Ghi chép bên lề tập thơ “Nỗi nhớ không may tìm đến” của tác giả Nguyễn Bảo Giang

“Mùa yêu như thể mùa quên”

Thứ Tư, 01/10/2014, 09:00
Rất nhiều người cố gắng đi tìm những sứ mệnh, những nhiệm vụ cho thơ... Còn những nhà thơ thực sự - thực sự tức là thiên bẩm - cứ lặng lẽ làm thơ theo đúng những gì họ cảm thấy. Thậm chí họ cũng không buồn nghĩ tới việc viết như thế thì để cho ai... Xác định thơ họ như thế nào, cho ai, là việc của những người khác, không phải việc của người thơ...

Tôi đã nghĩ như thế khi đọc tập bản thảo Nỗi nhớ không may tìm đến của Nguyễn Bảo Giang. Nói thực là, tôi cũng chỉ mới biết anh qua Facebook, gặp gỡ trong thực tế mới có đúng một lần, khi anh mang tập bản thảo này tới (khi đó còn mang cái tên giả định Thơ viết cho mình) và nhờ đọc để viết đôi dòng cảm nghĩ. Tôi nhận lời anh vì ít nhiều trước đó tôi cũng được đọc một số tác phẩm của anh trên mạng. Và tôi cũng thấy thích sự hồn nhiên và tự tại bản năng ở những dòng thơ ấy... Bắt đầu từ Thơ viết cho mình:

“Bến sông còn nhớ giọng mình,
Người xa vắng cả con đò cũng xa.
Nhạt nhòa chiều đã dần qua,
Phía không em vẫn chỉ là không em...”

Nguyễn Bảo Giang kể rằng, anh vốn tốt nghiệp trường luật nhưng giờ đã chuyển sang kinh doanh. Và anh muốn in tập Nỗi nhớ không may tìm đến để gây Quỹ từ thiện cho Câu lạc bộ Doanh nhân 7777, do chính anh làm Chủ tịch...

Thực ra thì tôi nghĩ, những điều đó không quá quan trọng đối với những ai sẽ đọc thơ của Nguyễn Bảo Giang. Cái hay nhất là bạn sẽ không phải thất vọng khi cầm trên tay tập Nỗi nhớ không may tìm đến. Vì bạn sẽ được đọc những vần thơ như viết cho chính bạn, sẽ gặp những tứ thơ, những cảm xúc mà dường như bạn đã có lúc nhận thấy là chúng cũng từng xuất hiện trong bạn, có điều, bạn đã không ghi lại... Còn Nguyễn Bảo Giang thì đã nắm bắt được cơ hội thi ca của mình... Thậm chí ngay cả khi anh đã muốn từ chối, trốn chạy khỏi những vần thơ đang vật vã ở trong mình... Thơ đối với Nguyễn Bảo Giang không phải là cơ hội để tìm phúc lộc, đó là sự không may...

Nỗi nhớ không may tìm đến phần lớn là thơ lục bát và chủ yếu nói về tình yêu. Hay nói đúng hơn, những cảm xúc yêu đương... Đó cũng là phải nhẽ. Cá nhân tôi cho rằng, thơ có thể mang rất nhiều nội dung nhưng rốt cuộc, chỉ có thơ tình còn lại... Những kiểu thơ khác rồi cũng sẽ hóa thân vào những thể loại sáng tạo khác, có thể mang tính khoa học, có thể mang tính nghệ thuật... Khoa học là để con người có thêm công cụ để nhận thức. Nghệ thuật để giúp con người có thêm cảm xúc… Thơ tình không cần phải nhập vào đâu, cứ tự thân tồn tại, vừa giúp cho con người nhận thức xung quanh, vừa giúp cho con người yên ổn làm giàu có hơn nội tâm của chính mình. Không rõ Nguyễn Bảo Giang thành công đến đâu trong sự nghiệp doanh nhân của mình, nhưng ở trong thơ, anh đã tích lũy được một gia sản không nhỏ...

Đọc Nỗi nhớ không may tìm đến, tôi thấy quen thuộc lắm, dù toàn là những câu chữ không phải của mình... Và tôi muốn cảm ơn Nguyễn Bảo Giang đã giúp cho tôi có được thêm lần sống lại một thời yêu đương mà tôi đã vĩnh viễn bị mất. Thật thú vị khi được đọc những câu thơ:

“Tôi giờ bước thấp bước cao,
Cứ đi ra ngõ lại vào phố trưa.
Em giờ đong đếm ngày xưa,
Bao nhiêu hạt của mùa mưa đã từng”

(Khúc riêng)

“Niềm tin ăn vạ cửa chùa,
Còn tôi ăn vạ người chưa nói gì...”

(Ăn vạ)

“Tháng Năm giờ đến chênh vênh,
Cứ hoe hoe nắng là thành vết đau.
Soi gương tóc bạc mặt nhầu,
Trời đêm nay lại bắt đầu trăng lên...”

(Tháng Năm)

“Đếm bàn tay, nắm bàn tay,
Rụng rơi ai trả nợ vay héo mòn.
Sông xưa bến cũ còn buồn,
Người xưa hoang phế cho hồn phế hoang”

(Thơ viết cho mình)

Những đoạn thơ hay như thế có không ít trong Nỗi nhớ không may tìm đến.

Có thể thấy rằng, mặc dù đây là tập thơ đầu tay nhưng Nỗi nhớ không may tìm đến là tác phẩm của một tâm hồn đã chín. Cả về trải nghiệm đời lẫn trải nghiệm thơ. Nguyễn Bảo Giang đủ kinh nghiệm sống để những tiếc nuối trong thơ không trở thành tuyệt vọng, dù không phải lúc nào cũng lấp lánh đủ sáng lên những niềm hy vọng...

Tôi muốn chúc mừng Nguyễn Bảo Giang với tập thơ đầu tay. Và muốn hy vọng vào những sáng tác tương lai của anh.

Tôi nghĩ, những ai rồi sẽ đọc tập thơ này, sẽ không phải tiếc...

Đầu thu 2014

Đặng Đình Nguyên
.
.