Liên Hợp Quốc kiếm tìm Tổng Thư ký mới: Hành trình không dễ

Thứ Sáu, 12/04/2013, 14:37

Cuối tháng ba vừa qua, cựu Ngoại trưởng Anh David Milliband (sinh năm 1965) đã tuyên bố rằng, ông dự định sẽ chuyển tới New York để đảm nhận trách nhiệm đứng đầu tổ chức nhân đạo vào loại hàng đầu thế giới là Ủy ban Cứu trợ Quốc tế. Trên cương vị mới, ông Milliband có thể sẽ tạo dựng được thêm trọng lượng cho tiếng nói của mình trong các cuộc tranh luận về các vấn đề liên quan tới các cuộc khủng hoảng như ở Syria chẳng hạn.

Quyết định của ông Milliband chắc chắn sẽ làm dấy lên những ghen tị nhất định tại Liên Hợp Quốc (LHQ), nơi hiển nhiên sẽ thu nhận được không ít lợi ích từ công việc của một chính trị gia tầm cỡ như thế trong đội hình nhân sự của mình. Hiện nay ở LHQ người ta đang dự trù sớm danh sách các ứng cử viên có thể ngồi vào ghế của Tổng Thư ký Ban Ki-moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2017. Chính trị gia đảm nhận cương vị này trong giai đoạn mới có thể là một người châu Âu, rất cần uy tín và trọng lượng như ông Milliband đang có.

Theo truyền thống, Tổng thư ký LHQ có thể được lần lượt chọn ra từ đại diện các khu vực khác nhau trên thế giới, thuộc những nước không phải là thành viên thường trực Hội đồng bảo an (HĐBA). Nguyên tắc này nhằm loại trừ khả năng một quốc gia nào đó có thể độc chiếm quyền lực ở LHQ. Thực tế là quy định về quyền đại diện bình đẳng về địa lý chưa hề được chính thức ghi nhận trong văn kiện LHQ, ngoại trừ một lần duy nhất trong nghị quyết năm 1997 của Đại hội đồng.

Quy định này thật ra cũng không phải lúc nào cũng được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tính cho tới nay, thứ tự những châu lục có người của mình làm TTK LHQ như sau: châu Âu, châu Âu, châu Á, châu Âu, châu Mỹ La tinh, châu Phi, châu Phi. Như vậy là Tây Âu đã giữ 6 nhiệm kỳ, châu Phi và châu Á 3 nhiệm kỳ, còn châu Mỹ La tinh mới chỉ có hai nhiệm kỳ.

Mỗi kỳ, danh sách những quốc gia có ứng cử viên vào chức TTK LHQ một khác. Thí dụ, năm 1946 đã chỉ thảo luận về độc một ứng cử viên duy nhất là người Na Uy. Năm 1953, có năm quốc gia có ứng cử viên là Ba Lan, Philippines, Canada, Ấn Độ và Thụy Điển. Trong những năm 1961 và 1966 chỉ duy nhất có ứng cử viên của Myanmar. Năm 1971, ba quốc gia có đại diện làm ứng cử viên là Phần Lan, Áo và Argentina. 4 quốc gia có ứng cử viên vào chức TTK LHQ năm 1981 là Tanzania, Áo, Iran và Peru. Năm 1991, con số những nước có ứng cử viên vào chức TTK LHQ lên tới 6: Zimbabwe, Ai Cập, Hà Lan, Iran, Canada và Na Uy. Trong năm 1996 và 2001 chỉ có những đại diện của châu Phi mới được đề cử vào chức TTK LHQ... Ông Ban Ki-moon, người Hàn Quốc, đã được bầu làm TTK LHQ năm 2006...

Về nguyên tắc mà nói, tỉ lệ nam nữ trong đội ngũ các TTK LHQ cần được tuân thủ nhưng cho tới nay, các TTK LHQ đều là đàn ông.

Theo quy định, các ứng cử viên vào chức TTK LHQ phải có những phẩm chất thích ứng, nhưng chưa ở đâu ghi cụ thể những phẩm chất ấy là gì. Thông lệ cho rằng, ứng cử viên phải nói thạo tiếng Anh, có lý lịch chuẩn mực và đồng thời phải có tài năng của nhà quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế không phải bao giờ cũng là như thế.

Việc đưa ra ứng cử viên cho chức TTK LHQ là kết quả của một chuỗi những thương lượng, thỏa hiệp phức tạp và các vụ “bắt tay bí mật”  giữa các quốc gia và các liên minh quốc tế. Tuy nhiên, vai trò lớn nhất trong việc này vẫn thuộc về trước hết là 5 quốc gia thành viên thường trực HĐBA LHQ (Hoa Kỳ, LB Nga, Anh, Pháp và CHND Trung Hoa). Trong lịch sử LHQ từng có không ít trường hợp việc  “ngũ đại gia” bác bỏ những ứng cử viên là các nhà chính trị với tên tuổi tầm cỡ thế giới (thí dụ như tướng Charles de Gaull chẳng hạn).

Đương kim Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Về hình thức, HĐBA đưa ra tên họ ứng cử viên ra biểu quyết ở ĐHĐ LHQ. Theo công trình nghiên cứu của tổ chức Security Council Report, Đại hội đồng chỉ đóng vai trò hình thức trong việc thông qua ứng cử viên mà HĐBA đưa ra, chứ những quyết định thực tế trước đó đã được đạt được trong nội bộ HĐBA. Trong lịch sử LHQ chỉ có một lần duy nhất ĐHĐ bác bỏ đề nghị của HĐBA. Chuyện xảy ra hơn nửa thế kỷ trước – năm 1950, các thành viên HĐBA không thống nhất được ý kiến với nhau và đe dọa sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với các ứng cử viên vào chức TTK LHQ. Rốt cuộc là ĐHĐ với đa số phiếu đã đồng ý kéo dài thêm thời hạn làm việc cho TTK đương nhiệm là Trugve Halvdan Lie sau khi không nhận được đề nghị về người sẽ là ứng cử viên cho nhiệm kỳ mới.

Quy trình bầu chọn ứng cử viên cho chức TTK LHQ luôn luôn gây nên những lời chỉ trích - thường người ta hay so sách nó với việc bầu chọn giáo hoàng. Quy trình này cũng bí ẩn như thế đối với bên ngoài và khác biệt một cách căn bản so với quy trình đề cử các quan chức cao cấp ở đại đa số các nước dân chủ. Việc thảo luận về các ứng cử viên diễn ra trong phòng kín và nội dung thảo luận thường là không được ghi thành biên bản. Từ năm 1981, các thành viên HĐBA thực thi việc tiến hành thăm dò dư luận: tất cả các quốc gia cho chân trong HĐBA đều nhận được danh sách các ứng cử viên vào chức TTK LHQ và họ có quyền đánh dấu vào mục thích hoặc không thích đối diện với tên họ các ứng cử viên đó. Về sau thủ tục bỏ phiếu đã được thực hiện, trong đó các thành viên thường trực HĐBA (có quyền phủ quyết) bỏ bằng lá phiếu màu đỏ, còn các thành viên không thường trực HĐBA bỏ lá phiếu màu trắng.

Tháng 2/2006, Ban thư ký LHQ đã công bố tài liệu trong đó miêu tả chi tiết thủ tục này với mục đích giảm số các buổi họp tới mức tối thiểu và tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho công việc bầu chọn. Tuy nhiên, theo tổ chức Security Council Report, những cuộc bỏ phiếu như thế chỉ là các cuộc gặp gỡ không chính thức, nơi mà khác với các cuộc gặp gỡ chính thức, người ta không phải viết biên bản để rồi công bố về sau. Và như vậy, những thông tin về việc ai là ứng cử viên và khả năng đắc cử của họ nếu có được dư luận bên ngoài biết tới thì chỉ là do lọt thông tin một cách không chính thức. Năm 1997, LHQ đã đưa ra quy định buộc Chủ tịch Đại hội đồng công bố danh sách các ứng cử viên vào chức TTK, tuy nhiên, việc này cho tới nay vẫn chưa được thực hiện và cũng không rõ là bao giờ mới được thực hiện.

Để ứng cử viên vào chức TTK LHQ được đưa tên họ ra trước ĐHĐ để thông qua thì người này phải nhận được không dưới 9 lá phiếu của các nước thành viên HĐBA (có tất cả 15 quốc gia thành viên thường trực và không thường trực trong HĐBA). Trong quá trình lựa chọn, các cuộc bỏ phiếu được tiến hành thường xuyên với mục đích loại dần những ứng cử viên ít triển vọng. Đã từng có những trường hợp trong các cuộc bỏ phiếu thăm dò, có ứng cử viên nhận được toàn những dấu 0 đỏ chói, một minh chứng cho việc người này hoàn toàn không được bất cứ một quốc gia thành viên thường trực HĐBA nào ủng hộ. Tuy nhiên, tới cuộc bỏ phiếu cuối cùng thì kết quả lại hoàn toàn khác. Chính trị bao giờ cũng là một cuộc chơi kèm theo nhiều biến động và lắm khi chỉ tới “trận chiến đấu sau cùng” mới có thể biết rõ mèo nào cắn được mỉu nào.

Một điều thú vị là cho tới nay vẫn không ai rõ có bao nhiêu lần các quốc gia thành viên thường trực HĐBA sử dụng quyền phủ quyết của mình trong các cuộc bầu chọn TTK. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể cũng đã được ghi nhận. Thí dụ, năm 1950 có hai nước là Liên Xô và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết đối với việc kéo dài thêm thời hạn công tác của TTK lúc đó là đại diện của Na Uy, ông Trygve Lie. Năm 1950, Moskva đã sử dụng quyền phủ quyết đối với ứng cử viên người Canada là ông Lester Pearson và kết cục là đại diện của Thụy Điển, ông Dag Hammarskiold đã trở thành TTK LHQ.

Năm 1971, trong một tình huống tương tự, đại diện của Áo là ông Kurt Waldheim đã chiến thắng sau khi các ứng cử viên của Phần Lan và Argentina bị loại bỏ bởi những lá phiếu có quyền phủ quyết. Bắc Kinh thoạt đầu đã phủ quyết việc kéo dài thời gian làm việc của ông Waldheim trên cương vị TTK LHQ nhưng về sau lại “đổi giận làm lành” và bỏ phiếu ủng hộ ông này. Năm 1982, Trung Quốc thoạt đầu cũng phủ quyết ứng cử viên người Peru là ông Javier Pérez de Cuellar nhưng sau đó cũng đã thay đổi quyết định đó và bỏ phiếu cho ông này. Các đối thủ của ông Cuellar đều bị loại bởi những lá phiếu có quyền phủ quyết. Năm 1996, Washington cũng đã phủ quyết việc kéo dài thời gian làm việc trên cương vị TTK LHQ của ông Butros Butros Ghali, người Ai Cập...

Hiện nay, cuộc đấu tranh giành ghế TTK LHQ có thể sẽ diễn ra không dễ dàng và suôn sẻ vì các ứng cử viên mà phương Tây hậu thuẫn sẽ phải đối mặt với những ứng cử viên được Nga ủng hộ. Xem ra, LHQ vẫn không thoát khỏi hẳn những mâu thuẫn trầm kha như trong thời Chiến tranh lạnh...

Vũ Như Phong
.
.