Ký ức của cố Đại tướng Võ Nguyễn Giáp về Lý Hòa quê tôi

Thứ Tư, 01/10/2014, 11:00

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, nếu ai có dịp may mắn được tiếp xúc, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một niềm vui, niềm hạnh phúc, một ấn tượng không bao giờ phai; một địa phương, đơn vị hay tổ chức, đoàn thể được Đại tướng biểu dương, được nhận quà lưu niệm của Đại tướng là một vinh dự, một niềm tự hào.

Là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, là người con ở quê hương Quảng Bình thân yêu, trong thời gian công tác, tôi được may mắn và vinh dự tiếp xúc, báo cáo công việc và được Đại tướng ân cần dạy bảo. Xin kể vài chuyện nhỏ ký ức của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê hương tôi - làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

1. Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1994, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” tại Viện Bảo tàng Quân đội - nay là Viện Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, tại Hà Nội. Thật vui và vinh dự cho Báo Quân đội nhân dân là cuộc triển lãm được Chủ tịch nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem. Hôm Đại tướng đến, tôi rất hồi hộp và xúc động hướng dẫn Đại tướng đi xem từng phòng trưng bày. Đến phòng nào cũng vậy, Đại tướng rất chăm chú xem từng bức ảnh và cả chú thích. Xem xong, trước đông đảo mọi người, Đại tướng nói: “Báo Quân đội nhân dân là tờ báo chiến sĩ. Trong chiến tranh, phóng viên Báo Quân đội nhân dân luôn có mặt ở chiến trường, ở nơi khốc liệt nhất, bám sát đơn vị, bám sát chiến sĩ để phản ánh một cách kịp thời, trung thực cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh và quả cảm của chiến sĩ và nhân dân ta. Đi đến đâu, phóng viên Báo Quân đội nhân dân cũng được bộ đội, nhân dân yêu mến, giúp đỡ tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong thời bình, Báo Quân đội nhân dân  luôn hướng về bộ đội, hướng về cơ sở, bám sát cuộc sống, nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội chính quy, từng bước tiến lên hiện đại, phản ánh công tác xây dựng, củng cố quốc phòng của các địa bàn, địa phương. Triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” của Báo Quân đội nhân dân lần này đã phần nào phản ánh được điều đó. Phải nói, nhiều bức ảnh không chỉ mang tính thời sự, trung thực, mà còn có tính nghệ thuật cao. Rất đáng khen ngợi”.

Đang mạch chuyện, bỗng dưng Đại tướng nhìn sang tôi đứng cạnh, rồi hỏi: “Đồng chí ở đâu?”. “Thưa Đại tướng, tôi là Tổng biên tập”, tôi đáp. Đại tướng cười và nói: “Nhìn quân hàm thì biết đồng chí là Tổng biên tập rồi. Nhưng tôi muốn biết đồng chí quê ở đâu?”. Tôi đứng nghiêm, nhìn thẳng vào Đại tướng, trả lời mạch lạc: “Thưa Đại tướng! Tôi quê ở xã Lý Hòa, xã Hải Trạch…”. Tôi nói chưa dứt lời, Đại tướng nở nụ cười và cất lên: “À! Lý Hòa ở đó có bãi tắm Đá Nhảy rất đẹp. Mùa hè nước trong xanh, mát lạnh, cát trắng mịn. Nay là một thắng cảnh quốc gia”. Ngừng lại giây lát, như suy nghĩ một điều gì đó, Đại tướng nói tiếp: “Xưa kia, trên con đường Thiên Lý Bắc – Nam (nay là Quốc lộ 1A), đi qua đèo Lý Hòa khúc khuỷu quanh co, núi lấn ra biển, sóng biển vỗ vào vách đá, bọt nước trắng xóa, người ta có cảm tưởng như đá nhảy. Thời niên thiếu, Bác Hồ yêu quý của chúng ta theo gia đình vào Huế, đã qua đèo Lý Hòa. Ấn tượng về đèo Lý Hòa - Đá Nhảy đã ghi vào trí nhớ của Bác. Mãi đến tháng 6- 1957, Bác về thăm Quảng Bình, Người nhớ lại vế câu đối của một vị tiền nhân: “Bò đi Đá Nhảy”.

Nhìn tôi, Đại tướng hỏi: “Dân Lý Hòa giỏi sông nước, sao không đi Hải quân, mà lại vào Bộ binh”. Tôi chưa kịp trả lời thì Đại tướng tiếp: “Hải quân hay bộ binh đều là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, đều là Bộ đội Cụ Hồ. Chúng ta đều là “Người chiến sĩ hôm nay”. Đại tướng kéo tôi sát vào người rồi cất lời: “Nhà báo đâu! Chụp một kiểu ảnh kỷ niệm nào!”. Khoảnh khắc đẹp và có một không hai ấy đối với cuộc đời chiến sĩ - nhà báo của tôi, đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Trần Hồng, ghi vào ống kính một cách ngoạn mục. Đại tướng nở nụ cười rất tươi, trên khuôn mặt hiền hậu, đầu tóc bạc trắng như ông tiên, vẫy tay chào mọi người ra về giữa vòng vây của khách xem triển lãm và đội ngũ phóng viên. Đây là một buổi chiều cuối năm vui nhất, đẹp nhất và cũng là hạnh phúc nhất, khó quên trong cuộc đời chiến sĩ - nhà báo của tôi. Niềm vui ấy, tôi muốn chia sẻ ngay với nhân dân làng Lý Hòa, xã Hải Trạch quê tôi.

2. Công trình Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch được xây dựng ngay đầu xã, trong khu vực hành chính, trường học, trạm xá của xã. Công trình cao khoảng 15m. Phần trên là Đài tưởng niệm, với biểu tượng hai cánh buồm no gió cao vút chọc thẳng lên trời, phần dưới là Nhà truyền thống. Toàn bộ công trình là một màu trắng thể hiện sự trong sáng, kiên trung, ngay thẳng và hòa hiếu của người dân Lý Hòa. Công trình là một điểm nhấn, gây ấn tượng sâu sắc đối với dân làng và khách thập phương mỗi khi đi qua làng Lý Hòa. Có thể nói, công trình Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch là một địa chỉ văn hóa tâm linh, là nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Công trình cũng là một điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân, của thanh niên, học sinh.

Là một người con xa quê hương hơn nửa đời người, nỗi nhớ quê, nhớ tuổi thơ theo bố, theo cậu đi biển, nhớ những năm tháng cắp sách đến trường vùng tạm bị chiếm… với những kỉ niệm khó quên. Tôi muốn làm được một việc gì đó dù là nhỏ bé, để góp phần làm phong phú, sinh động và có ý nghĩa cho công trình Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống làng Lý Hòa quê tôi. Tôi nghĩ ngay đến việc xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp một bức chân dung có bút tích của Đại tướng, đặt ở vị trí trang trọng của Nhà truyền thống. Tôi tin Đại tướng sẽ chấp thuận, bởi sinh thời, Đại tướng đã biết đến làng Lý Hòa, đã đi qua làng Lý Hòa thân yêu của tôi.

Sáng hôm sau, tôi đến Văn phòng của Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu, gặp Đại tá Nguyễn Huyên - người thư ký lâu năm, thân cận của Đại tướng, trình bày nguyện vọng của mình. Là người giúp việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp lâu năm, vốn cẩn thận, giải quyết công việc thấu tình đạt lý, Đại tá Nguyễn Văn Huyên hỏi tôi: “Việc này có ý nghĩa như thế nào?”. Tôi nói một cách rành rẽ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người huyền thoại của đất mẹ Quảng Bình, một vị tướng kiệt xuất không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của cả thế giới, một vị tướng văn võ song toàn, như Giáo sư Vũ Khiêu nói: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quan nhân tâm”. Một con người như thế, chân dung được đặt ở vị trí quan trọng của một nhà truyền thống cấp xã, cấp huyện hay Bảo tàng cấp tỉnh, quốc gia rất xứng đáng. Nếu được, sẽ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch. Nhân dân cảm thấy Đại tướng luôn ở bên mình và càng phải học tập đức tin của Đại tướng… Chân dung Đại tướng có bút tích của Đại tướng sẽ làm Nhà truyền thống càng có ý nghĩa hơn…

“Anh có thể nói một cách tóm tắt những nét, thành tích nổi bật của quê anh, để có điều kiện tôi sẽ trình bày với Đại tướng”, anh Huyên nói. Tôi như được mở lòng tâm sự với anh Huyên về truyền thống hiếu học và chiến đấu chống giặc ngoại xâm của làng Lý Hòa quê tôi. Nói xong, tôi đưa cho anh Huyên bốn bức chân dung của Đại tướng do Đại tá Trần Hồng - nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên Báo Quân đội nhân dân chụp, chuyển đến Đại tướng lựa chọn bức ảnh nào ưng ý nhất. Tiễn tôi ra về, anh Huyên nói: “Nếu có điều kiện, anh trình bày trực tiếp với Đại tướng thì tốt hơn”.

Thật là một dịp may ngẫu nhiên đến với tôi, sáng 22/8/2008, nhân dịp ngày sinh thứ 97 của Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/2008), Đoàn Đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội đến chúc thọ Đại tướng. Bao giờ cũng vậy, Đại tướng và phu nhân ưu tiên và dành nhiều thời gian cho Đoàn Đồng hương Quảng Bình. Sau lời chúc thọ Đại tướng của đồng chí Trưởng Ban liên lạc đồng hương, cả đoàn quây quần bên Đại tướng và phu nhân, chăm chú lắng nghe Đại tướng căn dặn. Sau đó, Đại tướng cho phép chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng và phu nhân. Đoàn bước ra khỏi phòng khách, tôi đứng lại sau cùng và xin phép được gặp Đại tướng. Thấy tôi đứng nghiêm, Đại tướng hỏi: “Đồng hương có chuyện gì muốn trình bày à?”. “Thưa Đại tướng và phu nhân! Làng Lý Hòa, xã  Hải Trạch, vừa hoàn thành công trình Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống khang trang và tôn nghiêm. Đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch có nguyện vọng tha thiết muốn xin một bức ảnh chân dung có bút tích của Đại tướng để đặt vào vị trí trang trọng của Nhà truyền thống”. Tôi nói một cách mạch lạc và ngắn ngọn. Đại tướng không trả lời ngay nguyện vọng của tôi, Đại tướng cho phép tôi ngồi xuống, nhìn tôi, nở nụ cười và nói: “Làng Lý Hòa là một vùng biển có truyền thống hiếu học. Nhân dân cần cù, năng động và có truyền thống cách mạng.

Trong số nhiều thanh niên làng Lý Hòa yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, có đồng chí Đặng Gia Tất, trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng ở cơ sở rồi lên huyện, đến tỉnh, sau được điều ra công tác tại Trung ương. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng chí Tất được Trung ương điều về làm Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Bình. Trong chống Mỹ, cầu Lý Hòa và đèo Lý Hòa là trọng điểm đánh phá khốc liệt của không quân và hải quân Mỹ nhằm cắt đứt đường giao thông của ta. Cùng với quân và dân Quảng Bình, ở Lý Hòa, các xã lân cận đã thực hiện khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc/ Đường chưa thông, không tiếc máu xương”, đồng bào đã dỡ nhà của mình lát đường, bắc cầu cho xe ta chi viện cho chiến trường niềm Nam. Ngư dân và dân quân bám biển vừa sản xuất, vừa bắn máy bay, tàu chiến của Mỹ, thật là những con người dũng cảm”.

Nghe Đại tướng nói, tôi muốn ôm chầm lấy Đại tướng để cảm ơn. Vừa lúc đó, Đoàn đại biểu Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đã bước vào mừng thọ Đại tướng. Tôi đứng dậy, chào Đại tướng và phu nhân, bước ra cửa. Lòng tôi lâng lâng, thật là một niềm vui khó tả.

Mấy ngày sau, Đại tá Nguyễn Huyên điện cho tôi sang 30 Hoàng Diệu nhận quà. Vừa thấy tôi bước vào phòng, anh Huyên đứng dậy bắt tay tôi và cười rất tươi: “Thế là anh đã toại nguyện rồi đấy”. Tôi vừa cảm ơn anh Huyên, vừa rút bức ảnh từ trong phong bì ra. Ảnh chân dung Đại tướng không phải tôi chọn, mà một bức chính tay Đại tướng chọn. Hình ảnh Đại tướng ngồi hiền hậu, bình dị, trong quân phục mùa hè, vầng trán rộng, tóc bạc phơ. Miệng Đại tướng cười, như muốn nói một điều gì đó; tay phải giơ lên khỏi bàn, ngón tay trỏ chỉ về phía trước như chào mọi người. Mắt Đại tướng nhìn thẳng, xa xăm vào không gian. Dưới góc trái bức ảnh, Đại tướng ghi “Tặng xã Hải Trạch anh hùng - 8/2008 - Võ Nguyên Giáp”.

Tại lễ khánh thành Đài tưởng niệm và Nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, bức chân dung Đại tướng có bút tích của Đại tướng được đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy trân trọng trao tặng cho đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch. Buổi lễ hôm đó, niềm vui của đảng bộ và nhân dân xã Hải Trạch như được nhân đôi.

Hà Nội - Quảng Bình, ngày giỗ giáp năm
cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phong Hải
.
.