Nina Andreevna, người đầu tiên ở Liên Xô cũ từng lên tiếng phê phán cải tổ:

Không rời bỏ nguyên tắc

Thứ Tư, 03/04/2013, 10:30
Tính tới ngày 13/3 vừa qua là tròn một phần tư thế kỷ sau sự kiện mà có lẽ hôm nay không nhiều người nhớ tới nhưng ở thời điểm đó đã gây chấn động cả đối với những người ủng hộ lẫn những đối thủ trong công cuộc cải tổ (perestroika) ở Liên Xô trước đây. Đây là bài viết được in trên tờ “Nước Nga Xôviết” của một nữ giảng viên bình thường ở thành phố Leningrad (nay là St. Peterburg), bà Nina Andreeva: “Tôi không thể từ bỏ các nguyên tắc”, mà trong đó lần đầu tiên đã vang lên những lời chỉ trích gay gắt chính sách do lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachev tiến hành.

Bà Nina Aleksandrovna Andreevna sinh năm 1938, từng tốt nghiệp Khoa Công nghệ hóa và giảng dạy tại Trường Đại học Kỹ nghệ Lenigrad. Bà gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1966. Ngày 13/3/1988, bà Andreevna đã công bố trên tờ Nước Nga Xôviết bài báo dưới dạng thư độc giả Tôi không thể từ bỏ các nguyên tắc.  Chỉ trong vài ngày, bài viết  này đã được in lại gần như toàn bộ trên gần một nghìn tờ báo ở Liên Xô. Các tòa soạn cũng như bản thân bà Andreeva đã nhận rất nhiều thư bày tỏ sự đồng tình sâu sắc cũng như thái độ phản đối dữ dội…

Trong lúc đó, bài báo đã khiến cho các kiến trúc sư của công cuộc cải tổ lúc đó thực sự hoảng sợ. Gần một tháng trời những nhân vật chính trong chính quyền bối rối không biết phải nói gì. “Tư tưởng gia” của perestroika, Alexandr Yakovlev, thậm chí còn muốn “bỏ của chạy lấy người” và từ chức, nhưng Gorbachev đã níu kéo ông ta ở lại. Theo yêu cầu của chính Gorbachev, lá thư của bà Andreeva đã được đưa ra thảo luận tại Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Kết quả của cuộc thảo luận đã được thể hiện trong bài báo do Yakovlev chuẩn bị Những nguyên tắc của perestroika, suy nghĩ và hành động cách mạng, đăng trên tờ Pravda với danh nghĩa ban biên tập vào ngày 5/4/1988. Trong bài viết này, lá thư của bà Andreeva đã bị vu là “tuyên ngôn của lực lượng phản cải tổ”.

Cho tới hôm nay, sau 25 năm, những vấn đề mà bà Andreeva đã nêu ra, vẫn còn nguyên tính thời sự và tiếp tục gây nên những cuộc tranh luận. Đối với một số người, bà đã là nữ tiên tri Cassandra xuất hiện để báo trước về nền văn minh Xôviết. Một số kẻ khác lại cho rằng, bà là biểu tượng của tư tưởng phản động và sợ hãi cải cách… Để tìm hiểu quan điểm của bà Andreevna trong giai đoạn hiện nay, phóng viên báo Nga Svobodnaya Gazeta đã tìm gặp bà.

- Thưa bà Nina Aleksandrovna, xin bà hãy nói với độc giả của chúng tôi về động lực đã thúc đẩy bà viết bài báo? Tới thời điểm nào thì bà hiểu rõ rằng, đất nước đang đi không đúng hướng?

- Bà Andreevna: Tôi đã hiểu ra rằng đất nước đang đi không đúng hướng khi phân tích các lời phát biểu của chính Gorbachev cũng như những gì nói về ông ta trên các phương tiện truyền thông ở phương Tây.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, xã hội chúng ta đã ở trong trạng thái vừa hưng phấn, vừa  bối rối. Nắm quyền lãnh đạo là vị Tổng  Bí thư trẻ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, nhân vật được nhiều người trông đợi và cũng có nhiều người chào đón công cuộc cải tổ của ông ấy. Tại sao? Xã hội lúc đó cần những sự thay đổi. Tới thời điểm đó đã tích tụ quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong số các vấn đề tồn đọng chính yếu có sự biến dạng của chủ nghĩa xã hội, sự biến dạng của đảng cầm quyền cùng với sự suy thoái tư tưởng của Đảng Cộng sản. Về thực chất đã nảy nòi khoảng cách tách biệt giữa Đảng với nhân dân. Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh phô bày bản chất phản Xôviết của cái gọi là bộ phận trí thức tháp ngà. Thí dụ như danh mục những vở diễn phản Xôviết trong các nhà hát, đặc biệt là các kịch bản của M. Shatrov, vô số những bài viết vu khống giai đoạn lịch sử Xôviết, những điều dối trá chống lại Stalin trên các phương tiện truyền thông, thái độ xem thường các cựu chiến binh, sự lật nhào ý nghĩa lịch sử to lớn của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và trong Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như nhiều điều khác nữa.

Tất cả những vấn đề này đã được thảo luận công khai trong xã hội. Tôi giống như một giảng viên đại học và là người quản lý một trong các nhóm sinh viên, tất nhiên, cũng đã tiến hành thảo luận các vấn đề “nhạy cảm” này với sinh viên của mình. Hầu hết mọi người do bị mụ mị bởi những lời lẽ dân túy và hỏa mù của Gorbachev đã không thể hiểu được thực sự những gì xảy ra trong thực tế và đằng sau bức màn perestroika. Tôi không đồng ý với  rất nhiều việc đang diễn ra, với sự lật ngược 180 độ diễn tiến lịch sử và do đó trong mùa hè năm 1987 đã viết một bài khá dài đáp lại một trong những bài báo mà tôi quan tâm. Một phần của lời đáp lại của tôi đã được in lên. Tới tháng 1/1988, tôi đã viết một bài đáp lại nữa về một bài báo cũng đăng trên tờ Công nhân Leningrad. Thế nhưng, vẫn không ai buồn trả lời. Tháng 2/1988 đã diễn ra Hội nghị BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô mà ở đó ông Yegor Ligachev đã đưa ra chính những vấn đề mà tôi từng đề cập tới trong  thư gửi tới tờ Công nhân Leningrad. Tôi đã gửi bản sao hai lá thư của tôi với lời dẫn tới bốn tờ báo, trong đó có tờ Nước Nga Xôviết. Chính tờ báo này đã công bố văn bản thu gọn nội dung hai lá thư do chính tôi thực hiện thành một bài báo.

- Khi viết bài đó, bà có nghĩ tới số phận tiếp theo của mình không? Bà đã nghĩ gì khi bước qua ranh giới sang một cuộc sống mới - cuộc sống của một nhân vật xã hội và một người hoạt động chính trị?

- Không, tôi không nghĩ về những điều đó và cũng không có ý định tìm cách “nổi tiếng”. Tôi chỉ với tư cách một đảng viên Cộng sản, một giảng viên, một công dân Xôviết muốn bày tỏ quan điểm của mình về những mục đích thực sự của perestroika, mà tôi đã phát hiện ra khi phân tích các sự kiện diễn ra trong nước và phản ứng trước những sự kiện này của phương Tây. Ví dụ, cách lý giải mới tên gọi của Liên bang Xôviết do chính Gorbachev tuyên bố công khai tại Liên hiệp quốc năm 1987 như thể đó là Liên minh của các nước Cộng hòa Xôviết độc lập.

Trong bài viết của mình, tôi muốn thu hút sự chú ý của nhân dân Liên Xô để họ hiểu ra ý nghĩa thực sự của cái gọi là perestroika mà tôi đã phát hiện, muốn họ phải suy nghĩ kỹ hơn về tương lai của đất nước.

- Bài viết của bà lần đầu tiên lên tiếng chỉ trích đường lối của Đảng và chính phủ từ quan điểm tả khuynh. Theo bà, đất nước đã phát triển như thế nào nếu ở thượng tầng kiến trúc nghe theo lời bà cũng như những người đồng quan điểm với bà? Liệu một việc như thế có thể xảy ra về mặt nguyên tắc không?

- Trong lịch sử không có chuyện giả thử. Nhưng giá như ban lãnh đạo của đất nước lúc đó hầu hết  không phải  là các nhân vật phản cách mạng toàn tòng - trong thực tế thì hầu như tất cả các chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó và đội ngũ quan liêu vốn rất xu thời về bản chất đều là những kẻ tham gia thực hiện chính sách cải tổ theo kiểu Gorchachev (gorbastroyka)- thì chắc đã có thể tạo ra một sự rời bỏ perestroika và bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ cấp bách mà tôi đã đề cập tới.

Nhưng lúc đó chúng tôi còn chưa được biết rằng, mục đích cuộc đời của Gorbachev là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản (như sau này ông ta lớn tiếng tuyên bố). Chúng tôi cũng chưa được biết, Gorbachev và Shevardnadze (Ngoại trưởng Liên Xô thời cải tổ) “ở tít từ những năm 70 đã cùng đi tới kết luận là cần phải thay đổi thể chế cộng sản từ đầu đến chân...” (trích theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, hồi ký Nhà ngoại giao bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Nga, in năm 1997 tại Moskva, trang 727). “Để đạt được điều này, tôi (tức Gorbachev) phải  thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xôviết, cũng như ban lãnh đạo tại tất cả các nước xã hội chủ nghĩa khác... Tôi đã tìm được những người tâm đầu ý hợp để thực hiện những mục tiêu này. Trong số đó có Aleksander Yakovlev và Eduard Shevardnadze,  những nhân vật mà công lao đóng góp cho công việc chung của chúng tôi là vô giá” (lời Gorbachev trong phát biểu tại một hội thảo ở Đại học Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Báo Nước Nga Xôviết, ngày 19/8/2000).

Đội ngũ cán bộ cao cấp nhất trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã là thành phần hoạt động chính trong sự chuẩn bị và thực hiện cuộc phản cách mạng. Boris Yeltsin từng nhiều năm làm Bí thư Khu ủy, ứng cử viên vào Bộ Chính trị; Bộ trưởng An ninh của ông ta, Golushko, từng phụ trách KGB ở Ukraina. Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Burbulis do ông ta dựng lên từng giảng dạy về chủ nghĩa Mác-Lênin trong các trường đại học và đã là một trong các kiến trúc sư của cải cách cũng như là người đứng đầu nội các trong thực tế. Ông Gaidar từng lãnh đạo một ban trong tạp chí lý thuyết chính yếu của Đảng Cộng sản là tạp chí Đảng viên rồi sau đó trong tờ báo Đảng chính yếu là tờ Pravda. Vị Thủ tướng Chính phủ tiếp theo, ông Victor Chernomyrdin cũng từng là Ủy viên BCHTW Đảng Cộng sản Liên Xô. Ngay cả tới năm 1995, theo Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thành phần bộ máy của  Yeltsin 75% và Chính phủ Liên bang Nga cũng còn có tới 74,3% số người xuất thân từ hàng ngũ cán bộ cao cấp cũ.

Cũng đã từng có cơ hội lật ngược xu thế phát triển đó thông qua việc tiến hành Đại hội bất thường XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô mùa thu năm 1991, từ bỏ perestroika, thay đổi toàn bộ bộ máy Đảng - nhà nước. Chúng tôi, những người Bolshevik, đã lên kế hoạch thực hiện  việc này thông qua đội ngũ Bolshevik trong thành phần Đảng Cộng sản Liên Xô. Thế nhưng, lực lượng phản cách mạng đã đi trước chúng tôi một bước. Yeltsin bằng nghị định ký tháng 9/1991, đã cấm hoạt động  của Đảng Cộng sản; trước đó họ đã bày ra trò hề với cuộc chính biến GKChP. Yeltsin ngày 3 và ngày 4/10/1993 đã dìm cuộc nổi dậy chống lại ông ta vào biển máu khi bắn chết những người bảo vệ Hội đồng Xôviết Tối cao LB Nga.

- Trong vòng gần một tháng, giữa  thời điểm công bố bài viết của bà và thời điểm công bố lời phản ứng từ Yakovlev - từ ngày 13/3 tới 5/4/1988, toàn bộ bộ máy tuyên truyền của perestroika đã ngừng các hoạt động chống Liên Xô cuồng loạn và chỉ tái chiến sau khi Yakovlev đã bật lại đèn xanh trong thực tế. Theo bà, tại sao trên thượng tầng lại phân vân lâu như thế? Thực sự bài báo của bà đã làm kinh hãi ai đó trên thượng tầng?

- Ban lãnh đạo Đảng đã bối rối không biết phải làm gì. Yakovlev đã xin từ chức nhưng Gorbachev không chấp nhận và giao cho Yakovlev chuẩn bị một tài liệu đích đáng chống lại “kẻ thù của perestroika”, tác giả bài báo trên Nước Nga Xôviết, và cho đăng lên tờ Pravda. Sau khi công bố bài viết của Yakovlev trên Pravda, lực lượng phản cách mạng đã trỗi dậy một cuộc đàn áp mới nhằm vào những người không ủng hộ “gorbastroyka”. Và tất nhiên, trên tất cả, nó đã động đến tôi, tác giả của bài viết…

Phương Hà
.
.