Máu vẫn đổ trong thời hậu chiến

Thứ Sáu, 10/09/2010, 15:00
Tôi là người Quảng Trị, cho nên những năm tháng tuổi thơ tôi được lớn lên ngay bên cạnh những hàng rào kẽm gai, hố bom và súng đạn... nói chung là những tàn tích của chiến tranh. Tôi đã từng chứng kiến quá nhiều những cái chết thương tâm từ những cuộc khai hoang để xây dựng vùng kinh tế mới, những đứa bạn thời niên thiếu của tôi đã vĩnh viễn ngủ yên giữa lòng đất mẹ vì những trò nghịch ngợm bom bi khi đang lao động ở sân trường.

Ấy là những câu chuyện đau lòng của hơn hai mươi năm về trước. Còn hiện tại, trên hành trình đi làm nghề viết báo của mình, tôi vẫn thường bắt gặp đâu đó ở Quảng Trị hay một địa phương nào đó nằm giữa khúc ruột miền Trung Việt Nam, từng đoàn người đủ mọi lứa tuổi, ngày ngày họ lặng lẽ ra đi từ phía ruộng đồng, từ phía có những lũy tre xanh để tìm đến những vùng đồi, những cánh rừng mà trước đây là điểm nóng của những ngày chiến sự.

Đội ngũ đi rà tìm phế liệu của chiến tranh này ở Quảng Trị kết thành từng nhóm, có nhóm năm, bảy người, có nhóm đến cả chục người, cũng có những nhóm chỉ toàn là anh em, họ hàng cật ruột với nhau... Những người này họ lang thang khắp nơi, ban đầu thì họ rà tìm ngay chính trên những mảnh vườn của họ, sau đó là tìm kiếm quanh làng, quanh xóm.

Khi mà cả ruộng đồng, sông bãi không còn nơi để rà tìm nữa thì họ dắt díu nhau đến những Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Đầu Mầu, Sân bay Tà Cơn, Căn cứ Phullơ, Đồi 241, hàng rào điện tử McNamara... Thời gian đầu, những nhóm người này thường đi theo hành trình ngắn, có nghĩa là sáng sớm ra đi, chiều tối lại về. Công việc thường nhật của họ là đi dò tìm, nhặt nhạnh từng chiếc vỏ lon đồ hộp, những tấm nilon, các loại đồ dùng được sản xuất bằng chất liệu nhôm, nhựa, gỗ ván phế thải, sắt thép...

Chiều chiều, họ gồng gánh đến những trung tâm của các thị xã, thị trấn, ở đó có những chủ vựa buôn bán phế liệu chờ họ đến để thu gom. Trung bình, mỗi ngày họ cũng kiếm được vài ba chục nghìn đồng, đôi khi "trúng mánh" thì thu nhập đột biến hơn. Dần dà những nơi quanh phố thị không còn thứ gì để nhặt nữa, họ phải tìm đến những nơi thật xa, những lần đi xa như thế có khi đến cả nửa tháng hay hai mươi ngày họ mới quay về với gia đình.

Tổ chức Renew nỗ lực rà phá bom mìn trên đất Quảng Trị.

Họ đi có tổ chức, và bao giờ trước lúc lên đường họ cũng góp tiền cùng nhau làm một lễ cúng vái giữa trời đất, họ nguyện cầu những đấng siêu linh nào đó phù hộ độ trì cho họ gặp những điều may mắn trên hành trình kiếm sống đầy ắp sự rủi may này.

Tôi đã tìm gặp ông Đ., một trưởng nhóm rà tìm phế liệu chiến tranh ở ngay dưới chân núi Phullơ, để mong tìm hiểu thêm một chút gì đó về cái nghề kiếm cơm vạn bất đắc dĩ này.

- Bác làm nghề này được bao lâu rồi? - Tôi hỏi.

- Cũng được hơn chục năm!

- Thế trước đây bác làm nghề gì?

- Làm nông.

- Bác thấy làm nghề này có quá nguy hiểm không?

- Tất nhiên là quá sức nguy hiểm, nhưng chú xem, ở đất Quảng Trị này thì làm nông cũng đói, đi buôn thì không có vốn liếng. Mấy đời nhà tôi đã sống kiếp "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Thôi thì "Một liều, ba bảy cũng liều" trời kêu ai thì nấy dạ thôi chú ạ!

Vì sao mà ngày càng có nhiều người lao thân vào làm nghề nguy hiểm này? Cũng dễ hiểu thôi, bởi lẽ đây là một nghề không cần vốn liếng đầu tư, mà có đi là chắc chắn có thu nhập. Tuy không nhiều nhặn gì nhưng để chi dùng cho cuộc sống vốn dĩ cơ cực của họ thì cũng còn thoải mái hơn so với việc gieo trồng một thứ rau quả gì đó rồi mỏi mắt ngồi trông.

Càng về những năm sau này, công việc của những người đi rà tìm phế liệu được họ chú tâm đầu tư nhiều hơn, họ đua nhau sắm máy rà điện, nhờ vậy mà công việc có thêm phần nào suôn sẻ. Những yếu tố chủ yếu để làm được nghề này là con người phải có sức khỏe dẻo dai, cộng thêm một chút lòng kiên nhẫn trong công việc là được.

Đại đa số họ không được trang bị một khái niệm cơ bản nào về lĩnh vực tháo gỡ gom mìn cả, chủ yếu là họ hành nghề bằng kinh nghiệm của những bậc đàn anh truyền lại, hoặc là bằng chính những cuộc thí nghiệm đầy sinh tử của bản thân mình. Hiểm nguy luôn rình rập họ, nhưng biết làm sao được khi cuộc sống còn khó khăn.

Anh Hoàng Ngọc Thuận (49 tuổi) và anh Nguyễn Quang Huy (47 tuổi), quê ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) là những người có thâm niên gần 20 năm trong nghề tháo gỡ bom mìn, cho tôi biết: "Tháo được một quả đạn cối đem bán chừng 50.000đ - 60.000đ; một quả đạn pháo loại 105 ly bán được 2.000.000đ".

Nói thế, nhưng các anh vẫn bảo: "Thời buổi này tìm ra một quả bom cũng vàng mắt chứ đâu có dễ dàng gì". Sau một hành trình kiếm tìm như thế, người có được thì đủ sinh sống, trang trải nợ nần, lễ tạ với trời đất. Người không có thì lỗ cả công lẫn vốn mua lương thực, thực phẩm. Có người còn phải bỏ lại một phần cơ thể của mình nơi rừng thẳm, núi thẳm, có người thì vĩnh viễn gửi tấm thân đâu đó do sốt rét hoặc do một quả đạn nào đó phát nổ khi họ lấy thuốc một cách quá bất cẩn.

Xin được nêu ra trong bài viết này một vài trường hợp đau lòng, vài kết cục bi thương từ đạn bom trong thời hậu chiến. Chuyện hai chàng thanh niên ở xã Triệu Giang, Triệu Phong (Quảng Trị) trong khi dùng cưa, đục để tháo gỡ quả đạn pháo 175 ly, đạn phát nổ làm cả hai người chết tan xác, bỏ lại trên đời hai người vợ trẻ và những đứa con thơ ngây.

Cũng ở địa phương này, một thanh niên khác khi tháo đầu đạn pháo 105 ly, do không hiểu biết đã làm đạn nổ, anh ta chết ngay tại chỗ cùng với 3 người hàng xóm hiếu kỳ khác. Đau xót hơn, có những gia đình chịu nỗi đau mất mát do bom đạn chưa nguôi ngoai thì đã phải chít thêm những dải khăn sô cho người thân xấu số khác.

Một ngày cuối mùa đông năm ngoái, sau cái chết của người cha vì đạn nổ khi xăm tìm phế liệu, em Nguyễn Xuân Anh cùng người chú ruột của mình lại đến căn cứ Cồn Tiên để rà tìm phế liệu, không may gặp mìn, chú ruột của em chết, còn em bị mù hai mắt và quanh mình chằng chịt vết thương.

Anh Phan Mạnh Hùng, trú tại phường 1, thị xã Đông Hà (Quảng Trị), cũng là một người có thâm niên trong nghề rà tìm phế liệu của chiến tranh tâm sự với tôi rằng: "Làm nghề này thì cầm chắc mười mươi cái chết, nhưng ngoảnh lại sau lưng mình là vợ con, là cơm, áo, gạo, tiền... thôi thì đành phó mặc rủi, may cho trời đất...".

Còn nhiều những cảnh đời oan nghiệt khác đang sống những ngày cuối cùng của đời mình ở đâu đó trong những làng quê Quảng Trị, như trường hợp bà Trần Thị Lan, trú tại thôn 9, Trung Giang, Gio Linh (Quảng Trị), cứ mỗi khi trở trời là bệnh tật lại hành hạ tấm thân khốn khổ của bà với 42 mảnh đạn trong thân thể chưa có điều kiện để lấy ra.

Hay trường hợp của cháu Phạm Hữu Luận, ở thôn Mỹ Lộc, Vĩnh Chấp, Vinh Linh (Quảng Trị), bị bom bi nổ cùng với hai người bạn khác khi đang đi chăn trâu ở bãi hoang gần nhà, nay hoàn toàn tàn phế. Em Hồ Dũng, ở Trà Liên, Triệu Phong (Quảng Trị), khi đi chăn bò ở sân bay Ái Tử, giẫm phải mìn bị cụt tay, mù mắt, vậy là mơ ước đến trường của em đã bị khép lại với một tấm thân tật nguyền.

Em Nguyễn Thế Nghĩa cùng các em học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Vĩnh Quang, Vĩnh Linh (Quảng Trị) khi đang lao động dọn vệ sinh trong sân trường thì vấp phải bom bi phát nổ, Nghĩa mù hai mắt còn các bạn khác bị thương rất nặng. Trường hợp 5 công nhân trên công trình nâng cấp và cải tạo đường 9 xuyên Á, khi đang nén đất, bom bi phát nổ làm 2 người chết, những người khác mất hoàn toàn khả năng lao động...

Mới đây, đang học tiết thứ 3, hàng trăm học sinh và giáo viên của Trường THCS Nguyễn Huệ ở phường 5, thành phố Đông Hà bỗng hoảng hồn vì nghe tiếng bom nổ trong khuôn viên trường. Thầy Trương Quang Xá - Trưởng phòng Giáo dục thành phố Đông Hà cho hay: Trước đó, học sinh của trường lao động, dọn rác đến tập trung ở một gốc cây mục sau sân trường để đốt, không ngờ dưới gốc cây mục ấy có một quả bom chưa nổ. Bị lửa nung nóng, bom nổ, rất may là học sinh còn 5 phút nữa mới hết tiết học nhưng hệ thống cửa kính của chừng 10 phòng học thì bị vỡ tan sau tiếng nổ của quả bom…

Có lẽ tôi cũng như nhiều bạn đọc khác, chẳng có ai muốn nghe thêm một dòng nào nữa trong cái danh sách dài dằng dặc đã được thống kê từ năm 1975 đến nay những người bị nạn do bom mìn ở Quảng Trị là 7.024 người (chiếm 1,2% dân số Quảng Trị), trong đó có 2.618 người chết (31% nạn nhân tử vong là trẻ em). Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay đã có 30 người chết vì bom đạn, trong đó có 14 trẻ em… Quảng Trị được đánh giá là mảnh đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đứng đầu cả nước.

Hiện nay, 83,8% diện tích đất (đa phần là đất nông nghiệp) ở tỉnh Quảng Trị bị ô nhiễm bom, mìn. Trong đó, huyện Đakrông có tỷ lệ bom, mìn sót lại sau chiến tranh cao nhất nước. Có những xã như xã Hải Thái của huyện Gio Linh từ 1975 đến nay đã có 100 người chết và 32 người bị thương vì tai nạn bom mìn. Cả nước ta từ 1975 đến nay có 38.000 người chết và hơn 100.000 người bị thương vì bom mìn sót lại sau chiến tranh…

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: Hiện nay Việt Nam còn 6,6 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh, chủ yếu ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Với năng lực hiện tại, mỗi năm rà phá, dọn dẹp, làm sạch được 20.000ha đất. Như vậy, theo tính toán phải mất 300 năm nữa cộng với khoản kinh phí khoảng 10 tỷ USD mới giải quyết xong vấn nạn ô nhiễm bom mìn.

Tất nhiên là những con số vừa nêu kia chỉ là một phần trong bảng thống kê chưa đầy đủ mà tôi có được trong chuyến công tác ở Quảng Trị lần này. Đó là thực tế, vì không ai có thể thống kê một cách đầy đủ được những vụ nổ đạn bom nơi thâm sơn cùng cốc, hay là ở một góc khuất nào đó trong vô số những làng quê đói nghèo của Quảng Trị.

Chua xót thay, khi nhân loại đã bước sang một kỷ nguyên mới với vô vàn sự phát triển tiến bộ, thì ở ngay thành phố Đông Hà (trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị), những tiếng nổ xé lòng từ bom đạn sót lại trong chiến tranh vẫn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân đô thị.

Không ai trong số chúng ta có thể đoán biết được rằng, hiện tại còn bao nhiêu tấn đạn bom đang lặng yên giấu mình trong lòng mảnh đất nhỏ bé này. Và tất nhiên cũng không có người nào dám quả quyết rằng sẽ không còn những cái chết "bất đắc kỳ tử" xảy ra.

Một khi mà những đoàn người đi rà tìm phế liệu vẫn ngày ngày kéo nhau tìm đến những cánh rừng, những quả đồi vùng nhiệt đới. Nói về vấn nạn này chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự đói nghèo, khốn khó, mà cũng cần lưu tâm một cách sâu sắc đến ý thức tự vệ của mỗi con người…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.