Không có ổn định chính trị sẽ không giải quyết được các vấn đề xã hội

Thứ Sáu, 21/09/2012, 14:53
Chiều 3/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trả lời phỏng vấn (đầu tiên kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ 3) cho phóng viên kênh truyền hình Russia Today. Băng ghi hình đã được phát trưa 6/9. Xin được trích dẫn những gì mà ông Putin đã nói tới một chủ đề đang làm nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế, những rối lẫn xung quanh Syria.

Kevin CowenÔng đã đề cập tới một vấn đề rất quan trọng hiện đang nằm ở tâm điểm chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng, đó là những sự việc kinh hoàng đang xảy ra ở Syria trong một năm rưỡi nay. Trong khoảng thời gian này quan điểm của nước Nga không hề thay đổi. Các ông phản đối sự can thiệp của nước ngoài, ủng hộ việc nhân dân Syria tự quyết định tương lai của mình thông qua thương lượng. Tự thân ý tưởng này rất tuyệt nhưng giờ thì ngày nào cũng có người chết ở cả hai phía. Liệu có nên chuyển từ lời nói sang việc làm? Có lẽ nước Nga cũng nên xem lại quan điểm của mình?

Tổng thống Vladimir Putin: Nhưng tại sao chỉ nước Nga cần phải xem lại quan điểm của mình? Có lẽ các đối tác của chúng tôi trong quá trình đàm phán cũng cần phải xem lại quan điểm của mình? Bởi lẽ khi tôi nhớ lại những gì đã xảy ra trong những năm gần đây - và tôi muốn quý vị trở lại với những sự kiện của những năm gần đây - thì có thể thấy rằng, còn lâu các sáng kiến từ phía các đối tác của chúng tôi được kết thúc như họ mong muốn.

Hãy thử lấy ví dụ là khá nhiều nước đang bị cuốn vào vòng xoáy xung đột. Hoa Kỳ (và sau đó là cùng các đồng minh) đã tràn vào Afghanistan. Giờ thì ai đang lo lắng tìm cách thoát chân khỏi đó. Còn chúng tôi nếu có nói tới chuyện gì đó thì cũng chỉ là chuyện giúp đỡ để cho trung chuyển nhân sự và vũ khí ra khỏi Afghanistan.

Ông tin chắc rằng tình hình ở đó sẽ ổn định sau nhiều thập niên nữa? Hiện tại thì chẳng ai dám tin chắc thế cả.

Thế còn những gì đang xảy ra ở các nước Arab? Đúng, đã xảy ra những vụ việc như chúng ta đều biết ở những nước như Ai Cập,  Libya, ở Tunisia, ở Yemen. Và nhờ thế ở đó đã trở nên bình an hoan lạc ư? Còn tại Libya thì cho tới giờ vẫn đang tiếp diễn cuộc đọ sức vũ trang giữa các bộ lạc khác nhau. Đấy là tôi còn chưa buồn nói tới cách thức thay đổi chính quyền ở đó.  Đó sẽ là một trang sách riêng. Điều gì đang làm chúng tôi lo lắng? Tôi muốn nhắc lại điều này thêm một lần nữa. Chúng tôi tất nhiên cũng lo lắng bởi bạo lực đang diễn ra ở Syria, nhưng chúng tôi cũng quan tâm không kém tới việc điều sẽ có thể xảy ra sau khi thông qua những quyết định tương ứng.

Theo cách nhìn của chúng tôi, điều quan trọng nhất là phải chấm dứt bạo lực ngay hôm nay, buộc tất cả các bên liên quan tới xung đột (cả phía chính phủ và phía cái gọi là những người nổi dậy, phe đối lập có vũ trang) ngồi vào bàn đàm phán, xác định một tương lai  bảo đảm an ninh cho tất cả những ai tham gia tiến trình chính trị nội bộ, và chỉ sau đó mới chuyển sang những bước đi cụ thể nào đó để thay đổi mô hình bên trong đất nước.  Chúng tôi hiểu rất rõ rằng ở đấy cần có những thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là những thay đối ấy phải nhuốm máu.

- Thôi được rồi, tính đến tình hình hiện tại ở Syria mà ông đã biết, thì bước đi tiếp theo sẽ phải như thế nào? Dự đoán thực tế về sự phát triển tình hình tại đó của ông ra sao?

- Chúng tôi ở Geneva đã đề nghị các đối tác của chúng tôi trong quá trình đàm phán tập họp lại. Mọi người quả thực cũng đã tập họp lại và ở đó đã xây dựng lộ trình những việc mà cần phải làm bình yên đến với Syria và tình hình ở đó chuyển sang hướng phát triển mang tính xây dựng. Thực tế thì tất cả đều đồng ý với chúng tôi, chúng tôi cũng đã thông báo cho chính phủ Syria biết những kết quả đạt được. Nhưng rồi lực lượng nổi dậy về thực chất lại không muốn công nhận những quyết định này và nhiều đối tác của chúng tôi trong quá trình thương lượng cũng lặng lẽ rời bỏ quan điểm đó.

Tôi nghĩ rằng, điều đầu tiên cần làm là chấm dứt việc cung cấp vũ khí vào khu vực xung đột, thế nhưng, việc này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tôi xin nhắc lại thêm một lần nữa, không được thông qua những quyết định ép buộc từ một trong các bên xung đột, không chấp nhận được đối với việc phát triển tình hình. Không có gì đặc biệt phức tạp ở đây cả. Chúng tôi thật may là có những quan hệ hết sức tốt đẹp với tất cả thế giới Arab nhưng chúng tôi không muốn lao mình chìm vào những xung đột nội bộ Hồi giáo, tham gia những tranh cãi giữa Sunni và Shiite, giữa Alawi và những giáo phái khác. Chúng tôi đối xử với các dòng đạo với một sự tôn trọng như nhau. Chúng tôi có những quan hệ rất tốt lành với Arab Saudi, tôi có những quan hệ cá nhân tốt với chủ giáo đường của hai thánh địa Hồi giáo, với các nước khác nữa. Nhưng quan điểm của chúng tôi chỉ bị ràng buộc bởi một điều, đó là khát vọng gây dựng một bầu không khí thuận lợi cho sự phát triển tích cực của tình hình trong nhiều năm tiếp theo.

- Ông sẽ nói gì về LHQ, cụ thể,  về việc LHQ ứng xử đối với tình hình Trung Đông?  Nhiều người phê phán LHQ đã không thể tạo nên được một mặt trận thống nhất nên đã trở thành hữu danh vô thực. Ông có đồng tình với đánh giá này không?

- Ý kiến của tôi hoàn toàn ngược lại với những gì ông vừa trình bày. Nếu không may LHQ, Hội đồng Bảo an lại bị biến thành một văn phòng chỉ để đóng dấu cho quyết định của một trong những bên hữu quan thì hẳn trong trường hợp đó, nó đã bị chấm dứt sự tồn tại như Hội Quốc liên ngày xưa. Hội đồng Bảo an LHQ và LHQ nói chung - đó là tổ chức để tìm kiếm những thỏa hiệp. Đó là một quá trình phức tạp nhưng chỉ với công việc rất công phu và tỉ mỉ này thì chúng ta may ra mới đạt được thành tựu.

- Tôi hiểu. Còn một câu hỏi nữa, thưa Tổng thống. Một số nước phương Tây và một số nước Arab trong suốt thời gian vừa qua đã bí mật ủng hộ Quân đội Tự do Syria và hiện nay, một số trong lực lượng này còn công khai hành xử như thế. Tuy nhiên, oái ăm là ở chỗ, có những nghi vấn về việc trong lực lượng của Quân đội Tự  do Syria  có cả những thành phần thuộc Al-Qaeda và câu chuyện đã bị đảo lộn thành ra rằng, nhiều quốc gia đang bị thảm nạn vì khủng bố trong thực tế lại hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố ở Syria. Liệu ông có đồng tình với quan điểm như thế không?

- Ông cũng biết rằng, khi có ai đó muốn đạt được kết quả mà theo anh ta là tối ưu, thì anh ta bất chấp phương tiện nào có thể được đưa vào cuộc. Làm gì cũng được miễn là có kết quả như mong muốn. Khi đang đi thì không nghĩ tới cái giá vé phải trả. Chuyện đã xảy ra như thế khi Liên Xô mang quân vào Afghanistan và các đối tác của chúng tôi hôm nay đã hỗ trợ cho phong trào nổi dậy và trong bản chất thì là đã dựng nên Al-Qaeda để về sau lực lượng này đứng ra chống lại chính nước Mỹ. Hiện giờ đang có ai đó muốn sử dụng các chiến binh Al-Qaeda hoặc là nhân sự từ các tổ chức khác nhưng cũng mang theo những cái nhìn cực đoan như thế để đạt được mục đích của mình ở Syria. Đó là một đường lối nguy hiểm và rất thiển cận. Nhưng nếu vậy thì ngay bây giờ cần mở cửa những trại giam ở Guantanamo và thả những tù nhân ở đó tới Syria để họ bắn giết. Thực sự thì đó cũng chỉ là chuyện giống nhau thôi. Đơn giản là không được quên rằng, rồi đây những công dân như thế sẽ trở cờ chống lại quan thầy của mình thôi. Nhưng những công dân này cũng không được quên rằng, đối với họ sẽ có trại giam tương tự như ở hòn đảo cạnh Cuba. Tôi muốn nhắc lại rằng, đó là một chính sách thiển cận. Và như lệ thường, một cách hành xử như thế sẽ dẫn tới những hệ lụy rất nặng nề.

- Bây giờ chúng ta hãy nhìn tình hình rộng hơn, không chỉ trong bối cảnh Syria mà ông vừa nói tới. Tại Syria hiện nay đang hoành hành nội chiến, xung đột không ngưng nghỉ ở Bakhrein và ở Arab Saudi. Phải, ở Ai Cập, Libya và Tunisia hiện giờ thì bình an hơn một chút như ông vừa nói. Nhưng khi đánh giá chung về những sự cố, những rối loạn gì mà chúng ta đang nhìn thấy ở Trung Đông, thì liệu nó sẽ mang lại phúc hay họa? Và nó sẽ dẫn khu vực này tới đâu?

- Anh có biết không, về chuyện này có thể tranh luận tới sáng mà vẫn không đủ thời gian. Đối với tôi thì rất rõ ràng là, những sự việc như thế đã được tạo nên bởi chính tiến trình lịch sử, phát triển của các quốc gia này. Lãnh đạo những đất nước như thế rõ ràng là đã không nhìn ra nhu cầu cấp thiết phải thay đổi, không cảm nhận được những xu thế đang diễn ra ở chính nước họ và trên thế giới và đã không kịp thời tiến hành những cải cách cần thiết. Đó chính là hệ quả trước hết của thực trạng tại đó. Đấy là may hay rủi thì khó có thể nói trước được. Tất cả những gì đã diễn ra trong chính hình thức kém văn minh như thế, với mức độ bạo lực như thế hiện tại trong bất luận trường hợp nào đã không thể dẫn tới việc thành lập những cơ chế chính trị vững chắc có thể giúp giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội ở những nước mà các sự việc này và chính những sự tình này đã tạo nên các mối lo ngại về việc tình hình sẽ diễn biến ra sao. Vì nói cho cùng, con người ở những quốc gia đó rốt cuộc đều mệt mỏi vì  các chế độ cũ và chờ đợi ở các chính phủ mới những cách giải quyết hiệu quả đối với các vấn đề xã hội của họ trước hết. Nhưng nếu như không có sự ổn định chính trị thì không thể nào giải quyết được những vấn đề đó…

Nguyễn Trung Tín
.
.