Một lần đi họp tại trụ sở Liên hợp quốc

Thứ Hai, 26/02/2007, 13:00

Giữa tháng 11/2006, tôi có dịp tham gia đoàn đi hội nghị của Liên minh Nghị viện thế giới, tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ). Hội nghị mang chủ đề "Ngăn ngừa xung đột và thiết lập hòa bình - củng cố vai trò chủ đạo của Liên hợp quốc", có sự tham dự đông đảo của cơ quan lập pháp các nước thành viên Liên minh Nghị viện thế giới IPU.

Mặc dù danh sách đoàn và các chi tiết nhân sự cần thiết đã được gửi trước đến ban tổ chức hội nghị, nhưng vào buổi sáng trước giờ khai mạc hội nghị 2 tiếng, chỉ trừ đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội - Trưởng đoàn và một vài người nữa trước đây đã dự họp tại trụ sở LHQ, anh em chúng tôi có mặt sớm tại địa điểm làm thẻ ra vào hội nghị để làm thủ tục.

9 giờ sáng đầu mùa đông ở đây mới thực sự sáng hẳn. Anh em chúng tôi đứng bên ngoài. Căn phòng làm thủ tục (nằm ngoài trụ sở LHQ) vẫn còn đóng cửa. Anh Vân - tham tán cơ quan đại diện thường trực nước ta tại LHQ thở phào:

- Chúng ta là những người đến sớm nhất, vậy có nghĩa là sẽ được làm thủ tục trước các đoàn khác!

Tôi hiểu tâm trạng của một người đã có kinh nghiệm từ nhiều năm gắn bó với các hoạt động tại tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này. Ở đây chỉ có họp và họp. Quanh năm suốt tháng là họp, mỗi ngày có tới mấy cuộc. Người năm châu bốn biển đổ về. Trong bối cảnh khủng bố gia tăng, đã có những lần trụ sở LHQ được nêu đích danh là mục tiêu tấn công khủng bố, thì việc xếp hàng để làm thủ tục an ninh ra vào nơi này cũng là điều dễ hiểu!

Nhưng rồi chúng tôi cũng không phải chờ đợi lâu. Cửa mở. Từng người chúng tôi bước lại một trong 4 chiếc bàn có nhân viên ngồi sau máy tính gắn camcord. Sau khi nhập các dữ liệu hộ chiếu vào máy và ghi hình, cô nhân viên trẻ mỉm cười gật đầu đưa tôi một tấm thẻ mica bằng hai ngón tay, trên đó đã in tên tuổi, ảnh, thời hạn có giá trị và những dấu mã hoa văn chìm. Mọi việc hoàn tất trong vòng 5 phút.

10 giờ rưỡi, trước thời gian khai mạc hội nghị nửa tiếng, chúng tôi đi sang nơi họp. Khách sạn Millennium UN Plaza chỉ cách trụ sở LHQ vài trăm mét nên chỉ cần đi bộ qua đại lộ số 1 là tới. Trưởng đoàn ta được phía Mỹ bố trí một chiếc xe Limousine đặc chủng trong thời gian hội nghị, song không phải dùng đến. Còn với anh em trong đoàn, đỡ được khoản tiền thuê xe đã đành, nhưng quan trọng hơn là tiết kiệm được thời gian do tránh khỏi kẹt xe giờ cao điểm ở New York.

Hệ thống các phòng họp chính tại tổng hành dinh LHQ nằm bên cạnh khối nhà 38 tầng - nơi làm việc hàng ngày của các quan chức Ban Thư ký. Lớn  nhất là phòng họp Đại hội đồng, ghế xếp theo hình vòng cung từ thấp đến cao, gắn biển tên từng nước ở trước. Sau mỗi hàng ghế chính - nơi các trưởng đoàn ngồi là một hoặc hai hàng ghế phụ - chỗ ngồi của đại biểu cùng đi, cố vấn hoặc tùy tùng. Hai bên cánh gà có mấy dãy ghế màu xanh cho khách dự thính. Như vậy, xem ra nguyên tắc “không ngồi nhầm chỗ” đã được thể hiện ngay từ trong cái phòng họp mang tính biểu tượng này của thế giới.

Các phòng họp của các ủy ban, của Hội đồng quản thác, Hội đồng Bảo an… thì nhỏ hơn, bài trí có vẻ đơn giản, nhưng đều có thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm mục đích hỗ trợ tốt các cuộc họp. Đại sứ Trưởng phái đoàn đại diện của ta tại LHQ, Lê Lương Minh cho biết: Phòng họp của Hội đồng Bảo an có nhiều khi phải sáng đèn bất chợt giữa đêm vì những cuộc nghị bàn đột xuất trước những biến cố bất thường tại đâu đó trên hoàn cầu…

Bị ám ảnh bởi con số lớn bội chi ngân sách của ta hàng năm cho các hội nghị, tôi cứ tản bộ trong hành lang khu hội trường LHQ như để tìm một sự liên tưởng. Có một chỗ đặt mấy vòi nước lọc, miễn phí, uống trực tiếp khi tia nước lạnh giá phun ra. Người Mỹ có thói quen xài đồ uống lạnh. Giữa lúc trời đông buốt cóng mà hớp thứ nước lạnh này vào miệng thì có lẽ chẳng phải là giải pháp tối ưu đối với thói quen khề khà bên ấm trà nóng đầu giờ làm việc ở ta.

Vậy anh muốn uống cà phê, trà nóng? Cũng có đấy, nhưng phải trả tiền. Cần liên lạc với bên ngoài? Rất nhiều máy điện thoại cố định phục vụ, chỉ cần có thêm động tác thanh toán hoặc dùng thẻ trả trước! Ơrêca, đã phát hiện thấy một dàn máy tính chừng chục cái đặt tại hành lang, truy cập Internet miễn phí. Có thế chứ! Và khu vực này lúc nào cũng đông đúc chẳng kém bên trong các phòng họp.

Hệ thống hành lang rộng rãi ở đây cũng còn vô số những điều gây ấn tượng khác. Có đoạn gần ngay lối thang cuốn từ tầng 1 lên được xếp sin sít cả hai phía những cờ là cờ của các nước thành viên. Rồi các thứ đồ quốc bảo khác nhau được trưng bày. Từ rất xa đã có thể nhận thấy tấm thảm tranh khổng lồ mang hình Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc. Cạnh đó là bức thảm tranh Ba Tư với những hoa văn tinh tế… Pha lẫn chút tự hào, chúng tôi dừng lại chụp ảnh bên hình mẫu trống đồng Đông Sơn của ta. Vâng, đất nước chúng tôi với hàng nghìn năm lịch sử, nhất định xứng đáng là một thành viên đầy trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

… 11 giờ 10 phút. Ba tiếng búa gỗ gõ xuống mặt bàn. Hội nghị khai mạc. Như vậy là chậm 10 phút so với dự kiến. Lý do ở khâu làm thủ tục ra vào. Những phiên họp sau đó đều bắt đầu đúng giờ. Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới đọc diễn văn khai mạc. Tiếp theo là phát biểu của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ và 4 báo cáo bổ sung. Tất cả đều ngắn gọn, đi thẳng vào chủ đề chính.

Trong phần tham luận, thảo luận, đại diện quốc hội, nghị viện các nước chỉ được dành 2 phút cho một ý kiến, nói sát theo diễn tiến của buổi họp. Bên trong ngôn ngữ ngoại giao là những ý tứ sắc sảo hàm chứa mối quan tâm và lợi ích của từng quốc gia, từng tổ chức. Cũng có những ý kiến không ngại bày tỏ quan điểm khác, mang lại chút không khí tranh luận. Các chuyên gia gọi hình thức phát biểu này là Intervention, bắt đầu áp dụng ngày càng phổ biến tại IPU trong mấy năm gần đây. Các hội nghị, nhờ vậy, trở nên sinh động hơn so với trước đây chỉ toàn đọc các bài nói lê thê đã chuẩn bị sẵn trước cả tuần lễ. Và thời gian cùng giấy mực, chi phí phiên dịch cũng tiết kiệm được đáng kể.--PageBreak--

Phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam khuyến nghị IPU cùng quốc hội các nước mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm ở cả cấp khu vực và thế giới, phù hợp trình độ phát triển của từng quốc gia, đề cao hơn nữa trách nhiệm thành viên của từng quốc gia trước LHQ để gìn giữ hòa bình. Lập trường này được các đại biểu rất hoan nghênh. Bạn bè quốc tế cũng chú ý và khích lệ một số thành công của ta trong bước đầu thực hiện những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do LHQ khởi xướng.

Trừ lúc nghỉ trưa, các phiên họp hầu như không có giải lao. Sau mấy ngày họp, chương trình nghị sự đã cơ bản hoàn tất theo dự kiến.

... Những ngày dự hội nghị cũng là dịp tôi chiêm nghiệm lại những cảm nhận sẵn có của mình về New York - thành phố bận bịu vào loại nhất hành tinh. Lần trước, tôi đến đây khi chưa xảy ra sự kiện 11/9/2001. Nếu không đến nhìn lại địa điểm Tòa tháp đôi ngạo nghễ năm xưa mà nay chỉ còn là bãi đất trống mang địa danh Ground Zero được rào kín; nếu không vướng những thủ tục an ninh chặt chẽ nhiều lúc khá nhiêu khê khi vào ra chỗ này chỗ nọ, thì dường như mạch sống của cái đô thị khổng lồ này vẫn luôn luôn như vậy với những dòng chảy ôtô hối hả trên đường suốt ngày đêm.

Đúng là thành phố không có đêm, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Phòng khách sạn tôi ở trên tầng thứ 30, có cửa sổ nhìn ra con sông Đông rộng lớn. Ở trung tâm New York, một địa điểm như thế này là khá yên tĩnh (cho nên giá tiền cũng không rẻ chút nào). Thế nhưng, vào ban đêm, tôi không thể chợp mắt nếu không thả xuống tấm màn dày che kín cửa sổ, vì ánh sáng chói lòa tựa biển sao từ phía bờ sông bên kia thuộc quận Queens hắt lại. Những đại lộ, những con phố ở Manhattan này - quận trung tâm New York, hầu như chẳng lúc nào được ngơi nghỉ. Có lẽ vì thế mà lựa được một ít phút vá lại mấy chỗ mặt đường lâu ngày bị bong tróc là rất khó khăn. Cho nên, lại là nghịch lý khi thấy mặt đường đại lộ trung tâm New York có nhiều ổ gà hơn cả những chặng dài đường cao tốc chạy qua những vùng xa xôi trên đất Mỹ!

Tính từ khi Henry Hudson người Anh khám phá ra Manhattan năm 1609 (trước đó đã có người bản địa Bắc Mỹ cư trú), đánh dấu thời kỳ phát triển mới của New York, thì nay mới tròm trèm 400 năm. Đến 1783, New York là cảng cuối cùng chứng kiến các chiến thuyền quân Anh di tản. Năm 1904, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đi vào hoạt động. Thành phố trẻ có tầm nhìn xa về quy hoạch không gian đô thị, vì vậy tuy với hàng chục triệu cư dân tại chỗ và hàng triệu lượt khách vãng lai mỗi ngày, với mật độ nhà chọc trời đậm đặc nhất thế giới, New York vẫn mang lại cảm giác tương đối thông thoáng và mạch lạc.

Khách lạ đi tản bộ ở trung tâm New York rất dễ xác định phương hướng vì những đại lộ dọc cắt ngang vuông vắn những con phố như những ô bàn cờ, hầu hết đều gọi tên theo số thật dễ nhớ. Mặc dù nay Tòa tháp đôi không còn, nhưng giữa rừng cao ốc của New York vẫn có những điểm nhấn, như tòa nhà Empire State, tòa tháp Crysler... Trải dài tới gần một nửa khu trung tâm thành phố là một công viên lớn có tên Công viên Trung tâm. Và một điều không thể không nói tới, đó là New York thấm đẫm sức sống dồi dào của biển cả, của các con sông Đông, sông Hudson bao bọc - nơi vừa mang đến cho thành phố không khí trong lành, vừa tiếp cho sức sống kinh tế của một trong những hải cảng hàng đầu thế giới.

Trong một số cửa hàng và siêu thị tại New York, lòng tôi ấm lên khi thấy đã có sự góp mặt của hàng hóa Việt Nam. Cái cảm giác gần giống như gặp người đồng hương ở chốn xa lạ. Nhưng hàng của ta vẫn còn thật khiêm tốn về số lượng cũng như về giá cả. Chủ yếu hầu như chỉ là quần áo, giày dép. Dù sao, so với mấy năm trước những con chữ "Made in Vietnam" cũng đã xuất hiện nhiều hơn tại các quầy hàng.

Tôi ước mong và tin về một sự sinh sôi trong những tháng năm sắp tới...
Nguyễn Duy Thiện
.
.