Không lo lòng dân hẹp

Thứ Sáu, 07/11/2014, 15:11

“Người được nhiều phiếu tín nhiệm cao vừa là kênh khẳng định những kết quả, thành tựu của mình, ngành mình nhưng không vì thế mà tự mãn, ngược lại đó vừa là động lực để tiếp tục phấn đấu xứng với sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, với người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng không vì vậy mà nản lòng, bởi đó là chỉ số cho thấy cá nhân cũng như lĩnh vực mình đảm trách còn những hạn chế, tồn tại đòi hỏi phải nỗ lực khắc phục để kỳ sau tín nhiệm cao hơn”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá như vậy sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên.

Tháng 11 này, Quốc hội sẽ lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm. Cũng như lần trước, đối tượng lấy phiếu là các thành viên do Quốc hội bầu và phê chuẩn.   

Nhưng lần lấy phiếu thứ hai có gì khác trước? 

Nghị quyết 35/2012 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sau khi áp dụng lần đầu đã được đưa ra Quốc hội cho ý kiến để chỉnh sửa hồi giữa năm. Tuy nhiên, tại kỳ họp đó, Quốc hội chưa biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012 và việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn được tiến hành vào kỳ họp cuối năm nay theo quy định hiện hành. Như vậy, hình thức lấy phiếu vẫn theo 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) và đối tượng lấy phiếu thuộc các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn (bao gồm cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp).

Nội dung, hình thức không khác nhưng hẳn tâm thế của cả người lấy phiếu tín nhiệm và người được (hay bị) lấy phiếu đã có sự thay đổi. Hôm họp báo giới thiệu kỳ họp thứ bảy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tiết lộ, hiện chỉ có Việt Nam mới thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. “Ở nước ngoài họ bỏ phiếu bất tín nhiệm luôn còn chúng ta trước hết tiến hành lấy phiếu tín nhiệm” – ông nói. Thực ra, bây giờ nhiều người vẫn lẫn lộn khái niệm “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm”. Quy định “bỏ phiếu tín nhiệm” không mới, nó đã có trong Hiến pháp 1992 và cũng là thuật ngữ được Quốc hội, Nghị viện các nước sử dụng phổ biến. Trong Nghị quyết 35 có giải thích khá dài về cụm từ này, nhưng có thể hiểu bản chất lấy phiếu là kênh thăm dò độ tín nhiệm cao thấp từng người chứ không mang tính chế tài như bỏ phiếu. Cũng bởi vậy, lấy phiếu mới có 3 mức độ đánh giá còn khi bỏ phiếu thì chỉ có tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm, tức là ở lại hoặc nghỉ hẳn. Bởi thế, lấy phiếu tín nhiệm là cách làm riêng của Quốc hội nước ta.

Tiếp xúc cử tri tại Hà Nội trước kỳ họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” bắt đầu ra đời từ Nghị quyết Trung ương 4 với mong muốn thường xuyên có động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa. Mục đích là để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính. “Đã đến lúc để tôi phải bỏ phiếu bất tín nhiệm anh là bước đường cùng rồi. Anh không còn có thể chỉnh sửa được nữa thì thôi cho anh nghỉ” - Tổng Bí thư giải thích. Nếu 2 năm liền phiếu tín nhiệm thấp thì cách chức chứ không để hết nhiệm kỳ hay là hết tuổi, điều này là để mỗi người tự rèn luyện và thay đổi cán bộ chứ không để quá trì trệ. Theo Tổng Bí thư, trong công tác đánh giá cán bộ thời gian qua, nhiều trường hợp còn rất hình thức, không thực tế vì nể nang nhau, không dám đánh giá thật nên cuối năm khi bình bầu thì “hầu hết đảng viên đủ tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc, hầu hết tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh”.

Quốc hội kỳ này sẽ lần thứ hai diễn ra hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Việc đưa ra quy định lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức để chúng ta xem xét, đánh giá cán bộ, một kênh thăm dò tín nhiệm của cán bộ, một bước để đi đến bỏ phiếu tín nhiệm. Trước, sau khi bầu cử đều có đánh giá cán bộ, ai tham gia nhiều cương vị thì có nhiều chỗ để đánh giá cán bộ nhưng có nhiều trường hợp còn hình thức, không thực chất nên mới lấy phiếu tín nhiệm.

Trở lại kỳ lấy phiếu tín nhiệm giữa năm ngoái, dù “khởi đầu nan” và ảnh hưởng đến tâm trạng của cả người ghi phiếu và người được lấy phiếu nhưng như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì “kết quả chung phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tư pháp của đất nước” và “nhìn chung, cách đánh giá của đại biểu Quốc hội là khách quan”.

Nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng để thấy, tuy mức độ tín nhiệm với từng chức danh được lấy phiếu là cao, thấp khác nhau nhưng đều có tác động tích cực. Người được nhiều phiếu tín nhiệm cao vừa là kênh khẳng định những kết quả, thành tựu của mình, ngành mình nhưng không vì thế mà tự mãn, ngược lại đó vừa là động lực để tiếp tục phấn đấu xứng với sự tín nhiệm của đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, với người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng không vì vậy mà nản lòng, bởi đó là chỉ số cho thấy cá nhân cũng như lĩnh vực mình đảm trách còn những hạn chế, tồn tại đòi hỏi phải nỗ lực khắc phục để kỳ sau tín nhiệm cao hơn (Quốc hội chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu cả hai lần liên tiếp đều tín nhiệm thấp quá bán hoặc lần đầu mà tín nhiệm thấp tới 2/3, tức các khiếm khuyết, tồn tại của cá nhân và ngành, lĩnh vực đó không khắc phục được, thậm chí nghiêm trọng hơn). Xét trên nghĩa đó, rõ ràng việc lấy phiếu tín nhiệm mang ý nghĩa nhân văn và là động lực của sự phát triển. Đây cũng chính là tư tưởng bao trùm thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4, lấy sự cảnh tỉnh, răn đe, sự tu dưỡng, khắc phục bản thân để vươn lên… 

Một mặt, nhìn nhận toàn diện hơn, việc tín nhiệm thấp chưa hẳn là do yếu kém của cá nhân bởi nói như các vị đại biểu Quốc hội thì nhiều lĩnh vực tính chất công việc rất phức tạp đòi hỏi sự dám nghĩ, dám làm, điều đó cũng gắn với sự dũng cảm, nhiều khi khó tránh khỏi sai sót. Vì lẽ đó, khi xem xét chỉ số phiếu tín nhiệm từng vị trong 47 chức danh được lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội đánh giá: “Những vị trong danh sách lấy phiếu đều có trọng trách liên quan tới vấn đề lớn, trong đó đối với những lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng thì Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự động viên khích lệ đồng thời là sự đánh giá kết quả đất nước đạt được thời gian qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp thể hiện sự đòi hỏi nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để các vị này có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao”.

Chẳng hạn, nhận số phiếu tín nhiệm không mấy khả quan trong lần lấy phiếu đầu tiên, người đứng đầu ngành Ngân hàng hiểu rõ những thách thức lĩnh vực mình phụ trách và năng lực, trách nhiệm của cá nhân. Ông cũng nhận được nhiều chia sẻ từ đại biểu Quốc hội khi cho rằng lĩnh vực ông đảm trách nhạy cảm trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, ngành ngân hàng chịu nhiều hậu quả do sự phát triển quá nóng của thời kỳ trước đó (nợ xấu cao, thanh khoản mất cân đối, vấn đề vàng hóa, đôla hóa, bài toán giữa lãi suất và lạm phát...). Dù khó khăn như vậy song một năm rưỡi qua là quãng thời gian chứng kiến những giải pháp đem lại chuyển động lớn trong lĩnh vực ngân hàng, giúp ổn định an ninh tài chính, tiền tệ, tạo cơ sở cho phát triển.

Ông từng bày tỏ: “Sau khi Quốc hội có kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng đúng vào thời điểm ngành ngân hàng sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm ngoái. Tại hội nghị đó, toàn thể cán bộ công nhân viên ngành ngân hàng quán triệt và trân trọng kết quả lấy phiếu của Quốc hội. Từ đó, toàn ngành thấy rằng thời gian qua mình đã cố gắng nhưng thời gian tới cần cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, làm tốt hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của cử tri với đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm mình, đồng thời cố gắng để những cử tri, đại biểu Quốc hội chưa tín nhiệm mình sẽ tín nhiệm mình… Đến nay kết quả ban đầu mà chúng tôi đạt được đã góp phần nhỏ bé vào thành tựu chung của nền kinh tế, và chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng xã hội nói chung, cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội cũng có nhìn nhận cảm thông, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn với nỗ lực của ngành ngân hàng. Còn đối với cá nhân tôi không có lúc nào và không bao giờ lo lòng dân hẹp mà chỉ sợ mình không đủ đức, đủ tài để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân… Công việc mình làm nếu mang lại lợi ích thiết thực cho dân, cho nước thì nhân dân chắc chắn sẽ ủng hộ mình”.

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng, tài chính, giao thông vận tải… thời gian qua đã có nhiều cố gắng, từng bước khắc phục những hạn chế, vì quyền lợi của người dân như mong mỏi của các cử tri và đại biểu quốc hội.

Bây giờ, lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm. Với khoảng cách một năm rưỡi để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở nhìn nhận cụ thể hơn, toàn diện hơn. Còn với mỗi chức danh được lấy phiếu, đó cũng là quá trình trải nghiệm sâu sắc, nhất là với những lĩnh vực nóng, phức tạp như ngân hàng, giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông vận tải…

Mai Nhi
.
.