Một thời là “Lính Sư 10”

Thứ Năm, 18/08/2016, 10:48
Kể từ 1985, năm nào tôi cũng ít nhất một lần vào TP HCM, có hoặc không có công việc đều đi, vì nhớ, và vì rằng, như mọi cựu chiến binh Sư đoàn 10, với tôi “vào Sài Gòn” tức là về lại với chiến trường, về lại với ngày Toàn thắng. Xưa còn trẻ đi tàu hỏa, từ luống tuổi đến giờ thì dù gì cũng gắng dành dụm để đi máy bay.

Máy bay hạ cánh Tân Sơn Nhất, tôi cùng mọi người theo cầu thang bước xuống phi trường. Một sự bình thường như thế và đã bao lần như thế, mà lần nào tôi cũng phải gắng lòng kìm nén xúc cảm. Tôi thấy mình như đã lùi vào trong một không gian khác, một thời gian khác. 

Hiện hình lên trước mắt tôi quang cảnh Tân Sơn Nhất ngày cuối cùng tháng 4-1975. Tuy nhiên tất cả chỉ là ảo ảnh trong khoảnh khắc. Bên tai tôi là tiếng rền động cơ của một chiếc Boing dân dụng đang chạy lấy đà chứ không phải tiếng gầm thét long trời của cuộc tấn công. 

Những cột lửa và ánh chớp nhoáng nhoàng của đạn pháo và đạn cối, những cồn khói đen đặc, những chiếc phi cơ bị bắn toác sườn cụt cánh ngổn ngang trên đường băng đều đã biến mất. Chỉ có cái lầu chỉ huy không lưu là dấu vết duy nhất ngày ấy tôi còn nhận ra. 

Tôi nhìn quanh. Đâu là Cổng số 5 phi trường, cửa mở ác chiến của tiểu đoàn 5 sáng ngày 30? Đâu lối vào Bộ tư lệnh Sư đoàn không quân ngụy? Và đâu khu vực trại David, nơi mà Trung đoàn trưởng Vũ Tài, súng ngắn trong tay cùng anh em Tiểu đoàn 6 từ tháp pháo xe tăng ùa xuống lao vào vòng tay dang ra mừng đón của các cán bộ chiến sĩ phái đoàn bốn bên?

Nhưng, đã 20 năm, rồi 30 năm, rồi 40 năm lần lượt trôi qua, phi trường ngày một hiện đại hóa, đã khác đi quá nhiều, sao mà tôi còn nhận ra nổi những lối cũ cảnh xưa của Sư đoàn.

Qua cửa kiểm tra hải quan ra đến tiền sảnh, tôi cùng đám đông hành khánh đứng trước cổng Phi Long chờ taxi để vào thành phố. Tôi nhìn mọi người và bất giác tự hỏi, không biết có ai trong họ nguyên là lính chiến Sư đoàn 10, đạo hùng binh đã tốc chiến tấn công đánh chiếm sân bay này, giải phóng thành phố này? 
Các cựu binh Sư 10, từ trái qua: Nguyễn Đình Thi, Bảo Ninh, Lê Hải Triều, Ngô Duy Chuyên (Chuyên là người đã bắt sống đại tá ngụy tỉnh trưởng Đắk Lắk).

Tôi nhớ, chính chỗ mình đang đứng đây, buổi chiều tối ngày 30-4, khi loạt súng cuối cùng đã ngưng, tôi với Nguyễn Đình Quang, trợ lý trinh sát, cùng một nhóm bốn tay lính xe tăng ngồi quây quanh bếp lửa cháy đùng đùng dưới thềm nhà ga phi trường, chờ sôi một cái xoong to đùng mỳ tôm. 

Quang bảo, tôi còn nhớ y lời: “Đời mình ăn bom bao lần mà giờ mới lần đầu thấy cái sân bay, ai ngờ nó to rộng thế, phát sợ, ấy vậy mà bọn mình chỉ già nửa ngày đã quét sạch nó. Sau này cái sân bay này nên mang tên bọn mình là Phi trường Sư đoàn Mười!”.

Quang là bạn học một lớp với tôi, nhập ngũ cùng ngày. Sau giải phóng, anh ở lại Sài Gòn và vẫn tiếp tục đời trinh sát, làm sĩ quan cảnh sát hình sự. Nhưng không bền, vết thương và bệnh tật di chứng từ chiến trường tái phát, anh qua đời khi còn tương đối trẻ. Mỗi lần dừng bước nơi đây, “phi trường Sư đoàn 10”, tôi nhớ Quang, muốn trào nước mắt.

Luôn luôn là như vậy, vinh dự tự hào về truyền thống đơn vị và bồi hồi thương nhớ anh em, là những nỗi niềm vui buồn xen lẫn trong tâm trạng chúng tôi những khi hội tụ gặp gỡ nhau, những khi về thăm lại chiến trường xưa. 

Plâyme, Plâycần, Đắc Tô, Tân Cảnh, Căn cứ 42, Võ Định, Chư Thoi, Trung Nghĩa, đèo Ăng Bun, đèo Cây đa lộng gió, Điểm cao 601...  khôn xiết kể những địa danh, nay còn tên hay nay đã mai một, nhưng mãi còn trong trí nhớ chúng tôi, bởi tất cả đều là những nơi in đậm chiến công, những nơi thấm đẫm máu xương và mồ hôi đời người lính gian khổ Sư đoàn 10.

Tây Nguyên, ai một lần qua đó
Suốt cuộc đời ngẫm lại vẫn thương nhau

Quả thực vậy, bản thân tôi ngẫm lại, thấy tự hào, thấy thương nhớ, thấy đáng sống nhất vẫn là quãng đời tuổi trẻ vinh dự là chiến sĩ Sư đoàn. 

Chẳng riêng tôi, mà tất cả những ai từng tiến bước dưới quân kỳ của Sư đoàn, thì ngày hôm nay dù có sống sung sướng hạnh phúc tới thế nào cũng không thể bằng được hạnh phúc tột đỉnh ngày Toàn thắng, và trái lại, dù hiện giờ có phải sống vất vả khó khăn tới đâu cũng chẳng đáng gì, bởi có nỗi khổ nào ở thời nay sánh nổi những năm trường Tây Nguyên tột cùng gian khổ của đời lính Sư 10. 

Có thể nói, việc Sư đoàn là đơn vị chủ công giáng đòn chí tử  Buôn Ma Thuột,  không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ chiến đấu trên giao, mà đấy còn là  “cái quyền tối cao và thiêng liêng trước lịch sử” đất nước trao cho riêng Sư đoàn 10. Không hề nói quá đâu. 

Với mỗi người lính Sư 10, thì Buôn Ma Thuột và nói chung toàn bộ Chiến dịch tháng 3-1975 giải phóng Tây Nguyên, là trận chiến đền ơn và rửa thù cho đồng bào các dân tộc, cho ngàn vạn anh em đồng đội đã ngã xuống và cho cả chính bản thân mình nữa. 

Tấn công Buôn Ma Thuột, chúng tôi trả đòn lại cho từng thảm bom B52, từng loạt pháo bầy, từng trận mưa thuốc độc dioxin, chúng tôi phục hận cho những mùa mưa rút lui, triền miên sốt rét đói ăn không thuốc men, cho những tháng ròng phòng ngự với khẩu phần ngày một lạng “sắn cõng gạo” cầm hơi giữ chốt.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Sư 10 kể rằng, ngay sau ngày Giải phóng Sài Gòn ông đã dự định phát động một đợt sưu tầm sâu rộng những sáng tác thơ văn nhạc họa, bích báo, nhất là những hồi ức, nhật ký, chuyện kể của anh em bộ đội B3 từ khi mới thành lập Mặt trận cho tới kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Bìa truyện ký “Lính Sư 10”.

Chủ trương hồi đó là chưa cần phải văn chương trau chuốt gì mấy đâu, Thủ trưởng Hiệp kể vậy, mà cần chân thực, người thật chuyện thật, và cố gắng tập hợp thật nhiều, thật nhanh, không có thất lạc mất và quên dần đi mất. 

Song dự định ấy phải tạm để lại, bởi ngay sau 30-4 là một thời kỳ khó khăn gian khổ mới đến với Sư 10 và Quân đoàn: Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới phía Bắc... Còn những anh em chuyển ngành giải ngũ thì đã lập tức phải nhập mình vào đời sống mưu sinh thường nhật với vô vàn gian lao vất vả suốt một thời bao cấp.

Năm tháng trôi qua, đất nước Đổi Mới, cuộc sống dần bình ổn hơn, anh em Sư đoàn có điều kiện gặp lại nhau đều hơn, có Hội cựu chiến binh, có Ban liên lạc, hàng năm đều đặn đoàn tụ. Nhưng mà đều đã “lính già đầu bạc”, trí nhớ, ký ức giảm dần là điều không tránh được. Bởi vậy dự định của Thủ trưởng Đặng Vũ Hiệp hồi nào cần phải được cấp thiết thực hiện.

Cuốn truyện ký Lính Sư 10, tuy mới tập hợp được một phần hồi ức và kỷ niệm đời bộ đội của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn, song vẫn thực sự thể hiện tình nghĩa sâu sắc của những người còn sống đối với chiến trường xưa và với anh em đồng đội đã ngã xuống.

Anh em bộ đội Sư đoàn 10 còn đến hôm nay đã viết những dòng hồi ức chân thực và chân thành nhất để trước nhất gửi tới “Sư đoàn 10 hơn mười ngàn anh em đã nằm xuống trong lòng đất mẹ Tây Nguyên” lời thề xưa, lời thề không bao giờ quên nhau, không bao giờ làm phai mờ truyền thống Sư đoàn. 

Chúng tôi không chỉ từng là một đoàn quân đông đảo và hùng mạnh, chúng tôi còn là cả một sự nghiệp lớn lao, một sự đồng lòng vĩ đại. Năm tháng dẫu trôi qua, và dẫu người còn người mất, nhưng lý tưởng chiến đấu cháy bỏng suốt thời trai trẻ chiến trường sẽ còn sáng mãi trọn đời anh em chúng tôi.

Như lời thề vang lên trước hàng vạn bia mộ Liệt sĩ Sư đoàn 10 ở Kon Tum:

Xin tạc vào bia đá
Xin viết lên trời xanh
Xin khắc cốt ghi tâm lời thề này.

Đây là bài thơ khuyết danh của một chiến sĩ Sư 10 mà hầu hết anh em lính B3 hồi ấy đều thuộc, nhưng khá nhiều dị bản. Bản này theo tôi chính xác hơn cả.

Giặc đói

Trận đánh này chúng tôi chốt Bản Vuông
Quần địch cả tháng lương ăn không còn nữa
Dưới chân đồi giặc đông như kiến cỏ
Phía chúng tôi còn lại mấy đứa thôi
Không sợ chết, không sợ đạn bom rơi
Cái sợ nhất lúc này là đói
Đói vàng mắt, đói long đầu gối
Đói rụng rời, đói thừa cả chân tay
Nhưng lạ thay vào đúng lúc này
Chúng tôi lại đánh tan quân giặc
Cũng chỉ vì không thể nào khác được
Cũng chỉ vì còn mất mà thôi
Dưới chân đồi giặc đã chạy rồi
Nhưng cái đói lại xông lên tận chốt
Không thể bắn cũng không thể giết
Muốn cầu hòa cái đói chẳng buông tha
Đồng đội tôi gục xuống giữa chiều tà
Gạo vừa tới, nồi cơm đang chín dở
Xoong canh môn thục bùng bục sôi trên lửa
Bạn tôi “đi” không kịp bữa cơm chiều
Ôm xác bạn chúng tôi khóc hu hu
Thằng chết đói trên tay thằng đói lả
Chôn bạn rồi, đói dềnh lên mặt cỏ
Cắm cành cây đói lả trước mồ
Chúng tôi bảo nhau cúng bạn cả nồi cơm to
Cơm đây, canh đây mày ăn đi kẻo đói
Sống giữ chốt, chết thành ma đói
Đêm giữa rừng, ruột đứt từng cơn.

                     Khuyết danh tác giả. Bùi Văn Tiến  - Sư 10 sưu tầm

Bảo Ninh
.
.