Lắm vãi không ai đóng cửa chùa

Thứ Sáu, 20/08/2010, 16:35
Trung tuần tháng 7 vừa qua, tờ báo có uy tín ở Mỹ The Washington Post đã công bố kết quả của hai năm điều tra nghiên cứu về hoạt động của hệ thống các cơ quan an ninh tình báo Mỹ dưới cái tên "Một nuớc Mỹ tối mật".

Một nhóm phóng viên do nữ nhà báo nổi tiếng Dana Priest, từng được nhận giải Pulitzer, và nhà báo William Arkin chỉ đạo đã đi tới kết luận: Hệ thống an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong vòng 9 năm qua, kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, dưới sự hỗ trợ chưa từng có của nhà nước đã trở nên cồng kềnh tới mức hiện nay không có cách gì đánh giá được về hiệu quả hoạt động của nó.

Cho tới nay, không ai biết đích xác hệ thống này tiêu tốn bao nhiêu tiền của ngân sách, bao nhiêu cơ quan và bao nhiêu nhân sự làm việc trong đó. Như các nhà báo của "The Washington Post" đã tìm hiểu được, tham gia vào các chương trình liên quan tới lĩnh vực an ninh quốc gia, tình báo và đấu tranh chống khủng bố có 1.271 cơ quan nhà nước và 1.931 công ty tư nhân với khoảng gần 10 nghìn trụ sở và cơ quan đại diện ở Mỹ.

Được quyền chính thức tiếp cận với các thông tin tuyệt mật là gần 854 nghìn người. Chỉ tính riêng ở Washington và các khu vực phụ cận tính từ thời điểm ngày 11/9/2001 đã xây dựng 33 hệ thống công trình dành cho cho những công việc tuyệt mật. Diện tích chung của chúng lớn hơn 1,5  triệu m2, tức là bằng diện tích của 3 Lầu năm góc, hay 22 trụ sở Quốc hội Mỹ cộng lại.

Các nhà báo của The Washington Post đã nêu trong số những nguồn tin cho họ là hai viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hai người này đã thú nhận rằng, mặc dù theo chức trách họ phải nắm được tất cả những công việc được tiến hành nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, nhưng thực tế là họ không thể đủ thời gian và sức lực để làm như thế vì khối lượng các hoạt động là quá lớn.

Trong khi đó công việc của nhiều bộ phận trong hệ thống này lại chồng lẫn lên nhau: Thí dụ, chỉ để theo dõi nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố đã có tới 51 cơ quan cấp liên bang và của lực lượng quân sự. Mỗi năm, hệ thống cồng kềnh này "sản xuất" tới gần 50 nghìn bản báo cáo khác nhau mà trong đó có, có nhiều tài liệu chẳng được ai để ý tới. Chính vì những thông tin đã thu thập được nhưng lại không được quan tâm nghiên cứu thích đáng đã khiến cho vụ thảm sát ngày 5/11/2009 tại căn cứ quân sự Fort Hood (bang Texas), làm chết 13 người, đã không được ngăn chặn trước.

Âm mưu đánh bom máy bay trong dịp Lễ giáng sinh năm ngoái (2009) đã bị ngăn chặn không phải nhờ công sức của đội ngũ hàng nghìn chuyên gia phân tích tình hình an ninh tình báo mà nhờ một hành khách có tính cảnh giác cao, sớm nhận ra chuyện quần áo người ngồi cạnh bỗng dưng bốc khói…

Trong khi đó, như chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói trong bài trả lời phỏng vấn gần đây, một cá nhân duy nhất, dù đó là giám đốc CIA hay người lãnh đạo Lầu năm góc, cũng khó có thể bao quát hết được hệ thống này. The Washington Post viết: "Tại Bộ Quốc phòng, nơi thực hiện hơn hai phần ba các chương trình tình báo, chỉ có một nhóm nhỏ những viên chức cao cấp, "những cán bộ siêu quyền lực", mới có cơ hội được biết về mọi việc diễn ra trong Bộ".

Tuy nhiên, một trong những "cán bộ siêu quyền lực" đó trong một lần trả lời phỏng vấn đã thú nhận rằng, khi ông ta phải chuẩn bị cho cuộc họp báo đầu tiên, ông ta được đưa tới một căn phòng u u minh minh, ngồi vào một cái bàn nhỏ và được nhắc nhở là không được ghi chép gì. Trên màn hình trước mặt chạy nội dung của hết chương trình này sang chương trình khác cho tới khi ông ta buộc phải kêu lên "Dừng lại đã!" vì không thể nào nhớ được gì hết.

Trung tướng về hưu John R. Vines, người năm ngoái được yêu cầu nhận xét về phương thức kiểm soát các chương trình tối mật của Lầu năm góc, đã phát hiện ra rằng, không hề có một tổ chức nào có quyền hoặc trách nhiệm thống nhất hoạt động của tất cả các cơ quan an ninh tình báo và vì thế, không thể đánh giá được về hiệu quả của các khoản kinh phí đã được đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo The Washington Post, hạt nhân của hệ thống các cơ quan nhà nước và các công ty tư nhân có nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia là "Liberty Crossing" - tên gọi không chính thức của tổ hợp, nơi làm việc của Văn phòng giám đốc Tình báo Quốc gia và Trung tâm Chống khủng bố quốc gia trực thuộc nó. Liberty Crossing là "một quả núi bê tông có những ô cửa sổ, kích thước lớn bằng 5 siêu thị Wal-Mart chồng lên nhau".

Nhưng, cũng theo các nhà báo, đó vẫn chưa phải là công trình lớn nhất hay đắt giá nhất, thậm chí cũng chưa phải thành phần bí mật nhất của hệ thống này. Phần lớn những thông tin về hệ thống này đã bị đóng dấu tối mật và điều đó cản trở việc xác định những thành tích cũng như việc chỉ ra những vấn đề của nó.

Kinh phí của Mỹ dành cho tình báo trong năm 2009 là 75 tỉ USD, tức là lớn gấp 21,5 lần so với ở thời điểm ngày 10/10/2001. Nhưng đó mới chỉ là con số thống kê công khai, chưa tính đến dự án của các lực lượng vũ trang hay các chương trình chống khủng bố trên lãnh thổ Mỹ. Đã có không dưới 20% các cơ quan chính phủ chuyên về chống khủng bố, được thành lập sau ngày 11/9/2001 mà biên chế của nhiều cơ quan đó đã được tăng lên gấp mấy lần.--PageBreak--

Để ranh giới ảnh hưởng không bị xóa nhòa, năm 2004, chính quyền của vị Tổng thống thứ 43 George Bush đã cho thành lập một cơ quan với những quyền năng rộng rãi nhất, đó là Văn phòng giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI). Nhưng ý tưởng này đã được thể hiện trong một hình thức còn lâu mới là tối ưu.

Thứ nhất, "giám đốc Tình báo Quốc gia không có những quyền pháp lý và kinh phí tài chính rõ ràng trong lĩnh vực tình báo và vì thế, không có quyền đối với một cơ quan nhà nước cụ thể nào mà về mặt lý thuyết, nó phải điều hành".

Thứ hai, ngay trước khi đề cử vị giám đốc đầu tiên đã diễn ra cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng. Theo lời của các cựu điệp viên, "CIA đã gia tăng mức độ bí mật đối với một phần thông tin quan trọng nhất của mình để các nhân viên Trung tâm Chống khủng bố quốc gia không thể tiếp cận được nó". Thứ ba, ngay chính ODNI cũng đã phình biên chế một cách rất nhanh…

"Hiện nay nhiều nhân viên các cơ quan an ninh tình báo nói rằng, chính họ cũng không rõ ODNI đang làm những công to việc lớn gì", - các nhà báo của The Washington Post nhận xét. Theo họ, ODNI cũng làm được một số việc, nhất là trong việc trao đổi các thông tin tình báo, các công nghệ thông tin hay cải cách ngân sách.

Nhưng lượng thông tin tình báo thu thập được lại lớn hơn khả năng xử lý, phân tích và chuyển tải của họ: "Mỗi ngày các hệ thống của Bộ An ninh Quốc gia nhận và chuyển đi lưu giữ 1,7 tỉ lá thư điện tử, các hồi chuông điện thoại và những cuộc tiếp xúc khác". Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Lichael Leiter phải cùng một lúc để ý tới cả 4 monitor vì các máy trữ dữ liệu không được kết nối với nhau.

Vai trò then chốt trong các hệ thống này lại thuộc về những nhân viên chỉ được hưởng mức lương thấp mà để tiết kiệm, khi đi làm đã phải mang theo bữa trưa từ nhà tới công sở. Đó là những chuyên gia phân tích thông tin ở độ tuổi nhị thập, tam thập, nhận mức lương khoảng 41-65 nghìn USD một năm.

Dựa trên những hiểu biết của mình về nền văn hóa của dân tộc này hay dân tộc khác, họ tìm kiếm những chứng cớ chống lại kẻ thù của nước Mỹ giữa những mẩu đối thoại, những trao đổi thư tín đã được mã hóa, những tín hiệu vô danh và thậm chí cả rác rưởi. "Ở thời điểm được nhận vào làm, những nhà phân tích này biết rất ít về những quốc gia phải chú ý tiềm tàng như Iraq, Iran, Afghanistan hay Pakistan, các nhà báo nhận xét, và cũng chưa thông thạo ngôn ngữ của những nước đó".

Thế nhưng, các nhà phân tích phải soạn rất nhiều bản báo cáo. Khi ở ODNI, người ta cố gắng xác định con số cụ thể thì mới biết rằng trên mạng vẫn đang hoạt động tới 60 trang web phân tích bí mật mà trước đó cứ ngỡ như đã bị xóa sổ vì không còn nhu cầu nữa. Trong nhiều bản báo cáo cứ lặp đi lặp lại những dữ liệu đã có sẵn mà chẳng một ai buồn đọc tới…

Dung lượng khổng lồ của các bản báo cáo chỉ làm hại cho lợi ích chung: một số chính trị gia và các nhân viên cao cấp trong chính quyền đã không buồn nhìn vào những thông báo chất thành đống và chỉ quan tâm tới những người lên trực tiếp báo cáo với họ. Nhưng ngay cả những người này cũng chỉ đại diện cho cơ quan của mình và thường là chỉ dựa vào các bản báo cáo phân tích của cơ quan mình.

"Như vậy lại lặp lại vấn đề mà người ta vẫn coi là nguyên nhân chính khiến không thể ngăn chặn kịp thời tấn thảm kịch 11/9/2001 - sự thiếu trao đổi thông tin cần thiết"  - The Washington Post nhận xét. Để tìm lối thoát, ODNI đã lập ra thêm một nguồn thông tin nữa - tờ nhật báo mạng Intelligence Today với các trích đoạn từ các bản báo cáo của hơn hai tá cơ quan và từ 63 trang web.

Theo The Washington Post, phân tích, đó không phải lĩnh vực duy nhất là nơi sự giẫm chân lên nhau làm rối công việc. Báo này cho biết, chỉ dưới danh nghĩa Lầu năm góc đã có tới 18 cơ quan thực hiện các phi vụ truyền thông có nhiệm vụ tác động tới cái mà công chúng nước ngoài tiếp nhận chính sách và các chiến dịch của Mỹ.

Tất cả các cơ quan an ninh tình báo lớn và không dưới hai chục bộ tham mưu quân sự lớn đang muốn đóng vai trò chủ đạo trong chiến tranh mạng. Phối hợp hành động trong chiến tranh mạng là cực kỳ khó khăn do sự cạnh tranh giữa các cơ quan và các bộ vì đấy là lĩnh vực được cấp kinh phí rất hậu hĩnh…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Giám đốc CIA Leon Panetta và cựu Giám đốc cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Dennis Blair trong giai đoạn từ tháng 1/2009 tới tháng 5/2010 và nhiều quan chức cao cấp khác lại khẳng định với các nhà báo rằng, hệ thống này vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nhưng đây cũng chính là điều mà xã hội Mỹ đang hoài nghi

Long Hoàng
.
.