Maldives: 2 mặt của thiên đường

Thứ Ba, 07/08/2012, 15:40
Maldives không hề giống như khuôn mặt bình thản và thái độ yên lặng khiêm tốn từ đầu chí cuối của đại diện đảo quốc trong hội nghị liên lạc viên của Tổ chức Cánh át toàn cầu Interpol mà tôi đã được tiếp xúc… Maldives cũng không phải chỉ có những hình ảnh tuyệt đẹp về hàng trăm hòn đảo với những hàng dừa ngả bóng bên bãi biển cát trắng mịn. Xứ sở thiên đường này là tổng thể của cả sự sang trọng giàu có, sự nghèo khó khốn cùng, vẻ thanh bình diễm lệ và cả những phiền toái không mong đợi…

Nơi không dành cho người nghèo...

300 ghế ngồi trên chiếc Airbus A330 của Hãng Hàng không Singapore bay tới thành phố Male, thủ phủ của đảo quốc Maldives, chật kín khách du lịch. Trái ngược với quy luật đi du lịch ở mọi nơi trên thế giới, khi Maldives bước vào mùa mưa bão trong khoảng từ tháng 6 tới tháng 10, lại là mùa đông khách, bởi một lý do cực kỳ đơn giản: giá phòng cao khủng khiếp của các khu du lịch ở đây giảm giá, và khi đó du khách mới có cơ hội sở hữu kỳ nghỉ.

Cũng chỉ trong thời gian này, giá vé máy bay của các hãng hàng không mới có đợt giảm giá lớn, phù hợp với túi tiền của giới trung lưu. Lâm, một Việt kiều người Australia, đã quyết định chọn thời điểm này để đưa vợ đi hưởng tuần trăng mật mà họ đã trì hoãn mất gần 2 năm. Anh cho biết, nếu tính toán kỹ ra, chi phí để 2 vợ chồng anh bay từ Australia về Singapore rồi bay tiếp đến Maldives vẫn còn rẻ hơn hẳn so với việc lựa chọn kỳ nghỉ trong mùa cao điểm. 

Tuy vậy, gần 500 USD/đêm vẫn là cái giá mà chúng tôi phải trả cho một căn phòng thuộc hạng rẻ nhất trong một khu resort tại Maldives. Vì là vào mùa rẻ nhất, khách còn được khuyến mãi đặc biệt là kèm 3 bữa ăn trong ngày và đồ uống ngoài quán bar. Gói khuyến mãi này giúp cho khách tiết kiệm được 200 USD cho 1 ngày lưu trú, bởi mỗi resort là một hòn đảo nằm biệt lập ngoài biển khơi và bạn không thể kiếm được bất kỳ quán ăn nào ngoài việc phải ăn trong nhà hàng của họ. Không những thế, bạn còn phải trả thêm đủ thứ tiền khác như: tiền thuyền cao tốc để đến được hòn đảo nơi mình ở, tiền phí lưu trú… Nếu hòn đảo bạn ở xa sân bay quốc tế Male và phải di chuyển bằng thuỷ phi cơ, phí tổn sẽ còn lên tới cả nghìn USD, chỉ cho một lượt đi lại.

Không phải bỗng dưng mà cuốn cẩm nang trứ danh cho dân du lịch bụi như Lonely Planet và chuyên trang online Tripadviser luôn nhấn mạnh Maldives không phải là miền đất hứa cho du lịch giá rẻ, cho dù bạn lựa chọn dịch vụ hạng thấp nhất tại hòn đảo thủ đô Male. Maldives chỉ mang ý nghĩa là thiên đường khi bạn tiêu tốn nhiều tiền, rất nhiều tiền cho các dịch vụ xa xỉ nằm trên những hòn đảo riêng biệt trong quần thể 1.192 hòn đảo lớn nhỏ cả nổi lẫn chìm, và cái nào nổi cũng chỉ nhỉnh hơn mặt nước biển có 1-2m.

Cả một đất nước ngàn đảo với dân số 400.000 người cộng thêm khoảng 65.000 người nhập cư chỉ trông chờ vào 2 nguồn thu chính: ngư nghiệp và du lịch. Vì vậy, chính sách của quốc gia Hồi giáo này là toàn lực tập trung phát triển công nghệ du lịch cao cấp, biến quốc gia này trở thành một đế chế du lịch xa xỉ. Cũng không hiểu sao đất nước này coi du lịch giá rẻ là một dạng gì đó đồng hành với kiểu sống hippy của phương Tây nên đặc biệt không khuyến khích phát triển hệ thống nhà nghỉ giá rẻ.

Cũng chính vì điều này mà một thời vị Tổng thống nắm quyền suốt 30 năm (từ 1978 đến 2008) Maumoon Abdul Gayoom đã bị dân du lịch tiết kiệm khắp thế giới “thù ghét” đến mức đặt luôn cho cái mỹ danh hơi xỏ xiên là “CEO của Maldives”, ý là chỉ biết đến mục đích kiếm tiền mà thôi.

Cũng vì mục đích tất cả hướng về du lịch nên cho dù bản thân là một quốc gia Hồi giáo với những luật lệ nghiêm ngặt, chính phủ Maldives đã đưa ra cơ chế đặc thù cho các khu du lịch. Và thế là chỉ cách có mấy chục phút chạy tàu cao tốc, giữa những hòn đảo đã có một cuộc sống cách biệt như trời với đất. Ở hòn đảo này thì phụ nữ phải quấn khăn choàng kín mít khi ra đường, ở hòn đảo kia thì phụ nữ mặc bikini, thậm chí không mặc phần trên, nằm phơi nắng cả ngày trên bãi biển. Ở hòn đảo này thì đàn ông tụ tập với nhau hò hét uống Coca-cola hoặc Seven-up để cổ vũ cho các đội bóng giải vô địch châu  Âu ở hòn đảo gần kề thì đàn ông được bù khú bia rượu la hét rầm rĩ cả đêm… Không ở đâu, ngoài Maldives, người ta có cảm giác câu nói “Phải có nhiều tiền để được tự do hơn” đúng đến như vậy!

Và vì vậy, các ông chủ nước ngoài đầu tư vào các khu resort trở thành các ông chúa đảo và họ được trao những quyền năng độc lập, miễn là họ đảm bảo đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, nghiêm chỉnh thu 8 USD/người tiền thuê giường cho mỗi đêm ở trên đảo, đè nghiến du khách thu thêm 10% phí cho tất cả các dịch vụ khách sử dụng… và nộp cho nhà nước. Trong các vương quốc chỉ nhỉnh hơn 1km vuông nhưng lại bất khả xâm phạm đó, du khách tha hồ được tự do, được ăn nhậu, được mặc quần bơi và bikini thoải mái đi lại, được uống champage trên boong du thuyền… và cảm thấy hạnh phúc hơn khi biết được rằng ở ngay hòn đảo bên cạnh có rất nhiều người không được tự do như mình.

Và một thiên đường khắc khổ, xấu xa…

Có lẽ, kỷ niệm của chúng tôi về Maldives cũng sẽ mãi đẹp một cách thiên lệch nếu không quyết định trải qua một ngày tại Male, sống đúng cuộc sống của một người dân bình thường tại Male, thủ phủ của đảo quốc Maldives, hòn đảo lớn nhất và cũng là nơi tập trung đông đảo dân cư nhất của “thiên đường trăng mật”.

Bỏ qua khu cầu tàu dày đặc những du thuyền sang trọng đón đưa khách tham quan, bỏ qua khu vực quảng trường và toà nhà tổng thống bề thế nằm sát con đường lát đá ven biển đẹp đến mê hồn… chúng tôi theo chân Mohamed Shakir chui vào những khu dân cư đông đúc và chật hẹp, chui vào những khu chợ ẩm thấp nồng nặc mùi cá tươi.

Shakir là người của quần đảo Thiladhunmathee, cách quần đảo Male một tiếng rưỡi giờ bay bằng phản lực cơ cánh quạt của hãng hàng không nội địa. Nhưng Shakir không đủ giàu để bỏ ra tận 150 USD cho vé máy bay, anh thường đi lại bằng tàu khách, mất chừng 12 -15 tiếng đồng hồ cho mỗi chiều di chuyển nhưng tiết kiệm cho vợ được thêm 300 USD mỗi lần về nhà. Shakir đến Male làm việc trong một nhà nghỉ nhỏ nằm gần sân bay quốc tế. Công việc của anh là đưa đón khách về nhà nghỉ, đưa khách đi tham quan nếu họ yêu cầu. Vài tháng anh mới trở về nhà một lần.

Và có một Maldives khác, dưới sự dẫn dắt của Shakir, đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là khu chợ cá tươi mà mùi cá không át được mùi mồ hôi nồng nặc của những người nghèo đang xúm lại trả giá cho một mớ cá cơm tươi mới được đưa lên. Đó là những con cá mú hồng nặng 5-7kg nhanh chóng được đầu bếp của các resort nhặt hết đi, để lại trên sàn bê tông là những con cá ngừ Ấn Độ Dương nhỏ được xếp ngay ngắn, là món ăn của người nghèo. Một con cá mú trắng nặng chừng 4kg nằm chơ vơ mãi ở một góc chợ, và những người công nhân lao động nhập cư đến từ Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan cứ đi qua, dừng lại hỏi giá, rồi lại tần ngần bỏ đi. Tôi bước lại hỏi giá, và sau một hồi mặc cả, tôi đã mua được con cá mú tươi rói nặng 4kg với giá chỉ 7 USD, tương đương với 150.000 đồng. Mất thêm 1,5 USD cho dịch vụ làm cá tại chỗ, con cá mú đã được làm sạch. Nhưng sau đó, tôi đã phải mất tới 40 USD cho một nhà hàng Thái Lan để họ chế biến nó thành món lẩu và hấp xì dầu. Tất nhiên, đó không phải là chỗ cho những người mà tôi đã gặp ở chợ cá.

Một đời sống khác của Maldives mà có lẽ ít người để ý tới tiếp tục được Shakir bày biện ra, một đời sống mà dường như những người phụ nữ Hồi giáo trùm khăn choàng đen dường như hoàn toàn biến mất trong một thế giới toàn đàn ông. Đó là những người đàn ông ngồi cả ngày với một hộp bìa trên phố, trong chiếc hộp đó là những lọ nước hoa giả, những chiếc ví nhái những nhãn hiệu nổi tiếng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đó cũng vẫn là những người đàn ông ngồi lọt thỏm sau những bức tường cá ngừ phơi khô, khản giọng chào mời khách. Đó là những người đàn ông quần áo nhàu nhĩ đứng tần ngần bên cạnh sạp hoa quả, hỏi giá mấy quả chuối rồi quảy quả bước đi không dám mua…

Và cũng có cả những gã đàn ông đê tiện trên đường cứ kiếm cớ va vào những người phụ nữ là khách du lịch, kiếm cớ sờ vào tay họ, đụng chạm vào thân thể họ. Không khó để có thể nhận ra những gã bệnh hoạn đó, chúng ngồi vất vưởng ở những đầu ngõ nhỏ, vờ như chạy ra hỏi han chào mời mua hàng, lẽo đẽo theo chân du khách rồi cố gắng đụng chạm và bỏ đi. Shakir cho biết Male hiện giờ khá phức tạp, nhất là vào ban đêm vì số lượng người sử dụng ma tuý đang tăng lên. “Male nói riêng và Maldives nói chung vẫn được liệt vào danh sách một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới, nhưng những gã bệnh hoạn kia sẽ làm du khách không muốn quay lại đây nữa”, anh cáu giận.

Có vẻ như Maldives chỉ giữ được vẻ đẹp thiên đường không trần tục của nó tại những hòn đảo biệt lập khỏi đám đông, nơi những lời cảnh báo nguy hiểm duy nhất lại mang hình hài dễ thương, ví như: bị dừa rơi vào đầu, bị cá tấn công… Tôi đã bị 2 con cá titan trigger lớn tấn công khi đang snorkelling vào rặng san hô ở đảo Kurumba. Vết cắn của chúng tuy không nguy hiểm, nhưng vẫn để lại 3 quầng thâm lớn ở chân cho đến tận bây giờ, và khi ấn vào vẫn thấy cồm cộm. Đó chắc chắn là một kỷ niệm khó quên mà “thiên đường” đã tặng cho tôi, giống như lời đùa vui của nhân viên y tế khi kiểm tra vết cá cắn: thiên đường nào cũng có quỷ dữ cả, quan trọng là có đi tìm được nó hay không thôi!

Việt Đông
.
.