Nghề “Cảm nhận xe”

Thứ Hai, 07/01/2008, 14:30
Đối với nữ giới, những bài phân tích về mỹ phẩm quan trọng và hấp dẫn chừng nào thì đối với nam giới, những bài phân tích về ôtô cũng chiếm một vị trí trang trọng không kém.

Trên thế giới, một bài phân tích xe uy tín có thể tạo nên định kiến dẫn đến sự tẩy chay thảm hại, cũng có thể là giấy thông hành để một dòng xe thoắt trở thành tâm điểm của giới hâm mộ, cũng có thể khiến ngành công nghiệp xe của một quốc gia này nhảy dựng ngược lên vì phẫn nộ, cũng có thể khiến cho một cheabol khác thở phào nhẹ nhõm sau khi nín thở bỏ ra hàng trăm triệu đô la để phát triển một mẫu xe...

Ở Việt Nam, tuy ngập chìm trong các chiến dịch PR của những liên doanh thống trị ngành ôtô nửa gia công nửa lắp ráp. Tuy đa phần vẫn đượm mùi lobby cho nhiều sản phẩm đã lỗi thời được bán với giá cao, vẫn thấp thoáng những tiếng nói đĩnh đạc cất lên, đem lại cho người tiêu dùng những lời tư vấn trung thực ít tính từ...

Người "dị" trong đám "quen"

Trên đường phố Hà Nội, thi thoảng bất chợt lại thấy ló ra một chiếc Niva cũ kỹ sơn màu đỏ gắt, loang lổ những vệt đen, máy nổ rầm rầm. Nhưng "chói" nhất phải kể đến dòng chữ được sơn nắn nót "Nothing’s Impossible" (chẳng có gì là không thể) đập ngay vào mắt.

Chủ nhân của chiếc xe cũng thuộc hệ chẳng giống ai: đầu trọc, quần rằn ri, cao lòng khòng và đen đúa, cặp kính đen đeo vòng ra sau đầu, thoảng qua trông khá tức mắt. Nhưng đối với nhiều cư dân mạng trót nhiễm vào cái thú đam mê ôtô, xe máy, Hải Kar, chủ nhân khác người của trang web Autoprovn kiêm thành viên nhẵn mặt trên các diễn đàn ôtô cả Tây lẫn ta ấy lại là một giá trị được vị nể và yêu mến.

Khoảnh, độc nhưng nhiệt tình, cực đoan nhưng sòng phẳng, chuyên bày những trò quái dị nhưng lại sở hữu một tay lái "lụa" với kỹ thuật drift và chạy trên mọi địa hình hiếm có, cái tổng thể là lạ ấy hiện còn được những tín đồ của ôtô và các độc giả am tường về máy móc tặng cho một biệt danh nửa thật nửa "tuyên án": Người viết cảm nhận về ôtô trung thực nhất hiện nay!

Thân ái mà tặng cho nhau cái biệt danh ấy thì kể cũng coi như là kết án, bởi mặc định biến gã trở thành kẻ khác người, thậm chí cô đơn trong giới cầm bút lẫn cầm trang chuyên mục "Ôtô - xe máy".

Nhưng quả thực, có theo dõi sát những bài phân tích của Hải Kar trên tờ Dân trí điện tử lẫn trang Autoprovn, tỉ mẩn so sánh và đối chiếu với những bài tương tự, mới thấy bật lên được sự khác biệt trong cách bày biện món ăn của Hải tiên sinh: giản dị, trung thực, sát phạt, thuần dữ liệu, ít tính từ, đại khái như hiểu cách bộc bạch của Hải Kar là "Nói chuyện bằng con số, viết cho người cần đọc, cho người cần mua xe, cho người cần tư vấn thực sự, cóc viết cho nhà sản xuất".

Cái kiểu nói thẳng băng chẳng giống ai này không phải là lời Hải Kar nói cho sướng mồm trong lúc ngẫu hứng, mà theo như lời thừa nhận của ông chủ bút trẻ Dương Minh Việt của tờ Dân trí điện tử, là khi cố gắng "vời" bằng được gã bỏ nghiệp lang thang về trấn chuyên mục “Ôtô - xe máy”, đây là điều kiện đàm phán đầu tiên, sau đó mới là lương lậu...

Chuyện một tờ báo điện tử có số lượng người truy cập nằm trong top 3 Việt Nam hiện nay bị một gã rừng rú như thổ phỉ áp đặt ngược lại luật chơi kể cũng đáng coi là chuyện lạ, lạ hơn hẳn việc "đóng" Vetacruz máy dầu lên tới 200km/h, lái chiếc Niva cầm đầu một đoàn toàn Land Cruiser và Pajero đi offroad hay chui vào bãi thử tăng trên Xuân Mai, lôi một chiếc BMW cáu cạnh series 5 hay 1 chiếc Lexus ra drift cháy đường... mà thi thoảng gã vẫn bày trò ra cho anh em chơi.

Với bộ dạng trông như thổ phỉ, hóa ra gã đã từng xuất thân từ "thổ phỉ" thật bằng nghề lái xe tải trên cung Cẩm Phả, Quảng Ninh nổi tiếng với các lò than thổ phỉ trên rừng cao núi hiểm với các con đường phi kỹ thuật, những khúc cua gắt đến mức như “vẽ đùa” mà lật xe là chuyện thường ngày.

Kiếm được một đống tiền, gã bỏ nghề, xách tiền về Hà Nội đi... học tiếng Anh. "Thổ phỉ" hoàn lương, Hải Kar đầu quân vào khách sạn Hilton với vị trí nhân viên quèn ở phòng kỹ thuật. Được một thời gian, cái máu mê xe lại trỗi dậy, gã bỏ tiền ra dựng hẳn một cái garage sửa xe ôtô để thỏa cái đam mê thích vọc máy móc.

Nhưng rồi cái nguyên tắc cứng nhắc nhiều tính hào sảng mà ít tính kinh doanh nó vật ngược lại gã, khiến gã trở thành tay trắng. Thế rồi sau những tháng ngày lang thang cho thỏa chí, Hải Kar cắp nách một con Ural M63 và một chiếc Niva "Nothing's Impossible" toàn tâm toàn ý về đầu quân cho ông chủ báo mạng trẻ nhất Việt Nam...

"Một thực tế cần phải nói ra là có đến 90% độc giả và người tiêu dùng không biết về các thông số và thuật ngữ kỹ thuật. Vì vậy, người viết cảm nhận tốt phải là cầu nối trung thực của kỹ thuật và người đọc", Hải Kar giãi bày.

Điều này quả thực không đơn giản, bởi rào cản về ngôn ngữ và đặc biệt là những thuật ngữ kỹ thuật không cho phép người tiêu dùng Việt Nam có thể tham khảo một cách chính xác từ nguồn tư liệu nước ngoài, nơi văn hoá tiêu dùng, thẩm định và đánh giá khách quan về ôtô đã có bề dày.

Đơn cử như trang Warsdauto, ngân hàng dữ liệu được coi là lớn nhất trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, nổi tiếng với những cuộc bình chọn về động cơ ròng rã suốt 1 năm trời bởi hàng trăm kỹ sư để cho ra được một kết quả khách quan nhất thì lại là trang ít người biết đến bởi đối tượng khách hàng được khu biệt.

Trong khi đó, nhan nhản những bài nhận định về chất lượng xe trên các trang web có số lượng người truy cập khổng lồ lại là những bài cảm nhận mang tính giải trí đơn thuần, theo nhận định của những chuyên gia kỹ thuật.  --PageBreak--

"Sự khác biệt lớn nhất của một thị trường lớn và một thị trường nhỏ chính là thái độ của hệ thống truyền thông và người ta "mua" nó rẻ hay đắt", Hải Kar tự tỉa ra cho mình những kết luận theo kinh nghiệm hành nghề.

Gã say sưa kể về câu chuyện năm 2004 của Los Angeles Times: Khi tờ báo này đăng bài nói về sự trì trệ của General Motors với thông điệp "thông thường các đội bóng không đoạt ngôi vô địch thì sẽ nghĩ đến chuyện thay đổi đội ngũ lãnh đạo", ngay lập tức GM cắt toàn bộ quảng cáo trên tờ báo này và yêu cầu đính chính.

Mấu chốt là ở chỗ số tiền mà những hãng xe lớn tung ra để đăng quảng cáo mỗi năm trên một tờ báo là cực lớn. Los Angeles Times trả lời bằng cách đăng thông báo "GM sẽ cắt quảng cáo trên Los Angeles Times", thể hiện quan điểm bảo vệ tác giả, hàm ý chứa thông điệp: Tôi cần độc giả chứ không phải là nhà sản xuất.

Câu chuyện nhỏ này làm Hải Kar mê đắm đến độ gã lấy đó làm tôn chỉ nghề của mình. Hải Kar còn dí dỏm so sánh: "Ở Việt Nam có một tỉ lệ thú vị, đó là dường như banner quảng cáo của hãng ôtô nào xuất hiện càng dày đặc, càng ít bài viết phản ánh nhược điểm của hãng đó xuất hiện trên mặt báo".

Bao giờ cho đến ngày sòng phẳng?

Hệ thống những bài "cảm nhận xe" trong chuyên mục về ôtô - xe máy của mỗi báo luôn có số lượng người đọc cao nhất, nhưng bao nhiêu phần trăm sự tin cậy, chính xác và khách quan người đọc có thể nhận được? Bao nhiêu phần trăm độc giả là "đọc cho vui" bởi nó mang nhiều tính giải trí hơn là tư vấn?

Những "sự kiện" kiểu như "Thất vọng Lacetti" luôn làm những người viết khách quan về ôtô không khỏi rầu lòng bởi sự áp đặt mang tính sổ toẹt, đầy cảm tính đến độ bới bèo ra bọ, được thị trường phản hồi một cách rõ ràng bằng thực tế: Số lượng xe bán ra vẫn không giảm, những chuyên gia về xe vẫn đánh giá đây là một mẫu xe đầy ấn tượng.

Cho đến tận bây giờ, nỗi buồn "Thất vọng Lacetti" vẫn là một câu chuyện nóng hổi trong giới "cảm nhận xe", được những người cầm trang gửi gắm đến những cây viết sắp bước vào nghề như một bài học nhỡn tiền về sự sòng phẳng.

"Có một thực tế là những người viết về ôtô hiện nay không phải ai cũng có kiến thức chuyên sâu về cơ khí, ngoại ngữ tốt, thậm chí có những người không biết lái xe nhưng vẫn viết về ôtô như thường", Hải Kar cho biết.

Cũng giống như mảng miếng về đề tài văn hóa, nhiều cây viết trẻ được phân về, hồ hởi nhập cuộc mà không đủ đầy một kiến thức nền tối thiểu. Điều đó dẫn tới 2 hệ lụy. Một là những bài phân tích chung chung, cảm nhận chung chung được viết theo lối an toàn tối đa, tránh lộ sườn.

Hai là mỗi khi có một mẫu sản phẩm mới xuất hiện, trên các báo đồng loạt ra đời những bài "cảm nhận xe" từa tựa nhau được biên tập từ thông cáo báo chí của hãng. Và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ khó có thể tìm được những thông tin thực sự tin cậy và cần thiết.

Thêm một lý do quan trọng nữa để con đường dẫn đến sự sòng phẳng thêm xa vời lại đến từ chính tâm lý của người tiêu dùng. Hải Kar cho biết, khi trên các diễn đàn liên tục xuất hiện những lời kêu ca phàn nàn về chất lượng của một loại xe, ngay lập tức gã làm một mục trưng cầu ý kiến để tiến hành test xe thì chẳng ai vào phản hồi cả.

Cũng giống như chuyện than trời về việc mua suất bán suất, khi gã nhảy vào cuộc thì những nạn nhân cười xoà mà bảo rằng "thôi, đằng nào chả thế, mua được con trâu thì tiếc chi sợi thừng".

Chính tâm lý văn hóa tiêu dùng khi bức xúc thì nói xơi xơi, khi đã mua rồi thì cam chịu chấp nhận nhiều khi làm khó những người viết có thiện chí tìm hiểu sâu để bảo vệ người tiêu dùng. "Hai trưng cầu ý kiến về chất lượng xe, các lỗi không thể khắc phục của 2 dòng xe đang ăn khách nhất hiện nay là Innova và Captiva của tôi treo lên rồi lại gỡ xuống vì chẳng ma nào vào comment cả, trong khi bàn luận bên ngoài thì cứ rần rần", Hải Kar cười cho biết.

Câu chuyện của chúng tôi còn miên man qua nhiều đề tài, về những chiến lược PR và quan hệ với báo chí gây choáng ngợp của các hãng xe, về những cuộc test xe độc lập mà chi phí bỏ ra hoàn toàn bởi người viết trong khi nhuận bút lẫn thu nhập cộng lại chỉ vẻn vẹn một câu "thu không đủ bù chi"...

 

"Có sòng phẳng hay không khi dường như chỉ một mình tôi xuất hiện khi nói về cái nghề này", gã nhìn chằm chằm hỏi tôi. "Sòng phẳng vì tôi đã theo dõi qua cả một thời gian dài, và tôi chịu trách nhiệm về điều này", tôi trả lời. "Có sòng phẳng hay không khi mình anh đứng ra trả lời tất cả những câu hỏi?". "Sòng phẳng, và tôi cũng chịu trách nhiệm về điều này", Hải Kar cười vang trả lời

Việt Tây
.
.