Mexico gần hàng xóm lớn: Thua thiệt đủ điều

Thứ Năm, 28/10/2010, 15:00
Theo dõi các bản tin thời sự từ Mexico, dễ thấy một điều là: rất ít những chuyện vui diễn ra ở quốc gia một thời từng được gọi là "lindo y querido" (tươi đẹp và yêu quý). Chủ yếu đó là tin tức về các thiên tai dịch họa, sự hoành hành của mafia ma túy, sự suy đồi và tham nhũng của các cơ quan công quyền… Không ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, người ta hay dùng thuật ngữ "failed state" (một nhà nước đang phá sản" để chỉ Mexico.

Điều đáng lưu ý là, quá trình từ từ tuột dốc của "vương quốc Aztec" đã bắt đầu sau khi Mexico gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994: từ đó đến nay, nền kinh tế, tài chính, thương mại của Mexico đã bị phá hủy bởi những mối quan hệ "đối tác" với Mỹ, người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Thực tế là mọi định hướng chiến lược trong quan hệ song phương giữa Mexico và Washington đều chủ yếu theo kiểu "nước chảy chỗ trũng", có lợi nhiều cho Mỹ và làm phương hại tới chủ quyền của Mexico.

Ở trình độ phát triển hiện tại, nền công nghiệp và nông nghiệp của Mexico không thể đủ lực để chống lại sự bành trướng hàng hóa và nông phẩm tràn xuống từ phương Bắc. Các nhà sản xuất và tài chính Mexico liên tiếp bị phá sản và trong cảnh khốn cùng, nhiều người trong số họ đã buộc phải gia nhập "xã hội đen".

Tỉ lệ phạm tội ở Mexico hiện đã ở mức kỷ lục chưa từng thấy. Số người bị bắn chết hàng ngày tại đây thường vượt quá số thương vong của liên quân quốc tế đang đồn trú tại chiến trường IraqAfghanistan. Các con số thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong 4 năm gần đây đã có hơn 28 nghìn người chết vì bạo lực.

Nạn nghèo đói của đa phần dân số Mexico (riêng các nhóm người da đỏ sở tại thì gần như nghèo đói toàn phần), tỉ lệ thất nghiệp cao (đặc biệt trong giới trẻ), cuộc khủng hoảng nhà ở kinh niên, các vấn đề trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe đã khiến cho người Mexico luôn luôn phải "sống trong sợ hãi".

Các cơ quan công quyền đã bị tha hóa đến mức ngay cả cảnh sát cũng  bị đắm chìm trong tệ nạn hối lộ và tham nhũng. Đến mức, mới đây, vì tội danh này mà đã có tới gần 3.200 cảnh sát Mexico bị sa thải…

Sự hoạt động kém hiệu quả của bộ máy nhà nước đã dẫn tới mất quyền kiểm soát trong ba thập niên qua đối với nhiều khu vực rộng lớn của đất nước, tạo cơ hội cho các băng nhóm mafia ma túy hoành hành, làm chủ "trận địa", lũng đoạn nhiều thành phần trong các cơ quan công quyền. Khoảng trống quyền lực đặc biệt rõ nét ở những bang giáp giới với Mỹ.

Một trường hợp điển hình là Ciudad Juarez: cư dân ở thành phố lớn thứ tư Mexico này gần như phải sống trong tình trạng bị phong tỏa. Nạn bảo kê, buôn lậu, tệ nạn ma túy, bắt cóc và bạo lực đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" tại đó. Ngay cả những nhân viên tòa lãnh sự của Mỹ ở Ciudad Juarez cũng thường xuyên bị "tai bay vạ gió".

Các thị trưởng ở các thành phố vùng biên giới vì lý do an ninh lắm khi đã phải sang bên Mỹ ngủ đêm. Tuy nhiên, bàn tay bạch tuộc quá dài nên ngay cả "cẩn tắc" như vậy mà không ít người trong số họ vẫn không tránh khỏi bị sát hại.

Những vị tổng thống theo tư tưởng tự do ở Mexico trong những thập niên qua như Carlos Salinas (trong giai đoạn từ 1988 tới 1994), Ernesto  Zedillo (1994-2000), Vicente Fox (2000-2006) và đương kim Tổng thống Felipe Calderon thường sử dụng những thuật ngữ mang tính dân tộc chủ nghĩa để khỏi bị trở thành "pity - yankee" (theo đuôi người Mỹ) trong con mắt của các cử tri. Tuy nhiên, ngay từ khi mới định tham gia tranh cử, họ đã phải tìm mọi cách để làm hài lòng "ông anh lớn" phương Bắc.

Theo nhiều nhà quan sát, nếu được Washington đóng dấu "OK" thì các ứng cử viên Tổng thống ở Mexico mới may ra có cơ hội đắc cử, bất chấp thời tiết chính trị nội địa ở đây như thế nào. Ngay chính ông Calderon đã trở thành Tổng thống được cũng chỉ vì đối thủ của ông, chính trị gia rất được lòng dân Andres Manuel Lopez Obrador, đã không lọt vào mắt xanh của người Mỹ vì Washington cho rằng, ông Obrador nếu đắc cử thì rất có thể sẽ hành xử như Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, "kẻ thù không đội trời chung" của Nhà Trắng.

Có không ít thông tin và bằng chứng cho thấy, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico năm 2006, từng mang lại chiến thắng cho ông Calderon, đã có những vi phạm và lậu phiếu. Tuy nhiên, một khi Washington đã gật thì ở Mexico không thể có ai làm đảo ngược lại kết quả này.

Theo đánh giá của nhà báo Nga Nil Ninkandrov, chưa bao giờ ở Mexico lại có một vị nguyên thủ thân thiết với "người hàng xóm khổng lồ" phương Bắc như đương kim Tổng thống Calderon. Để củng cố vị thế nhiều phần lung lay của mình ở trong nước, ông Calderon đã gần như lúc nào cũng chấp thuận mọi "sáng kiến" và "tối kiến" của Washington.

Nếu trong những năm 60-80 của thế kỷ trước, Mexico còn hành xử một cách tương đối độc lập và chủ động trên trường quốc tế, đã không sợ hãi bày tỏ sự ủng hộ đối với Cuba ngay cả ở thời điểm Washington thù địch nhất đối với "hòn đảo Tự do", thì giờ đây, lãnh đạo Mexico nhất nhất mọi sự đều phải "nhòm mặt" Nhà Trắng. Không ngẫu nhiên mà tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Calderon đã được đặt cho biệt danh "Mr. Yes" (Ông cả gật).

Tổng thống Calderon biết điều này và dù rất tự ái nhưng vẫn chỉ dám kêu ca với những người thân cận rằng, đấy là do các vị Tổng thống tiền nhiệm vụng ăn vụng làm đã đẩy Mexico vào tình cảnh khốn cùng đến mức không thể làm gì nếu không trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ.

Cũng vì sức ép từ Washington nên ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Calderon đã phải mau mắn tuyên chiến với các băng nhóm mafia ma túy. Theo tính toán của các chuyên gia, hàng năm thông qua con đường Mexico tràn vào Mỹ, châu Âu, châu Á một lượng ma túy trị giá tới 40 tỉ USD. Và điều này làm cho người Mỹ rất đau đầu.

Cuộc chiến chống lại các băng nhóm mafia ma túy, được khởi động tại Mexico từ bốn năm trước, đang phải chống lưng vào Mỹ ở mức độ rất cao. Theo đúng "Sáng kiến Merida", có hiệu lực từ giữa năm 2008, cuộc chiến này sẽ phải kết thúc bằng chiến thắng trước tất cả các băng nhóm mafia ma túy nằm cả ở hai bên đường biên giới. Washington đã bỏ ra tới một tỉ rưỡi USD cho cuộc chiến này.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và  Cơ quan phòng chống ma túy (DEA) tiến hành nhiều chiến dịch đặc biệt để làm rối loạn nội bộ các băng nhóm mafia ma túy, buộc chúng vào những tình huống mâu thuẫn và tự chém giết lẫn nhau. Nhìn nhận một cách công bằng, cũng đã có một số kết quả nhất định trong cuộc đấu tranh này. Mới đây nhất, theo Hãng tin AP, ngày 18/10, cảnh sát Mexico đã phát hiện và tịch thu được 108 tấn ma túy ở thành phố Tijuana nằm gần biên giới với Mỹ, bắt 11 nghi phạm. Đây là mẻ ma túy lớn nhất đã bị bắt trong những năm gần đây…

Trước đó, vào cuối tháng 8/2010, cảnh sát Mexico cũng đã bắt được Edgar Valdez, một trong những tên trùm ma túy hàng đầu có biệt danh là Barbi và vào giữa tháng 9/2010, bắt một tên trùm ma túy khác là Sergio Villareal, biệt danh El Grande hay King Kong… Tuy nhiên, cuộc chiến chống mafia ma túy ở Mexico chắc chắn sẽ còn rất dài lâu.

Dường như lại lặp lại những cay đắng của "Kế hoạch Columbia" ngày trước: càng tốn nhiều tiền của và nhân lực cho các chiến dịch thì dòng chảy ma túy càng hoành hành dữ dội hơn qua con đường Mexico tới những con nghiện ở Bắc Mỹ. Không ngẫu nhiên mà đang vang lên những ý kiến cho rằng phần thắng trong cuộc chiến chống mafia ma túy lại thuộc về chính… những băng đảng ma túy!

Chính tình trạng bạo lực căng thẳng tại khu vực biên giới gần với Mỹ đã khiến nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton mới đây đã buộc phải tuyên bố rằng, những sự kiện bi thảm ở Mexico rất giống như những gì đã xảy ra trong giai đoạn bắt đầu tung hoành của các băng nhóm ma túy tại Columbia trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Sự liên tưởng thật rõ ràng và đau đớn! Những "đội quân an ninh" của các băng nhóm ma túy Mexico đang ngày một lớn mạnh cả về số lượng lẫn sức chiến đấu và khả năng cơ động. Không những thế, một bộ phận dân chúng đang bị bần cùng trong xã hội Mexico lại ở trong tâm thế đồng cảm và ủng hộ mafia ma túy… Tổng thống Mỹ Barack Obama đã "chỉnh sửa" ý kiến của Ngoại trưởng Hillary Clinton bằng lời tuyên bố rằng, ông không hề hoài nghi gì về sự vững chắc của nền dân chủ ở Mexico.

Tuy nhiên, bà Hillary Clinton không đề cập tới chất lượng (rất đáng hoài nghi) của nền dân chủ ở Mexico mà về những đạo quân vũ trang tới tận răng đang ngày càng hoành hành dữ dội hơn tới phía Nam Rio Grande. Chắc chắn sự ủng hộ bề ngoài của chính quyền Mỹ đối với Tổng thống Calderon sẽ phải thay đổi nếu như những quả bom mà các băng nhóm mafia ma túy Mexico tung ra trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và lãnh địa làm ăn sẽ vung miểng cả trên đất Mỹ.

Tại cuộc hội thảo "Mexico - kỷ niệm 200 trăm, kết thúc tê liệt" do tuần san Anh The Economist tổ chức, chính Tổng thống Calderon cũng phải công nhận rằng những khẳng định dường như cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức đã tới hồi kết thúc là "không thích hợp, nông nổi và kiêu căng". Tính hiệu quả kém của chính quyền Mexico hiện nay đang buộc Washington phải chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất

Nguyễn Hữu Huy
.
.