Những công bộc trong điện Kremli:

Không vất vả nào riêng của ai

Thứ Ba, 12/06/2012, 14:50
Soi lại quá khứ, có thể thấy rằng, trong thời hiện đại, cường độ lao động của các “công bộc” trong Điện Kremli quả tình là rất cao. Tuy nhiên, không ít nhà lãnh đạo trong thời Xô viết cũng đã làm  việc hết mình để phụng sự nhân dân.

Tháng 10/2011, khi còn ngồi trên ghế Thủ tướng, trong cuộc giao lưu trực tuyến với công chúng, trước những câu hỏi có vẻ như gièm pha về công việc của ông, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thắn tuyên bố: “Tôi vì sao đấy không nhớ được ra việc ban lãnh đạo Xô viết sau chiến tranh, các thủ lĩnh Xô viết thời sau chiến tranh lại làm việc tích cực như tôi hiện nay. Hay như Tổng thống đương nhiệm Dmitri Medvedev…”. Soi lại quá khứ, có thể thấy rằng, trong thời hiện đại, cường độ lao động của các “công bộc” trong Điện Kremli quả tình là rất cao. Tuy nhiên, không ít nhà lãnh đạo trong thời Xô viết cũng đã làm  việc hết mình để phụng sự nhân dân.

Quan trọng là hiệu quả

Lãnh tụ Xô viết Stalin sau Chiến tranh  thế giới thứ hai do tuổi đã cao (ông sinh năm 1878) nên đã không còn được phong độ năng nổ như trước. Tờ Tuyệt mật của Nga dẫn tư liệu từ một số công trình nghiên cứu cho biết, trong những năm 1950–1953 đã giảm mạnh số lượng những vị khách mà văn phòng của Stalin phải tiếp.  Năm 1950 đã có gần 700 người tới làm việc với Stalin. Thế nhưng, trong giai đoạn năm 1952 và đầu năm 1953, con số này đã giảm xuống dưới 500. Số lượng khách tới làm việc trong ngày ít hôm vượt hơn 10. Năm 1950, lãnh tụ Stalin đã nghỉ phép từ ngày 2/8 tới ngày 22/12. Tới năm sau, ông còn nghỉ phép liền tù tì 6 tháng. Kết thúc kỳ nghỉ vào cuối tháng 12/1950, mãi tới ngày 13/2/1951, ông mới đến văn phòng trong Điện Kremli. Sau Đại hội lần thứ XIX  của Đảng Cộng sản Liên Xô (diễn ra từ ngày 5 tới 14/10/1952), lãnh tụ Stalin trong thực tế không một lần triệu tập đông đủ các thành viên của Đoàn Chủ tịch (Bộ Chính trị).

Trong vòng hơn 6 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, lãnh tụ Stalin chỉ xuất hiện trước công chúng có đôi ba lần. Số ngày làm việc của ông trong Điện Kremli năm 1947 chỉ là 136. Năm 1948, ông chỉ làm việc trong Điện Kremli 122 ngày. Năm  1949: 113 ngày; năm 1950: 73 ngày, năm 1951: 48 ngày; năm 1952: 45 ngày. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong giai đoạn đó, sự lãnh đạo của Stalin đối với đất nước lại kém hiệu quả.

Chính trong giai đoạn đó, Liên Xô đã chế tạo được vũ khí hạt nhân và bắt đầu sản xuất những phương tiện mang vũ khí hạt nhân. Cũng trong giai đoạn đó, Moskva đã tạo được thế cân bằng với Washington trong vấn đề chiến tranh ở Triều Tiên, tạo dựng được nhiều bước tiến trong việc xây dựng hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa và khôi phục lại đáng kể tiềm lực quốc gia từng bị phá hủy nặng nề trong chiến tranh. Và bầu không khí chính trị hiển nhiên là đã ổn định vì lãnh tụ Stalin có thể cho phép mình nghỉ phép tới 5-6 tháng liền mà không lo ở phía sau lưng có ai đó giở trò phản trắc. Cũng giống như trong những năm 30 của thế kỷ trước, lãnh tụ Stalin có thể đi nghỉ từ tháng 8 và tới đầu tháng 11 mới trở về mà vẫn yên tâm rằng mọi việc trong Điện Kremli vẫn trôi chảy theo đúng ý ông dù ông không có mặt tại đó.

Muốn nói vì thì nói, khác với thời hiện đại, ở Liên Xô trước kia đã tồn tại một hệ thống quyền lực nhà nước có thể hoạt động bình thường ngay cả khi lãnh đạo tối cao không có mặt trong Điện Kremli. ở thời đó, cơ chế kế hoạch chặt chẽ, kỷ luật lao động và hành pháp đã vận hành rất có hiệu quả. Tới cuối những năm 40, hiểu rõ rằng không ai có thể cưỡng lại tuổi tác để bao quát hết những mông mênh của bộ máy điều hành quốc gia, lãnh tụ Stalin đã thâu tóm lại về mình tất cả bộ máy đó.

Tại Hội đồng Bộ trưởng mà ông là người đứng đầu, đã được lập ra những cơ quan hạt nhân ở các bộ và ban, nằm dưới sự điều hành trực tiếp của các cán bộ lãnh đạo trung thành nhất với cá nhân ông. Những cán bộ này có trách nhiệm trực tiếp báo cáo với lãnh tụ Stalin về mảng công việc mà họ được giao cho phụ trách. Thành phần những cán bộ lãnh đạo này không nhất thiết phải là đồng hương hay đồng đội cũ của ông.

Nguyên tắc xây dựng bộ máy của lãnh tụ Stalin là làm sao để không một nhân vật thân cận nào có thể một mình nắm toàn bộ một mảng công việc quan trọng. Chính cơ chế khiến họ không thể hoàn toàn độc lập trong các quyết định mà luôn phụ thuộc vào “sếp nhất” đã bảo đảm cho lãnh tụ Stalin yên tâm khi không ngồi tại văn phòng và cho phép ông biến hoá lịch làm việc tùy theo tình trạng sức khỏe của ông. Điều này là cực kỳ quan trọng vì trong khoảng thời gian ấy, lãnh tụ Stalin đã không có được thể trạng như mong muốn.

Cũng trong giai đoạn đó, thỉnh thoảng lãnh tụ Stalin lại nêu ra yêu cầu xin nghỉ và nêu tên những người có thể kế tục ông trên vị trí tối cao trong Điện Kremli. Nhà kinh tế học nổi tiếng Dmitri Shepilov, từng là Bí thư TW Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn 1955-1957, nhớ lại về Hội nghị BCH TW tháng 10/1952: “Khi nảy sinh vấn đề về việc bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Stalin đứng lên phát biểu ý kiến và nói rằng, ông cảm thấy quá sức khi phải đảm đương cùng một lúc hai cương vị Thủ tướng và Tổng Bí thư Đảng: “Tuổi tôi giờ không phải như trước, tôi mệt lắm, không còn sức nữa, Thủ tướng gì mà lại không thể đọc hết bản báo cáo! Stalin khi nói ra những lời này đã rất chăm chú quan sát gương mặt của những người ngồi cạnh, dường như muốn thử xem hội nghị sẽ có phản ứng thế nào đối với ý kiến của ông về việc từ chức. Không một ai trong phòng họp bày tỏ ý chấp nhận việc Stalin từ chức. Tất cả mọi người bằng bản năng của mình đều hiểu rằng Stalin hoàn toàn không muốn yêu cầu từ chức của mình được đáp ứng”.

Từ 7 giờ sáng tới 12 giờ đêm

Đó là cường độ làm việc của Nikita Khrusov, vị Bí thư Thứ nhất đầu tiên của Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn từ tháng 10/1953 tới tháng 10/1964. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này, theo hồi ức của con trai, ông thường thích nói đi nói lại với thuộc cấp của mình: “Việc các đồng chí phải ở lại cơ quan trong buổi tối không nói lên sự say mê làm việc mà chỉ làm lộ ra sự thiếu năng lực sắp xếp công việc của các đồng chí. Ngày làm việc kết thúc vào lúc 6 giờ chiều. Sau 18 giờ, các đồng chí nên đi xem hát, đi chơi chứ không phải ngồi mài đũng quần trong văn phòng, nếu không thì sáng mai các đồng chí sẽ không thể làm việc một cách tốt nhất”.

Là người lên nắm Điện Kremli sau lãnh tụ Stalin trong những tình huống có thể nói là đầy xung đột và bi thảm, ông Khrusov có thể đã nhìn thấy trong việc thuộc cấp của mình ngồi trong văn phòng cả lúc đêm về những ký ức không vui vẻ của thời ông cũng còn là cấp dưới. Dưới thời Stalin, các Bộ trưởng và ngay cả các ủy viên BCT đã luôn phải ngồi trong văn phòng cho tới đêm khuya để chờ xem liệu lãnh tụ tối cao có gọi đến mình hay không.

Aleksey Kosygin.        Leonid Brezhnev.      Nikita Khrusov.            Yuri Andropov.

Theo hồi ức của Aleksey Salnikov, sĩ quan an ninh từng bảo vệ nhiều đời các lãnh đạo tối cao trong Điện Kremli và đã là vệ sĩ riêng cho ông Khrusov trong những năm từ 1956 tới 1964, ông Khrusov thường dậy khá sớm (theo phong tục của người Nga), vào lúc 6 giờ sáng: “ông ấy đôi khi cũng tập thể dục rồi ăn sáng và tới 7 giờ đã bắt tay vào việc. Thường là trước khi tới Điện Kremli và trên xe hơi, ông ấy đã xem qua các công văn giấy tờ được gửi tới. ông ấy có mặt trong văn phòng vào đúng 8 giờ 45 phút. ông ấy bắt đầu ngày làm việc mà không cần thư giãn. Một số nhà lãnh đạo cấp cao có thể tới nơi làm việc vào lúc 9 giờ sáng nhưng lại rẽ vào phòng nghỉ để thư giãn, nhưng ông Khrusov thì không như thế.

Trong những ngày làm việc ở Moskva, ông ấy chỉ có hai lần giải lao: vào lúc 1 giờ trưa và 5 giờ chiều. Giờ ăn trưa không phải lúc nào cũng là thời gian được nghỉ ngơi hoàn toàn đối với ông ấy. Khi cần thiết, ông Khrusov có thể triệu tập tới bàn ăn trước tất cả các thành viên Đoàn Chủ tịch (Bộ CT), những người này đã được báo trước vào đầu buổi sáng. Và trong bữa trưa, họ đã cùng thảo luận về các công việc.

Tới 17 giờ, ông ấy có thể giải lao khoảng 15 phút để uống một cốc nước Coca-Cola hay ăn vài loại hoa quả gì đó. Tôi thường chuẩn bị cho ông ấy cốc nước nho hay phúc bồn tử ép, đôi khi là cốc nước cam. Rồi sau đó, ông ấy lại bắt tay vào việc. Thường tới 9 giờ tối ông ấy mới rời khỏi văn phòng. Tôi không nhớ nổi trường hợp nào mà ông ấy lại về sớm hơn. Về nhà rồi, sau khi ăn tối, ông ấy lại làm việc. Cứ thế, ông ấy làm việc từ 7 giờ sáng tới nửa đêm, chỉ giải lao chút ít”.

Nếu so sánh lịch làm việc của ông Khrusov với lịch làm việc giai đoạn cuối đời của người tiền nhiệm (năm 1956, ông Khrusov cũng đã 62 tuổi)  thì có thể thấy rằng, cường độ lao động của ông cao hơn.

Kỳ nghỉ phép của ông thường bị chia thành hai giai đoạn (nghỉ hè và nghỉ đông, mỗi kỳ hai tuần). Con trai của ông nhớ lại: “Trong những năm đó, Đoàn Chủ tịch đã ra quyết định thiết lập lịch làm việc rút gọn cho cha tôi và cho ông thêm hai tuần nghỉ phép nữa. Tuy nhiên, quyết định này chỉ nằm trên giấy, chứ công việc đã không chỉ choán hết cả ngày làm việc mà cả thời gian rảnh rỗi của cha tôi. Cha tôi có đi nghỉ thêm phép – thật thú vị khi được tới Pitsunda, Krym hay cánh rừng Belovezh, thoát khỏi công việc  thường nhật. Tại những nơi đó, cha tôi có thể tập trung trí tuệ, suy nghĩ về các vấn đề trọng đại. Và ông gửi ngay các kết  luận và đề nghị của mình tới BCH TW dưới dạng các ghi chép. Cha tôi cũng hay sử dụng những khoảng thời gian rỗi ở nơi nghỉ phép để tổ chức các cuộc họp hoặc chỉ đơn giản  để trò chuyện với các nhà khoa học hay các nhà thiết kế. Tôi còn nhớ như in những cuộc họp rất đông người ở Pitsunda thảo luận về những cách thức phát triển ngành hàng không, chế tạo tên lửa, ngành hóa chất”.

Cũng đúng như sĩ quan an ninh Salnikov nhớ lại, ông Khrusov đã không có được kỳ nghỉ phép nào theo đúng nghĩa của từ này. Nếu trong ngày thứ bảy không tổ chức một hoạt động nào cần tới sự có mặt của ông thì ông lại làm việc ở nhà, đọc tài liệu và viết rất nhiều. Công việc có thể chiếm cả một phần ngày chủ nhật của ông.  Trò giải trí thích thú nhất đối với ông Khrusov chỉ là những chuyến đi săn hiếm hoi tới cánh rừng Barsuki, Zavidovo hay Zalesie gần Kiev. ông đã không chuyên chú một môn thể thao nào, bơi không thạo lắm và cũng không quá mê bóng đá nên chỉ thỉnh thoảng mới đi xem, chủ yếu là các trận có sự tham gia của các CLB nước ngoài.

ông Khrusov đã không tập Judo (như ông Putin) và cũng không thích trượt tuyết (như ông Medvedev). Nhưng ông cũng đã từng chơi cầu lông với Tổng thống Mỹ Dwait Eisenhower… Khác với người tiền nhiệm Stalin (sau chiến tranh hầu như không đi ra nước ngoài, ngoại trừ chuyến tới dự hội nghị Potsdam từ 17/7 tới 2/8/1945), ông Khrusov trong giai đoạn làm chủ Điện Kremli đã thực hiện rất nhiều chuyến công tác ở nước ngoài, tới cả  ấn Độ, Birma (Myanmar hiện nay) và Indonesia… Sĩ quan an ninh Salnikov từng phải tháp tùng ông trong các chuyến công tác trong nước và ra nước ngoài tới  270 ngày trong một năm.

Và như Salnikov nhớ lại, hoạt động bưu chính dành riêng cho ông đã rất bận rộn, đôi khi có ngày tới cả năm bảy lần thư tín được chuyển lên. Có lần ông Khrusov đi công tác ở vùng Trung á và vì điều kiện không thể hạ cánh máy bay bưu chính nên tài liệu đã được thả xuống cho ông từ trực thăng. Cường độ làm việc như vậy tất nhiên đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng sức khỏe của lãnh đạo.

Con trai ông Khrusov nhớ lại: “Gánh nặng công việc rất căng thẳng và tới tuổi 70 thì sức lực còn lại chẳng là bao. Khi về nhà, cha tôi thường mệt mỏi và kiệt sức. ông thả bộ hai vòng quanh nhà trên đồi Lênin, ăn tối rồi lại rút từ cặp ra những tập tài liệu nhiều màu  để làm việc trong buổi tối còn lại. Ngày nào trên bàn cha tôi cũng có những dự thảo dày cộp các quyết định của chính phủ, các ghi chép về các vấn đề khác nhau, các báo cáo của các đại sứ và các cơ quan an ninh tình báo, các bài tổng quan báo chí nước ngoài cộng thêm vô số những tờ báo Xô viết, từ Pravda tới báo Công nhân hay báo Giáo viên. Cha tôi đã đọc tất cả, chăm chú xem các tờ báo và để những bài báo mà ông quan tâm lại tới buổi tối đọc chi tiết. ông đọc các bài báo đó ngay ở cạnh bàn ăn hoặc đi lên phòng ngủ ở tầng hai. Và dù trong nhà cũng có văn phòng nhưng ông hầu như không sử dụng tới nó. Thường là ông làm việc tới nửa đêm. Sáng ra, tới 9 giờ là ông đã có mặt ở nơi làm việc. Đọc nhiều nên mắt ông bị nhức. Chỉ những khi không chịu đựng được những cơn nhức mắt đó, cha tôi yêu cầu các trợ lý lọc hộ đống tài liệu và chuyển cho ông những gì quan trọng nhất, còn các thứ khác thì điểm qua hộ ông. Những lúc đó thì cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.

Thế nhưng, chỉ hai tuần sau, cha tôi lại bắt đầu kiểm tra lại đống tài liệu mà các trợ lý đã cho rằng không cần phải trình lên để ông đọc trực tiếp. Hóa ra là tiêu chí của ông và của các trợ lý rất khác nhau. Một số vấn đề mà các trợ lý cho là không quan trọng thì lại được ông đánh giá là rất quan trọng. Một số thông tin họ cho là thứ cấp thì ông lại đánh giá là cực kỳ đáng được quan tâm. Thế là lại phải trở về nếp làm việc cũ. Có điều càng ngày ông càng hay phải nhờ các trợ lý hoặc con đọc thành tiếng cho ông nghe nội dung các tài liệu. Cha tôi quá hiểu là sức ông đang dần cạn, hơn nữa, lễ kỷ niệm thất thập đang lại gần cũng là một dấu mốc không thể coi nhẹ. Càng ngày ông càng hay nghĩ tới việc tìm kiếm người kế nhiệm.  ông đã không chỉ một lần bộc lộ ý muốn nghỉ hưu ở trong nhà, lúc nói thật lúc như nói đùa. ông cũng bàn về chuyện này với các đồng nghiệp trong Đoàn Chủ tịch”.

Rất khó so sánh công việc của các nhà lãnh đạo nước Nga hiện nay với công việc của các nhà lãnh đạo Xô viết. Nhưng trong trường hợp của ông Khrusov thì phải nói rằng, khi đó, tình hình quốc tế đã hết sức phức tạp: Chiến tranh lạnh ở trên đỉnh điểm, lại xảy ra cuộc khủng hoảng vịnh Caribbe, rồi quan hệ không lấy gì làm tốt đẹp giữa Moskva với Bắc Kinh… Nhưng cũng chính trong giai đoạn mà ông Khrusov cầm quyền, Moskva đã chế tạo được tên lửa liên lục địa mà cho tới nay vẫn là cơ sở của hệ thống phòng thủ hạt nhân Nga. Cũng trong giai đoạn đó, người Nga đã bay lên được vũ trụ và bắt đầu dàn xếp quan hệ ổn thỏa hơn với nhiều quốc gia trên thế giới.

Làm việc quên mình

Aleksey Kosygin, làm Thủ tướng Liên Xô từ năm 1943 tới năm 1946 và sau này giữ cương vị đó trong suốt một thời gian dài (từ năm 1964 tới năm 1980), một trong những nhà kỹ trị từng rất được lãnh tụ Stalin tín nhiệm, cũng đã làm việc quên mình trên mọi vị trí công tác. Sau khi ông Khrusov bị mất chức lãnh đạo tối cao trong Điện Kremli, ông Kosygin đã thay thế ông này trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (còn vị trí lãnh đạo Đảng thì do ông Leonid Brezhnev đảm nhiệm).

Sĩ quan an ninh Salnikov, từng bảo vệ ông Kosygin từ năm 1964 tới khi ông qua đời, nhớ lại: “Cũng như ông Khrusov, ông Kosygin dậy khá sớm, vào lúc gần 6 giờ sáng. ông hôm nào cũng tập thể dục và những khi có cơ hội còn bơi nữa. ăn sáng xong là ông tới cơ quan ngay. Ngày làm việc của ông bắt đầu vào lúc 8 giờ15 phút và thường kết thúc vào lúc tối muộn, không sớm hơn 22 giờ. Có nhiều hôm tôi phải ngồi đợi ông cho mãi tới gần 11 giờ đêm mà ông vẫn còn ở trong văn phòng. ông không chấp nhận các giờ giải lao buổi sáng hay sau bữa trưa. Thường là tới gần 10 giờ tối vợ ông phải gọi điện tới cho ông và nói rằng bà đang chuẩn bị ra cửa đón ông. Chỉ khi đó ông mới rời phòng làm việc lên xe về nhà…

Cường độ làm việc của ông Kosygin chỉ bị giảm đi đôi chút sau cơn đợt quị nhẹ mùa hè năm 1976, trong lúc ông đang bơi thuyền thoi trên sông Moskva. Chỉ nhờ sự cảnh giác và khả năng phản ứng nhanh của các sĩ quan cận vệ nên ông mới thoát được khỏi cái chết mười mươi. Mặc dầu thế, sau khi nằm viện về, ông vẫn tiếp tục cống hiến trên cương vị đầy trọng trách của mình và thậm chí còn thực hiện nhiều chuyến công tác ra nước ngoài, kể cả tới những quốc gia mà khí hậu rất khắc nghiệt, như Ethiopia chẳng hạn…

Sau khi ông Kosygin tháng 10-1980 từ nhiệm ở tuổi 76 vì lý do sức khỏe, nhường lại ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho ông Nikolai Tikhonov, Thủ tướng áo khi đấy là ông Bruno Kreisky đã buột miệng nói với thuộc hạ của mình rằng: “Kosygin đã là doanh nhân duy nhất ở Liên Xô, giờ thì chúng ta chẳng còn biết mặc cả với ai nữa…”. Phải nói rằng, là một người cộng sản chân chính, ông  Kosygin đã không bị cứng nhắc bởi cơ chế quan liêu bao cấp và luôn ấp ủ trong mình một  khát vọng: vươn lên cao hơn để được làm theo những ý tưởng “cứu dân độ thế” không bị ràng buộc bởi những nhân vật ngồi cao hơn mình nhưng tài trí chẳng bằng mình.

Ngày 21/2/1974, phát biểu trong kỷ niệm lần thứ 70 sinh nhật của chính mình, Kosygin đã trầm tư thổ lộ: “Thất thập – đó là thời điểm mà con người ta mặc nhiên cảm thấy nhu cầu phải nhìn lại và suy ngẫm về những tháng ngày đã sống. Và nếu phải nói ngắn gọn về điều trọng yếu nhất, thì đối với tôi, cũng như với tất cả các đảng viên của chính đảng Lênin vĩ đại của chúng ta, điều trọng yếu đó nằm trong sự phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong ham muốn thường xuyên mang lại lợi ích cho mọi người trong cuộc đấu tranh nhằm biến những lý tưởng cộng sản thành hiện thực”. ông đã nói như thế một cách chân thành. Và mọi người nghe ông cũng đều tin như thế. Rõ ràng là không phải lỗi của ông nếu những điều ông nghĩ không phải bao giờ cũng trùng khít với thực tế khách quan.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ ông Kosygin có thể đảm đương được một khối lượng công việc nặng nề như thế không phải chỉ nhờ sự rèn luyện nghiêm túc dưới thời lãnh tụ Stalin mà còn do ông rất có ý thức rèn luyện thân thể. Thời trẻ, ông từng giành được danh hiệu kiện tướng về bơi thuyền và vô địch thành phố Leningrad. Ngoài thất thập, ông vẫn còn chèo thuyền thoi, bơi và chơi bóng chuyền. Trong những kỳ nghỉ phép, ông đã leo núi rất nhiều…

Kosygin qua đời ngày 18/12/1980 sau khi nghỉ hưu không lâu.

Đến hơi thở cuối cùng

Leonid Brezhnev khi nhậm chức  thủ lĩnh trong Điện Kremli tháng 10/1964 đang ở tuổi 58, tức là rất trẻ so với cương vị này. Những người từng biết ông trong giai đoạn này đều công nhận rằng, ông đã làm việc hết sức năng động và dẻo dai. Trước khi tới tuổi 65, Tổng Bí thư Brezhnev có thể ngồi trong văn phòng tới 10 giờ tối. Chỉ về sau ông mới phải rút ngắn lịch làm việc khi tuổi ngày một cao hơn. Thậm chí có hôm ông còn rời nhiệm sở ngay sau bữa trưa…

Brezhnev thường xem các thư từ gửi tới trong ngày vào buổi tối. Nếu hôm nào mệt quá ngủ thiếp đi thì mọi thứ đó lại phải để tới hôm sau. ông cũng chỉ làm việc trực tiếp với các tài liệu cho tới trước tuổi 65-66. Tuy nhiên, lịch làm việc hàng ngày của ông cũng rất kín… Một người cháu nội của Brezhnev nhớ lại: “Ngày làm việc của ông thường diễn ra như sau: Sáng dậy, ông ăn sáng. Nói chung, ông ăn bữa sáng hay bữa trưa hoặc tối cũng chỉ mất có 8 phút. Tôi không rõ ông lấy từ đâu thói quen đó. Có thể từ thời chiến tranh. Sau bữa sáng, ông chuẩn bị đi làm và tới 9 giờ đã có mặt ở văn phòng. Tối trở về nhà, ông thay đồ và mặc vào bộ quần áo thể thao màu xanh mà người ta đã may riêng cho ông. Sau bữa tối, ông xem truyền hình, chủ yếu là chương trình thời sự; ông rất thích xem loạt phim châm biếm Fitil. Khi ông còn chưa nhiều tuổi, ông hay đi dạo cùng bà hoặc ngồi trong vườn. Nhưng thường thì ông lên tầng hai, vào phòng làm việc, các sĩ quan tuỳ tùng mang lên theo ông cặp tài liệu. ông làm việc tới khuya. Thế là hết một ngày. ông hầu như không còn phút nào dành riêng cho cá nhân mình nữa. Nếu ông có thời gian rảnh dành cho việc săn sóc mình, hẳn ông trông đã khỏe hơn và đã sống được lâu hơn!”.

Brezhnev qua đời 10/11/1982. Người kế nhiệm ông là cựu Chủ tịch KGB Yuri Andropov, sinh năm 1914, khi đó cũng đã mắc bệnh nặng. Chính vì thế nên khi lên được đỉnh cao quyền lực chính trị, Andropov đã không có đủ thời gian để huy động những tiềm năng sáng tạo trong lòng xã hội Xô viết để thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra. ông đã rất muốn cải cách mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và đã ủng hộ những chính khách có tư tưởng cải tổ. Thế nhưng, cũng những chính khách mà ông gửi gắm lòng tin ấy đã làm tan vỡ sự nghiệp mà ông suốt một đời theo đuổi.

Andropov qua đời ngày 9/2/1984, chỉ sau ba tháng lên nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô...

Hoàng Phong - Thái Lập
.
.