Mạng chiến

Thứ Năm, 26/04/2012, 16:29
Thuật ngữ “chiến tranh mạng” (Cyber War) có lẽ đã xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1988, khi một vị GS thuộc Trường Hải quân có tên John Arquilla đã  đưa nó ra  trong một bài báo có tên “Cuộc chiến CyberWar vĩ đại năm 2002” (“The Great CyberWar of 2002”) trên tạp chí Wired Magazine.

Trong bài báo này, vị GS đó đã dựng lên một tình huống giả tưởng, khi một số tiểu bang hiếu chiến trong lòng nước Mỹ, liên kết với các nhóm khủng bố và các tập đoàn buôn lậu ma túy kích động chính phủ dấy lên xung đột quân sự với Nga và Trung Quốc. Nhờ thế, chỉ bằng những cú bấm nút trên máy tính đã phá hủy được các mạng lưới điện quốc gia, làm nổ tung các nhà máy hóa học và làm rối loạn hoạt động của các trạm không lưu khiến các máy bay dân dụng phải đâm đầu vào nhau ở trên không…

Ảo nhưng mà thực

Một viễn cảnh như thế tới hôm nay đã không còn là xa xôi nữa nếu con người không có những biện pháp xử lý kịp thời với các cuộc mạng chiến. Hai năm trước, một phần bộ mật mã computer bị hỏng đã cản trở chương trình hạt nhân của Iran và tiêu hủy nhiều máy ly tâm để làm giàu uran.  Một số nhà quan sát đã gọi vụ phá hoại ngầm đó là dấu hiệu của một hình thức chiến tranh mới, còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng cảnh báo dân chúng về nguy cơ bị tấn công bởi một trận Trân Châu cảng trên mạng. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đã biết được gì về cuộc xung đột trên mạng?

Không gian mạng của các computer và các dạng hoạt động điện tử là một môi trường nhân tạo phức tạp mà ở đó, các đối thủ hành động một cách tập trung và đầy chủ ý. Rất khó di dời các đại dương và núi non nhưng có thể mở và tắt những phần khác nhau trong không gian mạng chỉ bằng một nút bấm. Và bấm nút trên máy tính để tiến hành chiến tranh chắc chắn sẽ an toàn và rẻ hơn nhiều là điều các tàu sân bay hay các phi đội máy bay xuất kích tới chiến trường xa xôi…

Làm sao để chuyện này không xảy ra?

Khó mà tin nhau

Các đối thủ tiềm năng hiện đang tìm cách loại trừ bớt nguy cơ những mối đe dọa ảo có thể dẫn tới chiến sự thật. Theo tờ The Guardian số ra ngày 17-4, Washington và Bắc Kinh từng bí mật tiến hành những cuộc tập trận chung nhằm mục đích phòng ngừa bùng nổ xung đột quân sự để phản ứng do bị tấn công trên mạng. Phóng viên Nick Hopkins của báo này cho biết, năm ngoái, đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã phối hợp với các đồng nghiệp Trung Quốc tham gia hai cuộc diễn tập “mạng chiến” để xây dựng phương án phòng ngừa bùng nổ xung đột quân sự trong đời thật, một khi một trong hai bên cảm thấy mình trở thành mục tiêu đặc biệt của các cuộc tấn công trên mạng do phía bên kia tổ chức hoặc khuyến khích.

Theo lời Jim Lewis, nhà nghiên cứu khoa học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, qua hai cuộc “tập trận ảo” đó, có thể nhận ra rằng, người Trung Quốc cho rằng, tương quan lực lượng đã thay đổi, theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Và trong cách nghĩ của họ, người Mỹ vẫn là đối tượng cần phải dè chừng hàng đầu, dù nước Mỹ hiện đang trong quá trình suy thoái.

Các cuộc tập trận chung Trung - Mỹ được tổ chức với sự hỗ trợ của CSIS và Viện Quan hệ Quốc tế hiện đại Trung Hoa. Điều này giúp cho các công chức và các đại diện của các cơ quan an ninh tình báo có thể tiếp cận với nhau trong không khí ít chính thức hơn.

Lính Mỹ sẵn sàng mạng chiến.

Trong cuộc “tập trận ảo” đầu tiên, cả hai bên đã đề ra nhiệm vụ là trả lời câu hỏi: Cần phải làm gì nếu bị tấn công bởi một virus máy tính phức tạp như Stuxnet, từng làm hỏng hóc các máy li tâm trong chương trình hạt nhân của Iran. Trong cuộc “tập trận ảo” thứ hai, họ có nhiệm vụ ghi lại phản ứng của mình nếu bị bên kia tấn công.

Nhà nghiên cứu Lewis nhận xét rằng: “Cả hai cuộc tập trận đều đã rất hấp dẫn. Cuộc tập trận thứ nhất diễn ra thành công, còn cuộc tập trận thứ hai thì không được như mong đợi”. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Lewis, các cán bộ của phía Bắc Kinh rất tinh nhạy. Họ đều là những người giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Và họ cho rằng: “Họ đã qua cái thời phải chịu lép vế vì chủ nghĩa đế quốc và thực dân”. Những nhân vật Trung Hoa mà các đại diện Mỹ tiếp xúc trong hai cuộc “tập trận ảo” dường như đều nghĩ rằng là họ đang bị đối xử bất công nên rất không tin tưởng ở nước Mỹ: “Họ nghi ngại về tiềm năng quân sự của nước Mỹ. Họ có xu hướng nghĩ rằng chúng ta đang duy trì chiến lược bảo vệ chủ nghĩa bá quyền của mình và nhìn thấy trong đó một mối đe dọa trực tiếp” đối với họ. Cũng theo nhà nghiên cứu Lewis, số lượng các cán bộ của Bắc Kinh muốn hợp tác với Mỹ ít hơn so với số những người muốn gây mâu thuẫn với Washington.

Ai cũng muốn hơn

Cũng theo tờ The Guardian, chàng sinh viên năm thứ nhất người Anh Jonathan Millikan, người vừa giành được chiến thắng trong cuộc thi về an ninh mạng Cyber Security Challenge, rốt cuộc đã phải trở thành “một tay chơi bé nhỏ trong cuộc chơi toàn cầu”. Từ nay, cậu sẽ ít nhiều liên quan tới cuộc đấu tranh tư tưởng vì tương lai của mạng Internet và các phương thức mà những người tham gia các xung đột quốc gia sẽ áp dụng trong thế kỷ  XXI. Câu chuyện này lại liên quan tới sự ganh đua có thể dẫn tới đụng độ giữa Washington và Bắc Kinh. Nói theo cách cũng của nhà báo Nick Hopkins: “Nước Mỹ, siêu cường còn lại từ thời Chiến tranh lạnh, hiện đang cố gắng vươn lên cho kịp với người khổng lồ Trung Hoa ngày một gân bắp trong lĩnh vực mà rõ ràng là Bắc Kinh đang chiếm ưu thế, đó là không gian mạng”.

Các chuyên gia hiện đang cho rằng, ở Trung Quốc hiện nay cũng có đông các “Cyber Jedi” (siêu nhân mạng) không kém gì số lượng các kỹ sư ở Mỹ và một số người trong bọn họ còn được nhận trợ cấp tài chính từ chính phủ để thực hiện những nhiệm vụ đặc thù trong “thế giới ảo”. Nhưng “Cyber Jedi” này có thể đột nhập vào không ít những website của các công ty, hay chính phủ ở phương Tây để đánh cắp những dữ liệu quan trọng, thu thập tài liệu về an ninh quốc phòng hay đe dọa các hệ thống máy tính cũng như tìm kiếm các “gót chân Asin” tại các công trình năng lượng.

Một số chuyên gia cho rằng, chỉ tới gần đây phương Tây mới ý thức được hết quy mô và mức độ của nguy cơ đó. Và Washington cũng như London đang hoảng hốt tìm mọi cách để chiếm lại những khu vực đã mất. Một trong những cách quan trọng để củng cố quốc phòng ở phương Tây là xây dựng những đạo quân các chuyên gia máy tính để bảo vệ các hệ thống có thể bị tấn công từ phía các đối thủ.

Chính vì thế nên năm 2011, chính quyền Anh mới bắt đầu triển khai cuộc thi Cyber Security Challenge, và cũng chính vì thế nên Trung tâm  Liên lạc Quốc gia, tổ chức đang giữ vị trí đi đầu trong cuộc chiến tranh mới giành ảnh hưởng thế giới này, mới quan tâm đặc biệt tới anh chàng sinh viên năm thứ nhất Millican và các thành viên khác của cuộc thi.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Việc sử dụng rộng rãi mạng Internet mà trong đó, ngày nay chúng ta đã hoàn toàn dựa vào các hệ thống computer để xử lý mọi chuyện trong đời, cũng đã mở ra những cơ hội vô cùng tận cho những kẻ tháu cáy, trộm cắp hay du đãng ảo.

Và dù rằng quá trình tiêu cực trên vẫn đang tiếp diễn nhưng hiện nay, đã xuất hiện con sóng ngược chiều nhằm chống lại những ảnh hưởng tiêu cực. Phóng viên  tờ  The Guardian đã trò chuyện với nhiều đại diện cao cấp của chính phủ Anh cũng như của chính phủ Mỹ, và cả với các chuyên gia của các viện nghiên cứu độc lập tại London, Washington và San Francisco. Đại đa số những người này đều thống nhất ý kiến rằng, phương Tây đang muốn áp dụng một phương thức đối đầu hiếu chiến hơn trong vấn đề chưa từng có tiền lệ này.  Những thứ được đưa lên bàn bỗng trở nên rất đắt giá.

Trong hơn một năm rưỡi qua, phương Tây đã tập trung nhiều nỗ lực để tìm hiểu bản chất không khoan nhượng của các cuộc tấn công hàng ngày vào các công ty và các cơ quan nhà nước của họ. Theo số liệu của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, 60% các công ty nhỏ từng bị hackers tấn công đã bị phá sản và một khối lượng sở hữu trí tuệ trị giá nhiều tỉ USD đã bị tước đoạt ra khỏi nền công nghiệp Mỹ, kể cả các dự án quân sự của những bạn hàng chủ đạo.

Có thể chưa là quá muộn nhưng không còn là sớm nữa để đi tìm đối sách với chủ nghĩa khủng bố trong không gian mạng. Ông Frank Cilluffo, cố vấn đặc biệt dưới thời Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush về các vấn đề an ninh quốc gia trong giai đoạn tấn công khủng bố 11/9, cho rằng, nước Mỹ hiện nay “trong không gian mạng đang ở vị trí tương đương như vị trí của cộng đồng chống khủng bố đã ở ngày 12/9/2001”.

Ông Cilluffo cũng nhấn mạnh: “Tôi đã đi tới kết luận rằng chúng ta không thể tiếp tục mũ ni che tai trước vấn đề này. Chúng ta buộc phải bắt đầu nói về những khả năng tấn công đối với cuộc chiến chống lại các phần tử phá hoại. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, sẽ không thể nào tiến hành chiến tranh thiếu không gian mạng… Đó là một sự đã rồi”

Phạm Huy Dũng
.
.