Làm lính mỗi thời mỗi nơi mỗi khác

Thứ Sáu, 09/10/2009, 15:20

Các lực lượng vũ trang Mỹ hiện nay được xây dựng trên cơ sở tự nguyện. Đó là đội quân chuyên nghiệp, nhà nghề, nói một cách thẳng thắn, làm công ăn lương, mà lương không tồi so với các ngành nghề khác, cộng thêm với nhiều ưu tiên ưu đãi. Tất nhiên, không thể nói là cứ có lương cao là có thể chiến đấu được hơn.

Theo website Washprofile, nguyên tắc tuyển những người tình nguyện vào quân đội được áp dụng từ thời Bắc Mỹ còn là thuộc địa của đế chế Anh. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ đã có không chỉ một thời kỳ mà chính quyền bắt buộc phải thực thi chính sách nghĩa vụ quân sự. Mặc dầu vậy, chính quyền Mỹ vẫn muốn lôi kéo nhân lực vào các lực lượng vũ trang bằng những động lực vật chất cụ thể.

Thí dụ, trong cuộc chiến năm 1812 (khi đó Bắc Mỹ là đồng minh của nước Pháp trong tay hoàng đế Napoléon và chiến đấu chống lại Anh quốc), việc tình nguyện gia nhập quân đội đã được trọng thưởng bằng những động lực vật chất khác nhau. Sau khi hoàn thành thời gian phục vụ, các cựu quân nhân được nhận một khoản tiền trợ cấp ra quân bằng ba tháng lương và được cấp một diện tích đất lớn. Vung tay như thế nhưng không phải lúc nào chính quyền liên bang cũng thu hút được đủ quân số cần thiết nên Quốc hội Mỹ mới cho phép vị Tổng thống Mỹ thứ 5 được gọi tới 100 nghìn công dân trong độ tuổi thích hợp vào thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong thời gian diễn ra nội chiến ở Bắc Mỹ, cả quân đội miền Bắc lẫn miền Nam đều thử áp dụng chiến thuật "đút lót" lấy quân, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhận thấy trữ lượng lính mới cạn kiệt và chiến thuật mới không mang lại kết quả đáng kể, quân đội của cả hai miền đã buộc phải áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự. Quyết định này đã gây nên những sự bất mãn lớn và làm bùng nổ một trong những cuộc nổi dậy nghiêm trọng nhất trong lịch sử Bắc Mỹ, được gọi là "khởi nghĩa gọi quân" (Draft Riot).

Ngày 13/7/1863, những đám đông các công dân tức giận đã tràn ra ngoài đường phố New York, chiếm lấy một kho vũ khí và dùng vũ lực để ngăn chặn một cuộc bắt lính theo nghĩa vụ quân sự. Họ đã đốt các tòa nhà, cướp phá các cửa hàng, hành hung những người da đen và tất cả những ai định cưỡng lại họ. Cuộc nổi dậy kéo dài 4 ngày, làm khoảng một nghìn người chết. Bộ Chỉ huy Quân sự miền Bắc và vị Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln đã buộc phải thay đổi luật thực hiện nghĩa vụ quân sự và cho phép các công dân được từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự vì các lý do chính trị, tôn giáo hay đạo lý. Kết quả là, chỉ có 2% số quân nhân Mỹ trong các lực lượng vũ trang miền Bắc được tuyển theo luật nghĩa vụ quân sự.

Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898 và trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Quốc hội Mỹ cũng định tái lập chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng đã không đạt được kết quả gì đáng kể. Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha, trong quân đội Mỹ có tới 250 nghìn lính đào ngũ, 50 nghìn quân nhân chính thức từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự. Dưới tác động của những sự việc như thế nên Quốc hội Mỹ năm 1920 đã thông qua đạo luật về quốc phòng (National Defense Act), chính thức công nhận nguyên tắc tình nguyện gia nhập quân đội. Tuy nhiên, những cố gắng để thực hiện luật nghĩa vụ quân sự đã không dừng lại ở đây.

Tháng 11/1940, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật về chuẩn bị tuyển mộ và phục vụ (Selective Training and Service Act) mà theo đó, tất cả những người đàn ông là công dân Mỹ trong độ tuổi từ 21 tới 35 đều phải đăng ký bắt buộc tại các điểm tuyển quân. Quyết định về việc họ có phải vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang hay không được thông qua trên cơ sở xổ số toàn quốc.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai cho thấy, nguyên tắc này đã có những tác dụng nhất định - trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, trong các lực lượng vũ trang Mỹ chỉ có duy nhất một quân nhân đào ngũ. Nguyên tắc trên đã được áp dụng dưới hình thức này hay hình thức khác cho tới năm 1973 và đặc biệt gây nên những sự việc nóng bỏng trong xã hội khi trong thời gian Washington tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, khiến số lượng những người Mỹ yêu hòa bình từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự gia tăng đáng kể, và nhiều thanh niên Mỹ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đã công khai xóa bỏ các tờ giấy gọi đi lính và rời bỏ nước Mỹ. Rốt cuộc là, tại Mỹ đã phải thông qua một quyết định chiến lược về việc chuyển sang xây dựng một quân đội nhà nghề (tình nguyện).

Một chi tiết cần lưu ý là, trong thời điểm đó, các cuộc thăm dò dư luận xã hội lại cho thấy, đại đa số các công dân Mỹ đều chống lại việc xây dựng một quân đội nhà nghề (tức là với đại đa số lính đánh thuê). Nguyên nhân chính là vì nỗi lo, nếu quân đội chỉ toàn lính đánh thuê thì các định chế xã hội có thể không kiểm soát được các lực lượng vũ trang và hiểm họa sẽ khôn lường.

Năm 1970, vị Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon ra tuyên bố về việc từ bỏ chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự và năm 1974, trong các lực lượng vũ trang Mỹ đã không còn những người vào lính theo nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc xây dựng một quân đội gồm toàn lính đánh thuê ở Mỹ đã diễn ra khá dễ dàng vì trong thời gian chiến tranh Việt Nam, có tới quá nửa số quân nhân Mỹ phục vụ theo hợp đồng đánh thuê chứ không phải là do tình nguyện.

Năm 1980, chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự một phần đã được khôi phục nhưng điều khoản chủ yếu trong đó lại là quy định, tất cả các công dân Mỹ đều phải đăng ký nhưng không nhất thiết ai cũng phải khoác quân phục lên người. Việc "đánh trống ghi tên" chỉ phải thực hiện trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc bùng nổ chiến tranh. Quy định này cũng chỉ liên quan tới nam giới, còn việc phụ nữ Mỹ gia nhập quân đội, được cho phép từ năm 1991, lại chỉ dựa trên cơ sở tự nguyện.

Trong những năm gần đây tại nhiều quốc gia trên thế giới đang gia tăng xu thế thành lập các lực lượng vũ trang nhà nghề trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Có 15 trong số 24 quốc gia thành viên NATO từ bỏ hoặc dự định từ bỏ trong tương lai gần chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hệ thống xây dựng các lực lượng vũ trang theo truyền thống chỉ còn được duy trì trong tương lai gần ở Bulgaria, Đan Mạch, Đức (cùng đồng thời với yêu cầu gia tăng lính tình nguyện, tức lính đánh thuê), Hy Lạp, Litva, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Estonia. Mỹ, Canada và Anh đã trở thành những quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn toàn bỏ chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tại Canada ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước đã có một đạo luật nghiêm cấm gọi quân theo nghĩa vụ quân sự trong thời bình. Nước Anh đã chấm dứt chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự từ năm 1962. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha, Hungaria, Hà Lan và Tây Ban Nha đã liên kết lại với nhau trong một câu lạc bộ gồm các nước chuẩn bị xây dựng các lực lượng vũ trang trên cơ sở tuyển lính tình nguyện. Bỉ đã chấm dứt việc gọi quân theo nghĩa vụ quân sự từ năm 1994, còn Pháp - từ năm 2001; Bồ Đào Nha từ năm 2003…

Tại Hà Lan, các thanh niên đã thôi bị gọi vào quân đội từ năm 1996. Tây Ban Nha đã chuyển sang thực hiện cải cách quân đội từ năm 2001… Những nước thành viên NATO khác, cụ thể là CH Czech, Italia, Latvia, Romania, Slovakia và Slovenia cũng đã thông báo về dự định chuyển việc xây dựng các lực lượng vũ trang nhà nghề theo chế độ tình nguyện từ những năm sắp tới.--PageBreak--

Nhà bình luận quân sự Cindy Williams ở Trường Đại học Kỹ nghệ Massachusetts cho rằng, những nguyên nhân dẫn tới việc thông qua các quyết định chuyển sang xây dựng những quân đội nhà nghề đối với mỗi quốc gia mỗi khác. Tuy nhiên, lô gích trong các cải cách đó về mặt nguyên tắc lại rất tương đồng. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, nguy cơ bùng nổ những cuộc chiến tranh lớn giữa các quốc gia đơn lẻ hay giữa các nhóm quốc gia ở châu Âu hay Bắc Mỹ trên thực tế đã không còn nữa. Điều này cho phép đại đa số các nước giảm thiểu một cách đáng kể ngân sách quân sự và quân số.

Một đội quân tương đối ít người nhưng lại được trang bị tốt có thể rất hữu ích trong việc thực hiện những nhiệm vụ quân sự mới - tiêu diệt các phần tử khủng bố hay các lực lượng phiến quân, tiến hành các chiến dịch gìn giữ hòa bình hay nhân đạo… Ngoài ra, những binh sĩ nhà nghề có thể thực hiện các nhiệm vụ điều khiển và sử dụng các kỹ thuật quân sự phức tạp tốt hơn.

Trong vấn đề này vai trò không phải là cuối cùng cũng thuộc về nhân tố kinh tế: nếu thiếu những yếu tố chính trị ái quốc cần thiết, một đội quân nhà nghề luôn tạo ra được hiệu quả vượt lên trên đội quân được xây dựng bằng chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự về hiệu suất (thí dụ, trong đội quân nhà nghề những biến động nhân sự thấp hơn, kỷ luật cao hơn và binh lính cũng như sĩ quan được đào tạo tốt hơn vì nhân tố chính không phải là số lượng mà là chất lượng). Những chi phí tiết kiệm được sẽ được sử dụng vào việc nghiên cứu quân sự và mua sắm các vũ khí trang bị hiện đại hơn. Tuy nhiên, khi những cải cách như thế không đáp ứng được sự mong đợi của xã hội hay giới quân sự, hoặc bị trục trặc vì lý do gì đó, ngay lập tức sẽ xuất hiện làn sóng chỉ trích hệ thống xây dựng quân đội chuyên nghiệp.

Tại châu Âu, các luận chứng kinh tế về việc từ bỏ chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự không mạnh như ở Mỹ dẫu rằng vấn đề thiếu thốn kinh phí đang tồn tại tại nhiều quốc gia ở "lục địa cũ". Dẫu sao, lý do để tiến hành các cuộc cải cách trong trường hợp này vẫn rất đa dạng. Các nhà kinh tế học người Mỹ Christopher Jehn và Zachary Selden đã phân tích tình huống liên quan tới những nguyên nhân dẫn tới việc chuyển đổi sang chế độ tuyển lính nhà nghề ở Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha và Italia.

Theo đánh giá của họ, tại các quốc gia trên, quyết định tiến hành cải cách được thông qua dưới ảnh hưởng của một số nhân tố chủ chốt như sau: những thay đổi địa - chính trị, gánh nặng kinh tế oằn vai vì phải duy trì một lực lượng vũ trang đã bị phình to quá cỡ, sự thay đổi trong các nhiệm vụ quân sự tiềm tàng, cũng như những thay đổi trong chính sách đối ngoại của từng quốc gia. Ngoài ra, một vai trò lớn cũng thuộc về những đặc điểm mang tính địa phương.

Thí dụ, tại Tây Ban Nha, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, quân số của nước này đã bị cắt giảm. Kết cục là, các quân nhân đã có được một sự lựa chọn sang trọng - họ có thể gọi vào lính non nửa số thanh niên có đủ tiêu chuẩn để gia nhập quân đội. Rốt cuộc là, những lý do để tuyển người này hay người khác vào quân đội đã mang nặng định kiến và sự chủ quan. Và điều đó đã làm dấy lên làn sóng phản đối và kêu gọi xoá bỏ hoàn toàn chế độ bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự

Trương Khanh
.
.