Người muôn năm cũ

Thứ Tư, 18/04/2012, 10:32
Đã đôi lần tôi đùa vui với con ông về ông như thế. Cũ ở đây, không có nghĩa là cũ kỹ về người. Cũ sao được, khi chỉ nhìn tướng hình, dáng bộ của ông, gương mặt hiền từ, phúc hậu với vành tai to, dày, hai dái tai trễ xuống như tai phật. Ở tuổi ngoại bát tuần mà da dẻ vẫn hồng hào, săn chắc. Mái tóc vẫn còn đang độ muối tiêu. Cố nhiên là phần muối nhiều hơn tiêu.

 Đôi mắt sáng quắc ẩn dưới hàng lông mày lưỡi mác, tạo nên nét thông minh, lanh lợi - dấu ấn của một thời trai trẻ oanh liệt; cũ ở đây chỉ mang tính hài hước để nói về nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của ông, sự đánh giá và sự khó chịu của ông trước tác phong, lễ tiết của lớp trẻ bây giờ. Đồng thời, cũng là nói về tính cần kiệm, liêm chính của ông. Dường như vẫn còn nguyên vẹn của cái thời cách đây hơn một phần tư thế kỷ, cái thời đặc sệt bao cấp mà cái cỡ Phó chủ tịch huyện như ông, buổi sáng dậy thật sớm, điểm tâm bằng mấy chén nước chè hạng bét (chè hồi đó do Nhà nước quản lý để xuất khẩu), bắn mấy điếu thuốc lào cho ấm bụng, rồi cưỡi xe đạp đi làm hoặc đi công tác tới các xã thuộc địa bàn ông được phân công phụ trách.

Dẫu chưa gặp mặt, nhưng tôi đã biết danh tính ông từ lâu. Từ cái thời tôi còn đang là một cán bộ trinh sát lèng xèng ở Cục An ninh Nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng thuộc Tổng cục An ninh. Số là tôi có ông chú - ông Đặng Minh Thuận, công tác ở Ngân hàng Sơn Tây, có một thời gian dài được biệt phái về huyện Phúc Thọ (thời đó hình như mới tách từ Hà Sơn Bình ra thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình). Một lần tôi về thăm quê ở xã Tản Hồng, huyện Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì), gặp chú tôi cùng một người bạn công tác ở huyện Phúc Thọ về chơi. Hôm đó tôi ngồi nói chuyện với bà trẻ tôi ở gian bên, tình cờ được nghe hai người nói chuyện với nhau. Lời anh bạn của chú tôi: “Chiều, anh em mình cố gắng về sớm. Vì tối em phải chuẩn bị tài liệu để chiều mai thủ trưởng em sang báo cáo với lãnh đạo huyện”. “Trực tiếp làm việc với ai, cậu có đi cùng không”. “Làm việc với ông Trợn. Chắc em phải cắp cặp theo”. “Vậy thì phải chuẩn bị cho kỹ đấy! Tính ông Trợn lành hiền, tưởng như dễ dãi mà chặt chẽ, nghiêm khắc lắm đấy. Nội dung phải ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể. Nếu để ông ấy vặn vẹo, lòi ra chỗ nào thiếu trung thực, ông ấy trợn mắt lên thì bỏ mẹ. Bởi thế người ta mới đặt cho cái biệt danh “Trợn” là vậy. Một điều nữa là chớ có quà cáp mà dại mặt. Tính ông ấy là vậy”.

Là một cán bộ An ninh, lại pha chút máu văn chương, tôi mê cái mẫu nhân vật cán bộ lãnh đạo cấp huyện như vậy và đang cố gắng tìm hình mẫu để bổ sung vào cái truyện ngắn của mình. Đang định mon men tiếp cận thì đúng lúc hai vị chuẩn bị lên đường về cơ quan.

Tìm kiếm đồng hương

Thời còn tỉnh Hà Tây cũ, chưa sáp nhập với Hà Nội, có một lần người bạn đồng hương của tôi - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (nay là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) tuyên bố một câu xanh rờn trong bài viết đăng trên báo: “Tình cảm đồng hương của Hà Tây kém nhất nước”. Dẫu biết là câu đùa vui, song tôi vẫn tỏ ra phản ứng, tôi xin mở tấm lòng tôi để cãi rằng không phải tất cả như vậy. Đành rằng chúng ta đả phá tư tưởng địa phương chủ nghĩa. Ấy là đả phá cái hiện tượng lợi dụng đồng hương để kéo bè, kéo cánh, làm điều trái với tình cảm, đạo đức con người. Còn nếu vì nghĩa, vì tình, để động viên, giúp đỡ nhau làm điều tốt thì ai đả phá? Vả lại, đó là mối quan hệ tự nhiên, đố ai cản được. Bởi thế mới có chuyện: Về huyện họp thì tìm đồng hương xã, lên tỉnh thì tìm đồng hương huyện, làm việc ở cơ quan Trung ương thì tìm đồng hương tỉnh là vậy.

Ở xứ ta, có nhiều vùng đặc trưng thổ ngữ, chẳng cần hỏi quê quán, chỉ nghe tiếng nói là nhận ra đồng hương ngay.

Thời tôi mới từ Quân đội chuyển sang Công an, cũng “nhuốm bệnh đồng hương”, nghe ai giới thiệu là người Hà Tây thì mừng lắm, như muốn ôm chầm lấy họ.

Một lần, cách đây dễ đến trên dưới hai chục năm, nhân một cuộc họp ở hội trường Bộ, giờ nghỉ giải lao, gặp một sĩ quan cấp úy, công tác ở Báo Công an nhân dân (nay là Đại tá - Phó Tổng biên tập) khi tôi hỏi thăm quê quán, anh tự giới thiệu tên là Đặng Lân (Đặng Văn Lân), quê gốc xứ Đoài, ở Phúc Thọ. “A!...”, tôi khẽ reo lên - “Ở Phúc Thọ, Đặng Lân có biết ông Trợn, Phó chủ tịch huyện không? Phó chủ tịch từ những năm bảy mươi, tám mươi kia?”. Đặng Lân khẽ cười, nhìn tôi: “Đó là bố em đấy! Nhưng… không phải tên là Trợn mà… người ta vui đùa hay gọi vậy rồi thành danh luôn…”.

Thật không ngờ, câu chuyện nghe lỏm về ông từ xa xưa mà tới hôm đó tôi mới biết tên thật của ông. Và phải mãi tới cuối năm con Mèo - 2011, tôi mới được tiếp kiến ông lần đầu tại gia đình ông. Và đầu xuân năm nay được gặp ông lần thứ hai tại bệnh viện Y học cổ truyền của Bộ Công an, một địa chỉ tin cậy với cơ ngơi thật “hoành tráng” tại đường Lương Thế Vinh. Xâu chuỗi hai lần tiếp xúc cộng với các nguồn tin tản mát khác, tôi mới hiểu đôi điều về ông.

Hình mẫu nhân vật của một truyện ngắn

Ông tên thật là Đặng Văn Cận (biệt danh Cận “trợn”). Lý do thì đã nêu ở trên. Tuổi Tân Mùi (1931). Quê ở Tổng Cốc, phủ Phúc Thọ - Sơn Tây. Tổng Cốc xưa có 3 làng: Vân Hà, Vân Phúc, Vân Nam. Ông là người làng Vân Phúc. Ba làng có 4 cái chung: chung đình, chung chùa, chung nghĩa trang liệt sĩ và chung chợ. Bây giờ, ba làng thành 3 xã, nhưng 4 thứ chung vẫn còn. Đó là một miền quê trù phú nằm trên triền đất bãi sông Hồng, cách thành Sơn Tây chừng 10 cây số. Nhà nghèo, mồ côi cha từ năm 2 tuổi. Tuổi thơ lam lũ đã đưa cậu bé Cận đi theo Cách mạng từ năm mười bốn, mười lăm tuổi. Làm giao thông liên lạc, du kích địa phương, tới công tác dân vận, địch vận…

Thời đó xứ ông là vùng địch tạm chiếm, đồn bốt giăng đầy. Địa bàn hoạt động của ông là Vân Phúc, Vân Nam, nhưng ông phải sang bám trụ ở Vân Hà, thuộc bãi giữa sông Hồng bây giờ. Nhờ gia đình cơ sở Cách mạng nuôi giấu dưới hầm bí mật. Ngày trốn dưới hầm, đêm bơi qua sông trở về Vân Phúc, Vân Nam hoạt động. Rồi bị địch bắt, giam ở Nhà Tiền (nay là Công ty In Tiến Bộ), rồi Gia Lâm - Hà Nội. Nhờ có quần chúng tốt giúp đỡ nên đã thoát khỏi trại giam của địch, trở về quê tiếp tục công tác.

Năm 18 tuổi (1949) Đặng Văn Cận được kết nạp vào Đảng. Lễ kết nạp được tổ chức vào một đêm tối mịt mùng trong vùng hậu địch. Người đảng viên trẻ tuổi Đặng Văn Cận luôn thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu trên mọi lĩnh vực công tác, được nhân dân tin yêu, mến phục. Đảng viên Cận nói gì nhân dân cũng tin và nhất mực noi theo. Có thời uy tín của cán bộ, đảng viên cao như vậy. Đặng Văn Cận coi đó là phần thưởng cao quý mà nhân dân đã tặng cho mình. Theo quan niệm của ông, dù hăng hái, nhiệt tình đến mấy cũng không trả hết nghĩa tình mà nhân dân dành cho mình, cho cách mạng. Nếu không nhờ họ, dễ gì ông còn tồn tại trên cõi đời này.

Đường tình duyên, Đặng Văn Cận xây dựng gia đình với một cô gái cùng làng, dòng họ Trương (cô Trương Thị Thân). Quả là một cặp trai tài gái sắc. Năm 1956, họ cho ra đời “hoàng tử” đầu lòng. Mấy năm sau, thêm một “chú nhóc” nữa. Cũng giai đoạn đó, ông nhận được quyết định về công tác tại đất mỏ Quảng Ninh. Mấy năm sau lại được điều về xây dựng khu Gang thép Thái Nguyên, với cương vị Bí thư Tổng đội Thanh niên.

Năm 1964, một tai họa giáng xuống Vân Phúc bởi vụ đắm đò trên sông Hồng đau thương, cướp đi bảy sinh mạng (mà trong đó có người vợ rất đỗi yêu thương của ông), đẩy ông vào cảnh gà trống nuôi con.

Nhờ có sự động viên giúp đỡ của đồng chí, anh em; của thân tộc và bà con làng xóm, ông đã sớm nguôi ngoai nỗi đau buồn, tận tâm với nhiệm vụ được giao phó.

Đời còn đoái thương ông, đã phù hộ cho đứa con trai đầu lòng của ông là một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh, sớm biết lo, biết nghĩ. Lúc đó Đặng Văn Lân mới 8 tuổi đầu mà đã biết thương cha gánh vác mọi việc gia đình: chăm sóc đứa em mới 5, 6 tuổi, vừa đi học, vừa lao động. Ngày chủ nhật lại gánh rau vượt 10 cây số lên chợ Sơn Tây bán lấy tiền mua mắm muối.

Cùng năm đó, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Những năm tiếp theo chúng ồ ạt đưa quân vào chiến trường miền Nam. Toàn miền Bắc bước vào thời kỳ tổng động viên cho chiến trường, với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”… Cấp trên đã “chọn mặt gửi vàng” đề bạt ông giữ chức vụ Trưởng phòng Thủy lợi huyện. Vừa lo đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, vừa lo công tác thủy lợi, bảo vệ đê điều. Mặt trận nông nghiệp của Phúc Thọ đã có bước chuyển biến rất nhanh. Mấy năm sau, ông lại được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch huyện.

Cương vị càng cao, công việc càng nhiều. Ngày này tới tháng kia, cứ tối tăm mặt mũi vì công việc - Những hội họp đủ kiểu, những cuộc kiểm tra, khảo sát thực tế, những công tác phòng, chống lụt bão; những cuộc tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm sản xuất của dân, v.v, còn đâu thời gian để chăm lo gia đình, con cái, trong khi 2 đứa con ông lại đang tuổi ăn, tuổi học. Thương cảm cho hoàn cảnh ấy, nhiều người khuyên ông nên sớm chọn một người mẹ cho các con ông. Trong số đó, ông tâm huyết nhất ý kiến của một người cùng trong Huyện ủy với ông. Vừa khuyên, người ấy còn chỉ ra đường hướng, mục tiêu rất cụ thể. Số là ông cán bộ huyện này ở xã Vân Hà có một người cháu gái gọi ông là chú. Hôm đó, ông nói thẳng với Đặng Văn Cận: “Cậu lấy cái Sửu cháu tôi đi, hoàn cảnh con bé rất đáng thương, bố mẹ chết đói từ năm 1945, con bé chịu thương chịu khó, một mình tần tảo nuôi thân”. Đặng Văn Cận ngước nhìn người đồng chí thân yêu của mình, ngập ngừng: “Có phải cô Đặng Thị Sửu ở Vân Hà hiện ở với các bác?...”. “Đúng nó chứ ai! Thời kháng chiến, cậu quá biết gia đình nó - gia đình đã nuôi giấu cậu”.

Ký ức xưa vụt trở về. Đó là những năm tháng cán bộ Việt minh Đặng Văn Cận phải mượn đất Vân Hà bám trụ để hoạt động. Gia đình cô Sửu trở thành cơ sở cách mạng, đã đào hầm bí mật ngay dưới chuồng lợn của gia đình để nuôi giấu ông. Biết bao cuộc tảo thanh, càn quét của địch mà ông vẫn sống an toàn cho tới ngày quê hương giải phóng. Ông cảm thấy hai tai nóng ran, khóe mắt cay cay, tự trách mình bao năm phiêu bạt, chưa làm được việc gì trả nghĩa thì người xưa đã vĩnh viễn ra đi.

Quả là duyên trời se gắn, ông và bà Sửu nên nghĩa vợ, tình chồng. Bà Sửu đảm đang công việc gia đình, chăm sóc 2 đứa con chồng để ông yên tâm công tác. Mười mấy năm gắn bó, họ sinh thêm 5 “chiến sĩ” nữa, cộng lại thành 7 người con (bốn trai, ba gái). Thời đó chưa có chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh sản sòn sòn như thế, chỉ có ngô, khoai, sắn nuôi nhau mà cả bảy đứa con lớn lên như thổi, học hành đến nơi đến chốn chứ đâu như bây giờ…

Năm ông bước sang tuổi năm mươi bảy, có nghĩa là còn 3 năm nữa mới tới tuổi hưu trí, một hôm, Bí thư Huyện ủy tình cờ gặp ông trên đường đi họp ở tỉnh về. Bí thư nửa như tâm sự, nửa như thăm dò: “Anh còn mấy năm nữa là tuổi hưu. Đại hội nhiệm kỳ tới anh xem nếu muốn (nhấn mạnh từ muốn) làm thêm khóa nữa thì cứ đề xuất để cấp ủy sẽ bàn…”. Không một chút đắn đo, suy nghĩ, ông trả lời luôn: “Để tiện cho việc sắp xếp nhân sự, dù còn mấy năm nữa mới tới tuổi nghỉ hưu, nhưng tôi không làm nữa đâu và xin các anh cho nghỉ luôn”. Nói và làm đã trở thành bản chất của Phó chủ tịch huyện Đặng Văn Cận. Thời đó, một huyện ủy viên, cựu Chánh văn phòng huyện ủy, cựu Chánh án Tòa án nhân dân huyện, cựu Trưởng phòng Thủy lợi, đương kim Phó chủ tịch huyện như ông mà xin nghỉ hưu trước tới mấy tuổi quả là điều xưa nay hiếm.

Thời đó, hoàn cảnh cơ quan nào cũng nghèo, ông ra về với “tặng phẩm” làm kỷ niệm là toàn bộ trang thiết bị trong phòng làm việc gồm: 1 chiếc tủ cá nhân gỗ tạp cao chừng hơn 1 mét, rộng 80 phân, cái bàn nước xập xệ cùng 4 chiếc ghế cọc cạch, chiếc bàn làm việc cũ (vì nhà chật không có chỗ kê nên ông không nhận). Tài sản đáng giá nhất đó là chiếc quạt bàn của Trung Quốc hiệu con gấu.

Ngồi viết về ông giữa thời buổi đó đây bàn tán, bình phẩm về cụm từ “văn hóa từ chức”, “văn hóa về hưu”, kẻ viết bài này trộm nghĩ “thì ra ông tai phật Đặng Văn Cận đã đi trước thời đại cả một phần tư thế kỷ”. Ông thảnh thơi trở về điền viên nơi quê nhà cùng bà vợ chăm sóc đàn con, nhờ vậy mà các con ông bây giờ đều phương trưởng, gia đình có 5 người công tác trong lực lượng Công an (vợ chồng người con trai cả, người con trai út và hai đứa cháu nội). Anh con trai thứ hai công tác ở cơ quan bảo hiểm, thuộc diện cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ quan đó. Người con trai thứ ba, là huyện ủy viên, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phúc Thọ. Ba người con gái: hai cô làm giáo viên, còn một cô nữa thuộc diện “thích nghi thời đại”, đang công tác trong cơ quan nhà nước, bỗng nhảy tót ra ngoài làm doanh nghiệp, nghe nói “phất” lắm.

Với ông, thế là thảnh thơi, trọn vẹn mọi bề.

Đã nhiều lần, Đại tá Đặng Lân (Phó TBT Báo CAND) mời tôi về quê chơi, hò hẹn mãi, phải tới cuối năm 2011 mới thực hiện được. Gọi là một công đôi việc: Vừa thăm ông, vừa ăn mừng nhà mới. Ngồi trên xe vượt đoạn đường gần 40 cây số về Vân Phúc, tôi cứ thắc thỏm mong chờ, mường tượng không biết dinh thự của ông cửa rộng, nhà cao tới mấy tầng lầu? Mà sao, một cựu Phó Chủ tịch huyện như ông, con cái đều khấm khá cả mà tới ngoại bát tuần mới chịu cách mạng ngôi nhà gỗ cũ kỹ được xây dựng từ cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước? Về tới nơi, tôi mới ngớ người ra, chả có tầng lầu nào cả, chỉ là một ngôi nhà mái bằng với diện tích xây dựng cả trăm mét vuông. Kiến trúc khác người ở chỗ trên mái bằng là nơi tọa lạc của ngôi nhà gỗ năm xưa. Ngôi nhà tứ trụ có đầy đủ kèo, cột, câu đầu, cột nóc, rui, mè… đều bằng gỗ, mái lợp ngói, trở thành nơi thờ tự rộng rãi, trang nghiêm, thoáng đãng.

Nói về việc xây nhà, ông lý sự: “Các anh chị “bỏ” quê đi hết, có 2 ông bà ở thế này đã là quá rộng, cớ sao phải xây lại, trời mà nóng thì tôi đã có gốc khế?”. Các con ông đã bao phen vận động, thuyết phục ông mới xuôi lòng, đồng ý xây, với điều kiện phải giữ lại ngôi nhà cũ và cái bể chứa nước mưa xây từ năm 1962. Nhiều người cho ông là cổ hủ, chắp vá… Song, tác giả bài viết này lại cho suy nghĩ của ông là chí tình, chí lý, bởi quan niệm “muốn làm gì thì làm, nhưng không được xâm phạm lịch sử, hủy hoại kỷ vật quá khứ, nhất là đối với ông, những kỷ vật ấy đã gắn bó máu thịt với người vợ quá cố của ông”. Đó là tân tiến, sao lại cho là cổ hủ? Để có ngôi nhà gỗ và cái bể nước mưa ấy, vợ chồng ông đã phải chắt chiu, tằn tiện bao năm, tiết kiệm từng xu, từng hào (thời đó còn tiêu tiền xu, 10 xu một que kem, 5 hào một bát phở).

Rồi nữa, có nhà mới, mùa rét lại kéo dài, các con ông bà thống nhất lắp cho ông bà một cái bình nóng lạnh, ông phản đối liền, cho là lãng phí tiền bạc và lãng phí điện của nhà nước. Chuẩn bị vào mùa nóng, hôm rồi các con ông lại có ý định lắp một chiếc điều hòa loại nhỏ, ông cũng phản đối quyết liệt. Cái hôm thợ chở điều hòa tới, ông kiên quyết ngăn cản, anh em thuyết phục mấy cũng bằng thừa, cuối cùng cả tốp thợ lặng lẽ chở máy đi. Ra tới đường làng, họ điện cho Đặng Lân biết sự tình. Có lẽ vì nể “anh trưởng” mà ông miễn cưỡng im lặng. Chắc rằng chiếc điều hòa ấy sẽ chẳng mấy khi ông mó tới.

Chưa hết, cái đận hoàn thiện nhà, lắp trang thiết bị, tới phòng vệ sinh, ông lại không cho lắp xí bệt. Ông bảo: “Chúng tôi không quen đồ tây, cứ làm như ngày xưa cho tiện”. Ông đi đâu đó vài tiếng đồng hồ, khi trở về thì đã xong xuôi. Ngỡ ngàng trước cái phòng tắm và vệ sinh quá ư là lịch sự, với gạch men, bệ xí bệt, vòi tắm hoa sen, chậu men bóng lộn, toàn những thứ mà cả đời ông chưa từng mua sắm. Nghe người ta nói, trang bị như thế phải tốn tới mấy chục triệu đồng. Sợ quá, nghe mà rã rời tay chân. Lương hưu của một vị cựu Phó Chủ tịch huyện như ông, gần một phần tư thế kỷ qua, đã bao lần tăng và điều chỉnh lương rồi, ông không nhớ. Chỉ biết hiện tại mỗi tháng ông được lĩnh hơn 2 triệu đồng. Vậy mà... có uống nước lã cầm hơi cả năm họa chăng... Thì ra, nguồn gốc những phản ứng tức thì của ông trước những dự trù tiền triệu của các con ông là vậy.

Cái hôm vào thăm ông ở viện, nghe Đặng Văn Hào, con trai út của ông nói: “Bệnh ông không phải kiêng khem gì nhiều, vậy mà ông lười ăn lắm”. Tôi ngỏ lời: “Bác phải cố gắng ăn chứ. Ở bệnh viện này, cơ sở tốt, thuốc men tốt, nhưng phải cố gắng ăn tốt thì mới mau khỏi bệnh”. Ông nhìn tôi khẽ gật đầu.

Chia tay ông, khi ra tới cổng bệnh viện, Đặng Lân ca cẩm: “Ông già cổ điển lắm, tiết kiệm lắm, kể cả việc ăn uống. Nói đến như thế mà không biết có nghe không”. Tôi cười: “Quả là lập trường kiên định. Một mẫu người muôn năm cũ. Mẫu người hiếm có ở giữa thời đầy hoang phí. Ông là “người mẫu” của Nghị quyết Trung ương 4 đấy”. Cả hai anh em cùng cười.

Tiết đông còn rớt lại. Trời se se lạnh nhưng tôi cảm thấy trong lòng ấm áp vô cùng, bởi đã gặp được một người, một nhân vật mà bấy lâu nay tôi vẫn từng mộng tưởng.

Hà Nội, tiết Xuân năm Rồng

K.M.D.
.
.