Mục tiêu nước công nghiệp

Thứ Ba, 29/09/2015, 10:24
Hai thập kỷ nay, bánh xe công nghiệp hóa của Việt Nam được ấn định mốc trở thành­ nước công nghiệp vào thời điểm rất tròn: Năm 2020. Tuy nhiên, cách 5 năm trước mốc ấy, mục tiêu nước công nghiệp không thay đổi nhưng thời điểm 2020 đã phải đánh giá lại.

Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát 5 năm tới về kinh tế là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. 

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 20 năm, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được điều chỉnh về mặt thời gian, không còn xác định cán đích vào năm 2020. 

Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian. Tuy nhiên, từ “sớm” được đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì có thể hiểu quãng thời gian cần phải đạt được trong khoảng 5 năm, 10 năm, 15 năm tới, còn nếu kéo dài 30 năm, 50 năm hoặc lâu hơn  thì không thể gọi “sớm”. Vậy vì sao có sự điều chỉnh này?

Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). 

Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”. Mô hình nước công nghiệp được vạch ra là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hoá cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 8 đến 10 lần so với năm 1990.

Nhìn lại 20 năm sau Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, CNH, HĐH vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn trở thành nước công nghiệp được nhìn nhận lại.

Năm 1996, chúng ta đề ra chỉ tiêu GDP đến năm 2020 tăng từ 8 đến 10 lần so với năm 1990 thì điều này đã vượt xa kế  hoạch (năm 1990, GDP Việt Nam chỉ có gần 6,5 tỷ USD – một con số rất yếu và việc đặt ra chỉ tiêu gấp 10 lần đã là điều khó tưởng tượng nhưng đến 2007, chúng ta đã cán mốc trên khi đạt 71 tỷ USD, còn tính đến 2014, GDP đã đạt mức 184 tỷ USD, nghĩa là gấp tới hơn 28 lần). Tuy nhiên, dù vượt xa mốc đề ra như vậy nhưng để trở thành một nước công nghiệp thì vẫn có nhiều chỉ tiêu còn xa tầm với.

Diện mạo đất nước đã phát triển vượt bậc song so với nhiều nước trong khu vực, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại” tỏ ra quá tầm bởi một nước công nghiệp với những tiêu chí cơ bản nhất đã khó, còn nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại lại càng cao xa. Nhận thấy thực tế đó, từ Đại hội IX, mục tiêu nước công nghiệp được điều chỉnh phù hợp hơn, chỉ là “theo hướng hiện đại” chứ không phải hiện đại ngay.

Từ thực tiễn của 20 năm thực hiện CNH, HĐH ở Việt Nam trong bối cảnh trên thế giới khoa học và công nghệ có bước tiến nhảy vọt; kinh tế tri thức đã phát triển và có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định quan điểm: “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. 

Đại hội XI (năm 2011), mục tiêu này tiếp tục được khẳng định, vẫn ấn định mốc năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Như vậy, từ năm 1996 tới nay, qua 4 kỳ đại hội Đảng, mục tiêu phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chiến lược xuyên suốt, nhất quán. Tuy nhiên, trong các văn kiện đại hội cũng như các đề án, kế hoạch, chúng ta chỉ xác định những vấn đề chung, tổng quát chứ chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể và có khái niệm rõ ràng về nước công nghiệp. Hai chục năm nay, với đà phát triển đất nước, chúng ta đều tin rằng việc cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Tại Hội thảo khoa học “Tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tháng 2/2015, lần đầu tiên có nhiều ý kiến khẳng định mục tiêu phấn đấu này sẽ không đạt được vào năm 2020. 

Quan điểm của các chuyên gia, Việt Nam sẽ là nư­ớc công nghiệp khi có: cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế tiên tiến; quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất; đời sống vật chất tinh thần cao; quốc phòng, an ninh vững chắc; dân giàu, nư­ớc mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Như vậy, một nước công nghiệp không chỉ có lực lượng sản xuất phát triển mà rộng hơn nữa phải có một quan hệ sản xuất tiến bộ, đời sống của nhân dân cả vật chất và tinh thần ngày càng cao, xã hội ổn định, công bằng, dân chủ, văn minh… Tuy nhiên, chúng ta lâu nay chưa xác định cụ thể nội hàm về một nước công nghiệp, cũng chưa định rõ lộ trình thực hiện đến năm 2020 với những chỉ tiêu thống kê chủ yếu nào để xác định mục tiêu đó.

Từ thực tế đó, các nhà khoa học đưa ra một số tiêu chí cơ bản để đạt yêu cầu là một nước công nghiệp của Việt Nam. Tiêu chí kinh tế: GDP bình quân đầu người; tỷ trọng giá trị gia tăng nông nghiệp trong GDP; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động. Tiêu chí khoa học công nghệ: tỷ lệ kinh phí R&D và giáo dục trong GDP; số sinh viên đại học trên 10 nghìn dân; số sử dụng Internet trên dân số; tỷ lệ hàng công nghệ cao trong hàng công nghiệp chế tác xuất khẩu.

Tiêu chí xã hội: tỷ trọng dân số đô thị trong tổng dân số; chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số cao nhất và nhóm thấp nhất; số bác sĩ trên 10 nghìn dân. Tiêu chí tài nguyên môi trường: tỷ lệ sử dụng nước sạch; tỷ lệ rừng che phủ. Danh mục 12 chỉ tiêu trên tuy vẫn chưa phản ảnh hết các đặc trưng công nghiệp hoá của nước ta, song tương đối thuận tiện cho khâu tìm kiếm số liệu trong, ngoài nước trong giai đoạn đầu nghiên cứu.

Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được lựa chọn có cơ sở khoa học sẽ cho phép thấy rõ chúng ta đang đứng ở vị trí nào trên con đường CNH, HĐH, còn cách xa đích bao nhiêu và cần tập trung năng lực vào những lĩnh vực nào để sớm đứng vào hàng ngũ những nước công nghiệp hoặc cơ bản có thể coi là nước công nghiệp. Danh mục các tiêu chí và chỉ tiêu gồm: chỉ tiêu kinh tế; chỉ tiêu xã hội và chất lượng cuộc sống; chỉ tiêu môi trường; chỉ tiêu tin học hoá và kinh tế tri thức.

Nước công nghiệp là nước đã hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, hoặc ngược lại, công nghiệp hoá là quá trình để một nước trở thành nước công nghiệp. Từ các cách tiếp cận nêu trên, các nhà khoa học Việt Nam đang cố gắng nêu ra các đặc trưng về nước Việt Nam ở giai đoạn đầu trở thành nước công nghiệp, trong đó có những chỉ số đánh giá về kinh tế - xã hội như: GDP bình quân đầu người/năm, cơ cấu về công nghiệp, dịch vụ/GDP, công nghiệp chế tác, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hoá...

Đối chiếu các chỉ tiêu đề ra cho đến năm 2020 và bộ tiêu chí chuẩn một nước công nghiệp cho thấy, chúng ta đang tiệm cận những con số này. Duy có các thông số sau còn khó khăn: thu nhập bình quân (đến 2020 dự kiến đạt 3.300 USD/người/năm trong khi mức chuẩn tối thiểu là 5.000 USD; tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 30% trong khi dự kiến đến 2020 vẫn còn 35-40%; tỷ lệ đô thị hóa phải hơn 50% trong khi dự kiến đến 2020 chỉ đạt 38-40%...). 

Tuy nhiên, khoảng cách đó không còn xa, nhiều khả năng thời điểm lùi sau 2020 cũng chỉ có thể là 5 đến 10 năm. Hiện, một số địa phương đã công bố đạt đủ tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp, điển hình như Quảng Ninh. 

Nhìn rộng ra, cán đích nước công nghiệp mới chỉ là một điều kiện cần. So với các nước trong khu vực, họ vẫn tiến rất nhanh khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần so với năm 1990 nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia; 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

An Nhi
.
.