Kênh đào Suez và những ẩn dụ lịch sử

Thứ Năm, 15/04/2021, 08:31
Một con tàu do Nhật Bản sở hữu, được vận hành từ Đài Loan, đăng ký giấy phép ở Panama, do một công ty Đức chịu trách nhiệm về máy móc, vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đại lục sang một cảng ở Hà Lan, rồi bị mắc kẹt trong một kênh đào thuộc chủ quyền Ai Cập. Bạn thấy gì trong sự cố siêu tàu Ever Given kẹt tại kênh đào Suez, siêu tàu nằm trong top 1% những con tàu lớn nhất thế giới, dài 400 mét, rộng 59 mét, mà nếu dựng thẳng lên thì cao hơn cả tháp Eiffel?


Danh hài Jimmy Kimmel liên tưởng nó tới một cơn tắc nghẽn động mạch gây ra cơn đau tim cho chủ nghĩa tư bản. Một liên tưởng không thể xác đáng hơn. Ever Given mắc kẹt nhưng đó không chỉ là chuyện của riêng nó. Gần 400 tàu khác muốn qua Suez cũng mắc kẹt theo, khiến 9,6 tỉ USD giá trị thương mại bị đình trệ.

Rõ ràng là không có tàu nào bị đắm cả và hàng hóa thì sớm muộn cũng sẽ đến nơi nhưng chúng đến chậm. Chậm, đó là cách mà chủ nghĩa tư bản đã thay đổi khái niệm của con người về thời gian. Nếu bạn hỏi ai đó sống ở thế kỷ 17 về thời gian biểu thì họ sẽ ú ớ không biết bạn đang hỏi về vấn đề quái quỷ gì. Đến thể kỷ 18, người ta mới phát minh ra thời gian biểu để quản lý giờ tàu hỏa chạy. Nhưng, phải đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà công nghiệp mới có tư duy phải tối ưu nó và đưa nó vào kinh tế như chỉ số đo tính hiệu quả. Tức là, chỉ khi xuất hiện các nhà tư bản thì câu thành ngữ “thời gian là tiền bạc” mới ra đời.

Hình ảnh chiếc máy ủi bé nhỏ đến đáng thương đang giải cứu siêu tàu Ever Given trở thành hiện tượng ảnh chế trên mạng xã hội trong nhiều ngày qua.

Không chỉ có thế. Tàu Ever Given bị mắc kẹt 6 ngày ở kênh đào Suez, Ai Cập, khiến nước này thiệt hại 12-14 triệu USD mỗi ngày. 6 ngày dường như là khoảng thời gian rất đặc biệt với người Ai Cập. Năm 1967, quân đội Israel cũng đổ bộ sang Ai Cập thực hiện một cuộc chiến tranh 6 ngày đánh bại liên quân Ảrập và kết quả là Israel khi ấy giành quyền kiểm soát Dải Gaza, phía Đông Jerusale, bán đảo Sinai, bờ Tây và cao nguyên Golan.

Để trả đũa, Ai Cập đóng cửa kênh đào Suez, mãi đến năm 1975 mới mở cửa trở lại. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đó như một dấu chỉ rằng, nếu ta nhìn kỹ hơn thì câu chuyện về sự cố ở Suez biết đâu còn gợi ý nhiều điều nữa.

Và, đúng thế. Ngay từ khi ra đời, Suez luôn là một tấm gương soi thế giới, thậm chí, nếu muốn, ta có thể nhìn rất rõ nhiều chặng đường của lịch sử nhân loại trong khoảng 150 năm qua, chỉ qua lăng kính Suez: từ chủ nghĩa thực dân ở châu Phi, tới Chiến tranh Lạnh và sau đó là thời kỳ toàn cầu hóa.

Giữa thế kỷ 19, một nhà ngoại giao người Pháp đề xuất đầu tư cho Ai Cập xây dựng một kênh đào nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và sự ra đời của tuyến đường huyết mạch ấy cũng là mở đầu cho một chương đen tối của châu Phi, khi lục địa đen bắt đầu bị châu Âu xâu xé. Ngay trước khi Suez khánh thành, Khedive (Phó vương) của Ai Cập vỡ nợ và buộc phải bán một phần quyền sở hữu kênh đào Suez cho nước Anh - thế là một cuộc tranh giành thuộc địa nổ ra giữa Anh và Pháp, đỉnh điểm là sự kiện Fashoda, nơi người Anh giành được Ai Cập còn Pháp chỉ giữ Morocco. Vậy là, ngay từ đầu, kênh đào ấy đã là ẩn dụ cho một sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực.

Tuy nhiên, tình hình chính trị rắc rối ở Ai Cập khiến báo chí Anh đặt ra thuật ngữ “câu hỏi Ai Cập” như một cách thể hiện mối hoài nghi và sợ hãi rằng việc chiếm đóng kênh đào Suez sẽ gây ra những mối họa lâu dài. Một điều ít được nhắc tới, đó là sự hình thành kênh đào Suez đã dẫn đến sự hình thành một trào lưu văn học gothic kể về những thế lực siêu nhiên của nền văn minh Ai Cập cổ đang trỗi dậy để tiêu diệt kẻ thù. Ngay cả ngài Arthur Conan Doyle, tác giả của bộ sách bất tử về Sherlock Holmes, cũng không thể đứng ngoài trào lưu ấy và ông có truyện ngắn “Lot No.249” xoay quanh một nhà Ai Cập học đem rất nhiều cổ vật về Anh nên bị đám xác ướp trả thù.

Và, câu chuyện về những lời nguyền cổ xưa này “có thể được đọc như một biểu tượng về cả khao khát quyền lực nắm giữ hoàn toàn kênh đào Suez và nỗi lo lắng sẽ bị mất đi nó”, như học giả Ailise Bulfin ở Trinity College đã viết trong một tiểu luận.

Đó là giữa thế kỷ 19. Còn đến giữa thế kỷ 20, lúc này mọi thứ đã thay đổi sau 2 cuộc chiến tranh thế giới. Chủ nghĩa thực dân đang đi tới những chương kết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa và một bối cảnh mới được hình thành: Chiến tranh Lạnh. Võ đài lịch sử lúc này thuộc về hai cường quốc Liên Xô và Mỹ, một cuộc đấu mà giáo sư ngành quan hệ đối ngoại Michael Mandelbaum của Đại học Hopkins đã ví như một cuộc đấu sumo, trong đó hai anh béo múa may lễ bái và giậm chân huỳnh huỵch nhưng rất ít khi thực sự chạm vào nhau. Với giá trị vô song, kênh đào Suez đương nhiên không thể thiếu một vai trên võ đài sumo này.

Không quân Anh chuẩn bị tấn công Ai Cập trong sự kiện khủng hoảng Suez năm 1956.

Ngày 29-10-1956, liên quân Anh - Pháp - Israel tấn công Ai Cập sau quyết định của nước này là sẽ quốc hữu hóa kênh đào Suez, mở đầu cho “Cuộc khủng hoảng Suez”. Và, như mọi sự kiện trên thế giới vào thời điểm đó, nó thực ra vẫn là vấn đề giữa Mỹ và Liên Xô, dù họ có thể không “chường mặt” xuất hiện trực tiếp. Tại sao Chính phủ Ai Cập muốn quốc hữu hóa Suez? Nó là để đáp trả việc Mỹ không muốn hỗ trợ kinh phí xây dựng đập Aswan trên sông Nile. Và ai sẵn sàng cho Ai Cập vay 1,12 tỷ USD để thực hiện dự án này? Còn ai khác ngoài Liên Xô.

Tuy nhiên, điều còn thú vị hơn thế là Mỹ thì không muốn tấn công Ai Cập. Vì thế, chính phủ của Tổng thống Eisenhower đã gây áp lực bắt các nước đồng minh phải rời khỏi đây, trong đó với riêng nước Anh, Eisenhower đe dọa sẽ bán trái phiếu bằng đồng bảng, điều sẽ gây thiệt hại không thể đo đếm cho tài chính Anh. Sợ hãi, nước Anh rút quân và chịu một phen muối mặt ê chề. Các sử gia ngày nay đều kết luận cuộc khủng hoảng Suez "đánh dấu sự chấm dứt vai trò của Vương quốc Anh như một trong những cường quốc lớn trên thế giới" và sự lụi tàn của những đế chế cũ như Anh hay Pháp chỉ khiến cấu trúc quyền lực phân đôi giữa Mỹ và Liên Xô trở nên vững chắc hơn.

Rồi sau vài chục năm, khi những bức tường đổ sụp, Chiến tranh Lạnh cuối cùng cũng trôi vào dĩ vãng. Thứ đã đánh bại nó, thay thế nó, chính là toàn cầu hóa, theo tác giả Thomas L.Friedman trong cuốn “Chiếc Lexus và câu ô liu”. Cuốn sách nổi tiếng của Friedman xuất bản lần đầu năm 1999 nhưng đến hiện tại, nó vẫn chính xác. Chúng ta vẫn đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, thậm chí toàn cầu hóa ngày càng hiển hiện rõ ràng hơn trong từng ngóc ngách đời sống.

Và, đúng lúc khi cấu trúc quyền lực mới đang đi vào vận hành trơn tru thì xảy ra vụ mắc kẹt của tàu Ever Given ở kênh đào Suez, hé lộ cho chúng ta thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuốn sách của mình, Friedman có một nhận định rằng: “Những mối đe dọa lớn nhất vào toàn cầu hóa bắt nguồn từ chính bản thân nó. Hệ thống này mang trong mình tiềm năng để tự phá hủy bản thân”. Trong số những “tiềm năng tự phá hủy” mà Friedman đề cập, có một tiềm năng đến từ “sự kết nối quá chặt chẽ”.

Chỉ một con tàu nhưng ảnh hưởng tới hơn 13% hàng hóa đi lại qua đường biển. Chỉ một con tàu, có thể làm thiệt hại tổng cộng khoảng 400 triệu USD mỗi giờ và 10 tỷ USD mỗi ngày. Và, không quốc gia nào có thể nói sự cố này không gây ảnh hưởng gì tới mình, chỉ là sự ảnh hưởng sẽ đến ngay hay đến muộn hơn một chút. Đó là một sự cố không ai từng nghĩ có thể xảy ra nhưng nó vẫn xảy ra. Và, cả thế giới có thể chịu trận chỉ vì sơ suất của một nhúm người. Điểm yếu của toàn cầu hóa nằm ở chỗ đó. Và lần này, liệu kênh đào Suez có lại là điềm báo cho một sự thay đổi cấu trúc trên thế giới hay không? Một số chuyên gia cho rằng, rất có thể, sự cố Suez sẽ thúc đẩy mạnh sự vận chuyển tri thức và công nghệ, thay vì vận chuyển hàng hóa vật lý. Chúng ta cùng chờ xem.

Nhưng, cũng không loại trừ khả năng này, một khả năng được dân Ai Cập kháo nhau trong những ngày qua. Số là trước khi Ever Given bị mắc kẹt, Ai Cập đang cho di chuyển 22 xác ướp tới bảo tàng mới và vì “động mồ động mả” nên xác ướp của các Pharaoh đang ếm lời nguyền gây ra vận xui cho thế giới. Nghe có vẻ vớ vẩn nhưng không nên hiểu những nỗi sợ theo nghĩa đen. Thực ra, lời nguyền của các Pharaon chính là “cây ô liu” mà Friedman mô tả: nó là biểu tượng của quá khứ, của bản sắc, của truyền thống, thứ đang phải vật lộn với “chiếc lexus” - tức là sự phát triển, sự hòa nhập, sự công nghiệp hóa, điều được đại diện bởi siêu tàu Ever Given hiện đại.

Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn rằng, toàn cầu hóa có một số trục trặc, dù nhỏ thôi nhưng nếu không được sửa chữa kịp thời thì có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn. Dù sao thì, xưa nay những thay đổi khủng khiếp trong lịch sử đều bắt đầu từ sự long ra của những con ốc vít.

Hiền Trang
.
.