo về thành phố”. Tôi mừng quýnh, chưa kịp tính toán gì đã quyết luôn: “Tốt quá. Hoan nghênh chú em. Vậy tổ chức vào trưa 30-4 có được không?”. “Được quá đi chớ! Năm nay là năm lẻ, Đoàn J22 không tổ chức gặp mặt, Cụm ta tổ chức mà lại có anh vô là ý nghĩa lắm rồi đó”.

Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh trước hai ngày. Nghỉ tại Nhà khách Phương Nam của Bộ Công an. Điều bất ngờ khiến tôi vô cùng cảm động, đó là sáng hôm sau, Trần Minh Tâm đã đưa “cụ bát” Tám Thanh tới Nhà khách Phương Nam, thống nhất với tôi chương trình nghị sự (cái điều mà lẽ ra tôi phải tới thăm để thỉnh cầu ông). Hai người thống nhất về thời gian không thay đổi. Địa điểm sẽ tổ chức tại một nhà khách trên đường Nguyễn Trọng Tuyển. Trưa 30-4, tôi vừa tới cổng nhà khách, Tâm đã chạy ra đón, hồ hởi thông báo: “Anh chị em về đông lắm, anh Ba. Cỡ hơn ba chục người rồi. Ở thành phố hầu như có mặt đông đủ. Anh em ở Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp… đều về cả”.

Quả là cuộc gặp gỡ ngoài trí tưởng tượng của tôi. Cuộc gặp gỡ đã làm sống lại trong tôi bao kỷ niệm của một thời xa ngái. Nhất là kỷ niệm liên quan tới người nhiệt tình chắp nối cho cuộc hội ngộ này.

Chọn mặt gửi vàng

Sau Tết Mậu Thân 1968, địch phản kích dữ dội chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Để bảo toàn lực lượng và giữ vững liên lạc với các lưới điệp báo nội thành, cuối năm 1969, cấp trên quyết định đơn vị chúng tôi chuyển địa bàn bám trụ về Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng căn cứ tại xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre vào thời điểm tương đối yên tĩnh. Đang sống ở “chảo lửa” mật khu Bời Lời, về đồng bằng trong không khí thanh bình như thế quả là tuyệt vời. Song, sự yên tĩnh ấy chẳng được bao lâu thì tình hình trở nên sôi động, căng thẳng. Một số cán bộ, chiến sĩ đơn vị và du kích địa phương hy sinh. Những trận càn nối tiếp nhau, đơn vị thường xuyên phải di chuyển căn cứ và bị động đối phó. Nhiều tài liệu quan trọng từ nội thành chuyển ra ứ đọng tại căn cứ không chuyển về trung tâm được..

Trước tình hình đó, Cụm trưởng Bảy Vĩnh đã nhiều ngày trăn trở tìm biện pháp khắc phục. Phương án lý tưởng mà ông nêu ra đó là xin lãnh đạo J22 trang bị cho một máy bộ đàm PRC25. Có phương tiện, chịu khó mày mò chắc sẽ khai thác được tình hình để chủ động đối phó. Thông tin loại này mang ý nghĩa chiến thuật, nằm ngoài danh mục tin tình báo. Đề xuất của ông được cấp trên chấp thuận và chỉ hơn một tháng sau máy đã chuyển về tới đơn vị. Cái khó bây giờ là “chọn mặt gửi vàng”. Biết tôi vốn là lính kế toán và trinh sát lựu pháo 105 ly nên cụm trưởng trao đổi và tham khảo tôi việc này. Sau ít phút suy nghĩ, tôi mạnh dạn nêu ý kiến:

- Theo tôi anh cân nhắc, chọn cậu trinh sát mới về được không.

- Anh muốn nói tới Trần Minh Tâm?

- Dạ phải! Tuy là lính mới, nhưng thằng nhỏ rất thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát.

Cụm trưởng Bảy Vĩnh khẽ gật đầu - “Ờ… được đó! Nó mới về Cụm nhưng đã là cựu binh rồi. Đã từng là lính biệt động nhưng vì bị lộ nên phải rút về căn cứ ở Trảng Bàng”. Nó là con chị “C2”, giao thông viên gạo cội của Cụm. Đơn vị chuyển địa bàn về đây nên “C2” xin cho nó về. Sắp tới “C2” sẽ gởi cả thằng Trí em của Tâm mới 15 tuổi về đây để khi có điều kiện sẽ chuyển cháu về “R”. Chồng của “C2” là anh Hải, cũng là cán bộ trên Trung ương Cục. Thế là ngay chiều hôm ấy, chiếc PRC 25 được giao cho Tâm quản lý. Việc sử dụng sẽ tìm người hướng dẫn sau. Thực tình, đây là việc khó, máy của Mỹ, kiếm cả vùng cũng không ai biết sử dụng.

Trần Minh Tâm (thứ hai từ trái sang) cùng tác giả (thứ ba từ trái sang) tại cuộc họp mặt truyền thống H67 anh hùng.

Tiếng gọi lúc nửa đêm

Ở chiến trường vùng giáp ranh tất cả các bộ phận đều làm việc và ngủ dưới hầm. Vào một đêm khuya, tôi đang “ngon giấc thần tiên”, bỗng nghe tiếng gọi giật giọng trên miệng hầm: “Chú Ba! Chú Ba!... Tìm được rồi! Chú sang hầm Tâm ngay (Trần Minh Tâm vẫn gọi và xưng hô với tôi như vậy). Lẹ lên! Lẹ lên chú” - “Tìm được cái gì vậy? Mất từ bao giờ?...”. Chẳng đợi tiếng trả lời, tôi chạy vội sang hầm của Tâm. Đèn tín hiệu trên chiếc PRC25 nhấp nháy liên hồi cùng với tiếng gọi dồn dập: “Đại bàng gọi Bạch hổ! Đại bàng gọi Bạch hổ, nghe rõ không trả lời”. Tôi mơ hồ nghe xa xôi từ đâu đó loáng thoáng mấy từ: “Bạch hổ gọi… nghe… xin chờ…”. Một lúc sau, Tâm bỏ cáp nghe, nói với tôi giọng quả quyết: “Sáng sớm hôm nay thằng “bốn lẻ một” (Tiểu đoàn 401) sẽ càn vào An Phước. Trận này do Tiểu khu chỉ huy”. Tôi liếc nhìn đồng hồ, đã một giờ mười lăm phút. Bán tín bán nghi, tôi hỏi: “Cơ sở nào mà cậu dám quả quyết vậy?” - “Dạ!... Tụi nó vừa chỉ thị cho nhau” - “Vấn đề cơ bản là làm sao cậu biết? Mà có chắc không?”. Tâm ngập ngừng: “Dạ!... Từ hôm được giao máy, đêm nào Tâm cũng mở máy nghe lén, ghi chép tất cả các cuộc đàm thoại, ám tín hiệu, tiếng lóng… rồi đối chiếu với thực tế, thấy hiện tượng mấy ngày qua rất đúng.

“Đại bàng” là Trung tâm chỉ huy hành quân ở Tiểu khu; “Tiểu hổ” là Chỉ khu Trúc Giang. Tỉnh có 6 tiểu đoàn (6D) địa phương quân và một Đại đội thám sát. Mỗi D mang biệt danh một loài thú dữ. Tỷ như D401 gọi là “Bạch Hổ”, rồi “mãng xà”, “xà dương”, “hổ đất”… bom, pháo thì gọi là “voi gầm”, “hổ thét”. Mọi chi tiết khác đều được xác định rõ bằng tọa độ trên bản đồ”. Tôi nhắc Tâm: “Tốt rồi! Tiếp tục bám sát tình hình. Tôi sẽ đi mời ông Bảy sang”.

Nghe tôi thông báo Tâm đã mở được khóa liên lạc, Cụm trưởng Bảy Vĩnh lao lên miệng hầm, chạy sang chỗ Tâm, chẳng đợi tôi thông báo gì thêm. Ông dán mắt vào tấm bản đồ đã được Trần Minh Tâm chấm định một số điểm qua nhiều hình vẽ khác nhau để phân biệt chỉ huy sở hành quân, Trung tâm Tiểu khu, Chi khu, trận địa pháo, điểm tập kết, mục tiêu tấn công… Tâm trình bày cụ thể một số sự kiện diễn ra trong mấy ngày qua và trận càn hôm nay: “Điểm tập kết trên lộ 17 cách ngã ba lộ Ngang chừng một cây số về phía Trúc Giang. Từ đây, chúng sẽ dùi vào Phú An Hòa rồi chia thành hai mũi tiến về An Phước. Mũi phía lộ bờ sông, khả năng sẽ cặp sát căn cứ của ta…”. Đã từng là một cán bộ Trung đội chỉ huy Pháo binh, tôi bắt đầu mê cậu lính trẻ này. Chỉ mấy tuần mày mò nghiên cứu mà hắn trình bày đâu ra đó. Cái tên “Tâm tham mưu” do tôi gọi vui hôm ấy sau này thành biệt danh luôn.

Từ thông tin trên, Cụm trưởng Bảy Vĩnh quyết định đơn vị bám trụ chiến đấu. Các hướng phòng ngự được tăng cường thêm mìn định hướng và trái nổ tự động. Tuyệt đối giữ bí mật lực lượng, chỉ được nổ súng khi địch càn đúng căn cứ. Trận hôm ấy, chỉ bằng lựu đạn gài và mìn định hướng, địch chết và bị thương hơn chục tên. Cậu “tham mưu tý hon” và chiếc PRC25 phát huy tác dụng từ đó. Địch càn quy mô lớn thì tạm thời tránh né để bảo toàn lực lượng. Những cuộc càn nhỏ, sẽ phối hợp du kích địa phương bám trụ chiến đấu.

Hậu chiến tranh

Trần Minh Tâm cùng đơn vị bám địa bàn cho tới ngày giải phóng miền Nam mới chuyển về Sài Gòn. Sau đó được cử ra miền Bắc đào tạo sĩ quan. Năm 1979, tình hình biên giới Tây Nam căng thẳng, Tâm được điều về Đoàn 271 chiến đấu và hoạt động ở Campuchia tới hơn 7 năm và trở thành Tham mưu trưởng Đoàn 271.

Đất nước thanh bình, Tâm được cử đi làm kinh tế, nhờ vậy mà đã tạo điều kiện giúp đỡ nhiều anh em đơn vị cũ có công ăn việc làm khắc phục khó khăn cuộc sống. Mấy năm gần đây, Tâm lại được cử sang công tác ở Quỹ Giáo dục - Nhân đạo thuộc Hội Khuyến học Việt Nam. Vẫn năng nổ, nhiệt tình như xưa, đã góp phần cùng Hội khắc phục khó khăn, tạo nguồn kinh phí hoạt động. Với riêng tôi, nếu không có lòng nhiệt tình xuất phát từ tình cũ nghĩa xưa của người lính Trần Minh Tâm chắc tôi khó đạt được nguyện vọng mỹ mãn cho chuyến đi vừa rồi

K.M.D.
.
.