Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của nhà văn Áo Stefan Zweig (28/11/1881 – 28/11/2011):

Không đợi được bình minh

Thứ Ba, 13/12/2011, 16:18
Sinh ra trong xứ sở của hoàng tộc Habsburg, Stefan Zweig ngay từ thời thơ ấu đã cảm nhận về mình không chỉ như thành viên của nền văn hóa Áo hay Đức mà là đứa con tinh thần của  một châu Âu dù còn chưa biết tới những biên giới kín cổng cao tường và những trạm hải quan nghiêm khắc nhưng đã bắt đầu ngày một bị quấy đảo bởi sự không tin tưởng lẫn nhau, rốt cuộc sẽ dẫn tới bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914.

Và khi tiếng đại bác đã ngưng năm 1918 và từ đế chế Áo - Hung chỉ còn lại một vùng lãnh thổ ngơ ngác không biết sẽ phải làm gì với nền độc lập bỗng dưng tự có, nhà văn với tư cách là kẻ bất mãn bẩm sinh lại “nâng ly lên chúc thành công, cho một sự nghiệp sẽ không có gì”.

Sở trường nói ngắn

Stefan Zweig sinh ra tại Vienna, trong một gia đình gốc Do Thái ăn nên làm ra trong ngành dệt.  Có rất ít thông tin về tuổi nhỏ của ông, bản thân Zweig cũng kiệm lời kể về nó vì dường như ông muốn nhấn mạnh rằng, giai đoạn đầu đời của ông cũng bình thường như ở mọi trí thức châu Âu sống trong những năm kết nối thế kỷ XIX với thế kỷ XX.

Tốt nghiệp trung học năm 1900, Zweig đã vào học ở Trường Đại học Tổng hợp Vienna. Ngay khi còn là sinh viên (năm 1901), ông đã cho in bằng tiền tự kiếm được tập thơ Những cung đàn bằng bạc phảng phất ảnh hưởng của hai người đồng hương và cũng là hai bậc đàn anh trong nghề thi sĩ là Hugo von Hofmannsthal (1874-1929) và Rainer Maria Rilke (1875-1926).

Những dòng thơ trong tác phẩm đầu tay này của Zweig thấm đẫm những suy tư và cảm xúc về nỗi cô đơn và các cảm giác yêu đương khắc nghiệt pha lẫn lòng tôn sùng “cái đẹp thuần túy”. Khi sách in ra, Zweig đã đánh bạo gửi một bản tặng Rilke và từ đấy giữa hai người đã nảy sinh tình bạn, kéo dài cho tới tận khi Rilke qua đời.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Vienna và nhận được bằng tiến sĩ, Zweig đã sang London rồi Paris (năm 1905) và tiếp đó, đi du lịch tại Italia và Tây Ban Nha (năm 1906). Ông còn tới cả Ấn Độ, Đông Dương, Mỹ, Cuba, Panama (năm 1912).

Trong những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất, Zweig sống ở Thụy Sĩ (1917-1918) và sau chiến tranh, đã chuyển tới cư trú tại Salzburg. Cũng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông đã công bố bài bút ký về nhà văn Pháp Romain Rolland, đánh giá đó là “lương tâm của châu Âu”.

Ông cũng viết nhiều tiểu luận về các tên tuổi văn hóa lớn đương thời như nhà văn Nga Maxim Gorky, nhà văn Đức Thomas Mann, nhà văn Pháp Marcel Proust, nhà văn Áo Moses Roth. Ông cũng viết nhiều tập tiểu sử đồ sộ, trong đó có cuốn Ba bậc thầy bàn về Honeré de Balzac, Charles Dickens và Fyodor Dostoyevsky (xuất bản năm 1920).

Tuy nhiên, những tác phẩm đã mang đến cho Zweig vinh quang lớn nhất  trên quy mô toàn cầu trong những năm 20 của thế kỷ trước lại là các truyện ngắn, thí dụ như Lá thư của người đàn bà không quen biết và Amok (1922), Tình cảm lẫn lộn và Hai tư giờ trong đời người đàn bà (1927) cũng như chùm truyện ngắn lịch sử Những giờ hồng phúc của nhân loại (1927)…

Các tác phẩm này hấp dẫn độc giả nhờ những cốt truyện bất thường độc đáo và bắt người đọc phải suy tư về “đường đời muôn nẻo vân vi”. Ông từng nói: “Số phận, đó là thi sĩ tài năng nhất”. Zweig đã không mệt mỏi thuyết trình về sự mỏng manh dễ vỡ của trái tim con người và sức mạnh vô địch của dục vọng trong hành trình bất tận tới chân lý của nhân loại, giúp chúng ta lập nên những kỳ tích nhưng cũng dễ khiến chúng ta sa ngã vào những tội lỗi trầm kha.

Ông viết nhiều về các  vĩ nhân và luôn so sánh họ với nguyên tắc mà ông tuân thủ: “Vĩ nhân, đó là người xác định ra phương hướng”… Ông cũng hiểu rất rõ rằng: Thiên tài của con người cũng là định mệnh của họ!

Zweig đã tạo ra được một mô hình truyện ngắn riêng của mình, khác với các tác phẩm của những bậc thầy đã được công nhận trong thể loại kiệm lời đa ý này. Những sự việc trong đại đa số các cốt truyện của ông thường diễn ra trong các chuyến du lịch, có khi rất kỳ thú, có khi quá mệt mỏi, thường là ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Tất cả những gì xảy ra với các nhân vật, thường rình rập họ trên đường đi, trong lúc dừng chân tạm nghỉ. Bi kịch bùng phát chỉ trong những giờ phút hữu hạn, nhưng đó lại là những “cửa tử”, khi nhân cách, tâm thế được “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Tâm điểm trong từng truyện ngắn của Zweig bao giờ cũng là khúc độc thoại mà trong đó, nhân vật bộc lộ hết bản thân mình trong trạng thái bị kích động đến cực độ vì những yếu tố bên ngoài.

Các truyện ngắn của Zweig thường giống như những bản tóm tắt cốt truyện của các tiểu thuyết. Thế nhưng, khi ông phóng bút phát triển chúng thành những tác phẩm dài hơi thì chúng lại gây nên cảm giác lê thê, mệt mỏi. Vì thế, Zweig không nhiều khi viết tiểu thuyết. Ông hiểu kích thước tài năng của mình.

Tinh hoa gần gụi

Với sự tỉnh táo vốn có của mình, Zweig từng lý giải nguyên do dẫn đến thành công là trước hết ở sự quan tâm tới người đọc: giống như một điêu khắc gia, ông đã đẽo bỏ tất cả những gì thừa thãi, loại bỏ những tiểu tiết từ văn bản đầu tiên để biến nó thành một cuốn sách sâu sắc phong phú nhưng không quá dày.

Tác phẩm của ông trong giai đoạn đầy biến động và bất trắc đương thời, dù nói về những hiện tượng không bình thường của tâm lý con người nhưng vẫn giữ nguyên được một trạng thái lạc quan hiếm có. Đối với những con người nhỏ bé bị đày đọa bởi khủng hoảng kinh tế hay các thể chế khắc nghiệt, các tác phẩm của ông đã như những làn hơi mát của khí oxi.

Những năm cuối đời của Zweig đã bị u ám bởi cuộc tấn công của Hitler vào thế giới văn minh. Ông cũng đã cay đắng khi phải chứng kiến sự vô tư lự ngu ngốc của những người đồng bào đương thời - ngay ở Áo  khi đó, đại bộ phận cộng đồng gốc Do Thái vẫn không tin rằng chẳng bao lâu sau sẽ có những tai họa khủng khiếp ập xuống đầu họ.

Và như để chuẩn bị cho phút lâm chung, Zweig đã vội vã hoàn thành tác phẩm Thế giới hôm qua (hồi ức của một người châu Âu) - một khúc tụng ca khóc cho nền văn minh mà ông từng yêu tha thiết. Thế giới cũ đã bị xóa sổ, nhưng trong thế giới mới, ông cảm thấy mình quá ư lạc lõng…

Khi đã hiểu rõ rằng Hitler sẽ nuốt chửng cả nước Áo, Zweig đã nhụt chí. Đứa con già nua của châu Âu không còn sức để chịu đựng cú hoành hành thứ hai trong vòng một phần tư thế kỷ của cái ác. Và ông quyết định rời khỏi tổ quốc.

Ông chạy khỏi Salzburg tới tìm chỗ tá túc tạm thời ở London (năm 1935). Năm 1940, ông nhập quốc tịch Anh.  Nhưng ngay cả trên “hòn đảo sương mù”, ông vẫn cảm thấy mình không được bảo vệ. Ông rời sang châu Mỹ La tinh (năm 1940) rồi tới Mỹ (năm 1941) nhưng không lâu sau đó quyết định ẩn cư tại một đô thị nhỏ của Brazil là thành phố Petrópolis.

Bi kịch lạc quan

Và bốn năm sau, trong cảm giác bi phẫn vì dường như không ai có thể ngăn được chiến thắng toàn cục của nước Đức phát xít trên quy mô thế giới, ngày 22/2/1942, ông đã tự vẫn cùng vợ tại thành phố Rio de Janeyro trên đất nước Brazil xa xôi bằng một liều thuốc ngủ, sau khi để lại lời di chúc cho những người còn lại “gắng chờ tới bình minh”.

Ông đã viết trong lá thư tuyệt mệnh: “Ở tuổi ngũ thập mà làm lại cuộc đời cần phải có những sức lực đặc biệt. Tôi đã sức cùng lực kiệt sau bao năm dài đằng đẵng sống phiêu bạt tha hương. Bởi thế tôi cho rằng, tốt nhất là tôi nên từ giã cõi đời này một cách xứng đáng; đối với tôi, hạnh phúc cao nhất trên đời là tự do và lao động trí óc, cái đem lại cho tôi niềm vui sướng lớn lao. Tôi gửi lời chào tất cả bè bạn. Có thể là các bạn sẽ nhìn thấy bình minh sau đêm dài tăm tối. Tôi là kẻ nôn nóng nhất, tôi xin ra đi trước”.

Nhà văn Đức nổi tiếng Erich Maria Remaque đã viết về tình huống này trong tiểu thuyết Bóng ở thiên đường như sau: “Nếu trong buổi tối ấy ở Brazil, khi Stefan Sweig và vợ ông cùng tự vẫn, họ có thể trút bầu tâm sự với ai đó dù chỉ qua điện thoại thì thảm họa đã không xảy ra. Nhưng Sweig đã rơi vào cảnh tứ cố vô thân nơi đất khách quê người”.

Những công dân châu Âu như Stefan Zweig từ lâu đã không còn nữa. Họ cũng đã không còn sau chiến tranh thế giới thứ hai. Bầu khí hậu tinh thần của các nước trong Liên minh châu Âu hiện nay cũng không có gì khả quan, khác xa với mơ ước cùng phát triển, cùng thịnh vượng của các nền văn hóa. Có vẻ như đa phần giới trí thức châu Âu hiện đại đang bị nô dịch bởi hai tâm lý quá đà: tinh hoa tháp ngà và thực dụng trắng trợn.

Zweig, người bỏ cả hai tâm lý cực đoan đó, hiện bị xếp vào nhóm các  tác giả “thường thường bậc trung”. Quả thực, đối với những người đọc coi các tiểu thuyết trinh thám tầm tầm là “đỉnh cao văn học” thì Zweig làm sao có được sự cuốn hút cần thiết.

Sinh thời, văn hào Nga Xô viết Maxim Gorky nhận xét:  “Stefan Zweig – đó là sự kết hợp hiếm hoi nhất giữa tài năng của một nhà tư tưởng sâu sắc với tài năng của một nghệ sĩ hạng nhất”. Gorky đặc biệt đánh giá cao nghệ thuật kỳ diệu của Zweig trong việc rất công khai thổ lộ những gì sâu kín nhất của con người bằng một thủ pháp cực kỳ tế nhị và tinh tế. Gorky nhận xét, các tác phẩm của Zweig thấm sâu “lòng nhân ái diệu kỳ của con người”. Còn văn hào Pháp Rolland mà sinh thời, Zweig rất ngưỡng mộ, thì đánh giá ông là “một nghệ sĩ bẩm sinh”

Huyền Anh
.
.