Món nợ của thành phố

Thứ Bảy, 21/01/2017, 06:46
...Nông thôn và miền núi chịu thiệt thòi là để đô thị phát triển, trở thành đầu tàu, thành hạt nhân của sự phát triển chung. Đó chính là món nợ của thành phố đối với nông thôn và miền núi. 

Trong bài viết trước nhan đề Bản chất tương tác xã hội của giá trị, chúng ta đã thấy rằng giá trị hàng hóa có bản chất xã hội. Một thứ hàng hóa chỉ có giá trị trong quan hệ trao đổi giữa người với người: giá trị không phải là một đại lượng khách quan bất biến nằm trong bản thân vật đó, cũng không phải là sự thể hiện cảm nhận chủ quan đỏng đảnh của ai đó. 

Giá trị là kết quả, nói đúng hơn là một hiệu ứng, của sự tương tác mang tính tình huống giữa những người tham gia trao đổi hàng hóa trong một bối cảnh vật chất - xã hội nhất định.

Mọi sản phẩm do con người làm ra và đem trao đổi đều nhằm đáp ứng hai loại nhu cầu. Đó là: 1. Các nhu cầu vật lý, như ăn, mặc, sưởi ấm…, nhằm duy trì sự tồn tại của con người, tuy bức thiết nhưng lại giới hạn và có thể thỏa mãn hoàn toàn; và 2. 

Các nhu cầu xã hội, như quyền lực, sắc đẹp, trí tuệ…, nói chung nhằm vào các đối tượng tinh thần và có mục đích tăng ưu thế đối với người xung quanh. Các nhu cầu xã hội có đặc điểm là tuy không thiết yếu nhưng vô hạn. 

Công thức tổng quát của giá trị là: V=Vp+Vs (trong đó V là giá trị, Vp là giá trị vật lý và Vs là giá trị xã hội). Công thức này không chỉ cho phép chúng ta giải thích vai trò của lao động và của thị trường, như chúng ta đã nghiên cứu trong bài trước, mà còn cho phép chúng ta giải thích nhiều hiện tượng kinh tế - xã hội khác nhau.

Giá trị không bất biến và chúng ta cũng không thể xác định một cách khách quan. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự biến đổi của giá trị để giải thích các hiện tượng kinh tế hoặc điều hành nền kinh tế.

Một ví dụ là lý do của tình trạng chậm phát triển. Do đặc điểm của Vp là giới hạn, bi kịch của các nền kinh tế kém phát triển là ở chỗ, vì chỉ sản xuất các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu vật lý, họ sẽ gặp phải những giới hạn không thể vượt qua về phát triển. 

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Như chúng ta đã nghiên cứu trong bài trước, các nhu cầu vật lý là hữu hạn, vì vậy, khi sản lượng đạt đến một mức nào đó, càng sản xuất nhiều giá trị hàng hóa càng giảm. Nếu số lượng hàng hóa vượt quá khả năng tiêu thụ của xã hội, giá trị của hàng hóa sẽ giảm đến mức rất thấp, gây khủng hoảng thừa. Vì lẽ đó, các quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đánh cá, thủ công nghiệp... luôn luẩn quẩn trong vòng nghèo đói.

Khu vực kinh tế tạo giá trị vật lý và và khu vực tạo giá trị xã hội vận hành và tương tác với nhau như thế nào? Để đơn giản, ta có thể hình dung xã hội chỉ bao gồm những người trồng lúa và hai người buôn bán bất động sản là A và B. 

Giả sử A bán cho B một ngôi nhà giá 100 triệu, B lại bán lại ngôi nhà đó cho chính A với giá 120 triệu, nghĩa là lãi 20 triệu. A sau đó lại bán chính ngôi nhà đó cho B với giá 140 triệu để rồi B tiếp tục bán ngôi nhà cho A với giá 160 triệu. Nếu không có một nguyên nhân nào đó chặt đứt chuỗi mua bán này, một quá trình như vậy có thể kéo dài vô tận và sau mỗi giao dịch người bán đều có lãi. 

Trong khi đó, vì nhu cầu vật lý về gạo là hạn chế và cách trồng lúa nói chung không thay đổi nên giá trị của gạo nói chung là cố định. Nhìn trên quy mô toàn xã hội, tổng giá trị tài sản không ngừng tăng lên. Khi đó, để nền kinh tế vận hành bình thường, một khoản tiền tương ứng với sự gia tăng tổng giá trị đó phải được bơm vào theo một cách nào đó.

Trong xã hội giản lược này, về đại thể, mức sống của những người kinh doanh bất động sản tăng lên rất nhanh, bởi giá trị xã hội của những bất động sản mà họ sở hữu tăng nhanh, còn mức sống của người trồng lúa không hề bị ảnh hưởng, nếu không nói là có thể được cải thiện đôi chút (rất có thể là với lợi nhuận thu được, A và B sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ, phát triển giáo dục, hay thậm chí còn trợ giúp cho người trồng lúa để nâng cao năng suất). 

Bức tranh này nói chung là tích cực, ngoại trừ một điều là sự khác biệt về mức sống, hay nói khác đi là khoảng cách giàu nghèo, giữa những người kinh doanh bất động sản với người trồng lúa tăng lên nhanh chóng. Quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra như thế cho đến khi một lý do nào đó làm gián đoạn chuỗi mua bán giữa A và B. 

Khi đó điều gì sẽ xảy ra? Trước hết, giá nhà sẽ đột ngột rơi xuống, mặc dù có lẽ không bao giờ có thể xuống đến mức bằng hoặc thấp hơn giá ban đầu. Tuy nhiên, lượng tiền đã bơm ra thị trường trước đó để tương ứng với mức tăng giá bất động sản vẫn còn lại và sẽ tác động lên toàn bộ các tài sản của xã hội, ở đây là cả bất động sản lẫn lúa gạo. Điều có thể dự đoán sẽ là lạm phát.

Bức tranh trên đây tuy rất giản lược, nhưng về bản chất chính là những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Và điều này diễn ra với sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước thông qua ngân hàng quốc gia với công cụ chính của nó là đồng tiền pháp định. 

Vì trên thực tế, đồng tiền pháp định chỉ đơn thuần là một ý niệm, nhà nước có thể dễ dàng bơm vào thị trường một lượng tiền không hạn chế mà không gây ra lạm phát, miễn là lượng tiền bơm thêm vào tương ứng với sự gia tăng của tổng giá trị tài sản. Nhưng, như chúng ta thấy ở phần trước, tổng giá trị tài sản của xã hội bị ảnh hưởng bởi những yếu tố duy tâm, và vì thế bất kỳ lúc nào sự rối loạn cũng có thể xảy ra.  

Dĩ nhiên, trên thực tế không chỉ có ngành kinh doanh bất động sản mới có khả năng gây ra bất ổn tài chính. Có thể nói rằng trong nền kinh tế hiện đại, tuyệt đại đa số các ngành kinh doanh đều chứa đựng nguy cơ này. Tuy nhiên, có thể nói rằng những ngành dịch vụ chứa đựng nhiều nguy cơ hơn là các ngành sản xuất, và ngành nào càng ít yếu tố vật chất càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Ngành kinh doanh bất động sản là ngành được nhắc đến nhiều từ khi xảy ra cuộc khủng tài chính hiện nay, nhưng nguy cơ chủ yếu được tạo ra từ việc định giá bất động sản, chứ không phải là trong quá trình xây dựng. 

Ngành kinh doanh chứng khoán thậm chí còn chứa đựng nhiều nguy cơ hơn. Điều này có thể thấy rõ qua những gì diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Trong một thời gian rất ngắn, giá trị tài sản của nhiều nhà đầu tư đã tăng lên vượt mọi dự đoán, khiến nhiều người nhanh chóng trở nên giàu có. Khi đó, nhà nước đã bơm rất nhiều tiền vào lưu thông cho tương ứng với tổng giá trị tăng thêm, giúp các nhà giàu mới nổi nhờ chứng khoán này có thể vật chất hóa các giá trị tăng thêm. 

Điều diễn ra sau đó mọi người đều biết rõ. Khi giá chứng khoán đột ngột giảm xuống cùng với giá bất động sản, lượng tiền bơm thêm này đã gây ra lạm phát ở mức hai con số.

Ở đây chúng ta phải lưu ý một vấn đề mang tính đạo đức. Chúng ta đã thấy trong bức tranh trên, khi kinh tế tăng trưởng, sự giàu có mới chủ yếu rơi vào tay những người kinh doanh ở khu vực duy tâm hóa cao, tức là vào tay những người giàu, và ít có tác dụng cải thiện mức sống của những người lao động trong các khu vực truyền thống có mức độ duy tâm hóa thấp, tức là những người nghèo. Tuy nhiên, khi xảy ra khủng hoảng, tác động của lạm phát sẽ được phân phối lên mọi thành viên trong xã hội. 

Điều này đúng trên quy mô quốc gia và cũng đúng trên quy mô quốc tế. Khi kinh tế thế giới cất cánh, các giá trị mới được tạo ra chủ yếu rơi vào những quốc gia phát triển và hầu như không giúp ích gì cho các nước nghèo. Tuy nhiên, khủng khoảng lại tác động đến mọi quốc gia.

Vấn đề đạo đức cũng thể hiện ở sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa đô thị và nông thôn, nhất là vùng nông thôn miền núi xa xôi. Nhiều người thường quy toàn bộ sự nghèo đói của bà con nông thôn hay miền núi như là hậu quả của phong tục lạc hậu, của sự thấp kém về giáo dục hay thậm chí là do thói lười nhác. 

Ngay cả những người làm từ thiện đôi khi cũng có thái độ thương hại, thậm chí là coi thường người dân nông thôn và miền núi. Nhưng hãy thử suy nghĩ. Những đường phố trải nhựa bóng láng đến tận ngõ hẻm ở Hà Nội hay Sài Gòn mà chúng ta lái ôtô qua lại hàng ngày được xây bằng tiền ngân sách. 

Chưa hết, nhiều con đường còn chạy tốt đã được tu bổ lại, cũng bằng tiền ngân sách. Trong khi đó bà con miền núi, nghèo hơn chúng ta rất nhiều, phải góp tiền để làm đường làng, xây cột điện. 

Tại sao như vậy? Vì trong kinh tế, khi đầu tư, với nguồn vốn hạn chế, người ta buộc phải chọn nơi đầu tư có hiệu quả nhất. Nơi đó là thành phố, nơi có thị trường lớn, có điều kiện để phát huy tối đa khu vực sản xuất giá trị xã hội, tức Vs. 

Như vậy, về bản chất, sự phồn thịnh, giàu có của thành phố là dựa trên sự hy sinh của người dân nông thôn và miền núi - mặc dù chính họ có lẽ cũng không ý thức được điều đó. Nông thôn và miền núi chịu thiệt thòi là để đô thị phát triển, trở thành đầu tàu, thành hạt nhân của sự phát triển chung. 

Đó chính là món nợ của thành phố đối với nông thôn và miền núi. Đó chính là món nợ mà chúng ta, những người đi xe hơi trên những con đường láng bóng, ngủ trong những ngôi nhà có điều hòa nhiệt độ, đối với những cụ già còng lưng giã gạo, những chị nông dân một nắng hai sương vất vả trên đồng lúa và những em bé bụng đói chân đất đến trường.

Chúng ta trả món nợ đó như thế nào? Có nhiều cách. Các tổ chức và cá nhân có thể tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội hay từ thiện. Các địa phương miền xuôi có thể dành một phần ngân sách để xây dựng trường sở, bệnh viện và các công trình dân sinh khác cho bà con miền núi. 

Nhưng trên hết là hãy xứng đáng với sự hy sinh của bà con nông thôn và miền núi, hãy sử dụng thật hiệu quả món nợ mà họ dành cho chúng ta để phục vụ công cuộc phát triển đất nước. 

Ngô Tự Lập
.
.