Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn

Thứ Hai, 21/01/2008, 10:30
Gì thế kia, có lẽ tôi lại bồn chồn hơn và không tin vào mắt mình khi thoáng trông một tà áo dài màu xanh dương khá nổi trội trong đoàn đại biểu cộng đồng người Việt tại Canada đang tiến vào phòng họp! Trời ơi chính là Vân. Vân, vợ cò Độ dạo nào!

Câu thơ của thi sĩ Nga, Onga Bergon không hiểu sao cứ đi về trong trí nhớ mỗi khi tôi nghĩ đến họ, cặp vợ chồng  người Việt xa xứ ấy....Những dãy nhà cấp 4, căn thì lợp ngói, thứ thì giấy dầu mái đã võng trĩu sức nặng thời gian lẫn việc tiền đâu mà tu sửa. Dưới những thứ tạp nham chất lên để chống nắng chống dột ấy, người ta chia ra các ngăn cho mỗi hộ.

Ngăn của anh chị tôi chừng hơn mươi mét nền láng xi măng có cảm giác lúc nào nó cũng xám xịt bởi âm ẩm nước. Giấc ngủ chập chờn trong mỗi cữ mưa ghé qua là cứ tí tách lanh canh suốt đêm âm thanh của những giọt nước thõng xuống xô tôn chậu nhựa để chống dột.

Đến bữa, tít tận đầu nhà bên này tuy rau mắm nhưng mồm miệng cứ khét lẹt lên dư vị nồi cá vụn kho quá lửa của nhà đầu hồi bên kia. Âm thanh lẫn mùi vị phát ra từ mỗi ngăn hộ (chứ chưa hẳn là căn hộ) của mỗi nhà cứ thông thống và hào phóng chia nhau qua hơn chục gian như thế của khu tập thể Công ty Mỹ thuật Thanh Hóa.

Có một tối, mới xâm xẩm mà đã như bưng lấy mắt vì mất điện, ngăn bên nhà cò Độ sát sạt bên anh chị tôi chập chờn ngó sang qua lớp cót ép mục le lói ánh đèn dầu rồi nghe xèo xèo mãi thứ chi đó thơm thơm khen khét. "Cò Ba sang đây..." (Cò là danh xưng thân mật người có con trai đầu). Tiếng cò Độ gióng giả.

Tôi ôm cái điếu cày lò dò ra thềm sang ngăn cò Độ. Đèn là cái chai sáu lăm chắc trước màu trắng nay ngả đen sì trên miệng thõng xuống búi giẻ. Thứ đình liệu thắp bằng dầu mazut thay dầu hỏa ấy có sáng nhưng tỏa khói mù mịt. Dưới khoảng vàng vọt đó là cái đĩa sơn mài (Công ty Mỹ thuật chuyên làm mấy mặt hàng này để xuất khẩu sang Liên Xô) loại phế phẩm bày ra những viên đen đen...

"Loại chả đặc biệt. Hà Nội mần chi có thứ ni!". Cò Độ buông thõng. Tôi nhón lấy một viên đen khả nghi đưa lên. Có vị chi đó hồi nãy khét lẫn thơm. Lại lứt sứt. Thoảng cái vị ngòn ngọt của thịt? Rắn? Nhái? Tôi tò mò nhìn Độ. Nghe tôi hỏi, Độ nhe răng cười cười không nói... Vân, vợ Độ thì rũ ra cười ôm con lên giường nằm sớm. Người hàng xóm sát vách cò Độ đây là người khá khéo tay. Mộc. Lại thạo tí ti việc chụp ảnh với vẽ vời. Lương ba cọc ba đồng. Độ thường nhãng việc của công ty một cách rất hợp lý để đi đánh quả kiếm thêm. Khi thì vẽ, lúc chụp ảnh.

Nhưng cũng chả lại với hai cái tàu há mồm. Bà chị tôi chép miệng, người đâu mà thảo. Đánh được “quả” gì nhinh nhỉnh thì đều tìm cách chia khắp cho các nhà trong dãy này. Khi cân cá vụn, khi thì túi hoa quả. Còn anh tôi thì khi nào cũng tấm tắc rằng cò Độ là cái thằng nấu ăn rất chi là thạo!

Bữa chả đặc biệt mà tôi được thưởng thức ở nhà cò Độ cái đêm mất điện ấy quả là đặc biệt thật! Không thịt lợn, thịt bò. Cũng chẳng phải cóc nhái rắn rết chi cả. Ổi xanh! Vâng, ổi xanh cò Độ giã nhuyễn ra... Nhào với chút bột mỳ, băm rõ nhiều hành và chêm vào tí mì chính, vo viên rồi rán lên...

Bẵng đi lâu lâu bấn bíu mấy thứ bận không về thăm anh chị được. Vào một đêm khuya khoắt xuống tàu rẽ vô khu tập thể Mỹ thuật, trong cơn chập chờn của giấc con con về sáng, tôi nghe  tiếng thút thít đâu đây rất gần. Tiếng khóc như bị kìm nén ấy hình như phát ra từ ngăn nhà cò Độ? Tôi ngồi dậy. Đúng là bên nhà cò Độ thật.

Chuyện chi vậy? Thằng cha này vốn yêu chiều vợ lắm kia mà, làm chi có chuyện thượng cẳng tay hay mắng mỏ gì? Sáng bạch, chị tôi mắt hoe hoe đỏ, giọng ngắt quãng thì thào... Tôi dần hiểu ra. Gần nửa năm nay, cò Độ bặt vắng... Người ta đồn là đi rồi. Chả biết sống chết lành dữ thế nào. Liệu không biết có thoát? Khổ cho cô Vân, đêm mô cũng khóc dấm khóc dúi...

Thêm một cái thở dài của tôi trong những năm tháng khó khăn ấy mỗi khi nghe tin về một người thân hay thằng bạn nào đó tự nguyện làm cái việc lênh đênh ngoài biển khơi để làm cái việc ngoặt  rẽ số phận sang một hướng khác. Và thường rất ít tin lành... Cái đêm lạnh khá khuya năm đã xa ấy xuống ga Thanh Hóa cùng với mấy người bạn. Những bước chân như chập choạng hơn vì mất điện cả thị xã. Nhưng bù lại một cảnh tượng ngó cũng đỡ tẻ là đèn hoa kỳ giăng như một hội hoa đăng nào đó! Tinh là đèn dầu hỏa. Đèn của những cánh hàng rong. "Cháo đơ... Ai cháo...".

Một gánh cháo mờ ảo trong sương chầm chậm tiến lại theo bạn tôi gọi... Chập chờn cái nón tùm hum của người gánh cháo. Cái quang mây  tưởng hạ xuống bên tôi, thoắt cái đột ngột vụt đâu mất. Cả bọn ngơ ngác. Ngó cái lưng cô hàng cháo rong, tôi chợt thấy như quen quen? Nhưng cảm giác đó thoáng qua rất nhanh... Sớm hôm sau, tôi choáng người khi nghe chị tôi thở dài rằng, gần ba năm nay chú Độ vẫn chưa có tin chi cả!

Anh thì cứ thở dài chắc chú Độ làm mồi cho cá rồi. Chị nói là đừng phỉ phui cái mồm. Nhưng cơ mầu này khó có tin lành chú ạ. Cô Vân dạo này phải đi bán cháo rong để kiếm thêm. Bà con trong khu tập thể cũng san sẻ thăm nom luôn nhưng ai cũng khó khăn cả.

Mà thấy cô Vân đơn độc tất tả như thế, mấy đám đánh tiếng nhắn nhe nhưng cô ấy cứ lắc ở vậy nuôi con... Tôi định nói anh chị tôi hay, hình như rõ ra người bán cháo rong như ma trên sân sương ga đêm qua đích là Vân! Nhưng nghĩ nói ra làm chi nhỉ? Thời buổi gian nan ni, nhiều sự chả nói cũng đủ nẫu người!

Đất có tuần, nhân có vận nữa là vận mệnh của dân tộc, của Đất nước! Làn gió Đổi Mới lộng thổi những năm ấy có thể vô hình ở đâu nhưng khu tập thể anh chị tôi đã khác. Tất tả bấn bíu hơn nhưng là cái tất tả có lý của một đời sống chả phải bị thúc bách bởi miếng ăn miếng uống thường nhật.

Nhiều ngăn trong cái nhà dài thượt ấy đã được những người có điều kiện chập lại thành những lô vuông vức xây mới hoặc chuyển nhượng chi đó để kiếm nơi khác khang trang hơn. Và chính những ngày ấy, đùng cái có tin cò Độ sau gần 4 năm biệt tích! Cò Độ sau bao thăng trầm vất vưởng không tiện kể ra đây nhưng giờ đã định cư yên ổn ở Canada. Cò Độ đang làm giấy bảo lãnh cho ba mẹ con sang bên ấy!

...Chiếc chuyên cơ của Hãng Hàng không Vietnam Airlines chở Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Canada nhẹ nhàng đáp xuống sân bay quốc tế McDonald - Cartier của thủ đô Ottawa một chiều mùa hè năm 2005. Cánh phóng viên được phép xuống trước để chuẩn bị tác nghiệp cuộc đón. Tôi đang quáng quàng sải chân đến địa điểm quy định cho phóng viên thì một cái nắm vai chắc nịch chặn lại. Tưởng cánh an ninh can thiệp, tôi vội ngó lại thì trời ơi, cò Độ!

Cò Độ bằng xương bằng thịt hằng bao nhiêu năm đây rồi. Sau cuộc đón, tôi được hay rằng cò Độ vừa bay từ Vancouver, nơi hai vợ chồng định cư, lên Ottawa sáng nay. Gần mười tiếng bay từ miền Tây sang miền Đông của đất nước mênh mông ấy! Để du lịch? Công việc? Để đón tôi? Mà làm sao cò Độ biết để có mặt ở sân bay trong một cuộc đón mà an ninh được thực thi nghiêm ngặt này?... Tất cả đều chả phải.

Đơn giản là cò Độ được lựa chọn trong số cộng đồng người Việt có mặt trong cuộc đón lẫn cuộc gặp Thủ tướng ta tại Sứ quán Việt NamCanada! Như một cuốn phim quay chậm, tôi gần như qua đêm cùng cò Độ ở xứ sở lệch nhau tới 12 tiếng đồng hồ với cố quận này. Cùng được chọn và cùng đi với cò Độ còn có họa sĩ Đỗ Ngọc. Cò Độ nói về mình thì vắn tắt nhưng qua Đỗ Ngọc tôi được biết cụ thể thêm, hai vợ chồng Độ - Vân cùng nhiều anh chị em ở Vancouver ngoài việc mưu sinh ra, nhiều năm nay liên tục lẫn tích cực tham gia vào những hoạt động hướng về Tổ quốc. Tích cực quyên góp tiền gửi về vùng bị thiên tai bão lụt.

Làm đầu mối tổ chức cho các nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn, tích cực tham gia trong các sinh hoạt của cộng đồng hướng về Đất nước. Riêng cái tài lẻ vẽ lẫn chụp ảnh của  Trịnh Độ (ấy là họ lẫn tên thật người bạn xa xứ của tôi đây) ở xứ Canada này rất đắc dụng. 

Điều bất ngờ Trịnh Độ chính là người đã sáng tác ra mẫu cờ người Việt ở Canada và được chính quyền Canada chấp thuận cuối năm 2004! Tôi có được Độ tặng cho mẫu cờ ấy, nhưng tiếc sau này đã bị thất lạc… Đơn giản mà độc đáo. Phía nền là cách điệu chiếc lá phong, quốc kỳ Canada. Mới thoáng qua tưởng như mây thành phía đường chân trời. Giữa là hình chim hạc mải miết sải cánh trên trùng dương bao la như hình ảnh của người Việt ở Canada và nước ngoài nói chung luôn hướng về quê hương đất nước…

New York những ngày cuối tháng 9/2007, khách sạn Intercontinental chật ních khách của 11 đoàn tùy tùng đi theo 11 nguyên thủ dự Hội nghị thường niên HĐBA LHQ nên mọi phòng ốc đều được sử dụng tối đa. Nhưng tại gian tiếp khách sang trọng của khách sạn, vẫn có một chương trình đặc biệt, đó là cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với bà con cộng đồng người Việt tại nước láng giềng của Mỹ là Canada.

Có lẽ đây là sáng kiến của hai vị sứ thần Việt ở Mỹ và Canada nhằm khai thác tối đa công suất chuyến đến New York của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng! Rất hiếm có một cuộc gặp trên đất Mỹ như vậy đối với những người Việt xa đất nước nên trông ai cũng có vẻ bồn chồn hồi hộp.

Gì thế kia, có lẽ tôi lại bồn chồn hơn và không tin vào mắt mình khi thoáng trông một tà áo dài màu xanh dương khá nổi trội trong đoàn đại biểu cộng đồng người Việt tại Canada đang tiến vào phòng họp! Trời ơi chính là Vân. Vân, vợ cò Độ dạo nào! Có hơi đậm người nhưng vẫn là dáng ấy, khuôn mặt bầu bầu ấy! Và như có phép mầu, sau tà áo xanh dương ấy lại chính là cò Độ.

"...Kính thưa Thủ tướng, đây là những bà con đã góp nhiều công sức cho cộng đồng người Việt mình ở Canada...". Sau lời giới thiệu của vị đại sứ, đã diễn ra cuộc nói chuyện hết sức thân mật, cởi mở giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bà con. Thủ tướng nói những gì mà những cặp mắt Việt kia lúc thì bừng sáng, lúc thì đăm chiêu và không ít chợt ầng ậng những giọt lệ, mà động thái ấy của một người tôi ngó rõ nhất là Vân? Nhưng tôi biết, giọt nước mắt ấy nó khác khác lắm lắm với giọt nước mắt của những ngày xa?

Có lẽ với tâm trạng ấy, Vân đã mạnh dạn đứng lên hát tặng Thủ tướng và các quan khách một bài hát quê nhà quen thuộc. Tất nhiên giọng ca của Vân chỉ là nghiệp dư nhưng có lẽ thêm cái tình hay sao đó khiến cho giai điệu quen bỗng trở nên da diết khác thường làm không khí buổi gặp ắng lặng một hồi. "Thiên lý tha hương ngộ đồng hương!".

Chả thế mà không ít anh chị em văn nghệ sĩ trong nước có dịp sang Canada, đến Vancouver đều lấy nhà vợ chồng Độ - Vân làm nơi tá túc vì họ thường nhận được sự giúp đỡ ấm áp của cả nhà. Riêng tôi bồi hồi thêm, lúc gặp ban nãy, vợ chồng Độ - Vân cho tôi hay vừa mới tổ chức cho con trai lớn lấy vợ.

Chao ôi, cái thằng bé còi cọc ngày nào bíu nhờ vào gánh cháo đêm của mẹ đận vắng cha ấy?  Mãi đến lúc sắp tạm biệt, nhà văn Hữu Ước thúc vào lưng nhắc chụp ảnh cho vợ chồng cò Độ, tôi mới sực nhớ...

Đã đến giờ chúng tôi phải ra sân bay. Con phố chạy qua Intercontinental của thành New York lạ xa và nườm nượp người trong đêm vẫn rờ rỡ mọi kích cỡ đèn đã thoắt trở nên chút bịn rịn khi ngoảnh lại vẫn thấy tà áo xanh dương của Vân ở cổng khách sạn. Chợt lại váng vất thêm hình ảnh cái nón tùm hum cùng đôi quang cháo dật dờ cái đêm đèn hoa kỳ giăng giăng trên sân sương lạnh ga Thanh năm nảo năm nao...

Làng Lon cuối năm lạnh

Xuân Ba
.
.