Ký ức An ninh khu 8 và mối tình thời hoa lửa

Thứ Năm, 06/11/2014, 16:32

Ngày tôi còn công tác tại Công an tỉnh Long An, thi thoảng lại được gặp Đại tá Ngô Văn Quý (nguyên Phó ban Cơ yếu An ninh khu 8, Trưởng phòng Chính trị, Cục Cơ yếu, Bộ Công an; hiện nghỉ hưu tại Hà Nội) vào kiểm tra công tác. Sau công việc, có hôm hai chú cháu đi bộ một vòng thị xã Tân An. Vừa đi, ông vừa bồi hồi kể lại những kỉ niệm thời khói lửa chiến trường khu 8...

Lúc dừng chân bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, ông khắc khoải nhìn về xa xăm ngút ngát những rặng dừa nước rồi nói như một tiếng thở dài đầy hoài niệm: “Chú bỗng nhớ những mùa nước nổi phải sống cheo leo trên những ngọn cây, vừa mã dịch điện phục vụ chỉ đạo chiến trường vừa lẩn tránh sự truy lùng của địch”…

Thoáng chốc mà 20 năm sau lần hai chú cháu gặp nhau ở Tân An. Hôm ấy, đầu tháng 10/2014, ông Quý điện thoại cho tôi thông báo: “Có tin mừng con trai nhé - ông thường thân mật gọi tôi như vậy - Cục Cơ yếu vừa được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân!”. Tôi bèn đến thăm ông, nhân thể biếu ông mấy bức ảnh chụp hôm ông và một số cán bộ của Cục Cơ yếu được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.

Ký ức An ninh khu 8 và mối tình thời hoa lửa -0
Ông Quý và bà Ấm tại nhà riêng.

Vợ chồng vị đại tá, nguyên Phó ban Cơ yếu An ninh khu 8 năm nay gần 70 tuổi đón tôi với nụ cười tươi tắn, đôn hậu. Trong phòng khách, hiển hiện những kỉ niệm một thời đạn bom - một thời hào hùng được trưng bày qua những khung ảnh treo trên tường, những album ảnh trên giá sách… Vợ ông, bà Phạm Thị Hải Ấm, nguyên giáo viên khu 8 thời kì 1969-1975, cho tôi xem những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian nhưng còn khá rõ: cảnh làm việc, sinh sống trong căn cứ khu 8 (vùng Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An hiện nay). Trong bức ảnh ấy, có cả những đứa trẻ lon ton. Chỉ tay vào một bé gái, bà Hải Ấm bảo: “Đây là Hoài Liên, con gái của cô chú, sinh năm 1972”. Tôi vốn biết ông bà có một đám cưới đầy lãng mạn thời chiến trường khu 8, nhưng bức ảnh khiến tôi bất ngờ và chiêm nghiệm: “Có lẽ, em Hoài Liên nhà cô chú là một trong số rất, rất ít công dân thủ đô được sinh ra ở chiến trường miền Nam?”.

Tháng 12/1966, từ Trường Công an Trung ương (C500, nay là Học viện An ninh nhân dân), ông Quý và đồng đội xuất phát vào chiến trường chi viện lực lượng An ninh miền Nam. Sau nửa năm hành quân, chủ yếu là cuốc bộ, với balô tài liệu mật mã và vũ khí, họ vào tới chiến trường khu 8. Những kí ức chợt ùa về với vị đại tá già: “Ở trên rừng thì sống cùng với muỗi và vắt. Về đồng bằng thì lại sống trong rừng tràm lầy lội cũng toàn muỗi và đỉa. Hành quân suốt đêm trong nước đầy đăng, lác và gốc tràm bị cháy khiến bàn chân nhợt nhạt nát bươm. Anh em chúng tôi ai đi qua Đồng Tháp Mười ngày ấy thì móng chân đều bị thối và ít ra cũng một lần thay móng”.

Tôi từng có hơn 4 năm sống ở Long An nên hiểu phần nào về Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, mênh mang như biển với những rừng tràm bất tận, những vạt ruộng đầy cỏ năn, lác… Thế nhưng thật khó hình dung được những khó khăn, gian khổ của thế hệ cha anh thời kháng chiến. Ông Quý nhớ lại: Chiến khu Đồng Tháp Mười là cả một vùng mênh mông biển nước, nhà ở phải gác trên cây rừng thường gọi là chòi. Đây là một khó khăn rất lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của anh em An ninh nói chung và Cơ yếu nói riêng. Đi lại đều bằng ghe xuồng, sáu tháng liền không được đặt chân xuống đất. Làm việc trên chòi, nước dâng đến đâu lại phải nâng lên sao cho cách mực nước khoảng một mét. Chòi càng cao làm việc ban đêm càng gian nan. Ánh sáng trong đêm mới thật sự khó khăn và nguy hiểm. Nguồn sáng là một chiếc đèn dầu hỏa với cấu tạo kỳ quặc. Chụp đèn làm bằng bìa sách hoặc sắt tây như một cái loa úp xuống, có khoét một lỗ nhỏ cho ánh sáng đủ chiếu vào một miếng gỗ rộng 50cm, dài 80cm là bàn làm việc cơ động. Nghĩa là phải hạn chế tối đa ánh sáng hắt ra xung quanh để đề phòng những chiếc máy bay trinh thám. Có lệnh báo động thì phải tắt đèn ngay. Thỉnh thoảng lại một quả đạn pháo bắn vu vơ vào căn cứ khiến chúng tôi giật thót mình. Đêm đêm, những chiếc máy bay “cá nóc” và “cán gáo” ráo riết săm soi, nếu phát hiện mục tiêu chúng thả cối, phóng pháo tiêu diệt ngay.

Ký ức An ninh khu 8 và mối tình thời hoa lửa -0
Ông Ngô Văn Quý (thứ 4 từ trái qua) trong lần đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc.

Làm nhà trên ngọn cây mùa nước nổi phải ngụy trang thật khéo. Chúng tôi dùng những cây điên điển và lục bình gài lên mái và xung quanh. Có lúc căn cứ bị lộ, cả Khu ủy và Quân khu ủy chịu hàng ngàn trái pháo do chiến hạm đậu trên sông Cửu Long thuộc khu vực Hồng Ngự, Kiến Phong bắn vào. Nơi trú ẩn của chúng tôi mùa nước nổi là những “công sự” đầy sáng tạo. Mỗi người được cấp hai bao tải trấu lúa gác lên cây, cách mặt nước chừng 20cm, toàn thân ngâm trong nước, đầu thì nép vào bao trấu. Có lúc phải ngâm ba đến bốn giờ chịu đựng trong nước để tránh những trận pháo phát quang, pháo chụp, pháo rìu… Không những vậy, điều kiện môi trường ở đây còn biết bao mối đe dọa khác. Muốn tránh pháo thì phải chịu đỉa, muỗi và cả rắn rết bởi Đồng Tháp Mười khi ấy “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội tựa bánh canh”…

Khi mã hóa và giải mã điện mật anh em tôi ngồi xếp bằng trước “bàn làm việc” đặt ngang trên xuồng, dùng dây thừng cột vào thân cây rừng, thỉnh thoảng lại giật bắn mình bởi một trái pháo “đĩ” bắn vào cứ. Cuộc sống và làm việc của chúng tôi cứ nay góc rừng này, mai góc rừng kia, một người ngủ dưới xuồng, một người ngủ treo trên cành cây bằng võng, còn ăn uống thì chỉ có gạo với thịt chuột đồng, cá, rau muống, lục bình, bông súng tự kiếm trên vùng Đồng Tháp Mười mênh mông. 

Một kỉ niệm sâu sắc vẫn mãi ám ảnh trong tâm trí Đại tá Ngô Văn Quý. Ông xúc động kể: Tôi còn nhớ mãi ngày đọc nhật lệnh Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, lúc đó anh em chúng tôi tập trung đông đủ nghe đồng chí Bí thư khu ủy đọc nhật lệnh tấn công vào giờ G. Người chúng tôi như sôi lên, sung sướng vì sắp vào trận quyết chiến. Chiến sự diễn biến có nhiều bất lợi. Những ngày tiếp theo, là người trực tiếp mã dịch những bức điện tối mật, chúng tôi hiểu chiến tranh còn kéo dài, đồng bào ta còn phải hy sinh…

Ký ức An ninh khu 8 và mối tình thời hoa lửa -0
Đại tá Ngô Văn Quý (bìa phải) trong một lần gặp mặt đồng đội cũ năm 2014.

Cũng như người chồng tương lai, bà Hải Ấm vượt Trường Sơn, có mặt ở chiến trường khu 8 vào đầu tháng 9 - 1969. Giữa nơi bom đạn ác liệt, những lớp học vẫn được mở. “Nhiều hôm cán bộ và nhân dân đến xem các cô giáo giảng bài đông như đi xem văn công” - bà Hải Ấm nhớ lại. Và như duyên trời định, ông bà gặp được nhau: “Gần nơi tôi dạy học, có một hố bom lúc nào cũng đầy nước. Chúng tôi ra đó trồng rau thì thấy đã có vạt rau của ai đó trồng từ trước. Một buổi chiều, có người ra tưới rau; thấy tôi nói giọng Bắc anh liền nhận đồng hương, tự giới thiệu tên Quý, là Công an chi viện An ninh miền Nam từ năm 1966… Từ đó chúng tôi quen nhau. Anh thường sang cơ quan tôi mượn sách báo. Tôi để ý đánh dấu xem anh có đọc không, thấy có hôm anh mang trả mà dấu còn nguyên nhưng vẫn mượn tiếp. Anh Phạm Hứa là trưởng đoàn, Bí thư chi bộ bảo anh Quý: “Quý đến với nó được đấy, gia đình gia giáo nền nếp lắm, nhiều người là nhà giáo có tiếng ở địa phương”.

Cơ quan lúc đó quản lý rất chặt, nhất là chuyện quan hệ nam nữ nên đi đâu cũng phải có vài ba người. Nhưng anh em đa số là thanh niên trẻ, rất vui vẻ và nhiệt tình. Những người bạn đó sau này gắn bó với cả hai chúng tôi, sống chết cùng có nhau. Đó là anh Năm Vàng quê Mỹ Tho, anh Ba Thơ quê An Giang, các anh Sáu Thắng, Sáu Thưởng là người miền Nam tập kết… Mọi người rất tâm lý, có những lần các anh Minh, Vàng rủ nhau đi chơi để chúng tôi ngồi riêng tâm sự. Đến bây giờ gặp lại nhau đầu đã hai thứ tóc, anh em vẫn nhớ lại và trêu: “Ông bà hun nhau đi, để bọn tôi còn về, ngồi đây lâu muỗi cắn chết mẹ!”… Trong khu còn có những mối tình khác như anh Ba Đàm (quê Thanh Hoá) với chị Mỹ Dung (quê Cà Mau). Tình yêu của họ cũng rất đẹp, mỗi lần chị viết thư cho anh đều đưa tôi xem. Cuộc chiến tuy ác liệt nhưng tình yêu vẫn nảy nở. 

Đã hẹn với lòng mình hạnh phúc riêng phải tới khi chiến tranh kết thúc mới tính, nhưng tuổi trẻ đâu có đợi chờ ai… Chúng tôi ngỏ lời báo cáo hai bên cơ quan. Ngày 1/6/1971, anh Sáu Thưởng đại diện nhà trai đến làm lễ ăn hỏi. Chú Bảy Kim, chú Sáu Tú đại diện cơ quan nhà gái đón tiếp. Các chú nói với nhau: “Con em mình ra ngoài Bắc đã được miền Bắc nuôi dưỡng, bây giờ con em đồng chí mình về đây mình phải có trách nhiệm chu đáo”… Giữa thời chiến nhưng chúng tôi vẫn có thiệp cưới, được in ở nhà máy in của khu, nền màu hồng rất đẹp. Các anh bàn nhau ghi tên tôi trước trong thiệp cưới: Hải Ấm - Văn Quý. Việc làm nhỏ ấy cũng là một kỷ niệm sâu sắc với tôi. Đám cưới được tổ chức trong một cánh rừng trên đất bạn Campuchia,  tại một cái sân rộng có che bạt, xung quanh dán đầy khẩu hiệu do chú Tư Lùng, bên cơ quan anh Quý cắt dán, nhiều nhất là “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Hôm đó còn có các anh chị em ở đoàn văn công Đồng Tháp tới cùng dự nên rất vui… Khi con gái đầu lòng ra đời, chúng tôi đặt tên là Hoài Liên để nhớ mãi loài hoa đẹp của Đồng Tháp Mười.

Hơn 4 thập kỉ đã qua. Vào ngưỡng tuổi thất thập, vợ chồng Đại tá Ngô Văn Quý vẫn dành thời gian thăm lại chiến trường xưa, tri ân đồng chí, đồng bào đã đùm bọc, giúp đỡ họ trong những năm tháng không thể nào quên. Giữa tháng 10/2014, ông bà đã về Đồng Tháp Mười để cùng đồng đội ôn lại bao kỉ niệm của chiến trường khu 8. Trở lại Hà Nội, bà điện cho tôi, cười rổn rảng và khoe: “Cháu vào Facebook của cô nhé. Có nhiều ảnh đẹp của cô chú và đồng đội thăm lại Đồng Tháp Mười”!

Trần Duy Hiển
.
.