Kiếm tiền từ nỗi buồn

Thứ Hai, 25/08/2008, 10:00
Bây giờ báo chí quá nhiều, báo mạng, các trang web hoạt động như những tờ báo và còn phong phú hơn rất nhiều. Công nghệ copy - paste của các tờ báo mạng đã đạt trình độ siêu đẳng. Và các mảng giải trí trên báo mạng phần lớn là chuyện ngồi lê đôi mách về đời tư các ngôi sao. Và đã hình thành một nhóm người, chỉ biết làm một công việc duy nhất là gặp gỡ các ngôi sao và sau đó vội vã đưa tin.

Họ không cần biết đó có phải là một nghệ sỹ nổi tiếng hay không. Chỉ cần đó là một người đang được quan tâm, nhất là đang có scandal hoặc có chuyện buồn trong đời riêng. Họ đã kiếm được tiền từ những nỗi buồn của người khác.

Thử nhìn vào danh sách thông tin viết về Britney Spear trên một tờ báo mạng sẽ thấy, cô đã bị báo chí lá cải "làm thịt" trên mọi phương diện. Cô chính là nạn nhân điển hình của giới truyền thông. Mọi thông tin xấu xí nhất về cô đều được đưa lên mặt báo. Và trong những lúc cô hoảng loạn nhất, lẽ ra cần được sự cảm thông của những người làm báo, thì lại là lúc cô xuất hiện liên tục trên báo với chuỗi hành động ngớ ngẩn, nhố nhăng và điên rồ. Báo chí đã tận dụng cô và dồn cô tới bước đường cùng. Đó kể như cái giá của sự nổi tiếng.

Nhưng cũng thấy rõ sự tàn nhẫn của truyền thông. Chính họ đưa ngôi sao lên mây, rồi lại dìm họ xuống bùn đen. Một biên tập viên của tờ báo mạng Việt Nam có lượng tin về Britney nhiều kỷ lục, nghĩa là mỗi tuần vài tin, thú nhận rằng, độc giả của họ thích thông tin về cô ca sỹ này. Cứ nhìn lượng pageviews là biết. Loại tin lá cải nhảm nhí đời tư luôn là mảng tin "hot" nhất và được đọc nhiều nhất. Không cần biết đó là ai, miễn nhiều người đọc thì sẽ được đáp ứng. "Fastfood" thông tin là thế. Với những trang báo này, chuyện "nhân văn" là khái niệm khá mơ hồ. Và đó không phải là cái mà người làm báo quan tâm. Pageviews, như rating trong truyền hình, phải luôn cao. Đó là đích nhắm cuối cùng.

Một trang tin trên mạng mới xuất hiện, điều gì sẽ thu hút được bạn đọc? Đó chính là những thông tin giật gân. Hãy thử đọc những cái tít và những lời bình luận trên một trang báo dành cho tuổi teen: "Trà My Idol từng… ngủ chung với rất nhiều người. Thề là không phải tin đồn đâu, chính cô nàng thừa nhận thế mà"; "Tăng Nhật Tuệ và Thủy Top rủ nhau vào… phòng tối"; "Cập nhật danh sách mỹ nhân của "anh Hy".

Những người mới lần này tuy không phải là nghệ sỹ nhưng đều thuộc dạng dân chơi có số có má"; "Jessica Simpson quay băng "nóng" tặng giai";  "Các sao nhiều lúc cũng… ngơ ngơ khó đỡ"; "Các sao trước và sau khi… cơi nới vòng 1. Hầu như chẳng có sao nào khi nổi lại không nghĩ đến chuyện cải thiện vấn đề "màn hình phẳng" cả"; "X-Tina chụp ảnh với "giai" nude. Chị í lại còn có quả đầu như một đống rơm nữa chứ. Vụ gì đây??"....

Chỉ cần đọc tít đã đủ hiểu mục đích "câu giật" của những thể loại tin này rồi. Cũng trang tin này là trang đầu tiên ở Việt Nam khai thác triệt để vụ scandal sex của Trần Quán Hy, cập nhật chi tiết hình ảnh, thông tin và vẫn tiếp tục khai thác sự kiện này.  Ngôn ngữ hổ lốn và cách thông tin nhằm vào mục đích câu khách là điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng đáng buồn là, đây lại là một trang web dành cho tuổi học trò. Hầu hết những thông tin trong mục ngôi sao đều nhắm vào các ngôi sao mới lớn và khai thác những chuyện đời tư.

Học trò cũng cần giải trí và cũng không nên quá cứng nhắc trong việc sử dụng ngôn ngữ. Nhưng có lẽ cái gì cũng cần có ngưỡng của nó. Và nếu chỉ đọc trang web này, người ta có cảm giác học trò hôm nay chỉ quan tâm đến những điều nhảm nhí.

"Đi phỏng vấn H.Y không?". "Cô ấy có đóng phim gì mới à?". "Không!". "Thế thì có gì mà phỏng vấn?". "Không biết chuyện gì à? Tin cực “hot”. Cô ta mới bỏ chồng rồi. Phải phỏng vấn trước, không bọn báo khác nó biết thì ăn cháo"… Những cuộc trao đổi như vậy diễn ra hàng ngày.

Bây giờ báo giải trí quá nhiều, nên không cần có hoạt động gì mới trong nghệ thuật, chỉ cần có chút thông tin mới về đời tư là ngôi sao đó đường bệ vào những trang tin "hot", "mới - nóng". Và chuyện đời tư của ngôi sao càng bi đát thì càng được báo chí săn đón nhiều.

Với một nghệ sỹ đồng tính luyến ái, kiểu gì cũng phải moi móc bằng được những câu liên quan đến chuyện "gay, les". Và hỏi móc máy sao đó để ngôi sao nổi đóa và chửi váng lên càng hay, càng “hot”!

Ngôi sao mới ly hôn, có thể sẽ viết bài phỏng vấn cho sao chửi chồng/vợ, sau đó sẽ phỏng vấn đối phương, cho đối phương thanh minh và chửi lại. Cứ như thế, có thể kéo được một sự kiện trong cả tuần. Phóng viên cũng có bài dài dài để đăng, kiếm tiền đều đặn. Hay chẳng hạn chuyện đàn ông lấy vợ già, đàn bà lấy chồng trẻ, đó là chuyện đời sống, nhưng đã có những phóng viên lợi dụng sự nhẹ dạ của nghệ sỹ, rồi vun vén nó thành những bài báo giật gân, biến các nghệ sỹ vừa tìm kiếm được chút ít tình cảm từ người chồng/vợ trẻ hơn mình trở nên sượng sùng, ê chề. Họ bị biến thành những người… nhảm nhí.

Với người mẫu, cô nào cũng sẽ được hỏi có thích đại gia không, mê tiền không, thích đàn ông như thế nào, có thất vọng về đàn ông không… Rất ít câu hỏi nghiêm túc liên quan đến nghề nghiệp. Không có khái niệm rằng, người mẫu thì phải bàn về thời trang. Trên những trang báo đó, các ngôi sao tự vươn vai nói về mình, dõng dạc, nghênh ngang và càng gây sốc càng tốt. Nếu các ngôi sao dám chỉ trích ai đó thì độ "nóng" càng cao. Cứ thế, người nổi tiếng bị rơi vào cái bẫy của truyền thông mà không hề hay.

Không có sự thông cảm hay chia sẻ. Chỉ đơn giản là phỏng vấn gây sốc, kiếm pageviews, tìm độc giả. Những người làm báo này cố gắng phục vụ tối đa nhu cầu của một bộ phận bạn đọc thích hóng chuyện đời ngôi sao. Bởi cũng có một bộ phận công chúng luôn cảm thấy được an ủi khi người nổi tiếng cũng gặp những điều không may, cũng lắm bất hạnh. Khi ấy, sự ghen tị trong lòng họ được xoa dịu. Nhưng cũng có khi, chỉ đơn giản là ngồi văn phòng rỗi việc đọc cho vui.

Thế nên, những người làm báo kiểu này đã cố gắng thỏa mãn nhu cầu ấy mà quên đi một điều rằng, họ đang kiếm tiền một cách lạnh lùng trên nỗi buồn của người khác. Tất nhiên, mọi thông tin đến ngôi sao đều dễ khiến công chúng quan tâm. Cũng không có luật nào cấm việc đưa những thông tin ấy. Nhưng đưa tin như thế nào, phụ thuộc vào cái tâm của người đưa tin…

Ở bất cứ đâu, ở một xã hội văn minh hay lạc hậu, thì nhu cầu buôn chuyện vẫn là nhu cầu có thật. Những thông tin đời tư ngôi sao chính là để thỏa mãn nhu cầu ấy. Không phải ngẫu nhiên mà các trang báo nước ngoài đặt thẳng tên chuyên mục của mình là "gossip", chuyên mục cho những chuyện "buôn dưa lê". Nhưng những người thực hiện trang báo đó phần nhiều không phải là những nhà báo chuyên nghiệp, những nhà báo được tôn trọng.

Phần nhiều những hình ảnh ngôi sao hớ hênh nhảm nhí do các tay săn ảnh chụp trộm. Và những người đưa tin đôi khi chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Làm báo không cảm xúc và có phần tàn nhẫn, đó là điều mà giới nghệ sỹ phương Tây căm ghét những tờ báo lá cải.

Ở Việt Nam, có những khi vì muốn có những thông tin giật gân, một tờ tạp chí sẵn sàng đi phỏng vấn một ông nghệ sỹ về những người khác. Và ông nghệ sỹ kia đôi khi chỉ nói cho vui miệng, nhưng đã được ghi âm lại và tung lên báo với những lời lẽ đôi khi phê phán nặng nề đồng nghiệp của mình. Đó cũng là một cách làm báo không có tâm vậy.

Tất nhiên, thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của nó. Tự những người làm báo sẽ phân loại mình. Và trước một nỗi buồn đau của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào cũng là một cách để những độc giả thông thái nhận ra được nhân cách của những người đưa tin…

Gia Bảo
.
.