Người Hà Nội chán bóng đá?

Thứ Tư, 18/09/2013, 15:12
Tôi là một nhà báo bóng đá, nhưng trước hết tôi là một cổ động viên bóng đá. Là một cổ động viên bóng đá sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và có một thời say sưa mê đắm với Công an Hà Nội của thế hệ Bùi Hữu Lợi, Vũ Minh Hiếu, Nguyễn Tuấn Thành, Nguyễn Danh Minh… tôi khao khát được được nhìn thấy một đội bóng mang hồn vía Hà Nội đích thực.

Nhưng có lẽ, ở cái thời buổi bóng đá A – còng này (hãy cứ tạm gọi thế đi), xây dựng một đội bóng như thế là điều không tưởng? Bởi có lẽ bản thân người Hà Nội trong bộn bề những thứ phải lo toan, trong muôn mặt đam mê thời mở cửa đã xếp bóng đá vào một vị trí thứ yếu, rất yếu, yếu đến mong manh tội nghiệp rồi?

1. Vòng hạ màn V.League năm nay, khi CLB Hà Nội T&T quyết định mở toang cửa sân Hàng Đẫy để khán giả Thủ đô vào ăn mừng ngôi vô địch (phải nhấn mạnh đấy là ngôi vô địch thứ 2 chỉ trong vòng 4 năm) thì tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đã mơ về một buổi chiều Hàng Đẫy chật kín các cổ động viên.

Nếu nó không chật như trận chung kết Cúp Quốc gia năm 1995 giữa Công an Hà Nội với Công an Hải Phòng thì ít ra cũng sẽ chật như trận Hà Nội T&T – Sông Lam Nghệ An ở lượt đi V.League năm nay – khi khán giả Sông Lam thực sự đã phủ vàng cái sân của người Hà Nội. Nhưng rốt cuộc là chiều hôm ấy, lượng khán giả Hà Nội, trong đó phần đông là người thân, bạn bè của các cầu thủ cũng chỉ có thể phủ kín khán đài A. Khán đài B, hội CĐV Hà Nội T&T với cờ vàng, áo vàng ngồi thành một nhúm nhỏ ở cửa số 10, và nó thực sự là cái nhúm khiêm tốn so với lượng CĐV hùng hậu của đội khách Hải Phòng ngồi cách đó không xa.

Phóng viên ảnh kỳ cựu Quang Minh đặt vấn đề: “Một trận đấu mà đội nhà đoạt cúp, còn đội khách đã hết động lực, hết mục tiêu, thế mà hội CĐV nhà còn kém cả hội CĐV khách là sao?”. Cùng lúc ấy, ở khu vực VIP khán đài A, tân Chủ tịch Hội CĐV Hà Nội T&T, danh hài Chí Trung giọng sang sảng: “Các bạn có biết tại sao CĐV Hà Nội không thể sánh bằng Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá hay không? Tại vì chúng ta thiếu sự đồng lòng”. Nghệ sĩ Chí Trung nói đúng, có thể vấn đề nằm ở chỗ: “Chúng ta thiếu sự đồng lòng”. Nhưng cần phải làm gì để tạo nên sự đồng lòng kia chứ?

Hà Nội T&T vô địch V.League, thế mà…  Ảnh: HM

Phải bơm tiền nhiều hơn, để các CĐV có thể nhiệt thành, đông đảo đến sân hơn? Phải mở toang cửa sân Hàng Đẫy, rồi tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, ca múa nhạc trước, giữa và sau trận đấu như cái cách lãnh đạo Hà Nội T&T đã làm trong những trận đấu quan trọng của đội nhà? Hay phải có nhiều hình thức độc đáo gây dựng và phát triển Hội CĐV, chẳng hạn như cái sáng kiến mỗi CĐV của Hà Nội T&T sẽ được mua vé xem các chương trình tại Nhà hát Tuổi trẻ với giá chỉ bằng 50% giá gốc như đề xuất của Chí Trung? Công bằng mà nói, tất cả những biện pháp này, ban lãnh đạo Hà Nội T&T đều đã gắng công thực hiện, và thực hiện thành công trong suốt 4 mùa V.League vừa qua.

Nhưng đó hình như mới chỉ là cái vỏ của vấn đề. Cốt lõi vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, phải biến Hà Nội T&T thành một đội bóng có hồn vía Hà Nội đích thực, hiểu theo nghĩa đấy phải là một đội bóng hào hoa thanh lịch và là đội bóng có nhiều hơn những cầu thủ Hà Nội trong đội hình xuất phát của mình.

2. Ở góc độ thứ nhất, phải thừa nhận rằng Hà NộiT&T đang là một trong những đội bóng giàu sức cống hiến nhất V.League hiện nay. Với một dàn nội binh đang ở độ chín như Ngọc Duy, Văn Quyết, Hồng Sơn… cộng thêm những ngoại binh giàu chất lượng như Samson, Gonzalo, Hà Nội T&T là một trong những trường hợp hiếm hoi tại trận đồ V.League có thể chơi bóng tấn công, áp đặt đối thủ cả trên sân nhà lẫn sân khách.

Nhưng tiếc là cứ thi thoảng thì chính Hà Nội T&T lại đạp đổ những thứ giá trị tốt đẹp mà mình gắng công xây dựng, mà trận “chung kết V.League” cực kỳ tiêu cực với Sài Gòn Xuân Thành ở vòng hạ màn V.League 2012 là một dẫn chứng điển hình. Trận chung kết mà về lý, Hà Nội T&T chỉ có thể đăng quang nếu giành chiến thắng, nhưng đấy lại là trận đấu mà các học trò của HLV Phan Thanh Hùng lại chơi tử thủ để giúp người anh em SHB.Đà Nẵng của mình có thể đăng quang trong trận đấu cùng giờ trên sân Ninh Bình.

Sau trận chung kết ấy, nhiều tờ báo gọi cái thứ bóng đá mà Hà Nội T&T thể hiện là một thứ bóng đá quái dị. Và dĩ nhiên những CĐV bóng đá Hà Nội đích thực không bao giờ dung nạp cái thứ bóng đá quái dị ấy vào tâm hồn mình. Câu chuyện này đã diễn ra ở V.League một năm về trước, chứ không phải là câu chuyện thời sự, nhưng vẫn cần phải nhắc lại để thấy rằng trong một dặm dài khó khăn xây dựng hình tượng một đội bóng Thủ đô, một đội bóng được người Thủ đô tin yêu, tự hào, chỉ cần một vết xước nhỏ thôi – dẫu là một vết xước chủ ý hay vô ý thì cả một chiến lược cũng sẽ đứng trước nguy cơ đổ sông đổ bể. 

3. Giờ nói tới chuyện số lượng những cầu thủ Hà Nội trong đội hình Hà Nội T&T. Không khó để thấy rằng kể từ ngày thành lập, bắt đầu chơi bóng ở giải hạng Ba – cái thời kỳ mà cựu thầy Triệu Quang Hà đã vất vả tới bãi biển Sầm Sơn tuyển quân cho các tuyến trẻ thì Hà Nội T&T đã quyết định lấy những cầu thủ Nghệ An, Thanh Hoá làm trung tâm điểm của mình. Và từ đó tới nay, số lượng những cầu thủ Nghệ An, Thanh Hoá, rồi những cầu thủ nhặt nhạnh về từ Nha Trang, Nam Định đã hình thành một lực lượng áp đảo so với số lượng những cầu thủ Hà Nội gốc.

Có khán giả sân Hàng Đẫy nói đùa rằng, may cho Hà Nội T&T là Hà Nội đã được sát nhập vào Hà Tây, nên bây giờ trong đội hình xuất quân của đội bóng này cũng có được khoảng 3,4 cầu thủ… người Hà Nội (Thành Lương, Văn Quyết, Ngọc Duy, Quốc Long). Vấn đề là trong những mùa giải tới đây, số lượng những cầu thủ Hà Nội (kể cả Hà Nội gốc lẫn Hà Nội đã được “ôm” vào lòng nó một Hà Tây vĩ đại) có được gia tăng, phát triển thêm không?

Trận hạ màn V.League trên sân Hàng Đẫy năm nay, khi thấy một chú bé nhặt bóng đã nhìn vào sân một cách chăm chú, và luôn bày tỏ những xúc cảm mạnh mẽ với từng diễn biến của các cầu thủ Hà Nội T&T, tôi đã lại gần vào hỏi: “Cháu thuộc lớp U nào?”. Huy – thằng bé ấy ngượng nghịu trả lời: “Cháu học lớp U.11 Hà Nội T&T của thầy Hải”.

Hỏi tiếp: “Cháu quê đâu?”. Nó bảo: “Cháu ở Lạng Sơn”. Lại hỏi: “Đội U.11 của cháu có nhiều bạn Hà Nội không?”. Trả lời: “Ít lắm chú ạ. Phần lớn là các bạn tỉnh ngoài”. Câu trả lời của một đứa bé thuộc dạng tương lai của Hà Nội T&T đủ cho người ta hình dung rằng trong thời gian tới, số lượng cầu thủ Hà Nội trong đội bóng đỉnh cao duy nhất của Hà Nội lúc này rồi có được cải thiện thêm không?

Thật ra thì đây là một vấn đề cực kỳ nan giải, bởi nếu như ở nhiều địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hoá, bóng đá là một trong hiếm hoi những con đường giúp một chú bé, một thân phận, một gia đình có thể nổi tiếng và đổi đời thì ở những thành phố phát triển như Hà Nội, bóng đá gần như không phải dạng ưu tiên của các bậc phụ huynh. Ở Hà Nội, ngay cả khi phát hiện con em mình có năng khiếu bóng đá thì các bậc cha mẹ cũng luôn định hướng cho tụi nhỏ rằng bóng đá chỉ là một trò chơi đơn thuần để… gia tăng sức khoẻ.

Nó nhất thiết không phải là một nghề nghiệp để theo đuổi và dấn thân. Có lẽ đến chừng nào bóng đá chuyên nghiệp đích thực chưa được định hình ở Việt Nam, chừng nào mà các cầu thủ còn ít nhiều bị cái tiếng là những kẻ “ít học”, “dễ sa ngã” và “dễ mất nghiệp chỉ vì 1,2 cú vào bóng ác ý vốn đầy rẫy ở sân chơi V.League” thì chừng ấy, đòi hỏi các bậc phụ huynh Thủ đô cho con em mình theo nghiệp bóng là một đòi hỏi không tưởng.

4. Mới đây, bình luận viên bóng đá gạo cội Ngô Quang Tùng đặt cho tôi một câu hỏi: “Có thật người Hà Nội chán bóng đá không, khi mà các sân bóng đá phủi vẫn được mở ra không ngừng, và phần lớn các sân đều ở vào tình trạng kín lịch từ sáng đến tối, trong tất cả các ngày trong tuần?”.

Đấy quả thật là một câu hỏi đáng suy nghĩ, bởi từng ngày, từng giờ người Hà Nội vẫn thích xỏ giày ra sân bóng đá phong trào, và bóng đá phong trào ở Hà Nội phát triển tới mức các giải đấu được tổ chức liên tục, không ngừng nghỉ. Thế mà người Hà Nội vẫn không chịu đổ đầy sân Hàng Đẫy vào các buổi chiều cuối tuần, để xem cái đội bóng duy nhất của Hà Nội thi đấu, một đội bóng oách tới mức chỉ trong 4 năm đã 2 lần lên vua V.League, và 2 lần đoạt vị trí á quân.  Vậy phải chăng, nói cho chính xác thì người Hà Nội vẫn không hề chán bóng đá, mà họ chỉ chán V.League, chán cái đội bóng tiếng là của Hà Nội nhưng lại không có “chất” Hà Nội là bao?

Hai năm về trước, Hà Nội T&T tổ chức một lễ rước cúp từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội trong một buổi chiều mưa tầm tã, và gần như không có những fan Hà Nội thứ thiệt đội mưa chào mừng chiếc cúp. Năm nay, Hà Nội T&T đón cúp bằng những màn ca múa nhạc hết sức rầm rộ ở sân Hàng Đẫy, nhưng trong cái sân ấy thì hội CĐV đội khách còn đông hơn cả hội CĐV chủ nhà.

Thật buồn khi những chiến công của bóng đá Hà Nội lại cứ tỉ lệ thuận với sự thờ ơ, vô cảm của người Hà Nội

Phan Đăng
.
.