Khi “sao quả tạ” chiếu mệnh

Chủ Nhật, 13/12/2015, 14:51
Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ được chú ý nhiều sau vụ bắn rơi chiếc máy bay Su-24 của Nga. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự hối tiếc nhưng từ chối xin lỗi, cho rằng trách nhiệm xin lỗi thuộc về Nga kể từ khi máy bay “đi vào” không phận Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù nhận được cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định máy bay ném bom Su-24 không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh có đầy đủ bằng chứng, đồng thời cho biết các vệ tinh của Mỹ biết rõ điều đó.

Vụ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ có vẻ như đã châm ngòi căng thẳng giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Vladimir Putin. Rắc rối chưa chấm dứt khi con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại “dính” án câu kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) để buôn lậu dầu và đang bị truy nã trên toàn quốc. Nếu con trai ông Erdogan bị bắt và được xác minh phạm tội tham nhũng thì rất có thể sự nghiệp chính trị của ông Recep Tayyip Erdogan sẽ chấm dứt tại đây.

Mâu thuẫn gia tăng

Căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa giảm bớt sau vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi hôm 24-11, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hai lần từ chối nghe điện thoại của người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan cho tới khi nào nhận được lời xin lỗi chính thức từ Ankara. Người đứng đầu Điện Kremlin đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là “cú đâm sau lưng, đồng lõa với khủng bố”, khẳng định chiếc máy bay bị bắn rơi trên lãnh thổ Syria và đó là việc vi phạm luật pháp quốc tế.

Quan hệ Moscow - Ankara có chiều hướng xấu đi khi Nga đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có việc hoãn một số dự án đầu tư lớn, cân nhắc cấm nhập khẩu rau quả Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc cảnh báo công dân hạn chế du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng vừa chính thức đình chỉ cơ chế miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 1-1-2016. Sở dĩ Moscow áp dụng biện pháp này là bởi chính quyền Erdogan không hợp tác trong việc cung cấp thông tin về công dân Thổ Nhĩ Kỳ có nghi ngờ liên quan đến khủng bố.

Về phần mình, ông Erdogan đặc biệt coi trọng quan hệ song phương với Nga và bày tỏ mong muốn được hội đàm với Tổng thống Putin để tháo gỡ mọi khúc mắc hay hiểu lầm. Ông Erdogan bày tỏ quan điểm cho rằng trong tình hình hiện nay không nước nào được phép có những hành động làm cho mâu thuẫn leo thang và có biện pháp “hủy diệt” dẫn tới hậu quả đáng buồn. Ông kêu gọi phía Moscow nên thật bình tĩnh, cho rằng chỉ có những cuộc gặp gỡ “mặt đối mặt” mới tạo ra cơ hội để hai bên vượt qua căng thẳng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang ở giai đoạn khó khăn khi bị “sao quả tạ” chiếu mệnh.

Điện Kremlin đã nhận được đề nghị từ phía Ankara về cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước bên lề hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris, nhưng sau đó lại không hề tiết lộ thêm bất cứ thông tin gì về việc này. Trên thực tế, ông Recep Tayyip Erdogan muốn nhân cơ hội này để làm bước đệm khởi động quá trình tái thiết lại quan hệ song phương. Ông cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga không nhằm, và không phải là hành động chống lại một quốc gia cụ thể. Theo đó, nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiếp tục đẩy mâu thuẫn leo thang, kẻ chiến thắng sẽ là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Trước đó, ông Erdogan cũng bảo vệ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ trích Nga vì hoạt động ở Syria: “Nếu chúng tôi cho phép quyền chủ quyền của chúng tôi bị vi phạm, lúc đó lãnh thổ sẽ không còn là lãnh thổ của chúng tôi nữa”. Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng cảnh báo, ông Putin “đang đùa với lửa” sau khi giới chức Nga đã bắt giữ 39 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ do vi phạm quy định về thị thực. Thậm chí, người đứng đầu nhà nước Ankara khẩn cấp kêu gọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ hoãn các chuyến đi không cần thiết tới Nga, nói rằng du khách Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với “nhiều vấn đề” ở Nga, và nên chờ đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn.

Dù có một số động thái “xuống nước”, nhưng thực chất Tổng thống Erdogan không chấp nhận nhượng bộ khi từng tuyên bố “sẽ không xin lỗi Nga”. Tỏ ra cứng rắn, song vì lợi ích quốc gia nên ông cũng không muốn làm tổn hại mối quan hệ song phương với Moscow được bồi đắp từ lâu. Một năm trước, hai ông Putin - Erdogan đã lập một liên minh kinh tế, khi cùng nhất trí rằng Nga sẽ đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ một tuyến ống dẫn khí lớn có tên Turkish Stream. Hai lãnh đạo còn hứa sẽ tăng gấp ba giá trị thương mại song phương hàng năm, từ gần 30 tỉ USD lên 100 tỉ USD, kể từ năm 2020. Đã có thời điểm, ông Putin khen ông Erdogan là “người đàn ông mạnh mẽ”, sẵn sàng thách thức phương Tây. Thế nhưng, vụ bắn rơi máy bay Nga đã thay đổi tất cả. Giờ đây, mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ khó lòng được giải quyết được nếu không có trung gian hòa giải.

Nguy cơ “rớt đài”

Trong khi Tổng thống Erdogan đang vấp phải sự phản đối của khá nhiều chính khách trong nước sau những phát ngôn và hành động khoét sâu mâu thuẫn với Nga, thì ông lại phải đón nhận thêm một cú sốc mới: tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ phát lệnh truy tìm tung tích con trai Bilal Erdogan. Được biết, doanh nhân Bilal Erdogan hiện đang là đích ngắm của truyền thông thế giới với những cáo buộc lũng đoạn thị trường dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, hay bắt tay với tổ chức khủng bố IS để buôn lậu dầu. Một nguồn tin thân cận cho hay, Bilal Erdogan đã có ý định sẽ trốn tội bằng cách xin định cư ở Italia, nơi anh ta đang làm thủ tục để học tiếp lên tiến sĩ.

Bilal Erdogan đang bị cáo buộc lũng đoạn thị trường dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, hay bắt tay với tổ chức khủng bố IS để buôn lậu dầu.

Ngay sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ, có thông tin cho rằng ông Recep Tayyip Erdogan che giấu sự thực con trai có liên quan trực tiếp. Trên thực tế, Bilal Erdogan kiểm soát các nguồn dầu mỏ trong nước (nơi đang xảy ra các cuộc chiến dầu mỏ vô cùng khốc liệt), chỉ huy hoạt động buôn lậu dầu mỏ giá rẻ do IS sản xuất và tiêu thụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Hơn nữa, anh này cũng được cho là có liên quan đến hoạt động cung cấp vũ khí cho nhóm vũ trang đối lập Syria Turkmen (người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được Ankara hậu thuẫn để lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đánh lại tổ chức dân quân người Kurd). Nhiều nguồn tin cho rằng rất có thể con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau vụ việc Ankara bắn hạ máy bay Nga, bởi Moscow đã không kích phá hủy các cơ sở chế xuất và các đoàn xe của IS chở dầu cho Bilal Erdogan.

Với một người khá có tiếng tăm như Bilal Erdogan, nhân vật này sẽ khó mà trốn tránh được sự truy lùng của cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, nếu anh ta bỏ trốn, không chịu về hầu tòa phục vụ công tác điều tra và xét xử của tòa án thì đương nhiên thừa nhận có tội, khiến uy tín của người cha Recep Tayyip Erdogan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Muốn định tội của Bilal Erdogan thì dễ, vấn đề chỉ là quyết tâm của các cơ quan pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ đến mức độ nào. Bởi lẽ, ông Erdogan vẫn đang nắm quyền và có thể sẽ ngăn chặn quá trình điều tra hoặc can thiệp làm giảm nhẹ tội cho con trai. Mới đây, ông Erdogan còn thách thức truyền thông chứng minh được con trai ông buôn chợ đen dầu thô, khi nhiều nguồn tin miêu tả chính quyền của ông “lừa lọc, không biết kiềm chế”, và “sống nhờ vào dầu giá rẻ của lũ cực đoan tàn bạo”. 

Một số ý kiến cho rằng việc ông Recep Tayyip Erdogan dính phải hàng loạt “sao quả tạ” trong cùng thời điểm có vẻ bất thường. Không phải bỗng dưng mà đúng lúc mâu thuẫn với Nga đang lên đến cực điểm, ông Erdogan đã có nhiều lời nói khiến Moscow nổi giận mà tòa án nước này lại phát lệnh truy tìm con trai về hầu tòa, đúng vào lúc “nước sôi lửa bỏng” nhất. Hoàn toàn có khả năng, một thế lực nào đó muốn ông Edorrgan bị hạ bệ, thay bằng một chính khác khác mềm mỏng hơn để dàn hòa với Nga, tiếp tục tiến trình xây dựng một hội đồng chuyển tiếp ở Syria, bảo đảm an toàn và chỗ đứng cho các nhóm “đối lập ôn hòa” do Mỹ hậu thuẫn.

Với quan điểm rất cực đoan của mình, ông Erdogan đã gây ra mâu thuẫn trầm trọng với Nga khiến Moscow trở nên cứng rắn và có thể hối thúc Syria ra những quyết định bất lợi với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời tiêu diệt sạch các nhóm đối lập ôn hòa ở Syria. Thế nên, rất có khả năng Tổng thống Erdogan sẽ mất chức hay chí ít cũng phải từ chức, để Nga “nguôi ngoai” cơn giận. Theo quan điểm này, tình hình chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới sẽ có nhiều biến động lớn khó dự đoán...

Hồng Hạnh
.
.