Người quen năm cũ

Thứ Tư, 01/08/2012, 10:30
“Người mà tôi nhắc tới trong bài ký này, kể cả người bạn đời của anh, là hai nhân vật mà tôi đã biết từ hơn bốn mươi năm trước. Cái thời cụm tình báo chiến lược H67 của chúng tôi về bám trụ ở quê anh. Vậy mà, hôm đó, ngày 3 tháng 5 - năm Con Rồng này tôi mới may mắn được gặp mặt”.

Người khách tới sau cùng

Ba mươi bảy năm sau khi kết thúc chiến tranh, tôi đã có nhiều lần vào công tác phía Nam và có nhiều dịp kết hợp về thăm lại chiến trường xưa, trong đó có quê dừa Đồng Khởi, Bến Tre. Song, lại chưa có lần nào đúng dịp kỷ niệm ngày toàn thắng 30 tháng 4. Năm nay, chọn thời điểm năm lẻ, từ Trung ương tới địa phương không tổ chức mít tinh lớn, đồng đội cũ của tôi không bị cuốn hút vào sinh hoạt lễ hội tưng bừng, hy vọng sẽ được gặp gỡ nhiều hơn. Quả là một chuyến đi toại nguyện. Sáu cuộc gặp gỡ với trên một trăm năm chục người. Người nhỏ tuổi nhất thời đó là Trần Minh Trí, hiện là cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, nay đã ngoài năm mươi. Người lớn tuổi (ông Tám Thanh - nguyên Cụm phó H67), nay đã ngoại bát tuần.

Chặng đường đầu, khi rời thành phố Hồ Chí Minh đi một số tỉnh là về Bến Tre, địa bàn tôi đã gắn bó lâu nhất (từ 1969 tới 1974). Cùng đi, có anh Lê Văn Gấu (thường trực Ban Liên lạc Cựu chiến binh Đoàn Tình báo J22), Trần Minh Tâm (cán bộ Tham mưu địch tình chiến thuật của H67 thời đó), Thượng tá Vũ Xuân Huyền, lãnh đạo một đơn vị trinh sát Cục Bảo vệ An ninh chính trị nội bộ thuộc Tổng cục An ninh - đơn vị cũ của tôi. Quãng đường trên tám chục cây số, thời chiến tranh chúng tôi hành quân từ cửa ngõ tây - bắc Sài Gòn về Bến Tre phải mất gần một tháng.

Sau ngày giải phóng, mỗi lần từ thành phố về, nhanh cũng phải bốn tiếng đồng hồ bởi hầu hết các tuyến đường đều quá nhỏ, tắc đường như cơm bữa, rồi phải chờ và qua phà Rạch Miễu, bến phà rộng nhất nước. Vậy mà chuyến đi này, nhanh ngoài sức tưởng tượng của tôi, chưa đầy 2 giờ đã tới nơi. Bởi hơn một phần ba quãng đường đã thành cao tốc. Bến phà xưa nay đã có cầu bắc qua, cũng là cây cầu mà phần nằm trên mặt nước của dòng sông cũng dài nhất Việt Nam. Bảy giờ xuất phát, chưa tới chín giờ chúng tôi đã có mặt tại An Phước, huyện Châu Thành, địa bàn bám trụ lâu nhất của H67 (từ cuối năm 1969 tới khi kết thúc chiến tranh). Dẫu chỉ một buổi trưa ngắn ngủi, song nhờ có sự thông báo trước của các em (con ba má nuôi của tôi) nên tôi đã may mắn được gặp gỡ gần hết số cán bộ địa phương và một số bà con cô bác, những người mà một thời đã cưu mang giúp đỡ đơn vị chúng tôi.

Chiều hôm đó, chúng tôi về thành phố Bến Tre. Rất cám ơn anh Trần Công Ngữ (Vũ Hoàng) người bạn cũ của tôi nguyên Trưởng đoàn Văn công Bến Tre thời kháng chiến, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đương kim Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật của tỉnh. Vũ Hoàng đã chắp nối, tổ chức cho tôi có cuộc gặp gỡ thứ hai vào tối hôm ấy. Đồng nghiệp của tôi, có Hai Tùng - nguyên Phó giám đốc Vông an tỉnh phụ trách An ninh, lãnh đạo và một số trinh sát của các phòng An ninh Chính trị, An ninh Kinh tế, An ninh Văn hóa - Tư tưởng và một nhân vật nữa mà anh em chúng tôi vẫn vui đùa gọi là “cán bộ đa di năng” một kỳ cựu lãnh đạo “liên phòng” - đó là Nguyễn Văn Cơ - đã nhiều năm giữ cương vị Trưởng phòng An ninh Văn hóa - Tư tưởng, được cử đi làm Trưởng Công an huyện một thời gian, rồi lại trở về Công an tỉnh nhận trọng trách Trưởng phòng PH12.

Tác giả và anh Đặng Quốc Tuấn (bên phải) năm 2012.

Bạn văn chương của tôi, có một số anh em ở Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (cả Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội), một địa chỉ quá quen thuộc và đã trở thành bà đỡ cho một số tác phẩm văn học của tôi ra đời trong những năm sống, chiến đấu ở quê dừa Đồng Khởi. “Người quen năm cũ” của tôi còn có Mười Nguyện, một cán bộ trong Đội Dân y của tỉnh, đã cùng nhau nhiều năm bám trụ ở rừng dừa An Phước. Kết thúc chiến tranh, anh chuyển sang làm Chi Cục trưởng Quản lý thị trường. Cuộc hội ngộ hôm ấy xuất hiện thêm một vị khách mới. Anh tới sau cùng, khi tiệc vui đã bắt đầu được mười mấy phút. Khách có gương mặt hiền từ, to cao vạm vỡ. Vũ Hoàng giới thiệu với tôi:

- Đây là anh Đặng Quốc Tuấn (Tư Tuấn), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Một cựu tù Côn Đảo. Tuổi tù bằng tuổi đời khi anh bị địch bắt…

Tôi ngước nhìn khách, rồi nắm chặt tay anh, thốt lên:

- Trời ơi! Anh Tư!... đã biết từ lâu, vậy mà hôm nay mới may mắn được gặp. Ngày nào của năm giải phóng thì về tới đất liền, khi nào lấy vợ, cô ấy công tác ở đâu?

Tư Tuấn ngồi xuống ghế rồi ngước nhìn tôi, dường như để kiểm tra trí nhớ của mình về người khách lạ là tôi và tâm sự:

- Ngày mốt (ngày kia) của năm một ngàn chín trăm bảy năm, tức ngày năm tháng năm, tôi mới về tới đất liền, với thân tàn ma dại, được đưa về điều trị và an dưỡng tại bệnh viện tỉnh. Có một bệnh nhân nữ ở phòng kế bên, thi thoảng sang thăm hỏi, động viên và giúp đỡ tôi. Quả là duyên trời se gắn, cô gái đó là học sinh cùng trường, sau tôi mấy lớp, thế là quen nhau, thương nhau rồi cưới nhau. Cô ấy công tác ngành Giáo dục, là cô giáo.

- Cha!... thật tuyệt vời! Thời chiến tranh tôi cũng quen (thực ra là chỉ biết thôi, vì đã gặp bao giờ đâu) hai cô giáo. Cả hai đều làm thơ. Thơ rất hay, đã in nhiều lần trên Văn nghệ Đồ Chiểu. Không biết bà xã anh có biết Thu Nguyễn và Thanh Hải không?

Tư Tuấn khẽ cười:

- Thanh Hải chính là cô ấy, là vợ tôi đó.

Tôi lại ngước nhìn Tư Tuấn, người khách tới sau cùng này và mối tình của anh với cô giáo Thanh Hải, nhà thơ Thanh hải đã làm sống lại trong tôi ký ước một thời…

Câu chuyện đêm hành quân và những lá thư thời chiến

Mới đó mà đã hơn bốn thập niên trôi qua. Ngày đó, chúng tôi chuyển căn cứ bám trụ từ một khu Bời Lời (miền Đông Nam Bộ) về chiến trường sông nước Bến Tre nhằm đánh lạc hướng theo dõi của địch, giữ vững liên lạc với các lưới điệp báo nội thành. Bước đầu, tạm tá túc tại Giồng Trôm, sau đó sẽ chuyển về xây dựng căn cứ tại xã An Phước, huyện Châu Thành. Tôi may mắn được tham gia đoàn tiền trạm (do Cụm phó Năm Tuyến phụ trách) đi khảo sát và xây dựng căn cứ mới.

Đường chim bay từ Lương Hòa – Giồng Trôm về An Phước – Châu Thành chỉ một tầm đại bác. Ngày nay, vù xe máy chỉ hết chừng nửa giờ. Vậy mà thời đó phải đi vòng vèo để tránh ổ phục kích của địch nên gần một tuần lễ mới tới. Từ Lương Hòa đi ra hướng biển tới Châu Bình. Từ đó, ngược theo hữu ngạn sông Ba Lai về Phong Nẫm, qua Phong Mỹ, vượt sông Chẹt Sậy sang Phước Thạnh rồi mới vượt sông Ba Lai về An Phước.

Tổ giao liên đưa chúng tôi đi có 3 người (một nam, hai nữ), đã phải dừng lại mấy ngày ở Châu Bình để nhờ cơ sở bí mật nắm tình hình An Phước. Song, sốt ruột hơn lại là hôm hành quân về tới Phong Nẫm. Phải dừng lại cả tiếng đồng hồ chờ 2 giao liên đi dò đường. Người giao liên bám lại với đoàn là một cô gái chừng mười chín - hai mươi tuổi, vận đồ bà ba đen, tóc ngắn ngang vai, súng carbin, mũ tai bèo, ra dáng một nữ chiến sĩ giải phóng.

Dẫu không nhìn rõ mặt, song dưới vòm trời đầy sao, tôi vẫn có thể mường tượng đó là một cô gái đẹp với nét cười thật duyên cùng giọng nói ngọt ngào và mềm như lụa. Biết anh em chúng tôi quá sốt ruột nên cô gái tìm cách trấn an: “Biết các anh là đoàn cán bộ đặc biệt của tỉnh, nên nhiệm vụ của bọn em là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chờ tổ tiền vệ đi dò đường về là ta tiếp tục hành quân. Chúng ta tạm dừng chân ở đây là địa phận xã Phong Nẫm. Một xã có truyền thống đánh giặc giữ làng. Quê hương của Đặng Quốc Tuấn, năm 1959, mới mười sáu tuổi, anh đã cùng Hai Thiều, đột nhập vào thị xã dùng súng ngắn và lựu đạn ám sát tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre). Đối tượng thoát chết, hai anh bị bắt tại trận. Địch tra tấn hết sức dã man, nhưng cả hai đều giữ tròn khí tiết thà chết chứ không khai báo về tổ chức và người trực tiếp chỉ huy, trước sau vẫn một lời – “Vì mấy ông đàn áp dân chúng, bắt bớ bao người vô tội, nên chúng tôi quyết cùng nhau trả thù…”. Vì không khuất phục nổi hai chiến sĩ tí hon nên chúng đã đưa hai anh đày ra Côn Đảo”.

Câu chuyện của cô giao liên khắc ghi trong tôi từ đó. Nó đã trở thành tư liệu sống để tôi sử dụng trong các buổi sinh hoạt chính trị với lớp cán bộ trẻ của đơn vị và địa phương.

Đầu năm 1972 cụm H67 của chúng tôi được bổ sung một cán bộ mới từ cụm H69 ở Giồng Trôm chuyển về. Đó là Phạm Văn Hóa, một “thư sinh” quê miền Bắc, thuộc lính Sư đoàn 9, bị thương trong chiến dịch Mậu Thân. Khi còn ở trại điều dưỡng thương binh, Đoàn J22 đã tuyển chọn cho đi đào tạo nghiệp vụ rồi bổ sung về cụm H69, căn cứ bám trụ ở Giồng Trôm. Một năm sau, do yêu cầu công tác, Hóa lại được điều về H67 chúng tôi. Hóa về, bổ sung thêm “chất trẻ” cho đơn vị. Thi thoảng lại xuất hiện những lá thư với nét chữ con gái mềm mại theo đường giao liên từ Giồng Trôm chuyển tới.

Những lá thư của Phạm Văn Hóa đã trở thành quà chung của đơn vị, mọi người chuyền tay nhau đọc. Tôi nhớ mãi 2 lá thư của một người ký tên là Thanh Hải gửi cho Hóa. Một lá ghi ngày 18/3/1972 và một lá ghi ngày 30/8/1972. Mọi người đều tấm tắc khen: “Con gái mà sao văn hay, chữ đẹp thế”. Phạm Văn Hóa đỡ lời: “Ở bên đó còn một người nữa tên là Thu Nguyễn, cũng văn hay, chữ tốt như Thanh Hải. Cả hai đều làm thơ và đã từng in trên Văn nghệ Đồ Chiểu. Hai người là bạn thân, công tác ở Cơ quan Văn hóa – Giáo dục”.

Sự thể là như vậy, đúng ra là tôi chỉ biết họ qua trung gian, qua những lá thư thời chiến tranh họ gửi cho đồng đội tôi chớ có gặp bao giờ đâu mà mạo nhận là quen.

Nét chữ - bóng người

Kết thúc chuyến đi, trở về Hà Nội, người đầu tiên tôi tìm gặp là Phạm Văn Hóa. Gương mặt Hóa rạng ngời, bởi có dịp được nghe thông báo về đồng đội xưa (cố nhiên, có hình ảnh kèm theo). Tôi nhắc tới cả chuyện về Thu Nguyễn và Thanh Hải cùng hai lá thư thuở nào. Hóa mở tủ, lôi trong cái mớ bòng bong kỷ niệm (toàn những ảnh và thư) đặt lên bàn. Tôi thốt lên:

- Cha!... giỏi thế! Gần nửa thế kỷ rồi mà chú vẫn còn giữ được.

Lời Phạm Văn Hóa như trong gió thoảng:

- Đời lính mà anh! Đi ba lô “con cóc”, về cũng vậy. Có gì đâu, ngoài mấy thứ này. Đôi khi, nhớ đồng đội cũ, nhớ chiến trường xưa, lại mở ra cho nguôi nỗi nhớ. Nhìn nét chữ - nhớ bóng người xưa, nhớ tới một thời…

Ôi! Thế hệ chúng tôi dường như ai cũng thế. Xin bạn đọc đừng cho là lập dị

K.M.D.
.
.