Miệng nhà quan...

Thứ Ba, 27/01/2015, 17:22
Trong dân gian người ta vẫn nói “Miệng nhà quan có gang có thép”. Thu hẹp trong vấn đề bóng đá và thay cụm từ “miệng nhà quan” bằng “miệng ông bầu” thấy câu nói vẫn còn nguyên giá trị.

“Nếu gặp lãnh đạo Đồng Tháp, tôi sẽ chứng minh cho họ rằng chỉ cần 15 tỷ đồng/ mùa là có thể làm bóng đá chuyên nghiệp được rồi” - ông đã nói dõng dạc như vậy vào một thời điểm mà tân binh V.League Đồng Tháp liêu xiêu bởi chuyện tiền nong.

Câu nói khiến cả làng phát sốc vì chính VPF cũng xác định con số tối thiểu mà một đội bóng V.League phải chi trong một mùa giải là 30 tỷ đồng, nghĩa là gấp đôi số tiền ông nói. Nhưng vấn đề là ông không chỉ nói, mà còn chứng minh rõ ràng là đội bóng của ông cũng chỉ chi tiêu một khoản trên dưới 15 tỷ đồng/ mùa, và đấy sẽ là một trong những đội bóng Việt Nam đầu tiên kiếm lời từ bóng đá.

Một nhà lãnh đạo cựu trào ở một CLB V.League giãy nảy người khi nghe ông nói: “Theo tôi thì đúng là một khi có quyền và có tiền người ta nói sao cũng được!”. Theo vị này có thể những chi trả cụ thể trong một mùa bóng mà CLB của ông bầu này bỏ ra đúng là chỉ vào khoảng 15 tỷ đồng, nhưng vấn đề là đội bóng ấy sử dụng hàng loạt cầu thủ trẻ do mình đào tạo trong khoảng 6 năm qua.

Trung bình mỗi năm, kinh phí đào tạo các cầu thủ trẻ cũng là 5 tỷ đồng, vậy 6 năm đào tạo cũng ngốn một mức kinh phí vào khoảng 30 tỷ đồng. Vậy thì lờ đi con số 30 tỷ đồng âm thầm đầu tư để chỉ nhắc tới 15 tỷ đồng bề nổi liệu có hợp tình hợp lẽ? Và với những đội bóng không hoặc chưa có điều kiện sử dụng các cầu thủ trẻ, mà phải vung tiền lót tay, trả lương thưởng hợp lý để lôi kéo các cầu thủ từ các nơi khác về đầu quân cho mình thì khoản đầu tư 15 tỷ đồng/ mùa liệu có khả thi?

Sau khi phân tích kỹ lưỡng những điều trên đây, nhà lãnh đạo cựu trào này còn bảo: “Cho đến trước mùa giải năm nay, khi chưa ồ ạt sử dụng các cầu thủ trẻ thì ông ấy cũng chưa từng nói tới con số 15 tỷ đồng”.

Quay ngược lại thời gian vào những năm 2000, 2001, 2002, quãng thời gian mà ông bầu này mới nhảy vào làng bóng thì chính ông, chứ không phải ai khác đã đi tiên phong cho phong trào vung tiền mua cầu thủ. Ông vung nhiều, vung mạnh đến nỗi hàng loạt các ngôi sao phía Bắc đã hội quân về đội bóng của ông, rồi sau đó, cả những ngôi sao thượng thừa Thái Lan cũng thi nhau kéo về tụ nghĩa.

Hồi ấy, sau khi một cầu thủ Hà Nội chạy theo những đồng tiền của ông thì một lãnh đạo cấp cao của thể thao Hà Nội đã nhất định đòi ông 500 đồng lẻ. Tại sao thế? Tại theo vị này: “Những ai bỏ bóng đá Hà Nội ra đi chỉ xứng đáng với cái giá 500 đồng mà thôi”.

Bầu Đức (phải) là một trong những ông bầu có nhiều phát ngôn ấn tượng nhất bóng đá Việt Nam.

Vẫn theo vị này: “Những ông bầu nào vung tiền lôi kéo cầu thủ rồi sẽ đến ngày phải chịu cảnh chính các cầu thủ của mình bỏ mình đi nơi khác”. Chưa đến chục năm sau thì nhận định này ứng nhiệm. Đã từng có một cầu thủ lớn lên từ lò đào tạo trẻ của ông nhưng lại nhất quyết bỏ ông về Bình Dương, và thế là ông tức tối đăng đàn: “Cầu thủ bây giờ càng ngày càng mất dạy!”.

Bây giờ, khi ông đã chuyển hướng đầu tư, đã không còn ồ ạt vung cả tỷ đồng lót tay hoặc cả tỷ đồng tiền thưởng chỉ sau một trận thắng như trước nữa, mà thay bằng kế hoạch sử dụng những cầu thủ do mình đào tạo thì từ ông lại là những câu nói rất đanh thép theo kiểu: “Chỉ cần 15 tỷ đồng/ mùa là đủ”. Tất yếu thôi, những câu nói của ông ở từng giai đoạn luôn phù hợp với những chiến lược phát triển do ông chủ xướng. Và từng câu nói đó đã không ngừng được một bộ phận truyền thông ngợi ca, tô vẽ, khiến cho nó vốn đã “có gang có thép” giờ càng thêm lung linh sắc màu.

Nhưng đấy là những câu nói khi “thắng thế”, còn những lúc thất bại thì sao? AFC Cup năm 2004, ông từng tuyên bố đội bóng của mình phải tấn công vào đấu trường châu lục, nhưng cuối cùng lại đón nhận một thất bại nặng nề ngay sau vòng bảng. Khi ấy ông đã dũng cảm nói rằng kế hoạch của mình là phi thực tế, và rằng “để tiến ra tầm châu lục, cần có một chiến lược đầu tư khác”.

Đúng 10 năm sau, VCK giải U.19 châu Á năm 2014, ông từng đặt mục tiêu U.19 Việt Nam phải cố gắng lọt vào top 4 để tham dự VCK U.20 thế giới nhưng rốt cuộc thì U.19 Việt Nam cũng bị loại ngay sau vòng đấu bảng. Có một chi tiết đáng chú ý là ông đã hiện diện ở ĐT U.19 với vai trò trưởng đoàn, và trước trận ra quân gặp U.19 Hàn Quốc thì ông đã có gần một giờ “lên gân” cho các cầu thủ vốn được ví von như “con yêu, con đẻ” của mình.

Sau này, khi thấy những lời “lên gân” ấy tạo ra tác dụng ngược, U.19 Việt Nam thua nặng 0-6 thì ông cũng dũng cảm khẳng định: “Lỗi là do tôi!”. Ông còn dũng cảm nhắc lại những lần xuất hiện của mình luôn khiến U.19 Việt Nam khó đá, và thế là cũng dũng cảm rời đội ngay ở trận đấu tiếp theo.

Rõ ràng là khi thành hay bại, khi được thời hay mất thời thì những câu nói của ông cũng vang lên mạnh mẽ, và gang thép. Và ở cái làng bóng này, có lẽ bên cạnh cựu bầu Nguyễn Đức Kiên - người cũng đã có một cuộc tổng công kích VFF đầy gang thép để thành lập nên VPF thì ông là một trong những ông bầu gang thép nhất.

Ảnh: Tùng Lê.

Không chỉ những CĐV ruột của ông, mà chắc chắn là những CĐV trên toàn quốc đều rất ấn tượng với sự gang thép ấy. Sự gang thép của một con người dám nói dám làm, nói được là làm được, và khi chẳng may làm không như ý cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Một bộ phận đông đảo giới truyền thông chắc chắn cũng rất thích thú những câu nói ấy, những câu nói không nhàn nhạt, không chung chung giống nhiều nhà lãnh đạo bóng đá khác, mà luôn sôi nổi, luôn gai góc và luôn rất có... tính vấn đề.

Thế nhưng với những người xây dựng và định hướng chiến lược cho cả một nền bóng đá thì những câu nói ấy cũng cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo, hợp tình hợp lệ. Bởi nếu cả một đời sống bóng đá cứ bị cuốn theo và bị dẫn dắt bởi những câu nói của một ông bầu thì đấy chưa chắc đã là một thực tế hay.

Miệng nhà quan có gang có thép và có những lúc không dễ gì  phân định rạch ròi xem “gang thép” ở đây có ích nhiều hơn cho đại cuộc hay có ích nhiều hơn cho kế hoạch của một mình “quan”?

Không phải là tất cả!

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói rằng trước thềm V.League 2015, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã gặp ông đề nghị có một cơ chế riêng bảo vệ các cầu thủ U.19 (năm nay đã trở thành U.20) Hoàng Anh Gia Lai. Và câu trả lời của ông Dũng: “Chúng tôi không chỉ bảo vệ riêng cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, mà còn bảo vệ bóng đá sạch - bóng đá đẹp nói chung”. Nếu quả thực người đứng đầu VFF đã nói như vậy, và quả thực đã hành động như vậy thì đấy là một cách ứng xử hợp tình hợp lý trước một đề nghị phảng phất màu sắc cá nhân của một ông bầu.

Nhiều cơ quan truyền thông thời gian qua cũng nhập cuộc để nói đến chuyện các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ bị đối phương chặt chém, rồi chuyện các trọng tài phải lưu tâm đặc biệt khi điều khiển các trận đấu của Hoàng Anh Gia Lai. Một trọng tài chia sẻ với chúng tôi: “Thật lạ là chính truyền thông dư luận cũng nhiệt tình tham gia vào câu chuyện này. Tôi xin nói lại là có hay không có Hoàng Anh Gia Lai thì nhiệm vụ của chúng tôi vẫn phải là điều khiển trận đấu công bằng, công tâm nhất trong phạm vi có thể của mình”. 

Xem ra khi “quan” đã nói thì những câu nói ấy cũng được khuếch trương, ủng hộ đến tối đa. Nhưng tối đa, chứ không phải là tất cả!

Ngọc Anh


Phan Đăng
.
.