Ngoại trưởng Australia Julie Bishop: “Người tạo vua” ngoạn mục

Thứ Sáu, 16/10/2015, 11:42
Trong những biến động liên tiếp gần đây của chính trường Australia, chỉ có vị trí Phó Chủ tịch đảng Tự do mà bà Julie Bishop lên nắm quyền từ năm 2007 vẫn vững như bàn thạch. Chính vị thế gần như bất khả chiến bại này được cho là đóng vai trò then chốt trong cuộc “lật đổ” ngoạn mục mà nạn nhân là cựu Thủ tướng Tony Abbott. 

Tờ báo Sydney Morning Herald thậm chí còn gọi bà Bishop là “người tạo vua” sau khi bà quyết định chuyển sự ủng hộ từ ông Abbott sang tân Thủ tướng Malcolm Turnbull.

Uy tín cao của bà Julie Bishop đến từ năng lực trong vai trò ngoại trưởng. Bà được xem là một trong những bộ trưởng có màn “thể hiện” tốt nhất trong nội các thời ông Abbott. Đặc biệt, người phụ nữ 59 tuổi này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sĩ đảng mình. Hồi đầu năm nay, bà từng được xem là ứng viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo đảng trước khi ông Turnbull tập trung được sự ủng hộ cần thiết để quay lại nắm quyền. Sau nhiều năm làm “phù dâu”, dư luận Australia đang chờ xem liệu bà Bishop có chịu ra mặt làm “cô dâu” trong thời gian tới hay không.

“Người tạo vua”

Julie Bishop là ngoại trưởng thứ 38 và là đương kim ngoại trưởng Australia từ khi ông Tony Abbott nhậm chức ngày 18/9/2013, đồng thời nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền. Bà đã góp phần tạo nên một “cuộc đảo chính” chớp nhoáng ở Australia khiến cựu Thủ tướng Tony Abbott phải từ chức chỉ sau vỏn vẹn một ngày.

Trước khi cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch đảng Tự do diễn ra, bà Bishop nói với “sếp” Abbott rằng ông không còn nhận được sự ủng hộ của nội các và đảng nên lựa chọn tốt nhất là từ chức hoặc để lá phiếu quyết định. Đây là bước đi mạo hiểm bởi nếu thất bại, bà có nguy cơ mất cả vị trí phó chủ tịch đảng lẫn công việc ngoại trưởng “mơ ước” của mình. Theo giới phân tích, những gì diễn ra phần nào cho thấy nữ chính khách này rất tự tin vào sức mạnh chính trị của mình.

Nữ ngoại trưởng tiết lộ đây thực sự là một quyết định khó khăn cho cả cá nhân bà và đảng Tự do bởi có nước mắt đã rơi và ông Abbott đã bị tổn thương sâu sắc. Cuộc đảo chính mà bà Bishop làm đạo diễn khiến danh tiếng của bà ít nhiều bị tổn hại. Tờ báo Sydney Morning Herald cho biết nữ ngoại trưởng này đã bí mật gia nhập lực lượng hạ ông Abbott từ nhiều tháng trước, song cũng nhấn mạnh: “Bà ấy không đâm Tony Abbott từ sau lưng mà ra tay trực diện”. Nhận định này có vẻ phù hợp với phát biểu hồi năm ngoái của em gái bà Bishop khi nói về người chị: “Nếu đảng Tự do muốn Julie Bishop làm lãnh đạo, bà ấy sẽ là một thủ tướng tài giỏi. Nhưng bà ấy không phải loại người thủ dao sau lưng”.

Lâu nay, Julie Bishop luôn được đánh giá cao, nhận được nhiều lời khen ngợi vì có “đẳng cấp và phẩm giá”. Trong thế giới hỗn loạn này, nữ ngoại trưởng dường như vẫn điềm tĩnh và đầy ảnh hưởng, chiếm được lòng tin của nội bộ đảng và phần lớn người dân. Với quan điểm “phải trung thành với nhóm của mình và trong chính trị cũng như thể thao, có thể là cá nhân nổi trội hoặc là thành viên của một nhóm toàn những ngôi sao”, bà Bishop lần lượt làm cấp phó trong đảng cho các ông Brendan Nelson, Malcolm Turnbull, Tony Abbott rồi quay lại Malcolm Turnbull. Là nhà lãnh đạo nữ trong một nội các toàn nam giới, Julie Bishop cho thấy sự cứng rắn và dám đối mặt với phái mạnh, thể hiện tài năng của một “sản phẩm chính trị toàn diện” khi nắm trong tay nhiều quyền lực và luôn chứng tỏ rằng bản thân là một trong những bộ trưởng giỏi nhất.

Ngoại trưởng Julie Bishop đã được bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất năm 2014. Điều này phản ánh “đẳng cấp” của một chính khách dày dạn kinh nghiệm, nắm giữ trọng trách lớn trong các vị trí chính trị và kinh tế - xã hội, đồng thời có vị thế trong xã hội. Tại Australia, nhiều quan điểm cho rằng một ngày nào đó, người phụ nữ này sẽ “chiếm đoạt” chiếc ghế thủ tướng. Thực tế cho thấy, trong nhiều cuộc thăm dò dư luận thời gian qua, tỉ lệ cử tri ủng hộ bà Bishop trong vai trò lãnh đạo đảng Tự do liên tục gia tăng, có khi vượt qua cả ông Abbott và tân Thủ tướng Malcolm Turnbull. Tuy nhiên, bà Bishop luôn giữ ý tứ, giới hạn tham vọng của mình ở vị trí hiện tại: “Tôi gia nhập nền chính trị liên bang với hy vọng thầm kín là sẽ trở thành ngoại trưởng. Đó là cơ hội lớn nhất mà tôi có thể ước mơ. Và giờ đây, tôi đang sống trong giấc mơ của mình”.

Chấp nhận thách thức

Từ nhỏ, Julie Bishop đã sống trong bầu không khí chính trị. Ông nội bà từng là một thị trưởng, cũng là bạn thân của những vị lãnh đạo Australia như Thomas Playford hay Sir Alexander Downer. Mẹ bà cũng là một thị trưởng vào thời kỳ mà phụ nữ rất hiếm khi được giữ cương vị cao trong bộ máy công quyền. Bà Bishop có lần thừa nhận: “Tôi chịu ảnh hưởng từ mẹ, người luôn tin rằng giáo dục là chìa khóa mở ra cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Chính bà cho tôi niềm tin: Không có giấc mơ nào là không thể thành hiện thực nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng giấc mơ đó”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thành đạt, không có gì bất ngờ khi bà Bishop luôn là một trong những người đứng đầu. Khi là học sinh, bà là thủ lĩnh của nhóm nữ sinh Trường Trung học St Peter’s danh tiếng ở Adelaide và là trưởng nhóm kịch của trường. Khi học ở Trường Đại học Adelaide, bà luôn nằm trong nhóm sinh viên ưu tú nhất, cả trong việc học lẫn công tác cộng đồng. Tốt nghiệp Trường Luật vào năm 1978, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được Wallmans, công ty luật lâu đời nhất ở Adelaide, nhận vào làm một công việc quan trọng là tổng hợp và phân tích các chiến lược của công ty.

Bà Julie Bishop đã góp phần tạo nên một “cuộc đảo chính” ông Tony Abbott (giữa) phải từ chức và đưa ông Malcolm Turnbull (phải) lên nắm quyền thủ tướng.

Thời son trẻ, Julie Bishop luôn muốn có thật nhiều con, nhưng bà đã không thể làm được điều đó. Cuộc hôn nhân của bà với Neil Gillion, một nhà đầu tư bất động sản, vào năm 1983 kết thúc chỉ vài năm sau đó. Từ đó, bà sống một mình, dành tâm trí cho sự nghiệp và bước vào chính trường năm 1998. “Tôi rất xem trọng vấn đề hôn nhân nhưng tiếc là về mặt này tôi không mấy suôn sẻ. Dẫu sao, nhờ vậy mà tôi có nhiều thời gian dành cho sự nghiệp hơn”, bà Bishop chia sẻ. Mãi đến gần đây, người ta thấy bà có mối quan hệ đặc biệt với ông Peter Nattrass, một thương gia thành đạt và có quan hệ tốt với giới chính trị gia. Khi được hỏi: “Liệu bà có bước thêm bước nữa”, bà Bishop chỉ cười: “Chúng tôi là bạn tốt của nhau và tôi chỉ cố là một bà cô tốt của các con ông ấy”. 

Vào thời điểm cựu Thủ tướng Tony Abbott thông báo nội các, một cơn bão tranh cãi đã nổ ra vì trong danh sách 19 bộ trưởng chỉ có một nữ bộ trưởng là bà Julie Bishop, với cương vị bộ trưởng ngoại giao. Không chỉ phe đối lập mà ngay những người thuộc đảng Tự Do của ông Abbott cũng nặng lời chỉ trích chính sách “trọng nam khinh nữ” này, cho rằng bà Bishop bị coi như một thứ “tặng thêm” nhằm chứng tỏ ông không quên phụ nữ trong bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, bà Julie Bishop phải nhận những trọng trách hết sức nặng nề, và đối mặt với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của mình.

Những ngày đầu, không mấy người tin rằng bà Bishop có thể chèo lái con tàu ngoại giao đất nước nhưng thời gian đã tôi luyện kỹ năng, óc quan sát và cách đưa ra quyết định của người phụ nữ này. Bà nổi bật khi cứng rắn khẳng định vai trò “đầu tàu” của Australia trong chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích, cũng như giải quyết vụ máy bay MH17 rơi, mà không chịu tác động của bất cứ ngoại lực nào. Bên cạnh đó, Julie Bishop đã không hề tỏ ra mềm yếu trước thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông, và sự can thiệp của họ vào “vấn đề nội bộ” quốc gia qua việc gia tăng quan hệ quân sự với Nhật và Australia.

Thậm chí, bà đã từng chống lại quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Joe Hockey trước lời mời mọc của Trung Quốc về “Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á”. Đây được xem là kế hoạch của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), và dùng tiền trói buộc các nước khu vực vào quỹ đạo của mình. Trong khi ông Hockey lóa mắt trước nguồn tài chính của Trung Quốc thì Hội đồng An ninh Quốc gia Australia phản đối viện lẽ những lý do chiến lược, không muốn Australia phụ thuộc quá nhiều về thương mại và tài chính với Trung Quốc. Và chính bà Bishop là nhân vật dẫn đầu trong phái này.

Làm việc trong một nội các toàn nam giới nhưng bà Bishop không định hình phong cách là một nhà nữ quyền. Bà không khích bác nam giới mà lan tỏa đến cộng đồng cũng như cộng sự quan niệm tích cực về phụ nữ, rằng “hãy thôi than vãn, và tích cực hành động nếu muốn chứng tỏ ai đó sai”. Với Julie Bishop, sự thay đổi của mỗi phụ nữ là động lực cho sự thay đổi của từng tổ chức từ nhỏ đến lớn mà người phụ nữ ấy đóng góp. Câu nói nổi tiếng của ngoại trưởng Julie Bishop “Chính sách của phụ nữ là chính sách của tất cả mọi người” cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động đối ngoại của bà - không ngại đầu tư tài chính cho các hợp tác giáo dục, hỗ trợ phụ nữ các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam…

Nam Hồng
.
.