Người Đức có chờ một gương mặt mới?

Thứ Tư, 01/03/2017, 10:25
Đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã được cả đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) chọn làm ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, những diễn biến đầy sóng gió của chính trường Đức đang phơi bày một thực tế khá phũ phàng: từ vị thế hàng đầu trên chính trường Đức, bà Merkel dường như đang bị đẩy ra ngoài cuộc.

Theo một cuộc thăm dò vừa được công bố, 2/3 người dân Đức không muốn bà Angela Merkel giữ cương vị thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ tư, trong đó 42% cho rằng đây là thời điểm thích hợp để bà Merkel rời khỏi vũ đài chính trị.

Một vài tháng trước, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vẫn bị CDU dẫn ở một khoảng cách khá xa nhưng hiện nay SPD đã đuổi kịp, thậm chí vượt qua CDU ở nhiều tiêu chí. Tương quan lực lượng đang nghiêng về phía SPD sau khi đảng này đề cử ông Martin Schulz - cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu - ra tranh cử với bà Angela Merkel.

Uy tín suy giảm

Trên cương vị Thủ tướng, có thể thấy những gì mà bà Angela Merkel đã làm được cho nước Đức kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2005 là rất ấn tượng. Việc Tạp chí Forbes đã 6 lần (vào các năm 2006, 2007, 2008, 2013, 2015 và 2016) bầu chọn nhà lãnh đạo nước Đức là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của bà đối với nhiều vấn đề khu vực và thế giới. 

Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi “bà đầm thép” thông báo với đảng CDU rằng bà muốn ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 9-2017.

Cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (trái) ra tranh cử với bà Angela Merkel.

Để đưa ra quyết định này, người ta cho rằngbà Merkel đã phải suy tính rất nhiều. Bởi ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều cử tri trong nước đang phản đối chính sách mở cửa đối với người nhập cư. 

Trong khi đó, vì chính sách nhập cư này mà CDU cũng đã chịu nhiều thất bại trong các vòng bầu cử địa phương gần đây, khiến uy tín của bà Merkel bị giảm sút. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi liên quan tới chính sách về người tị nạn, bà Merkel vẫn nhận được sự tín nhiệm của đảng CDU và trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Đức sắp tới.

Tại Đại hội đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo ở thành phố Essen thuộc bang Nordrhein - Westfalen, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được bầu lại làm Chủ tịch CDU với tỷ lệ phiếu bầu là 89,5%. Con số này được cho là thấp nếu so với tỷ lệ 96,7% mà bà Merkel giành được hồi năm 2014. Tuy nhiên, việc được bầu lại vào cương vị cao nhất của đảng CDU vẫn giúp bà Merkel rộng đường để có thể trở thành Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa.

Sự kiện trên được cho là sẽ tạo thêm động lực cho nhà lãnh đạo này trong bối cảnh châu Âu đang trở nên “lỏng lẻo” kể từ sau khi cuộc trưng cầu ý dân cho Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Tuy nhiên để trở thành Thủ tướng Đức một nhiệm kỳ nữa, các nhà phân tích vẫn cho rằng thách thức từ làn sóng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, trong đó có mối đe dọa về an ninh, sẽ tiếp tục là bài toán nan giải cho bà Merkel.

Chưa hết, đương kim Thủ tướng Đức cần phải lấy lại được niềm tin của người dân khi 64% người dân Đức muốn một “gương mặt mới” trở thành lãnh đạo nước này trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới, trong khi chưa đến 10% nghĩ rằng bà Merkel sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Đức thêm một nhiệm kỳ.

Đối thủ đáng gờm

Trên thực tế, cạnh tranh trước bầu cử ở Đức đang diễn ra hết sức quyết liệt, thể hiện qua sự thay đổi liên tục vị thế của các đảng phái chính của nước Đức. Kể từ khi đảng Dân chủ Xã hội chọn ông Martin Schulz làm ứng viên tranh chức thủ tướng, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel liên tục bị mất điểm. Giới quan sát dự báo, cuộc bầu cử tại Đức vào tháng 9 tới sẽ giúp ba đảng cánh tả giành đủ sự ủng hộ để lật đổ quyền lực của bà Merkel. Với sức mạnh hiện tại, liên minh của các đảng cánh tả có cơ hội gạt bỏ đảng CDU ra khỏi chính quyền Đức.

Sự trở lại của “đứa con lạc đường” Martin Schulz tỏ ra khá hiệu quả. Martin Schulz đã thành công trong việc khuấy đảo chính trường Đức - nơi chứng kiến sự vượt trội không đối thủ của bà Angela Merkel trong gần hai thập kỷ qua.

Sau khi bà Merkel công bố ý định sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ tư, hầu hết các chuyên gia phân tích chính trị Đức đều cho rằng bà Merkel sẽ dễ dàng giành chiến thắng. Tuy vậy, SPD có vẻ đang cao tay và “manh động” hơn để đánh lạc hướng bà Merkel trong việc chuẩn bị cho bầu cử. Quyết định đưa Martin Schulz làm Chủ tịch mới của đảng và là ứng cử viên cạnh tranh với bà Merkel đã tạo ra những thay đổi lớn trên chính trường Đức.

64% người dân Đức muốn một “gương mặt mới” trở thành lãnh đạo nước này trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.

Cho đến cuối tháng 1-2017, CDU vẫn đang vượt qua SPD trong hầu hết các lĩnh vực và khoảng cách ở mức khoảng 10%. Khi đó đã có cảm tưởng rằng cuộc bầu cử quốc hội Đức vào tháng 9 tới và sau đó là cuộc bầu cử Thủ tướng sẽ chỉ là “đất diễn” của CDU và bà Merkel. Thế nhưng, chỉ trong vòng hai tuần tháng 2, uy tín của ông Martin Schulz đã tăng lên 50% và bà Merkel sụt xuống chỉ còn 34%.

Chính ông Martin Schulz đã giúp SPD nâng cao mức độ tín nhiệm từ 21% lên 31%. Sự tăng trưởng ấn tượng này cho phép SPD trở lại vị thế hàng đầu trong các cuộc bầu cử sắp tới vì hiện mức tín nhiệm của CDU đã giảm từ 33% xuống còn 30%. 

Mặc dù ở một số chỉ số khác, CDU vẫn đang vượt SPD nhưng điều đó không có nghĩa là CDU sẽ vẫn duy trì được khoảng cách này. Sự gia tăng uy tín ấn tượng của SPD khiến không ai còn dám chắc về chiến thắng dành cho CDU.

Chặng đường gian nan

Các nhà phân tích cho rằng, dưới thời bà Merkel, nước Đức đã vươn lên giữ vị thế quan trọng nhất châu Âu và có tiếng nói lớn trên trường quốc tế. Trên cương vị Thủ tướng, thành công nhất của bà Merkel chính là lĩnh vực kinh tế. Minh chứng cụ thể là trong bối cảnh các nước châu Âu phải điêu đứng vì vấn đề nợ công và thất nghiệp, kinh tế Đức lại hầu như không bị ảnh hưởng trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của bà.

Trong vai trò đầu tàu của châu Âu, chính sách “viện trợ phải đi kèm thắt lưng buộc bụng” của bà Merkel đã vấp phải không ít chỉ trích, nhưng thực tế các gói cứu trợ của bộ ba chủ nợ Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế do Đức khởi xướng đã góp phần làm dịu khủng hoảng và đưa khu vực đồng Euro dần phục hồi.

Trong bối cảnh bất ổn gia tăng sau “cú sốc” Brexit và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bà Merkel được kỳ vọng là một nhân tố giúp duy trì sự ổn định ở châu Âu. Thế nhưng, bản thân bà cũng như đảng CDU cầm quyền đang gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong bối cảnh rối ren hiện nay, có thể nói rằng nhà lãnh đạo của Đức sẽ không còn quyền lực chi phối toàn bộ châu Âu. Cả nước Đức và châu Âu đều đang thay đổi, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa dân túy. Vì vậy, cho dù bà Merkel tái đắc cử, bà sẽ mất đi nhiều sự ủng hộ của người dân trong nước. 

Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu nhìn chung vẫn đang trong tình trạng khó khăn, và tình hình hiện nay ở Italia đang đe dọa tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn ảnh hưởng đến toàn bộ châu lục. Niềm tin vào các thể chế của châu Âu đang bị lung lay.

Bà Merkel từng tuyên bố tranh cử để bảo vệ các nguyên tắc dân chủ đang bị đe dọa. Song, hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở châu Âu thời gian qua khiến dư luận Đức nghi ngại về chính sách mở cửa biên giới của bà. Người Đức thậm chí nổi giận, yêu cầu nữ Thủ tướng phải chịu trách nhiệm; đồng thời lo rằng việc mở cửa có thể “rước khủng bố vào nhà” và chính sách của bà Merkel mang lại sự bất ổn cho đất nước.

Bản thân Thủ tướng Merkel cũng bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích về chính sách nhập cư. Ông Trump cho rằng, bà Merkel đã phạm “sai lầm nghiêm trọng” khi để người tị nạn tràn vào Đức khi có đến 890.000 người tị nạn đến Đức (năm 2015), và con số này trong năm 2016 là 280.000 người.

Hầu hết các chuyên gia Đức nhận định rằng, cho dù đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức sắp tới thì đảng đó cũng sẽ không thể giành đa số ghế để đơn phương thành lập chính phủ mới. Điều đó có nghĩa là, đảng chiến thắng sẽ phải tìm đảng phái khác nhằm liên minh thành lập chính phủ và sự lựa chọn là khá nhiều.

Trước sự thay đổi cán cân một cách đột ngột này, Thủ tướng Angela Merkel chỉ có thể phản ứng bằng khẩu hiệu: Liên minh CDU/CSU sẽ vẫn giữ được vị thế trung tâm. 

Bối cảnh hiện nay cho thấy, SPD cũng có thể sẽ liên minh với CDU nhưng sẽ giành vị thế đứng đầu, CDU ở thế yếu hơn. Nhiều khả năng sau khi SPD giành chiến thắng, đảng này sẽ liên kết với đảng cánh tả và “Liên minh 90”/ “đảng Xanh”. Khi đó, nhiều khả năng CDU sẽ thất thế và bà Angela Merkel sẽ phải từ giã chính trường Đức…

Lê Nam
.
.